Đạo quan binh

Đạo quan binh (tiếng Pháp: territoire militaire) là một đơn vị cai trị hành chính - quân sự đặc biệt nhằm bảo vệ sự thống trị của Pháp tại các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc.

Chế độ Tài phán quân sự vùng biên giới

Sau các hiệp ước bất bình đẳng, thực dân Pháp nắm được toàn quyền cai trị thực tế với lãnh thổ Đại Nam. Ở mỗi Kỳ, thực dân Pháp tổ chức các chính quyền cai trị khác nhau. Đối với Bắc Kỳ, thực dân Pháp thực hiện chế độ bảo hộ trên danh nghĩa, trực trị trên thực tế. Tuy nhiên, đối với các vùng biên giới, nơi mà quyền lực tự trị của các thổ ty vẫn ưu thế và quyền lực của triều đình Đại Nam vẫn còn lỏng lẻo, thực dân Pháp xây dựng chế độ cai trị quân sự bổ sung cho dân sự, nhằm để đối phó với các cuộc nổi dậy của nghĩa quân địa phương và ra oai với các thế lực bên kia biên giới. Từ 1886-1888, bên cạnh việc thành lập các chính quyền dân sự cấp tỉnh, để các hoạt động quân sự được độc lập hơn nữa và không bị lệ thuộc vào viên Công sứ dân sự, thực dân Pháp còn tổ chức các đạo binh tại địa phương, thực hiện chế độ tài phán quân sự (Soumis à la Juridiection Militaire), thành lập 14 quân khu (région militaire) từ Thanh Hóa trở ra. Mỗi quân khu do một sĩ quan cấp trung tá hoặc đại tá trực tiếp chỉ huy. Dưới cấp quân khu là các Tiểu quân khu (cercle militaire) và các đồn binh đồn binh độc lập tại các điểm trọng yếu. Thông thường ở các tỉnh tương ứng, viên sĩ quan chỉ huy đạo quân ở đó cũng kiêm nhiệm chức vụ Phó Công sứ quân sự (Vice résident militaire).

Thành lập các đạo quan binh

Tuy nhiên, việc tổ chức các quân khu tỏ ra không hiệu quả, vì vậy ngày 6 tháng 8 năm 1891, Toàn quyền Đông Dương De Lanessan ra nghị định bãi bỏ các quân khu và thay vào đó bằng các đạo quan binh do một sĩ quan cao cấp người Pháp làm tư lệnh với đầy đủ quyền quân sự và dân sự. Về quyền quân sự, chỉ chịu sự chỉ đạo tối cao của Tổng tư lệnh lực lượng quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Về quyền dân sự, ngang với Thống sứ Bắc Kỳ và chịu sự chỉ đạo tối cao của Toàn quyền Đông Dương. Mỗi Đạo quan binh lại được chia ra thành nhiều Tiểu quân khu. Đứng đầu Tiểu quân khu là một sĩ quan có quyền hành tương đương như Công sứ đầu tỉnh dân sự.

Ngày 20 tháng 8 năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập ở Bắc Kỳ 4 đạo quan binh:

  1. Đạo quan binh I (Phả Lại), đạo lỵ là Phả Lại. Địa bàn gồm 3 tiểu quân khu: Phả Lại, Thái Nguyên, Móng Cái.
  2. Đạo quan binh II (Lạng Sơn), đạo lỵ là Lạng Sơn với 3 tiểu quân khu: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang.
  3. Đạo quan binh III (Yên Bái), đạo lỵ đặt ở Yên Bái với 3 tiểu quân khu: Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang.
  4. Đạo quan binh IV (Sơn La), đạo lỵ đặt ở Sơn La, địa bàn gồm địa hạt Sơn La và một số tổng tách từ Hưng Hóa sang.

Một nghị định khác được ban hành cùng ngày đã quy định về việc thiết lập các Tiểu quân khu (cercle), quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu về tổ chức nhân sự, lực lượng của các Tiểu quân khu trong các Đạo quan binh. Chỉ huy Tiểu quân khu là một sĩ quan cao cấp, được trao các quyền hạn như Công sứ, phó Công sứ và trực tiếp quản lý hành chính Tiểu quân khu; Chỉ huy Tiểu quân khu do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm theo đề nghị của Tướng Tổng chỉ huy tối cao quân đội Pháp ở Đông Dương.[1]

Như vậy, về tổ chức hành chính, mỗi đạo quan binh được coi như ngang với cấp tỉnh, được phân chia thành các đơn vị hành chính tới cấp tổng, xã, có hội đồng tương đương hội đồng tỉnh và có ngân sách riêng. Căn cứ vào tình hình chiến sự và yêu cầu quản lý điều hành, các đạo quan binh luôn có sự thay đổi, nhưng về cơ bản vẫn là những tổ chức đặc trách quân sự nhằm đàn áp các phong trào đấu tranh vũ trang của người Việt chống lại sự cai trị của thực dân Pháp. Ở những nơi phong trào đấu tranh của người Việt lên cao, chính quyền thực dân sẽ cho sáp nhập vùng đó vào các đạo quan binh. Nơi nào phong trào tạm thời lắng xuống, sẽ lại chuyển trả về quyền quản lý của giới dân sự.

Với tổ chức đạo quan binh, thực dân Pháp nhắm đến tính chủ động, cơ động, linh hoạt cho sự chỉ huy quân sự, đàn áp phong trào đấu tranh của người Việt. Bên cạnh đó, thực dân Pháp cũng đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng quân sự bản xứ, đặc biệt là lực lượng lính khố xanh, chuyên trách việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa, phục vụ ở các đạo quan binh, canh gác nhà tù ở phủ, huyện, châu...

Thay đổi phân cấp

Từ năm 1900, sự áp lực phản kháng của người bản xứ có phần lắng xuống, chính quyền thực dân tách dần một số vùng thuộc quản hạt của các đạo quan binh để thành lập chính quyền dân sự hàng tỉnh như năm 1905, tỉnh Lạng Sơn được tái lập, tách khỏi đạo quan binh số 1 để lập chính quyền dân sự. Cũng trong đó, vùng Móng Cái trả lại cho tỉnh Quảng Yên. Vì vậy, từ ngày 1 tháng 1 năm 1906, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định: "các Đạo quan binh 2, 3 và 4 được đặt lại, về phương diện tài chính dưới quyền của Thống sứ Bắc Kỳ và được cai trị theo luật lệ hiện hành tại các tỉnh dân sự. Việc cai trị các Đạo quan binh 2, 3 và 4 vẫn đặt dưới quyền một sĩ quan cao cấp cấp đại tá hoặc trung tá. Mỗi đạo quan binh được phân thành 2 hạt. Việc chia thành khu vực bị bãi bỏ".

Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 16 tháng 4 năm 1908 xác nhận chính thức, đạo quan binh được coi tương đương cấp tỉnh, có quyền hành chính, tư pháp ngang với công sứ các tỉnh dân sự Bắc Kỳ. Tổ chức của các đạo quan binh chia thành các đơn vị hành chính và tư pháp ngang với công sứ các tỉnh dân sự. Về quân sự, các đạo quan binh chịu sự chỉ đạo của Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ. Đạo quan binh cũng chia thành các đơn vị hành chính như các tỉnh dân sự.[2]

Đầu thập niên 1910, phong trào phản kháng của dân bản xứ bùng nổ trở lại, ngày 16 tháng 1 năm 1915, tỉnh Lai Châu, vốn được thành lập năm 1909, được chuyển sang chế độ quân sự thuộc quản hạt của Đạo quan binh 4. Đến ngày 21 tháng 1 năm 1915, Toàn quyền Đông Dương đã ra quyết định điều chỉnh địa giới cai quản và chỉ huy sở của các đạo quan binh. Theo đó:

  1. Đạo quan binh I (Hải Ninh), thủ phủ đặt tại Móng Cái.
  2. Đạo quan binh II (Cao Bằng), thủ phủ đặt tại Cao Bằng
  3. Đạo quan binh III (Hà Giang), thủ phủ đặt tại Hà Giang
  4. Đạo quan binh IV (Lai Châu), thủ phủ đặt tại Lai Châu

Tổ chức đạo quan binh tại vùng biên giới phía Bắc của chính quyền thực dân Pháp tại Bắc Kỳ tồn tại cho đến khi Nhật đảo chính lật đổ Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945 thì tan rã hoàn toàn.

Chú thích

Tham khảo