Áo bà ba

(Đổi hướng từ Áo cánh)

Áo bà ba là một loại trang phục phổ biến ở các miền quê miền Nam Việt Nam. Áo bà ba còn có tên gọi khác là áo Cánh.

Một ông bác mặc áo bà ba ở miền Tây

Lịch sử

Một số giả thiết về sự ra đời của áo bà ba cho rằng:

  • Chiếc áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Penang (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt.

Tuy nhiên trong Từ điển Pháp Việt[1] của Trương Vĩnh Ký, tác giả không hề nhắc đến “áo bà ba”.

Theo nhà văn Sơn Nam trong cuốn Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam, trang 24:

Thực tế không có sắc tộc nào được gọi là người Bà Ba với nghĩa “người Mã Lai lai Trung Hoa”. Trên thực tế, chỉ có người Peranakan (Trong tiếng Malaysia và Indonesia, chữ Peranakan đều có nghĩa đen là “hậu duệ”. Khái niệm người Peranakan có nghĩa là “hậu duệ của những người Trung Quốc đến định cư ở những vùng thuộc địa của Anh quốc ở Đông Nam Á.”), thường được gọi là Peranakan Chinese hay Baba-Nyonya, là hậu duệ của những người Trung Quốc nhập cư vào Malaysia từ thế kỷ 15 đến 17.

Từ ghép “Baba-Nyonya” cũng không phải dùng để chỉ người Bà Ba. Đây là từ dùng để gọi chung cho người Peranakan trong tiếng Malaysia (và cả tiếng Indonesia). “Baba” dùng để chỉ “đàn ông” còn Nyonya dùng để gọi “phụ nữ” ở đảo Penang thời Malaysia còn là thuộc địa của Anh quốc.

Ở Malaysia, phụ nữ Peranakan có loại áo cánh khá giống với áo bà ba, gọi là kebaya. Ở Indonesia, người Peranakan cũng có loại áo gần giống với áo bà ba, gọi là kebaya encim (encim có nghĩa là “phụ nữ” trong tiếng Indonesia).

Tóm lại, trong những thế kỷ trước, áo bà ba đã xuất hiện tại Việt Nam. Thông qua việc buôn bán, người Việt Nam có thể đã giao lưu văn hóa với người Peranakan, cách tân kiểu áo của họ để có được "áo bà ba" như ngày nay.

Áo bà ba thế kỷ 18 - 19

Một cô gái trong bộ áo bà ba
Triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội

Đối với tầng lớp nhà quan lại, ngoài cách mặc áo ngũ thân trắng lót thì Áo sam trắng thường được nữ giới Nam Bộ mặc lót trong áo ngũ thân (lập lĩnh) làm tiện phục, bên dưới xỏ hài, đội nón gụ, đeo kim xuyến, vòng cổ. Áo sam có nút buộc phía trong không lộ ra ngoài.

Khi chưa có thuốc nhuộm hóa học, muốn nhuộm màu đen, màu nâu cho áo bà ba, người dân thường dùng lá bàng, vỏ trâm bầu, vỏ cây dà, cây cóc, vỏ sú vẹt hoặc trái dưa nưa… nhuộm rồi phủ bùn để chống trôi màu.

Khi có vải nhập cảng, thì lại dùng vải ú, vải sơn đầm, vải chéo go đen được sử dụng rộng rãi, vì tính tiện dụng, tối màu phù hợp với điều kiện lao động, đi lại nơi sông rạch, bùn lầy, dễ giặt và chóng khô.

Thế kỷ 20, nữ giới mặc thêm áo túi trong (áo sam không có túi), một loại áo giống như áo sam nhưng ngắn tay dùng làm áo lót, thân áo cũng ngắn hơn và không xẻ nách, may hai túi to ở hai bên để cất món đồ vặt. Đôi khi ở nhà đàn bà cũng dùng mỗi áo túi mà không bận áo bà ba bên ngoài.

Đàn ông thì mặc áo lá tương đương với áo túi của đàn bà, kích thước càng ngắn nữa, không có tay nên hở nách, hai bên bụng cũng may hai túi. Bên ngoài mặc áo bà ba. Áo túi và áo lá từ thập niên 1950 trở đi lùi dần, không còn dùng làm áo lót nữa.[2]

Áo bà ba hiện đại

Nút áo bà ba cũng đa dạng và biến đổi theo mỗi giai đoạn. Trước đây, người ta thường sử dụng kiểu nút áo truyền thống là nút bấm. Nhưng bây giờ, các loại nút đã được sáng tạo thêm nhiều mẫu mã làm tôn thêm điểm nhấn cho phần thân áo.

Trải qua thời gian, chiếc áo bà ba đã nhiều lần được cách tân cho phù hợp với sự vận động của cơ thể người mặc cũng như sự thay đổi về tư duy thời trang. Chiếc áo bà ba truyền thống được các nhà thời trang cải tiến, vừa dân tộc, vừa đẹp và hiện đại hơn.

Áo bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa mà được nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu cổ lá sen, cánh én, đan tôn..., được tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài.

Các kiểu ráp tay cũng được cải tiến. Từ kiểu may áo cánh xưa liền thân với tay, người ta nghĩ tới cách ráp tay rời ở bờ tay áo.

Vào thập niên 1970, các tỉnh, thành phía Nam phổ biến kiểu ráp tay raglan, đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo bà ba truyền thống. Hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách.

Áo bà ba vai raglan được may rất khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn, hơi loe, hai túi ở vạt trước được bỏ đi để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn.[3]

Trong âm nhạc

  • Bài hát "Chiếc áo bà ba" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
  • Bài hát "Thương áo bà ba" của ca sĩ Đình Văn.
  • Bài hát "Duyên dáng áo bà ba" của nhạc sĩ Hồ Hoàng.
  • Bài hát Tân cổ "Duyên dáng áo bà ba" của nhạc sĩ Lê Nghiệp, lời cổ Ngọc Thảo.

Xem thêm

Tham khảo

Liên kết ngoài