An Dương Vương

vua nước Âu Lạc từ 257 đến 179 TCN

An Dương vương (chữ Hán: 安陽王), tên thật là Thục Phán (蜀泮), là người lập nên nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau nhà nước Văn Lang.

An Dương vương
安陽王
Vua Việt Nam
Tượng An Dương Vương ở Quận 5, Tp. HCM
Vua nước Âu Lạc
Tại vị257 - 208 TCN/208 - 179 TCN[a]
Tiền nhiệmSáng lập triều đại
Kế nhiệmTriều đại sụp đổ
Thông tin chung
Mất179 TCN
Thê thiếpThục Nương
Hậu duệMị Châu
Tên đầy đủ
Thục Phán
Tước hiệuAn Dương vương

Niên đại trị vì của An Dương Vương được các tài liệu ghi khác nhau. Những bộ sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục cho rằng thời gian ông làm vua Âu Lạc kéo dài 50 năm, từ 257 TCN đến 208 TCN.[1] Các sử gia hiện đại căn cứ vào Sử ký Tư Mã Thiên là tài liệu gần thời đại nước Âu Lạc nhất, cho rằng An Dương vương và nước Âu Lạc tồn tại từ khoảng 208 TCN đến 179 TCN, tức là gần 30 năm.[2]

Nguồn gốc

Vào thời kỳ Hồng Bàng cách đây 2.300 năm, ở vùng Bắc Bộ Việt Nam có các bộ tộc người Âu Việt sống xen kẽ với người Lạc Việt. Nhà nước Văn Lang do Hùng vương đứng đầu cai trị người Lạc Việt. Thục Phán là vua người Âu Việt, ông thống nhất hai tộc Âu Việt và Lạc Việt vào chung một triều đình. Ông đổi quốc hiệu thành Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đóng đô tại Phong Khê (nay là thành Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội). Có ca dao:

Nghi vấn

Bộ sử lâu đời nhất và gần thời An Dương Vương nhất là Sử ký Tư Mã Thiên chỉ nhắc tới nước Âu Lạc[3] mà không nhắc tới An Dương vương hay họ Thục. Cựu Đường thư dẫn Nam Việt chí (viết thời Lưu Tống) cũng chỉ ghi "vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ", vua Thục ở đây không rõ là tên họ hay là tên miền đất cai trị.

Một số người còn đặt ra giả thuyết rằng An Dương vương là dòng dõi vương tộc nước Thục cổ (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên), sau khi bị nước Tần xâm chiếm thì tổ tiên của ông chạy xuống phía Nam lập quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết mang tính suy diễn vô căn cứ, không được hỗ trợ bởi bất kỳ sử liệu hoặc chứng cứ khảo cổ nào. Khâm định Việt sử Thông giám cương mục đã chỉ ra điểm vô lý của giả thuyết này: "Nước Thục từ năm thứ 5 đời Chu Thận Tịnh Vương (316 TCN) đã bị nhà Tần diệt rồi, làm gì còn vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang, còn có đất Kiền Vi, đất Dạ Lang, đất Cùng, đất Tác, và đất Nhiễm Mang cách hàng 2 - 3 ngàn dặm, có lẽ nào người Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy nước Văn Lang?"[4]

Lập quốc

Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê chép:

Cuối thời Hùng Vương, vua có con gái gọi là Mỵ Nương, nhan sắc xinh đẹp. Thục vương nghe tiếng, đến cầu hôn. Vua muốn gả, nhưng Hùng hầu can rằng: Họ muốn chiếm nước ta, chỉ lấy việc hôn nhân làm cớ mà thôi. Thục vương vì chuyện ấy để bụng oán giận.[1]
Trước kia vua nhiều lần đem quân đánh Hùng vương, nhưng Hùng vương binh hùng tướng mạnh, vua bị thua mãi. Hùng vương bảo vua rằng: Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư? Rồi Hùng vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục vương.[1]
Tượng điêu khắc An Dương Vương giương nỏ thần ở Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM

Sử ký sách ẩn (zh) do Tư Mã Trinh thời Đường biên tập, dẫn Quảng Châu ký chép:

Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân trông nước thủy triều lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy nên đặt tên là người Lạc. Có các chức Lạc vương, Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh, tức là chức Lệnh ngày nay vậy. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc hầu, tự xưng là An Dương vương, trị ở huyện Phong Khê.[5]

Cựu Đường thư do Lưu Hú soạn thời Hậu Tấn dẫn Nam Việt chí chép:

"Đất quận Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng vương, phụ tá là Hùng hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc".[6]

Tục truyền rằng khi lên ngôi, Thục Phán mới 22 tuổi và làm vua được 50 năm.[7] Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng ông làm vua từ năm 257 tới 208 TCN. Nhưng theo đối chiếu với Sử ký Tư Mã Thiên thì niên đại chính xác có lẽ là khoảng năm 208 tới 179 TCN.

Thục Phán sau khi lấy được Văn Lang nhanh chóng ổn định chính quyền, những tù trưởng thuộc Văn Lang cũ vẫn giữ nguyên chức vụ, ông lấy hiệu là An Dương Vương, đổi tên nước thành Âu Lạc, bộ máy nhà nước thời Âu Lạc không có nhiều thay đổi so với bộ máy nhà nước thời Văn Lang. Đứng đầu trong bộ máy hành chính ở trung ương vẫn là Vua và Lạc hầu - Lạc tướng. Đứng đầu các bộ vẫn là Lạc tướng. Đứng đầu các chiềng, chạ vẫn là Bồ chính. Tuy nhiên, ở thời An Dương Vương quyền hành của nhà nước cao hơn và chặt chẽ hơn. Vua có quyền thế hơn trong việc cai trị đất nước.[8]

Chống quân Tần

Cùng thời kỳ này, bên Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng sáp nhập sáu nước sau nhiều năm hỗn chiến thời Chiến Quốc. Ông tiếp tục tham vọng xâm chiếm Bách Việt, khái niệm vùng đất đai của nhiều bộ tộc khác nhau ở phía nam Trung Quốc. Đạo quân xâm lược nhà Tần do Đồ Thư chỉ huy đã đánh chiếm nhiều vùng đất của các bộ tộc Bách Việt, nhập vào lãnh thổ Trung Hoa. Khi vào lãnh thổ phía Đông Bắc nước Âu Lạc, quân Tần gặp phải cuộc kháng chiến trường kỳ của người Việt do Thục Phán chỉ huy.

Bản đồ các khu vực lẻ tẻ do nhà Tần chiếm được của các nhóm tộc Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử sau năm 210 TCN.
Mũi tên đồng tại Thành Cổ Loa.

Năm 218 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng huy động 50 vạn quân chia làm năm đạo đi chinh phục Bách Việt. Để tiến xuống miền Nam, đi sâu vào đất Âu Lạc, đạo quân thứ nhất do tướng Sử Lộc chỉ huy đã đào con kênh nối sông Tương (vùng An Hưng, Trung Quốc ngày nay) để chở lương thực. Nhờ vậy, Đồ Thư thống lĩnh đã vào được đất Tây Âu, giết tù trưởng Dịch Hu Tống (譯吁宋), chiếm đất rồi tiến vào Lạc Việt. Bên kia chiến tuyến, Thục Phán được các Lạc tướng suy tôn làm lãnh tụ chung chỉ huy cuộc kháng chiến này. Khi Đồ Thư đem quân tiến sâu vào đất Âu Lạc, Thục Phán lãnh đạo nhân dân chống giặc. Quân Tần đi đến đâu, dân Âu Lạc làm vườn không nhà trống đến đó. Quân Tần chiến đấu trong nhiều năm, Đồ Thư tổ chức tấn công-tiêu diệt không hiệu quả, dần lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Khi quân nhà Tần đã kiệt sức vì thiếu lương, thì quân dân Âu Lạc do Thục Phán chỉ huy mới bắt đầu xuất trận, quân Tần muốn tiến hay lui đều bị người Âu Lạc bủa vây đánh úp. Quân của Thục Phán đánh tập kích bất ngờ và dùng cung nỏ tấn công quân Tần. Đồ Thư lúc này mới hối hận, không biết chớp thời cơ, bỏ mạng trong trận này. Mất chủ tướng, quân Tần hoang mang mở đường tháo chạy về nước. Sử ký Tư Mã Thiên mô tả tình trạng quân Tần lúc bấy giờ như sau:

Đóng binh ở đất vô dụng… Tiến không được, thoái không xong. Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta phải thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết trông nhau.[9]

Theo Hoài Nam Tử, tướng Đồ Thư bị giết, quân Tần thây phơi máu chảy mấy mươi vạn, nước Tần phải lấy tù nhân bị lưu đày để bổ sung quân đội.

Sau gần 10 năm kháng chiến, nhân dân Âu Việt giành được độc lập. Thục Phán củng cố và xây dựng lại đất nước.

Xây thành Cổ Loa

Bề mặt ngói ống tại Cổ Loa
Tượng Rùa tại Đền Cuông.

Sau chiến thắng trước quân Tần, danh tiếng của Thục Phán vang vọng khắp vùng. Một trong những thủ lĩnh Văn Lang là Cao Lỗ, đã giúp An Dương vương xây Thành Cổ Loa và chế tạo nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát).

Nhằm củng cố thêm khả năng phòng thủ quân sự, Thục Phán đã cho quân dân ngày đêm xây đắp thành Cổ Loa, trang bị cho thành trì nhiều vũ khí đáng sợ. Ông ra lệnh cho cấp dưới ra sức huấn luyện cho hàng vạn binh sĩ ngày đêm tập bắn nỏ. Còn mình thì thường giám sát tập bắn ở trên "Ngự xa đài".[10]

Theo truyền thuyết, thành xây nhiều lần nhưng đều đổ. Sau có thần Kim Quy hiện lên, bò quanh bò lại nhiều vòng dưới chân thành, lại dùng kế diệt trừ yêu quái. Thục An Dương vương bèn cho xây theo dấu chân Rùa vàng. Từ đó, thành xây không đổ nữa. An Dương Vương cũng phát triển thủy binh và cho chế tạo nhiều vũ khí lợi hại, tạo lợi thế quân sự vững chắc cho Cổ Loa.

Di tích của thành Cổ Loa vẫn còn lưu lại cho đến nay, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía đông bắc. Đền thờ An Dương Vương nằm ở trung tâm di tích này. Các nghiên cứu khảo cổ học tại đây vẫn tiếp tục làm sáng tỏ các thời kỳ lịch sử mà thành đã trải qua.

Sụp đổ

Cổng vào Đền thờ An Dương Vương tại xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, trong khoảng thời gian này 208 TCN - 207 TCN, quận úy Nam Hải là Nhâm Hiêu bị bệnh nặng rồi chết, giao quyền cho cấp phó Triệu Đà. Triệu Đà nhân dịp đó giết hết những quan lại nhà Tần bổ nhiệm ở Lĩnh Nam, cất quân đánh chiếm quận Quế Lâm, Tượng quận; tự xưng Nam Việt vương, chính thức ly khai khỏi nhà Tần. Để mở rộng lãnh thổ, Triệu Đà cho quân đánh xuống Âu Lạc.

Theo truyền thuyết cả Việt Nam và Trung Quốc thì Triệu Đà dùng kế nội gián bằng cuộc kết hôn giữa con trai mình, Trọng Thủy, và con gái An Dương vương là Mỵ Châu. Sau khi nắm được bí mật quân sự của An Dương Vương thông qua con trai, Triệu Đà đã thành công trong việc chinh phục Âu Lạc, buộc An Dương vương bỏ chạy và nhảy xuống biển tự tử, kết thúc thời kỳ An Dương vương.[b][c] Ngày nay, mẫu truyện lịch sử này đã được liệt vào một trong những dạng chiến tranh gián điệp rất sớm của lịch sử Việt Nam.

Đền thờ An Dương tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An (Đền Cuông).

Về năm mất của triều đại An Dương vương, các tài liệu ghi chép khác nhau. Đa phần sách sử Việt Nam (Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, Việt sử Tiêu án) đều chép là An Dương vương mất nước năm 208 TCN. Sách giáo khoa của Việt Nam căn cứ vào Sử ký của Tư Mã Thiên ghi nước Âu Lạc mất năm 179 TCN. Sở dĩ như vậy vì Sử ký chép là Triệu Đà diệt nước Âu Lạc "sau khi Lã hậu chết", mà Lã Hậu chết năm 180 TCN, do đó nước Âu Lạc mất khoảng năm 179 TCN. Truyền thuyết An Dương vương, Nỏ Thần, và con trai Triệu Đà là Trọng Thuỷ ở rể nước Việt có nhiều chỗ không hợp với Sử ký, mặc dầu Sử ký là nguồn tư liệu sớm nhất mà các nhà viết sử Việt Nam có được để tham khảo.

Thẻ ngọc "An Dương hành bảo"

Thẻ ngọc "An Dương hành bảo" được tìm thấy ở thành phố Quảng Châu thuộc lãnh thổ nước Nam Việt thời cổ. Thẻ ngọc có hình dạng gần chữ nhật, bốn góc thẻ khắc bốn chữ "安陽行寶"[11] (An Dương hành bảo), khổ chữ to hơn khổ chữ phía trong mặt thẻ gồm 124 chữ lối cổ trựu. Bản khắc toàn văn sáu mươi (Giáp Tý), (60 chữ can chi). Xung quanh trang trí khắc đường vằn sóng lượn. Do bị chôn lâu ngày dưới đất nên màu vàng hơi hung hung đỏ. Mặt trái thẻ trang trí đường cong hình móc câu. Nét chạm trên thẻ ngọc An Dương thô.[d] Nhà nghiên cứu "Sở giản" Dư Duy Cương ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cho rằng: Ngọc bảo An Dương này là của An Dương cổ đại Việt Nam. An Dương hành bảo có lỗ đeo, đây là loại ngọc phiến người xưa đeo làm vật báu hộ thân, trừ tà để được an lành. Thẻ ngọc này đào được ở phía đông nam và cách thành phố Quảng Châu 18 km, ở trên hạ lưu sông Việt Giang do một nông dân khi cuốc đất đào được ở sườn núi năm 1932. Những thẻ ngọc đào được ở Quảng Châu khoảng 200 thẻ, trong đó có thẻ ngọc khắc chữ An Dương. Khi Nam Việt đánh bại Âu Lạc, các báu vật của Âu Lạc là chiến lợi phẩm nên mới đào được ở Quảng Châu.[12]

Xem thêm

Ghi chú

Chú thích

Tham khảo

Liên kết ngoài

Tiền nhiệm:
Hồng Bàng
Triều đại Việt Nam
257 TCN-208 TCN
hoặc 208 TCN-179 TCN
Kế nhiệm:
Nhà Triệu