Tuổi Trẻ (báo)

(Đổi hướng từ Báo Tuổi trẻ)

Báo Tuổi Trẻ là cơ quan ngôn luận của Thành đoàn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP. HCM và đã phát triển thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện, gồm các ấn bản: nhật báo Tuổi Trẻ, tuần báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, bán nguyệt san Tuổi Trẻ Cười và hệ sinh thái báo điện tử Tuổi Trẻ Online, Tuổi Trẻ TV Online (tiếng Việt), Tuổi Trẻ Cười OnlineTuoi Tre News (tiếng Anh).

Báo Tuổi Trẻ
Chủ sở hữuĐoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh (Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh)
Tổng biên tậpLê Thế Chữ
Thành lập2 tháng 9 năm 1975; 48 năm trước (1975-09-02)
Ngôn ngữTiếng Việttiếng Anh
Quốc gia Việt Nam
ISSN0868-3999
Trang webtiếng Việt
tiếng Anh

Tháng 6 năm 2008, nhật báo Tuổi Trẻ phát hành trên cả nước Việt Nam với số lượng gần 500.000 bản/ngày, đây là số lượng ấn bản nhật báo lớn nhất cả nước.[1] Về sau số lượng phát hành sụt giảm dần, còn khoảng 220.000 bản/ngày (năm 2015) do sự cạnh tranh từ báo điện tử.

Lịch sử

Tuổi trẻ TPHCM số 1 ngày 2/9/1975

Báo Tuổi Trẻ ra đời chính thức ngày 2 tháng 9 năm 1975. Số báo Tuổi Trẻ đầu tiên phát hành với số lượng khoảng 5.000 bản/tuần. Trụ sở đầu tiên của báo Tuổi Trẻ tại 55 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

Đến tháng 7 năm 1981, Tuổi Trẻ được phát hành hai kỳ/tuần (thứ tư và thứ bảy) với số lượng 30.000 bản/kỳ. Ngày 10 tháng 8 năm 1982, Tuổi Trẻ tăng lên ba kỳ phát hành mỗi tuần (thứ ba, thứ năm, thứ bảy).

Ngày 16 tháng 1 năm 1983, Tuổi Trẻ Chủ nhật ra đời với số lượng khoảng 20.000 tờ mỗi kỳ. Bảy năm sau, Tuổi Trẻ Chủ nhật đạt kỷ lục 131.000 tờ trong năm 1990. Ngày 1 tháng 1 năm 1984, Tuổi Trẻ Cười ra đời, là tờ báo trào phúng duy nhất của Việt Nam lúc đó. Số lượng phát hành ban đầu khoảng 50.000, sau đó nhanh chóng tăng đến 250.000 tờ vào cuối năm đó.

Đến 1 tháng 9 năm 2000, số thứ sáu được phát hành. Sau đó, 2 số thứ tưthứ hai lần lượt được xuất bản vào các ngày 23 tháng 17 tháng 10 năm 2002.

Ngày 1 tháng 12 năm 2003, báo điện tử Tuổi Trẻ Online ra mắt chính thức.[2] Chưa đầy hai năm sau, TTO đã vươn lên vị trí thứ ba về số lượt truy cập trong bảng xếp hạng tất cả các website tiếng Việt trên thế giới.

Từ ngày 4 tháng 2 năm 2005, Tòa soạn của báo đặt tại số 60A đường Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày 2 tháng 4 năm 2006, Tuổi Trẻ chính thức trở thành một tờ nhật báo khi được phép ra thêm một kỳ vào ngày chủ nhật. Cùng lúc đó, tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật đổi tên thành Tuổi Trẻ Cuối tuần (hiện phát hành 60.000 bản/kỳ).

Ngày 3 tháng 8 năm 2008, Truyền hình Tuổi Trẻ - Tuổi Trẻ TV Online (TVO) được thành lập, sản xuất những chương trình truyền hình phát trên Tuổi Trẻ Online và hợp tác phát sóng với các kênh truyền hình trong nước.

Từ ngày 1 tháng 11 năm 2009, Tuổi Trẻ chủ nhật ra ấn bản 4 màu (tăng lên 24 trang) phát hành lần đầu tiên.

Ngày 18 tháng 6 năm 2010, báo điện tử Tuổi Trẻ News (tiếng Anh) được thành lập và ngay sau đó là Tuổi Trẻ Mobile vào tháng 9 năm 2010.

Từ 21-6-2022, Tuổi Trẻ Online bắt đầu chạy thử nghiệm trang Podcast tại địa chỉ podcast.tuoitre.vn.[3] Đây là một trang mới của báo Tuổi Trẻ tại địa chỉ podcast.tuoitre.vn nhằm đa dạng hóa nội dung và đa dạng hóa kênh phân phối đến với công chúng trên không gian mạng.

Xử phạt

Báo Tuổi Trẻ đã trải qua một chặng đường lịch sử đầy thăng trầm và có thể coi đây là một trong những dẫn chứng điển hình về một tờ báo Việt Nam có ảnh hưởng trong dư luận. Một số vụ việc lien quan được biết đến rộng rãi, được đưa tin trên báo chí là:

  • Vụ kỷ luật, cách chức Tổng biên tập Vũ Kim Hạnh: Vụ kỷ luật lớn đầu tiên với báo Tuổi Trẻ vào năm 1992 khi bà Vũ Kim Hạnh, Tổng biên tập báo lúc đó bị xem là "phạm khuyết điểm" nghiêm trọng khi cho đăng một số tư liệu chưa được công bố liên quan đến đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những tư liệu cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh có vợ. Ông Lê Văn Nuôi, khi đó đang là Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, đã ra quyết định đình chỉ chức vụ tổng biên tập của bà Hạnh. Ông Nuôi phải kiêm nhiệm chức tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho đến khi hết nhiệm kỳ ở Thành Đoàn thì chuyển về làm tổng biên tập tờ báo này.[4]
  • Vụ kỷ luật, chuyển công tác Tổng biên tập Lê Văn Nuôi: Vụ kỷ luật này là "cộng dồn án" của nhiều vụ sai phạm như vụ Tuổi Trẻ Cười in lại một biếm họa của tờ Thời báo Kinh tế Viễn đông (FEER) ngay trên trang bìa trong đó có các nhà tư bản nước ngoài quay trở lại Việt Nam và rải đầy dollar Mỹ trên bầu trời; trong đó có một vụ việc như giọt nước làm tràn ly là công bố một thăm dò giới trẻ, trong đó kết quả cuối cùng cho thấy giới trẻ hâm mộ các thần tượng tư bản bên Hoa Kỳ như Bill Gates hơn các lãnh tụ trong lịch sử Việt Nam. Thăm dò này được thực hiện dựa trên phương pháp xã hội học thông thường và trong đó các lựa chọn trả lời được đưa ra theo các tiêu chí rất chung.
  • Vụ truy tố phóng viên Lan Anh: Năm 2005, Tuổi Trẻ đã gặp rắc rối với loạt bài điều tra của nhà báo Lan Anh về công ty dược phẩm Zuellig Pharma đang lũng đoạn thị trường thuốc tây nhập khẩu.[5] Do chính sách lúc bấy giờ của chính quyền là ủng hộ công ty nước ngoài, dẫn đến truy tố người viết báo về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" vì đã đưa tin về văn bản mà "nội dung chính của văn bản mật đó có được Chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Dương Huy Liệu đề cập tại cuộc họp báo trước đó (ngày 28/4)",[6] buộc tờ báo kỷ luật phóng viên này.
  • Vụ kỷ luật hai Phó Tổng biên tập năm 2007: Từ ngày 14 tháng 8 năm 2007, hai phó tổng biên tập của báo Tuổi Trẻ là Huỳnh Sơn Phước và Trương Quang Vĩnh đã mất chức vì không được bổ nhiệm lại, thay thế họ là hai cán bộ trẻ của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh dù họ chưa có kinh nghiệm làm báo.[7] Sự kiện này sau đó đã gây ra phản ứng từ dư luận và được cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt lên tiếng.[8] Đây không phải là lần đầu báo Tuổi Trẻ bị thay đổi Ban Biên tập, Vũ Kim Hạnh và Lê Văn Nuôi là hai tổng biên tập Tuổi Trẻ trước đây cũng đã bị mất chức và đẩy ra ngoài ngành báo chí. Dư luận cũng cho rằng Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh bố trí 2 thành viên vào chỗ của Huỳnh Sơn Phước và Trương Quang Vĩnh nhằm tìm cách uốn nắn, đưa Tuổi Trẻ trở vào khuôn phép của báo đoàn thể địa phương, và cũng không phải lần đầu tiên Thành Đoàn TP. HCM cử người đến để nắm lại bộ máy biên tập.
  • Vụ kỷ luật hàng loạt liên quan đến đưa tin về PMU18: Vụ việc tiếp theo là hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) bị bắt tạm giam ngay tại trụ sở cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an vào ngày 12/5/2008 vì các vấn đề liên quan đến việc đưa tin vụ án PMU18.[9] Sau đó ông Hải đã được thả ngay sau khi xét xử và thừa nhận có nhiều sai lầm trong quá trình tác nghiệp. Liên quan đến vụ việc này, ngày 1/08/08, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định tước thẻ nhà báo đối với bảy người đang làm việc tại bốn tờ báo khác nhau, trong đó, báo Tuổi Trẻ có hai người bị tước thẻ là ông Bùi Văn Thanh (bút danh là Bùi Thanh), Phó Tổng biên tập và ông Dương Đức Đà Trang, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội là những người đã trực tiếp viết, biên tập, duyệt đăng các tin bài về vụ PMU 18, trong đó có những thông tin sai sự thật nghiêm trọng.[10][11] Ông Thanh là người cực lực phản đối các động thái của pháp luật liên quan đến tờ báo và có hành vi chống đối một cách công khai khi cho thiết kế, in một poster có hình Nguyễn Văn Hải, dán ngay trước tòa soạn, các văn phòng và biến thành avatar trên các trang blog, trang mạng khác; đồng thời vận động mọi người làm việc này cùng mình.
  • Vụ kỷ luật buộc thôi chức Tổng biên tập Lê Hoàng: Ông Lê Hoàng bị thôi chức Tổng biên tập và phải bàn giao cho cấp phó của mình từ ngày 1/1/2009 cùng ông Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh niên. Sự kiện này có phần liên quan và bắt nguồn từ những sai phạm trong quá trình đưa tin về vụ PMU18 song cũng là "cộng dồn" của nhiều vụ việc trước và sau đó. Đây là Tổng biên tập thứ tư rời Tuổi trẻ và là Tổng biên tập thứ ba của Tuổi trẻ phải thôi chức khi đương nhiệm vì lý do liên quan đến kỷ luật. Người không bị kỷ luật là các ông Võ Như Lanh và Tăng Hữu Phong.
  • Vụ truy tố phóng viên Hoàng Khương: Trong thời gian công tác tại báo Tuổi Trẻ, Hoàng Khương là tác giả của bài điều tra về hành vi nhận hối lộ để giải cứu đua xe trái phép của cảnh sát giao thông. Bị cho là có hành vi đưa hối lộ nên ông bị đề nghị tước thẻ nhà báo và điều tra về tội danh này. Ngày 02 tháng 1 năm 2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Khương. Đến ngày 23 tháng 5 đã đề nghị truy tố ông về hành vi đưa hối lộ. Trong 2 ngày 6 và 7 tháng 9 năm 2012 Hoàng Khương bị đưa ra xét xử tại tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tại phiên tòa sơ thẩm ông bị tuyên án 4 năm về tội đưa hối hộ, nhưng ông cho rằng mình chỉ mắc sai sót trong nghề nghiệp.
  • Vụ trưởng phòng Truyền hình - Báo Tuổi Trẻ bị tố cáo cưỡng hiếp cộng tác viên: Tháng 4 năm 2018, một nữ cộng tác viên đã tố cáo bị nhà báo Anh Thoa (tên thật là Đặng Anh Tuấn), Trưởng phòng truyền hình của báo Tuổi trẻ cưỡng hiếp. Ngày 19 tháng 4 báo Tuổi Trẻ đưa ra bản tin ban đầu với nội dung cho rằng lời tố cáo chưa có căn cứ rõ ràng. Ngày hôm sau, khoa Báo chí – Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), nơi cộng tác viên đang theo học, đã gửi một văn bản (và cũng đưa lên mạng xã hội) bày tỏ sự thất vọng về những phản hồi của báo Tuổi Trẻ đưa ra trong bản tin ban đầu trên. Chiều 21 tháng 4, báo Tuổi Trẻ phát đi thông tin nhà báo Anh Thoa vừa gửi đơn xin từ chức trưởng Phòng Truyền hình đến Ban biên tập báo Tuổi Trẻ.[12][13][14] Đến nay, vẫn chưa có kết quả công bố từ cơ quan điều tra về vụ việc này.
  • Vụ báo điện tử Tuổi Trẻ Online bị đình bản 3 tháng: Ngày 16 tháng 7 năm 2018, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc ký quyết định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản đối với báo điện tử Tuổi Trẻ Online vì đã đăng tải nội dung "không đúng sự thật và gây mất đoàn kết dân tộc".[15] Trong bài viết: "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình" đăng ngày 19 tháng 6 năm 2018, Tuổi Trẻ Online đã thông tin: "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói, ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này". Trong quyết định xử phạt, Cục Báo chí khẳng định Chủ tịch nước không hề phát ngôn nội dung như vậy trong buổi tiếp xúc, và đánh giá đây là thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng "rất nghiêm trọng". Quyết định cũng nêu, trong phần bình luận dưới bài viết "Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây ?" đăng ngày 26 tháng 5 năm 2017 có thông tin "gây mất đoàn kết dân tộc", mang tính xúc phạm vùng miền. Với 2 nội dung trên, Cục Báo chí yêu cầu Tuổi Trẻ Online phải cải chính, xin lỗi, nộp phạt 220 triệu đồng và đình bản ba tháng kể từ ngày 16 tháng 7 năm 2018.[16]
  • Vụ báo Tuổi Trẻ Cười xúc phạm đạo Phật: Trên trang web và Facebook Tuổi Trẻ Cười vào ngày 23 tháng 9 năm 2020 đã đăng bài viết "Ứng dụng lễ chùa, nạp tiền được phù hộ cả tháng" với tranh biếm họa đức Phật và tín đồ Phật giáo của họa sĩ Cacho (tức Phan Hồng Đức). Trong công văn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng nội dung này trên báo Tuổi trẻ đã xúc phạm Đức Phật, phỉ báng Phật giáo và cộng đồng Phật tử toàn cầu[17] Chiều ngày 29 tháng 9 năm 2020, Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã đến Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xin lỗi về vụ việc.

Các ấn phẩm

  • Tuổi Trẻ: (nhật báo): Năm 2007 bắt đầu có 20 trang nội dung. Bao gồm Chính trị - Xã hội, Thế giới, Kinh tế, Giáo dục, Nhịp sống trẻ, Nhịp sống số, Sức khỏe,...
  • Tuổi Trẻ Cuối tuần: (tuần báo) vốn có tên là Tuổi Trẻ Chủ nhật. Có nội dung phong phú với hầu hết các lĩnh vực, song do không có đầu tư tương xứng nên đến những năm đầu thế kỷ XXI, bị tụt hậu nặng nề.[cần dẫn nguồn]
  • Tuổi Trẻ Cười: (tạp chí hàng tháng hiện nay là bán nguyệt san) xuất bản dưới thời Tổng biên tập Vũ Kim Hạnh. Từng là tờ báo trào phúng duy nhất. Tuy nhiên, cũng giống như Tuổi Trẻ Cuối tuần không có đầu tư xứng đáng nên đến nay cũng tụt hậu so với trước đó.[cần dẫn nguồn]
  • Tuổi Trẻ Cười Online: Ấn bản Online của chuyên trang Tuổi Trẻ Cười ra đời ngày 1 tháng 9 năm 2019 với nội dung hướng đến sự hài hước, vui vẻ online có xu hướng nhắm đến giới trẻ và hiện thực xã hội khác hoàn toàn với báo giấy Tuổi Trẻ Cười
  • Tuổi Trẻ Online: (báo điện tử) Được xuất bản lần đầu dưới thời Tổng biên tập Lê Hoàng năm 2003. Sau đó, nhanh chóng trở thành ấn phẩm có tốc độ phát triển nhanh mạnh nhất với thứ hạng khoảng 740 trên thế giới và trong top 10 ở Việt Nam.[18]
  • Tuoitrenews: Ấn phẩm tiếng Anh của báo Tuổi Trẻ ra đời giữa năm 2010 và nhanh chóng trở thành một cổng thông tin tiếng Anh hàng đầu về Việt Nam.
  • Áo trắng: (tạp chí hàng tháng) Là ấn phẩm liên kết với Nhà xuất bản Trẻ. Chủ yếu là thơ văn cho tuổi mới lớn.
  • Tuổi Trẻ Mobile: Là phiên bản của Tuổi Trẻ Online cho các thiết bị di động.
  • Tuổi Trẻ Media Online: Ấn phẩm đa phương tiện, phát hành trên mạng.
  • Podcast Tuổi Trẻ: Có địa chỉ tại website: podcast.tuoitre.vn nhằm đa dạng hóa nội dung và đa dạng hóa kênh phân phối đến với công chúng trên không gian mạng.
  • Mực Tím Online
  • Mực Tím
  • Khăn quàng đỏ
  • Nhi đồng TPHCM
  • Rùa Vàng
  • Ngôi sao nhỏ

Ban lãnh đạo

Đến nay đã có 8 đời Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ:

  • Tổng biên tập Hoàng Đôn Nhật Tân (1978 - 1980).
  • Tổng biên tập Võ Như Lanh: (1980 - 1983).
  • Tổng biên tập Vũ Kim Hạnh: (1983 - 1992), hiện là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Tổng biên tập Lê Văn Nuôi: (1992 - 2003), trước khi nhận chức là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI, Bí thư Thành Đoàn.
  • Tổng biên tập Lê Hoàng: (2003 - 2008), trước khi nhận chức là Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ; hiện là Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.
  • Tổng biên tập Phạm Đức Hải: (2009 - 2014), Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó Tổng biên tập Trang thông tin điện tử Đảng bộ Thành phố, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Tổng biên tập Tăng Hữu Phong: (2015 - 2016), Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nguyên là Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2016, ông được điều động, chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Quận ủy và giữ chức phó bí thư Quận ủy Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020.[19] Hiện nay ông là Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng.
  • Tổng biên tập Lê Thế Chữ: (10/2017 - nay), làm phó tổng biên tập rồi tổng biên tập báo Khăn Quàng Đỏ trước khi được điều động làm phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ năm 2010 và phó tổng biên tập phụ trách báo Tuổi trẻ tháng 12/2016.

Ban biên tập hiện tại

Ban biên tập hiện tại gồm tổng biên tập, phó tổng biên tập và ủy viên Ban biên tập cùng ban thư ký toà soạn:[20]

  • Tổng biên tập: Lê Thế Chữ.[21]
  • Phó Tổng biên tập: Lê Xuân Trung, Đinh Minh Trung, Trần Xuân Toàn, Nguyễn Hoàng Nguyên, Nguyễn Khắc Cường, Trần Gia Bảo.[22]

Danh hiệu

Năm 2016, Báo Tuổi Trẻ nhận Huân chương lao động hạng Nhì.[23]

Chú thích

Xem thêm

Liên kết ngoài