Bát chính đạo

thuyết Phật giáo

Bát chính đạo (Hán việt: 八正道; Pali: ariya aṭṭhaṅgika magga; Sanskrit: āryāṣṭāṅgamārga)[1] hay Bát chánh đạo là một bản tóm tắt ở thời kì ban đầu về con đường của các phương pháp thực hành trong Phật giáo để dẫn đến sự giải thoát khỏi vòng luân hồi - vòng lặp tái sinh đầy đau khổ [2][3]- bằng việc đạt đ niết bàn.[4][5]

Tám nan hoa của bánh xe chánh pháp biểu tượng hóa Bát chánh đạo.
Bản chuyển ngữ của
Bát chánh đạo
Tiếng AnhThe Noble Eightfold Path
Tiếng Phạnआर्याष्टाङ्गमार्ग
(IAST: āryāṣṭāṅgamārga)
Tiếng Paliअरिय अट्ठङ्गिक मग्ग
(ariya aṭṭhaṅgika magga)
Tiếng Bengalঅষ্টাঙ্গিক আর্য মার্গ
(Astangik ārya mārga
Oșŧangik Azzo Maggo
Oșŧangik Arzo Margo
)
Tiếng Miến Điệnမဂ္ဂင်ရှစ်ပါး
(IPA: [mɛʔɡɪ̀ɰ̃ ʃɪʔ pá])
Tiếng Trung Quốc八正道
(Bính âm Hán ngữbā zhèngdào)
Tiếng Nhật八正道
(rōmaji: Hasshōdō)
Tiếng Khmerអរិយដ្ឋង្គិកមគ្គ
(UNGEGN: areyadthangkikameak)
Tiếng Hàn팔정도
八正道

(Romaja quốc ngữ: Paljeongdo)
Tiếng Mông Cổᠣᠦᠲᠦᠶᠲᠠᠨᠦ
ᠨᠠᠢᠮᠠᠨ
ᠭᠡᠰᠢᠭᠦᠨᠦ
ᠮᠥᠷ

Найман гишүүт хутагт мөр

(qutuγtan-u naiman gesigün-ü mör)
Tiếng Sinhalaආර්ය අෂ්ඨාංගික මාර්ගය
Tiếng Tạng tiêu chuẩnའཕགས་པའི་ལམ་ཡན་ལག་བརྒྱད་པ
(Wylie: 'phags pa’i lam yan lag brgyad pa
THL: pakpé lam yenlak gyépa
)
Tiếng Tamilஉன்னத எட்டு மடங்கு பாதை
Tiếng Tháiอริยมรรคมีองค์แปด
(RTGS: Ariya Mak Mi Ong Paet)
Thuật ngữ Phật Giáo

Bát chánh đạo bao gồm tám pháp thực hành: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định ('quá trình tiếp nhận hoặc sự kết hợp liên quan đến thiền định'; một cách tương tự, sự nhận thức thiền định một cách điềm tĩnh).[6]

Ở thời kì ban đầu của Phật giáo, những pháp thực hành này đã bắt đầu bằng việc hiểu rằng cơ thể - tâm trí làm việc theo cách bất thiện (chánh kiến), tiếp theo là việc bước vào con đường Phật giáo bằng cách giữ gìn bản thân, kiểm soát bản thân, phát triển lòng từ và lòng trắc ẩn; và kết thúc bằng thiền định, là cái củng cố cho những pháp thực hành trên trong việc phát triển của cơ thể - tâm trí. [7] Ở thời kì về sau của Phật giáo, trí tuệ (prajñā) đã trở thành một công cụ chính trong việc giải thoát, dẫn đến một khái niệm khác và cấu trúc khác của con đường,[7][8] trong đó "mục đích" của con đường Phật giáo được định rõ hơn bằng việc chấm dứt vô minh và sự tái sinh.[9][10][11][3][12]

Bát chánh đạo là một trong những bản tóm tắt chính trong các phương pháp của Phật giáo, được dạy để đạt đến quả vị A-la-hán.[13] Trong truyền thống Thượng tọa bộ, con đường này còn được tóm tắt như là sila (giới), samadhi (định) và prajna (tuệ). Trong Phật giáo đại thừa, con đường này đối lập với con đường của Bồ tát, là con đường được tin rằng đi xa hơn quả vị A-la-hán để đạt đến Phật tính.[13]

Trong chủ nghĩa tượng trưng của Phật giáo, bát chánh đạo thường được đại diện bằng hình thức của bánh xe chánh pháp (dharmachakra), trong đó tám nan hoa của bánh xe đại diện cho tám nhánh của con đường.

Từ nguyên và danh pháp

Thuật ngữ tiếng Pali ariya aṭṭhaṅgika magga (tiếng Phạn: āryāṣṭāṅgamārga) thường được dịch sang tiếng Anh là "Noble Eightfold Path" (con đường tám ngành cao quý). Bản dịch này là một sự quy ước được bắt đầu bởi các dịch giả về kinh điển Phật giáo sang tiếng Anh, giống như ariya sacca được dịch thành Four Noble Truths (tứ diệu đế).[14][15] Tuy nhiên, cụm từ trên không ám chỉ con đường đó là cao quý, mà nó mang ý nghĩa là con đường của những người cao quý (Pali: arya nghĩa là 'những người đã giác ngộ, quý phái, được yêu quý').[16] Thuật ngữ magga (Sanskrit: mārga) có nghĩa là "con đường", còn aṭṭhaṅgika (Sanskrit: aṣṭāṅga) có nghĩa là "tám thành phần". Vậy nên, một cách dịch thay thế của ariya aṭṭhaṅgika magga là "con đường tám thành phần dành cho những người cao quý",[3][17][18] hoặc là "con đường tám ngành của những bậc cao quý".[19][20][21]

Tất cả tám yếu tố trong Bát chánh đạo đều bắt đầu bằng từ samyañc (trong tiếng Phạn) hoặc sammā (trong tiếng Pāli) mà nó có nghĩa là "đúng, hợp lý, chân chánh, tốt nhất".[19] Trong kinh điển Phật giáo, sự đối lập của chân chánh (samma) là phi chơn chánh (miccha).[19]

Nguồn gốc

Con đường trung đạo

Dựa theo nhà nghiên cứu về Nam Á Tilmann Vetter, bản miêu tả về con đường Phật giáo có lẽ lúc đầu được gọi đơn giản bằng thuật ngữ con đường trung đạo.[7] Theo thời gian, bản miêu tả ngắn này đã được giải thích tỉ mỉ, dẫn đến bản miêu tả của bát chánh đạo.[7] Tilmann Vetter và nhà sử học Rod Bucknell đều để ý rằng các bản miêu tả dài hơn của "con đường" có thể được tìm thấy ở những bản kinh lúc ban đầu, mà chúng có thể được rút gọn thành bát chánh đạo.[7][22][note 1]

Tám chi phần

Tám phương pháp thực hành của Phật giáo trong Bát chánh đạo bao gồm:

  1. Chánh kiến: hành động của chúng ta đều mang lại kết quả, cái chết không phải là kết thúc, hành động và niềm tin của chúng ta đều mang lại kết quả sau cái chết. Đức Phật đã đi theo và dạy lại một con đường thành công trong việc giải thoát khỏi thế giới này và thế giới khác (thiên đàng và địa ngục). Về sau, chánh kiến đã trở nên cụ thể bao gồm nghiệp và tái sinh, và sự quan trọng của Tứ diệu đế, khi mà "trí tuệ" trở thành trọng tâm trong sự giải thoát trong Phật giáo.
  2. Chánh tư duy: sự từ bỏ đời sống gia đình và sự chấp nhận cuộc sống bậc xuất gia để thành tựu con đường; ý tưởng này hướng đến sự xuất ly một cách bình yên, trong một môi trường không ái dục, không sân hận (đối với lòng từ bi), tránh xa khỏi sự hãm hại (đối với sự đồng cảm).[25] Một môi trường như vậy sẽ hỗ trợ cho việc nghiền ngẫm về sự vô thường, sự khổ, và sự vô ngã.[25]
  3. Chánh ngữ: không nói dối, không nói thô lỗ, không nói cho một người về cái mà người khác nói về họ để gây ra sự bất hòa, sự cãi vã hoặc làm hại đến mối quan hệ của họ.[26]
  4. Chánh nghiệp: không sát hại hoặc làm tổn thương, không lấy của không cho, không tà dâm, không tham đắm vật chất.
  5. Chánh mạng: không buôn bán vũ khí, con người, thịt, rượu và thuốc độc.
  6. Chánh tinh tấn: ngăn chặn sự sinh khởi và tăng trưởng các bất thiện pháp, và làm sinh khởi và tăng trưởng các thiện pháp, thất giác chi (bojjhagā). Nó bao gồm indriya-samvara, "canh giữ các giác quan", kiểm soát các giác quan.[27][25]
  7. Chánh niệm (sati; Satipatthana; Sampajañña): "sự duy trì", quan sát đến các pháp (dhammas) mà có lợi ích cho con đường Phật giáo.[28][note 2] Trong phong trào vipassanā, chánh niệm (sati) được dịch là "sự quán sát thuần khiết": thức tỉnh với cái mà mình đang làm; điều này khuyến kích sự nhận thức về tính vô thường của cơ thể, của cảm xúc và của tâm trí, cũng như là trải nghiệm năm thủ uẩn (skandhas), năm triền cái, bốn thực tại và thất giác chi.[25]
  8. Chánh định (passaddhi; ekaggata; sampasadana): sự thực hành 4 tầng thiền (dhyāna), mà nó bao gồm định (samadhi) đúng nghĩa trong tầng thứ 2, và củng cố cho sự phát triển của thất giác chi (bojjhagā), dẫn đến sự xả (upekkha) và sự tỉnh giác.[30] Trong truyền thống Thượng tọa bộ và phong trào thiền minh sát, chánh định còn được hiểu là nhất tâm (ekaggata), sự tập trung hoặc sự chú tâm vào một điểm của tâm trí, và được hỗ trợ cùng với thiền minh sát, là cái hướng vào bên trong.

Sự giải thoát

Việc đi theo con đường tám ngành cao quý này sẽ dẫn đến sự giải thoát bằng trạng thái niết bàn:[4][5]

Và thế nào là con đường cũ, đạo lộ cũ ấy do các vị Chánh Đẳng Giác thuở xưa đã đi qua? Đây chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đó là con đường cũ, đạo lộ cũ do các bậc Chánh Đẳng Giác thuở xưa đã đi qua. Ta đã đi theo con đường đấy. Đi theo con đường ấy, Ta thấy rõ già & chết, Ta thấy rõ già & chết tập khởi, Ta thấy rõ già & chết đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến già & chết đoạn diệt. Ta đã đi theo con đường đó. Đi theo con đường ấy, Ta thấy rõ sanh... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... lục nhập... danh và sắc... thức,... Ta đi theo con đường ấy, Ta thấy rõ các hành, Ta thấy rõ các hành tập khởi, Ta thấy rõ các hành đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến các hành đoạn diệt.

— Đức Phật, Nagara Sutta, Tương Ưng Bộ (SN) ii.124, Được dịch bởi Tỳ-kheo Thanissaro [31][32]

Các chi phần

Chánh kiến

"Chánh tri kiến" (samyak-dṛṣṭi / sammā-diṭṭhi) hoặc "sự hiểu biết đúng đắn"[33] cho rằng hành động của chúng ta đều mang kết quả, rằng cái chết không phải là sự kết thúc, rằng hành động và niềm tin của chúng ta cũng mang kết quả sau cái chết, và rằng Đức Phật đã đi theo và dạy lại một con đường thành công trong việc giải thoát khỏi thế giới này và thế giới khác (thiên đàng hay địa ngục).[34][35][36][37] Trong kinh Trung Bộ (MN) 117, Đại kinh Bốn muơi (Mahācattārīsaka Sutta), một bài kinh từ tạng kinh tiếng Pali, mô tả về bảy phương pháp thực hành đầu tiên như là các yếu tố cần thiết cho chánh định, bắt đầu bằng chánh kiến:

Ở đây, chánh kiến đi hàng đầu [...] Và thế nào là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y? 'Có bố thí, có cúng dường, có tế tự.[note 3] Có quả báo các nghiệp thiện ác. Có đời này và đời khác. Có mẹ và có cha. Có các loài hóa sanh; ở đời có các vị Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, sau khi với thượng trí tự mình chứng đạt đời này và đời khác lại tuyên bố lên.' Như vậy là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báu, đưa đến quả sanh y.[39][38]

Về sau, chánh kiến đã trở nên cụ thể hơn bằng việc bao gồm nghiệp, và tái sinh, và tầm quan trọng của Tứ diệu đế, khi mà "trí tuệ" đã trở thành trọng tâm trong việc giải thoát trong Phật giáo.[40] Cách giới thiệu này về chánh kiến vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong Phật giáo Thượng tọa bộ.[41]

Mục tiêu của chánh tri kiến là để làm sáng tỏ con đường của một người khỏi sự nhầm lẫn, sự hiểu sai và lối suy nghĩ lừa dối. Nó là một cách thức để dần có thêm sự hiểu biết đúng đắn về thực tại.[42] Theo cách dịch trong một vài phong trào Phật giáo, học giả về nghiên cứu tôn giáo George Chryssides và tác giả Margaret Wilkins cho rằng, chánh kiến là không-kiến: như những người đã giác ngộ trở nên chú ý rằng không có gì có thể được thể hiện bằng những thuật ngữ cố định mang tính khái niệm và sự đeo bám vào các khái niệm mang tính giáo điều, cứng rắn bị vứt bỏ.[42]

Thượng tọa bộ

Tỳ-kheo Bodhi nói rằng, chánh kiến có thể được chia nhỏ ra hơn nữa thành chánh kiến hữu lậu và chánh kiến vô lậu, siêu thế:[43][44]

  1. Chánh kiến hữu lậu, tri thức về quả của nghiệp thiện. Loại tri kiến này sẽ mang đến phước báu và sẽ hỗ trợ cho sự tái sinh tích cực cho loài hữu tình trong các cảnh giới luân hồi.
  2. Chánh kiến vô lậu (siêu thế), sự hiểu về nghiệp và sự tái sinh, như được ngụ ý trong Tứ diệu đế, dẫn đến sự thức tỉnh và giải thoát khỏi sự tái sinh và sự khổ (dukkha) tương ứng trong các cảnh giởi luân hồi.[45][41]

Dựa theo Phật giáo Thượng tọa bộ, chánh kiến hữu lậu là một tư tưởng giảng dạy mà nó phù hợp cho những cư sĩ, trong khi đó chánh kiến vô lậu, là cái yêu cầu một sự hiểu biết sâu sắc hơn, thì thích hợp cho các tu sĩ. Cả hai chánh kiến vô lậu và hữu lậu đòi hỏi sự chấp nhận những học thuyết sau đây của Phật giáo:[46][47]

  1. Nghiệp: Mỗi hành động từ thân thể, lời nói và tâm trí đều có kết quả nghiệp lực, và ảnh hưởng đến loại và cảnh giới tái sinh của một cá thể trong tương lai.
  2. Ba dấu ấn của sự tồn tại: mọi thứ, dù là vật lý hay tâm lý, đều mang tính chất vô thường (anicca), là nguồn của sự đau khổ (dukkha), và không có một ngã (anatta).
  3. Tứ diệu đế là một phương tiện để dần có thêm sự hiểu biết sâu sắc và kết thúc sự khổ (dukkha).

Chánh tư duy

Chánh tư duy (samyak-saṃkalpa / sammā-saṅkappa) còn được biết đến là "quá trình tư duy đúng đắn", "khát vọng đúng đắn", hay là "động lực đúng đắn".[48] Trong chi phần này, người thực hành quyết tâm từ bỏ gia đình, từ bỏ đời sống trần tục và cống hiến bản thân cho mục đích giải thoát.[49][41] Trong phần III.248, kinh Trung Bộ có nói,

Và thế nào gọi là chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại: Đây được gọi là chánh tư duy.[50]

Cũng giống như chánh kiến, chi phần này có hai mức độ. Ở mức độ hữu lậu, sự quyết tâm bao gồm sự vô hại (ahimsa) và kiềm chế sự sân hận (avyabadha) đối với bất kì loài hữu tình nào, điều này giúp tích lũy thêm nghiệp và dẫn đến sự tái sanh trong tương lai.[41][51] Ở mức độ vô lậu, chi phần này bao gồm sự quyết tâm trong việc xem xét mọi thứ và mọi loài đều có tính chất vô thường, là nguồn của sự đau khổ và không có một Ngã.[51]

Chánh ngữ

Chánh ngữ (samyag-vāc / sammā-vācā) trong hầu hết các bài kinh Phật giáo được trình bày dưới bốn điều từ bỏ, như trong kinh điển tiếng Pali:[39][52]

Và thế nào là chánh ngữ? Tự chế không nói láo, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, và không nói lời phù phiếm: Đây được gọi là lời nói chân chánh.

Thay vì dùng thuật ngữ "từ bỏ và kiềm chế khỏi điều sai trái" như thông thường, một vài bài kinh như là kinh Sa-môn quả (Samaññaphala Sutta) và kinh Kevaddha (Kevata Sutta) trong kinh Trường bộ (DN) giải thích phẩm chất này theo nghĩa chủ động, sau khi tuyên bố nó theo phương cách của sự từ bỏ.[53] Ví dụ như, kinh Sa-môn quả (Samaññaphala Sutta) nói rằng một phần của phẩm hạnh của người tu là "người đó từ bỏ lời nói láo, tránh xa lời nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời."[53] Tương tự như thế, phẩm hạnh về sự từ bỏ nói lời hai lưỡi cũng được giải thích như là niềm vui sướng trong việc tạo nên sự hòa thuận.[53] Phẩm hạnh về sự từ bỏ lời nói ác được giải thích trong bài kinh này bao hàm lời nói đẹp tai, dễ thương, tao nhã, làm đẹp lòng nhiều người. Phẩm hạnh về sự từ bỏ lời nói phù phiếm được giải thích như là việc nói về những điều liên quan đến chánh pháp (Dhamma) đối với mục tiêu giải thoát của người đó.[53][41]

Trong bài kinh Abhaya-raja-kumara Sutta, Đức Phật giải thích về phẩm hạnh của chánh ngữ trong các ngữ cảnh khác nhau, dựa vào giá trị về sự thật, giá trị về tính hữu ích và chủ đề mang tính cảm xúc.[54][55] Bài kinh nói rằng, Như Lai không bao giờ nói những lời mà dù thật hay không thật, dù như chân hay không như chân, dù không ưa thích hay ưa thích, nếu lời nói đó không mang lại lợi ích, và không tương ứng với mục đích của ngài ấy.[55][56] Thêm vào đó, bài kinh còn cho biết rằng Như Lai nói như thật, như chân, và lời nói đó khiến người nghe không ưa và thích, chỉ khi nào lời nói đó liên hệ đến mục đích của ngài, nhưng phải vào thời điểm thích hợp.[55][57] Bài kinh còn cho biết thêm, Như Lai chỉ nói đúng thời kể cả khi lời nói ngài là như chân, như thật tương ứng với mục đích và khiến cho người khác ưa và thích.[55][56][58]

Theo Ganeri, vậy nên Đức Phật giải thích chánh ngữ trong tạng kinh tiếng Pali, là không bao giờ nói những gì mà không có lợi ích; và chỉ nói những cái chân thật và mang lại lợi ích, "khi tình huống là đúng, dù cho họ có chào đón hay không."[58]

Chánh nghiệp

Chánh nghiệp (samyak-karmānta / sammā-kammanta) cũng giống như chánh ngữ, được diễn tả dưới những điều từ bỏ nhưng về phương diện hành động của thân thể. Trong tạng kinh tiếng Pali, chi phần này được trình bày như sau:

Và thế nào là chánh nghiệp? Sự từ bỏ sát sanh, sự từ bỏ lấy của không cho, sự từ bỏ tà hạnh trong các dục. Đây được gọi là chánh nghiệp.[59]

Christopher Gowans chỉ ra rằng trong kinh điển Phật giáo, sự ngăn cấm sát hại áp dụng cho tất cả các loài hữu tình, không chỉ riêng con người.[60] Tỳ-khưu Bodhi đồng ý với quan điểm trên, làm sáng tỏ thêm rằng một cách dịch chính xác hơn trong kinh điển tiếng Pali là sự ngăn cấm "đoạt lấy mạng sống của bất kì loài hữu tình nào", bao gồm con người, động vật, chim, côn trùng nhưng ngoại trừ các loài thực vật bởi vì chúng không được xem là các loài hữu tình. Bodhi chỉ ra thêm rằng quy tắc này ám chỉ cho việc cố ý sát hại, cũng như bất kì dạng cố ý hãm hại hay cố ý tra tấn bất cứ loài hữu tình nào. Phẩm hạnh này trong các bài kinh Phật giáo thời kì ban đầu, trong ngữ cảnh hãm hại hay sát hại động vật hay loài người, đều giống như các quy tắc ahimsa được tìm thấy trong các bài kinh của đạo Kỳ Na giáo và Hindu giáo,[61][62] và là đối tượng tranh luận trọng yếu trong các truyền thống Phật giáo khác nhau.

Sự ngăn cấm trộm cắp trong kinh điển tiếng Pali là sự từ bỏ việc cố ý lấy đi cái mà không được cho một cách tự nguyện bởi người sở hữu tài sản đó. Nó bao gồm sự lấy đi bằng việc trộm cắp, bằng vũ lực, bằng việc gian lận hay bằng hành vi lừa dối. Cả ý định và hành động đều quan trọng, bởi vì quy tắc này được dựa trên sự ảnh hưởng đối với nghiệp của một người.

Sự ngăn cấm tà hạnh trong các dục trong Tứ diệu đế ám chỉ cho việc "không thực hiện các hành vi tình dục".[63] Phẩm hạnh này được giải thích một cách chung trong kinh Cunda Kammaraputta Sutta, là bài kinh dạy về việc một người phải từ bỏ tất cả các hành vi sai trái về tính dục, bao gồm việc có mối quan hệ tình dục với người phụ nữ chưa chồng (bất kể ai được bảo vệ bởi ba mẹ hoặc bởi người giám hộ hoặc bởi anh chị em), phụ nữ đã có chồng, phụ nữ đã đính hôn, phụ nữ bị kết án tù hoặc được bảo vệ bởi pháp (dhamma).[64]

Đối với tu sĩ, sự từ bỏ tà hạnh trong các dục có nghĩa là việc không quan hệ tình dục, một cách nghiêm ngặt; trong khi đó đối với cư sĩ Phật giáo thì điều này ngăn cấm sự ngoại tình cũng như là các hành vi khêu gợi, nhục dục sai trái khác.[65][66][67] Những bài kinh Phật giáo sau này cho rằng sự nghiêm cấm hành vi tình dục cho các cư sĩ bao gồm bất kì sự tham gia tình dục với phụ nữ đã có chồng, phụ nữ được bảo vệ bởi ba mẹ hoặc người thân, và phụ nữ bị ngăn cấm bởi các quy tắc của pháp (dhamma) như là họ hàng, nữ tu sĩ, và những người khác

Chánh mạng

Chánh mạng (samyag-ājīva / sammā-ājīva) được đề cập trong nhiều bài kinh Phật giáo thời kì đầu, như trong bài kinh Đại kinh bốn mươi (Mahācattārīsaka Sutta) trong kinh Trung bộ (Majjhima Nikaya) như sau:[39]

Và thế nào là chánh mạng? Chánh mạng, này các Tỳ-kheo, ta nói có hai loại: có loại chánh mạng hữu lậu, thuộc phước báu, đưa đến quả sanh y; có loại chánh mạng thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi.

Và thế nào là chánh mạng hữu lậu, thuộc phước báu, đưa đến quả sanh y? Ở đây, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử bỏ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng; như vậy là chánh mạng hữu lậu, thuộc phước báu, đưa đến quả sanh y.

Và thế nào là chánh mạng vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi? Cái gì, này các Tỳ-kheo thuộc về từ bỏ, từ đoạn, từ khước, viễn ly tà mạng đối với một vị tu tập Thánh đạo, thuần thục trong Thánh đạo. (...)

Trong các bài kinh thuộc tạng kinh thời kì đầu đưa ra rằng chánh mạng là sự tránh né và sự từ bỏ tà mạng. Vetter chỉ ra rằng, phẩm hạnh này đã được giải thích sâu hơn trong các bài kinh Phật giáo như là "sống khất thực, nhưng không chấp nhận bất cứ thứ gì và không sở hữu bất cứ thứ gì mà nhiều hơn mức cần thiết".[63] Harvey chỉ ra rằng, đối với cư sĩ Phật giáo, quy tắc trên yêu cầu rằng việc mưu sinh phải tránh gây ra sự đau khổ cho các loài hữu tình khác do dụ dỗ chúng, hãm hại hoặc giết hại chúng theo bất kì cách thức nào.[25]

Harvey còn chỉ ra, trong kinh Tăng chi bộ III.208 xác nhận rằng chánh mạng bao gồm việc không buôn bán vũ khí, con người, thịt, rượu bia và thuốc độc.[25][68] Trong cùng bài kinh, ở phần V.177, cũng xác nhận rằng điều này cũng đúng đối với hàng cư sĩ Phật giáo.[69] Harvey nói thêm, điều này có nghĩa là việc chăn nuôi và buôn bán động vật để giết thịt là một sự vi phạm của quy tắc "chánh mạng" trong truyền thống Phật giáo, và các nước theo Phật giáo thì có ít các lò mổ thịt quy mô lớn so với các nước phương Tây.[70]

Chánh tinh tấn

Chánh tinh tấn (samyag-vyāyāma / sammā-vāyāma) là việc ngăn ngừa sự sinh khởi các bất thiện pháp, và là việc phát triển các thiện pháp. Nó bao gồm indriya-samvara, "canh gác các giác quan", kiểm soát các lục căn.[27] Chánh tinh tấn được trình bày trong kinh điển tiếng Pali, như trong bài kinh Phân biệt về sự thật (Sacca-vibhanga Sutta) như sau:[52][59]

Và thế nào là chánh tinh tấn?

Ở đây Tỳ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp đã sanh khởi, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí.
Như vậy được gọi là chánh tinh tấn.

Các pháp bất thiện (akusala) được mô tả trong các bài kinh Phật giáo, theo cách chúng liên hệ đến những suy nghĩ, cảm xúc, ý định và những cái bao gồm pancanivarana (năm triền cái) - những suy nghĩ ái dục, nghi ngờ, hôn trầm thụy miên, trạo cử và sân hận.[63] Đối với những cái này, các truyền thống Phật giáo xem xét những suy nghĩ ái dục và sân hận sẽ cần thêm nhiều nỗ lực chân chánh. Khát vọng ái dục cần phải được loại bỏ bằng nỗ lực bao gồm bất kể điều gì liên quan đến hình ảnh, âm thanh, mùi, vị và xúc chạm. Điều này có thể được thực hiện bằng cách kiểm soát các căn (indriya-samvara). Sân hận cần phải được loại bỏ bằng nỗ lực bao gồm bất kể cách thức nào của sự ác cảm như là căm ghét, hận thù, tức giận, cay cú đối với bất kì điều gì hoặc bất kì ai.

Chánh niệm

Theo truyền thống thực hành Yoga, niệm (sati) có thể mang nghĩa là ghi nhớ về đối tượng thiền định, để nuôi dưỡng một trạng thái tâm trí hấp thụ sâu lắng và yên tĩnh,[71] còn trong Phật giáo thời kì đầu nó mang nghĩa "sự duy trì", lưu tâm trên các pháp (dhammas) mà có lợi ích trên con đường Phật giáo.[72] Theo Gethin, niệm (sati) là một đặc tính mà nó canh giữ hay trông nom tâm trí;[73] nó càng mạnh bao nhiêu, thì các bất thiện phát của tâm trí trở nên yếu ớt bấy nhiêu, làm suy yếu đi năng lực của bất thiện pháp bằng cách "chiếm lấy và thống trị các suy nghĩ, từ ngữ và hành động".[74] Theo Frauwallner, niệm đã là một phương tiện để ngăn ngừa sự sinh khởi của ái (craving), là cái đơn giản được hình thành từ sự tiếp xúc giữa các giác quan và các đối tượng của chúng. Cũng theo Frauwallner thì điều trên có thể đã là ý tưởng gốc của đức Phật.[29] Còn theo Trainor, niệm (sati) hỗ trợ cho một người để không ái (crave) và thủ (cling) đối với bất kì trạng thái hay điều gì tạm thời, bằng sự nhận thức hoàn toàn và liên tục trên các hiện tượng dựa trên tính vô thường, tính khổ và vô ngã.[75] Gethin nhắc đến Milindapanha, mà nó nói rằng niệm (sati) mang tâm trí đến các pháp (dhammas) và những đặc tính tốt và không tốt của nó, hỗ trợ sự loại bỏ các bất thiện pháp và củng cố thêm thiện pháp.[76] Gethin để ý hơn nữa rằng niệm (sati) giúp cho một người nhận thức "các pháp ở phạm vi đầy đủ", đó là mối liên hệ giữa những thứ, mở rộng tầm mắt và sự hiểu biết của một người.[77]

Kinh Niệm xứ (Satipatthana Sutta) mô tả về sự nghiền ngẫm về bốn phạm vi, cụ thể là thân thể, cảm giác, tâm trí và các pháp.[note 4] Kinh niệm xứ được đánh giá bởi phong trào thiền minh sát như là bài kinh tinh hoa đối với thiền định Phật giáo, lấy những manh mối từ nó dựa trên "sự quan sát thuần túy" và sự nghiền ngẫm về các pháp quan sát được như là khổ, vô thườngvô ngã.[78][79][note 5][note 6] Theo Grzegorz Polak, bốn upassanā đã bị hiểu sai bởi truyền thống Phật giáo phát triển, kể cả Thượng tọa bộ, để chỉ cho bốn nền tảng khác nhau. Theo Polak thì bốn upassanā không chỉ cho bốn nền tảng chánh niệm mà một người cần chú tâm tới, nhưng thay vào đó là một bản miêu tả thay thế về thiền (jhanas), mô tả cách mà các hành (samskharas) được làm dịu:[81]

  • sáu nội-ngoại xứ là cái cần được để tâm đến (kāyānupassanā);
  • sự nghiền ngẫm về thọ (vedanās), là cái sinh khởi từ sự tiếp xúc giữa các giác quan và các đối tượng của giác quan (vedanānupassanā);
  • các trạng thái thay đổi của tâm trí mà phương pháp thực hành này dẫn đến (cittānupassanā);
  • sự phát triển từ năm triền cái đến thất giác chi (dhammānupassanā).[note 7]

Trong phong trào thiền minh sát, chánh niệm (samyak-smṛti / sammā-sati) được diễn giải là "sự quan sát thuần túy": không bao giờ vắng mặt tâm trí, luôn nhận thức rõ cái mà mình đang làm.[82] Rupert Gethin để ý rằng phong trào thiền minh sát đương đại diễn giải bài kinh Niệm xứ (Satipatthana Sutta) là "mô tả một cách thức thuần túy của thiền quán (vipassanā)" mà trong đó định (samatha) và thiền (jhāna) đều không cần thiết. Tuy vậy, trong Phật giáo thời kì tiền bộ phái, sự thiết lập niệm đã được đặt trước khi luyện tập thiền, và có liên quan đến sự loại bỏ năm triền cái và sự đi vào tầng thiền đầu tiên.[24][note 8]

Hệ thống các tầng thiền mô tả niệm cũng như sự xuất hiện trong tầng thiền thứ ba và thứ tư, sau sự tập trung ban đầu của tâm trí.[83][note 9] Gombrich and Wynne để ý rằng, trong khi tầng thiền thứ hai biểu thị sự hấp thụ, thì ở tầng thiền thứ ba và thứ tư người đó thoát ra khỏi sự hấp thụ này, trở nên nhận thức đầy đủ bằng tâm trí về các đối tượng trong khi vẫn giữ tính chất không phân biệt đối với chúng.[note 10] Theo Gombrich, "truyền thống sau này đã xuyên tạc thiền bằng cách xếp loại chúng theo sự tinh túy của định và loại bình tĩnh của thiền, bỏ qua các yếu tố khác cao hơn."

Chánh định

Định

Định (samyak-samādhi / sammā-samādhi) là một phương pháp thực hành phổ biến trong các tôn giáo tại Ấn Độ. Thuật ngữ định (samadhi) được trích dẫn từ gốc từ sam-a-dha, mà nó có nghĩa là "tập hợp" hoặc "mang lại với nhau", và vì thế nó thường được dịch là "sự tập trung" hay là "sự thống nhất của tâm trí". Trong các bài kinh Phật giáo thời kì đầu, định cũng có liên quan đến thuật ngữ "samatha" (sự lưu lại của tĩnh lặng). Trong các bài kinh, định được định nghĩa như là sự tập trung vào một điểm của tâm trí (Cittass'ekaggatā).[84] Phật Âm (Buddhagosa) định nghĩa định là "sự tập trung vào chính giữa của tiềm thức và những sự việc xung quanh tiềm thức một cách đồng đều và đúng đắn trên một đối tượng đơn lẻ... trạng thái mà do đó tiềm thức và những sự việc xung quanh nó duy trì một cách đồng đều và đúng đắn trên một đối tượng đơn lẻ, không bị làm phân tâm và không bị phân tán."[85]

Theo tỳ-kheo Bodhi, chánh định là sự đạt đến sự nhất tâm và sự thống nhất của tất cả tâm sở (mental factors), nhưng nó không giống như là "một người thích ăn uống ngồi xuống một bàn ăn, hoặc là một người lính ở trên chiến trường" mặc dù họ cũng trải qua sự nhất tâm. Điểm khác biệt là ở chỗ những người được nhắc đến ở trên thì có một đối tượng được nhắm đến với toàn bộ sự nhận thức được hướng về phía đối tượng đó - là bữa ăn hay là mục tiêu. Trong khi đó, chánh định trong Phật giáo là một trạng thái nhận thức mà không có bất cứ vật gì hoặc đối tượng gì, và một cách tột cùng là đến sự vô ngã và sự trống rỗng, như được diễn tả trong các bài kinh.

Thực hành

Bronkhorst để ý rằng cả hai bài kinh Tứ diệu đế và Bát chánh đạo đều không cung cấp các chi tiết cụ thể về chánh định (samadhi).[86] Sự giải thích được tìm thấy trong các bài kinh trong tạng kinh Phật giáo, trong nhiều bài kinh (Suttas) như là bài kinh Phân biệt về sự thật (Saccavibhanga Sutta)[52][59]

Và thế nào là chánh định?

[i] Ở đây, này chư hiền, Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất (cấp độ tập trung, tiếng phạn: "dhyāna"), một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ;
[ii] Vị Tỷ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
[iii] Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.;
[iv] Tỷ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh định.
Đây được gọi là chánh định.[59][87]

Bronkhorst đã đặt câu hỏi về lịch sử và trình tự xảy ra của bản miêu tả về bốn mức thiền (jhanas). Bronkhorst nói rằng con đường này có lẽ giống như cái mà Đức Phật đã dạy, nhưng các chi tiết và bố cục của bản miêu tả về các mức thiền một cách cụ thể, và có lẽ các yếu tố khác nữa, thì có vẻ như là công trình nghiên cứu của triết học kinh viện sau này (later scholasticism).[88][89] Bronkhorst để ý rằng bản miêu tả của mức thiền thứ ba không thể được trình bày bởi Đức Phật, bởi vì nó bao hàm cụm từ "các Bậc Thánh gọi là", trích dẫn lời của những tỳ kheo Phật giáo lúc ban đầu, chứng tỏ rằng nó được tạo ra bởi các tỳ kheo Phật giáo sau này.[88] Một khả năng cao là các học giả về Phật giáo sau này đã sáp nhập cái này, và sau đó đã đóng góp các chi tiết và con đường, cụ thể là những sự hiểu biết tường tận về thời điểm của sự giải thoát, đã được khám phá bởi Đức Phật.[88]

Niệm

Mặc dù đôi khi được dịch là "định", như trong mức giới hạn của sự chú ý của tâm trí lên một đối tượng, trong mức thiền thứ tư "xả niệm thanh tịnh",[90] và việc thực hành của thiền định có thể đã được sáp nhập một cách hoàn thiện từ các truyền thống phi Phật giáo.[91] Vetter để ý rằng định bao gồm bốn bước của quá trình tỉnh thức, nhưng

...để nói về nó một cách chính xác, mức thiền đầu tiên có vẻ như là cung cấp, sau một thời gian, một trạng thái của sự tập trung mạnh mẽ, mà từ nó các mức thiền tiếp theo sẽ đến sau; mức thiền thứ hai được gọi là samadhija.[83]

Gombrich and Wynne cũng để ý rằng, trong khi mức thiền thứ hai ám chỉ về trạng thái hấp thụ, thì trong mức thiền thứ ba và tư, người đó sẽ ra khỏi sự hấp thụ này, trở nên nhận thức một cách tỉnh giác với các đối tượng trong khi ở đang trạng thái không phân biệt đối với nó.[92] Theo Gombrich, "truyền thống sau này đã xuyên tạc thiền bằng cách xếp loại chúng theo sự tinh túy của định và loại bình tĩnh của thiền, bỏ qua các yếu tố khác cao hơn."

Thực hành

Thứ tự trong việc thực hành

Vetter để ý rằng theo lúc ban đầu thì con đường kết thúc bằng việc thực hành thiền/định như là phương pháp thực hành chủ chốt.[7] Theo kinh điển tiếng Pali và tiếng Trung Quốc, trạng thái định (chánh định) thì phụ thuộc vào sự phát triển của các yếu tố trước của con đường:[39][93][94]

Này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và các tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Này các Tỷ-kheo, phàm có nhất tâm nào (ekaggata) được tư trợ với bảy chi phần này, này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Thánh chánh định cùng với các cận duyên và các tư trợ.

— Maha-cattarisaka Sutta

Dựa theo bài kinh, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, và chánh niệm được dùng như là các cận duyên và các tư trợ cho sự thực hành chánh định. Việc hiểu về chánh kiến là một vai trò tiên quyết, và cũng là yếu tố đi đầu trong toàn bộ Bát chánh đạo.[39][95]

Theo các nhà sư phái Thượng tọa bộ thời hiện đại và học giả Walpola Rahula, các chi phần của Bát chánh đaọ "được phát triển ít nhiều một cách đồng thời, và tốt nhất có thể theo khả năng của mỗi người. Chúng được liên kết tất cả với nhau và mỗi yếu tố sẽ giúp đỡ trong sự phát triển của các yếu tố còn lại."[96] Tỳ kheo Bodhi giải thích rằng những yếu tố này không phải theo thứ tự, nhưng là các thành phần, và "với một mức độ nào đó trong quá trình thì tất cả tám yếu tố có thể hiện hữu một cách đồng thời, mỗi cái hỗ trợ cho cái còn lại. Tuy nhiên, cho đến khi đạt đến điểm đó, một vài thứ tự xảy ra trong sự bộc lộ của con đường thì không thể tránh khỏi."[97]

Buswell và Gimello nói rằng, ở đoạn mà trên con đường nơi mà không còn gì để học nữa trong Thắng pháp của Duy thức tông (Yogachara Abhidharma) là đồng nghĩa với việc đạt đến Niết bàn hoặc Phật tính, là mục tiêu cuối cùng trong Phật giáo.[98][99]

Ghi chú

Tham khảo

Nguồn

Nguồn chính
  • Bodhi, Bhikkhu (1999). The Noble Eightfold Path: The Way to the End of Suffering. Truy cập 4 tháng Bảy năm 2006.
  • Carter, John Ross and Palihawadana, Mahinda; tr. Buddhism: The Dhammapada. New York: History Book Club, 1992.
  • Ñanamoli Thera (tr.) & Bhikkhu Bodhi (ed., rev.) (1991). The Discourse on Right View: The Sammaditthi Sutta and its Commentary (The Wheel Publication No. 377/379; includes translations of MN 9 and the associated commentary from the Papañcasudani). Kandy: Buddhist Publication Society. Retrieved 22 September 2007 from "Access to Insight" (1994).
  • Nyanasobhano, Bhikkhu (1989). Two Dialogues on Dhamma (Wheel No. 363/364). Kandy: BPS. Retrieved 4 February 2008 from "Access to Insight" (2005)
  • Rahula, Walpola. What the Buddha Taught. New York: Grove Press, 1974. ISBN 0-8021-3031-3.
  • Rewata Dhamma. The First Discourse of the Buddha. Somerville, Massachusetts: Wisdom Publications, 1997. ISBN 0-86171-104-1.
  • Snelling, John. The Buddhist Handbook: A Complete Guide to Buddhist Schools, Teaching, Practice, and History. Rochester: Inner Traditions, 1991. ISBN.
  • Sri Lanka Buddha Jayanti Tipitaka Series (SLTP) (n.d.), Avijjāvaggo Lưu trữ 2010-11-25 tại Wayback Machine, (SN 44 [Sinhalese ed.], ch. 1, in Pali). Retrieved on 16 July 2007 from "Mettanet – Lanka"
Nguồn phụ