Đền Đươi

Đền Đươi tạo lạc tại thôn Cẩm Cầu, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, thờ Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan, là một ngôi đền cổ được xây dựng từ thời nhà Lý vào thế kỷ thứ XI, được mệnh danh là một trong những “danh lam Cổ Tự” trên đất Hải Dương. Đây là khu di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia (xếp hạng năm 1991)[1], là công trình văn hoá nghệ thuật mang đậm kiến trúc Á Đông. Trải qua gần một nghìn năm tồn tại, qua những thăng trầm của thời cuộc, ảnh hưởng của thiên nhiên cũng như những biến động của thời gian và chiến tranh tàn phá, Đền Đươi vẫn bảo tồn khá nguyên vẹn những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, khắc hoạ và phản ánh sinh động chiều sâu văn hóa của quê hương Thống Nhất.

Nguồn gốc

Đền Đươi có tên chữ là Quỳnh Hoa từ, ở làng Cẩm Cầu, tên Nôm là làng Đươi, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, thờ nguyên phi Ỷ Lan, được xây dựng từ thời Lý. Tương truyền đền Đươi xã Thống Nhất huyện Gia Lộc được xây dựng từ thời Nhà Lý ngay từ khi Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan còn sống. Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ học tại khu di tích khẳng định, di tích đã được khởi dựng từ thời Lý. Trải qua các cuộc chiến tranh binh lửa và sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều công trình được xây dựng tử thời Lý không còn. Các công trình còn lại đến ngày nay có niên đại thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) bao gồm toà tiền tế, toà trung từ, toà hậu cung và hai dãy giải vũ nối toà tiền tế và toà trung từ. Trên thực tế qua khảo sát và nghiên cứu hiện ở đây còn khá nhiều gạch thời Trần song di tích hiện tại thì mới được trùng tu vào thời Lê.

Theo truyền thuyết trước đây Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan đi thị sát tình hình đất nước, thuyền của bà ghé vào đây, thấy cảnh đẹp bà đã cho sắc chỉ và tiền bạc để nhân dân Cẩm Cầu, Cẩm Đới xây dựng đền, chùa.Để ghi nhớ công ơn của Vương mẫu, nhân dân Cẩm Cầu, Cẩm Đới đã xây dựng đền, chùa để tôn thờ bà. Từ đó đến nay trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền hiện nay vẫn còn để đón nhân dân trong xã và khách thập phương đến chiêm ngưỡng và tưởng nhớ công ơn của mình với Vương mẫu Ỷ Lan - Người đã đem tâm sức cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước. Với công lao to lớn đó nên các triều đại sau này đều có sắc phong về đền Đươi để nhân dân địa phương được tôn thờ và học tập Bà. Từ đó đến nay trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền hiện nay vẫn còn để đón nhân dân trong xã và khách thập phương đến chiêm ngưỡng và tưởng nhớ công ơn của mình với Vương mẫu Ỷ Lan - Người đã đem tâm sức cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước. Với công lao to lớn đó nên các triều đại sau này đều có sắc phong về đền Đươi để nhân dân địa phương được tôn thờ và học tập Bà.

Truyền thuyết về Hoàng Thái Hậu Nguyên Phi Ỷ Lan

Ỷ Lan (7/3/1044 – 24/8/1117), hay còn gọi là Linh Nhân Hoàng thái hậu (cũng có nguồn cho rằng bà có tên là Lê Thị Yến hay Lê Khiết. Tuy nhiên, bà được biết nhiều hơn qua cái tên Ỷ Lan tên trong tước phong, và có nghĩa là "tựa vào cây lan"), bà là phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam.

Theo truyền thuyết, Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) tại hương Thổ Lỗi (sau đổi là Siêu Loại. Đời Nguyễn thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nay thuộc làng Phú Thị (Tục gọi là làng Sủi), xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đến năm Ỷ Lan 12 tuổi, thì mẹ ốm mất; cha lấy mẹ kế họ Đồng, nhưng ít lâu sau ông cũng qua đời. Kể từ đó, bà chung sống với người mẹ kế, và hai người rất thương quý nhau.Bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, khiến đất nước dưới triều Lý được hưng thịnh, những đóng góp cho hoàng triều Lý nhất là về Phật giáo và tài năng trị nước của bà đều được sử gia khen ngợi và tán dương.

Theo truyện thơ trên, thì đó là năm Giáp Thìn (1064), khi vua Lý Thánh Tông đến chùa Thổ Lỗi cầu tự và mở hội tuyển cung nữ. Song có nguồn cho rằng đó là vào mùa xuân năm 1063, khi vua đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), qua hương Thổ lỗi, ngài vén rèm nhìn ra, thấy từ xa có người con gái tựa vào cây lan và cất tiếng hát trong trẻo...Sau khi đưa người con gái ấy vào cung...Lê thị vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân (倚蘭夫人), nơi ở là Du Thiền các (逰蟾閣). Ỷ Lan nghĩa là tựa vào gốc lan, Thánh Tông ban phong hiệu này làm lấy làm kỷ niệm của việc gặp gỡ năm xưa.

Bên cạnh công lao ổn định và phát triển đất nước, bà Ỷ Lan còn có hai việc nổi bật đã được sử cũ biên chép, đó là việc "chuộc người" (năm 1103) và việc "đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi" (năm 1117) như đã kể trên. Việc thứ nhất, được sử thần Ngô Sĩ Liên khen là: "Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm chân chính vậy". Còn việc thứ hai khiến nhiều người dân càng kính trọng và biết ơn bà, bởi "con trâu là đầu cơ nghiệp".

Năm 1117, Thái hậu qua đời, thọ khoảng 73 tuổi, thụy hiệu của bà là Linh Nhân hoàng hậu (靈仁皇后). Sau đó, triều đình làm lễ hỏa táng, có ba người hầu gái được chôn theo. Mùa thu, tháng 8, cùng năm ấy, chôn Linh Nhân hoàng hậu ở Thọ lăng, thuộc phủ Thiên Đức (nay là đất huyện Tiên Sơn, thuộc Bắc Ninh).

Kiến trúc

Ngôi đình hiện nay có bố cục hình chữ quốc 国, được trùng tu cuối thế kỷ XVII. Hậu cung có khám thờ tượng nguyên phi Ỷ Lan, tư thế ngồi, cao 60 cm, nét mặt phúc hậu. Đền còn giữ 4 bộ kiệu, 1 long đình, 4 ngai thờ, 1 bộ bát bửu, 2 câu đối, 1 bát hương đồng, 2 nghê đá thế kỷ XVII. Khi khai quật khảo cổ học, tại đây còn phát hiện một số gạch hoa thời Lý. Cạnh đền là chùa Bảo Đới.

Toà tiền tế gồm 3 gian, 2 dĩ dài 17 m, rộng 8,1m, có kiến trúc kiểu chữ nhất, với 4 vì kèo chính và 2 dãy cột quân của 2 gian, là một công trình thời Hậu Lê khá tiêu biểu với hệ thống cột thấp và các bức chạm tinh xảo. Mỗi vì kèo chính đều có bảy tiền, bảy hậu, cột quân, xà nách, các con thuận một khoảng, hai khoảng, ba khoảng. Các cột cái thấp, đường kính khá lớn khoảng 40 cm. Các câu đầu trụ, các con vành, đấu nóc đều được chế tác đẹp, chắc khoẻ, mang tính nghệ thuật cao. Tại các vì kèo gian trung tâm có một số bức chạm "long quần" nghệ thuật. Tại các góc đao dĩ, hệ thống kẻ góc, xà đùi, chắn mái, các lá đề ở đầu đao, hệ thống xà hạ, xà thượng, tầu lá mái, hoành, rui bằng gỗ tứ thiết có chất lượng tốt. Móng xây bằng gạch Bát Tràng, tường xây bằng gạch chỉ mỏng, mái lợp ngói mũi, 4 đầu đao có phù điêu rồng chầu, phượng mớm, bờ chảy có đắp những con sô, con trối, trên bờ nóc có phù điêu "lưỡng long chầu nguyệt" khá sinh động.

Qua khoảng sân hẹp là toà trung từ dài 17 m, rộng 5,1 m, tại đây có 4 vì kèo kết cấu kiểu con chồng đấu sen, tạo thành 5 gian rộng, 2 gian đầu hồi không có vì kèo chỉ có hệ thống xà và hoành gác tường. Các chi tiết mộc của toà trung từ có độ lớn trung bình, kỹ thuật chế tác chủ yếu là bào trơn, đóng bén, các chi tiết được lắp khít vào nhau bởi hệ thống mang mộng bén sát. Móng và tường xây bằng gạch chỉ chắc chắn theo kiểu thu hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi.

Nối liền gian thứ nhất và gian thứ 5 là 2 dãy giải vũ phía bắc và phía nam, mỗi dãy dài 6,4 m, rộng 1,65 m, kiến trúc của 2 dãy giải vũ khá đơn giản là kèo cầu chúa báng, cột thấp, mái lợp ngói mũi, hai dãy giải vũ nối hai toà nhà tạo thành một không gian khép kín, khoảng sân giữa được đặt những chậu cảnh khá đẹp.

Toà hậu cung đền có 3 gian, trong đó có một gian cung cấm, mặt trước gian cung cấm có bộ ván bưng chạm "lưỡng long chầu nguyệt" khá sinh động. Kiến trúc của toà nhà này gồm 2 vì kèo kết cấu kiểu chồng rường, kỹ thuật chủ yếu là bào trơn, đóng bén, không có chạm khắc hoa. Móng, tường xây thấp bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi.Trong khuôn viên đền còn chùa nhỏ có tên là Quỳnh Hoa, bị phá huỷ trong chiến tranh nhưng nay đã được khôi phục lại, kiến trúc khá đơn giản.

Những năm gần đây, một số công trình như cổng, nhà khách và các công trình phụ trợ khác được xây dựng làm cho di tích thêm đồ sộ.

Lịch sử kháng chiến

Tiếp nối dấu ấn lịch sử xưa, tại di tích năm 1943 - 1944 đội tuyên truyền giải phóng quân cũng như đội tự vệ của xã thường xuyên tổ chức luyện tập quân sự để chuẩn bị cho cao trào cách mạng dân tộc như đồng chí Thiều, đồng chí Tuệ (hiện là cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu). Tháng 8/1945 cán bộ cách mạng và quần chúng đã tập trung ở đến tiến đi giành chính quyền ở huyện Gia Lộc rồi sau đó về tịch thu bằng, triện của bọn quan lại, cường hào, lý dịch, xóa bỏ chính quyền của bọn thực dân phong kiến. Chính quyền lâm thời được thành lập trong niềm vui mừng phấn khởi của nhân dân.Năm 1946, bọn thực dân Pháp quay súng trở lại xâm lược nước ta, thị đội Hải Dương sơ tán về đền kịp thời chỉ đạo cuộc kháng chiến. Đội du kích của xã đã lấy khu đền làm địa điểm luyện tập quân sự. Năm 1947 đồng chí Trần Dừa, trưởng ty công an và đội việt hùng đã về đền đóng để đi tiêu trừ bọn Việt gian phản quốc.Năm 1948, ủy ban kháng chiến huyện Cẩm Giàng và đơn vị bộ đội Quang Trung sơ tán về đền làm việc và luyện tập. Sau đó là ủy ban kháng chiến xã Thạch Khôi sơ tán về để giữ vững hoạt động.Tại khu di tích còn được đào các hầm bí mật để che giấu bảo vệ cán bộ, bộ đội. Có thể nói trong suốt hai cuộc kháng chiến đền Đươi xã Thống Nhất là cơ sở của cuộc kháng chiến ở địa phương và là đường dây liên lạc lên chiến khu Việt Bắc.

Lễ hội

Lễ hội Đền Đươi
Lễ hội Đền Đươi

Tưởng nhớ bà, hàng năm cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày sinh; và 25/7 là ngày mất của bà, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội để nhắc lại công lao, sự nghiệp của Vương mẫu Ỷ Lan cho mọi người ghi nhớ và học tập. Tượng của bà được đưa lên Kiệu rước đi quanh xã để mọi người chiêm ngưỡng và ghi nhớ sâu sắc người đã có công với dân tộc.

Một hình ảnh khác của lễ hội
Một hình ảnh khác của lễ hội

Lễ hội đền Đươi được tổ chức hai lần trong năm vào các ngày 1 tháng Hai và 25 tháng Bảy âm lịch. Trong ngày hội, có rước tượng nguyên phi Ỷ Lan để dân xã cùng chiêm bái các trò vui dân gian.

Năm 2012, lễ hội đền Đươi được đưa vào danh sách lễ hội điểm, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát, điền dã xây dựng kịch bản chi tiết tổ chức lễ hội và phục dựng, bảo tồn những hoạt động hội đã bị mai một, được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động lễ hội. Đây là một việc làm mang ý nghĩa lâu dài nhằm gìn giữ những giá trị di sản trong lễ hội của địa phương, là dịp để nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội.Lễ hội Đền Đươi diễn ra trong 3 ngày từ ngày 07/9 - 09/9 (tức 22/7 - 24/7 Âm lịch) với các nghi lễ cơ bản như: Lễ cáo yết, Lễ rước, Lễ khai hội, Lễ tế... Bên cạnh đó là các hoạt động văn nghệ, thể thao thu hút sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân trong vùng như: cờ biển, bóng đá mini, liên hoan văn nghệ. Lễ hội Đền Đươi hàng năm có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường tình cảm đoàn kết gắn bó, xây dựng nếp sống thuần hậu trong nhân dân địa phương, ổn định trật tự, kỷ cương góp phần không nhỏ vào sự thúc đẩy kinh tế- văn hóa- xã hội của địa phương phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, di tích lịch sử văn hóa đền Đươi – xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc đã được trùng tu tôn tạo và khang trang hơn để đón du khách về dự lễ hội. Lễ hội đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa và là niềm tự hào của người Thống Nhất.

Xếp hạng

Đền được xếp hạng di tích cấp quốc gia tháng 01/1991[1].

Tham khảo