Chu Văn Uyển

Chu Văn Uyển là một tướng lĩnh của phong trào Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.

Hành trạng

Chu Văn Uyển tham gia nghĩa quân Tây Sơn, ban đầu ông giữ chức Đô ty sau thăng dần đến chức Đô đốc, ngoài ra Chu Văn Uyển còn giữ chức Tuần kiểm Bắc Thành. Chức Tuần kiểm là một chức vụ có nhiệm vụ kiểm tra, thanh sát trông quân đội.[cần dẫn nguồn]

Chu Văn Uyển tham gia vào các trận đánh bình đình Bắc Hà dưới quyền Tiết chế Vũ Văn Nhậm và Tư mã Ngô Văn Sở. Ông cũng tham gia trận Ngọc Hồi-Đống Đa, đánh thắng quân Thanh[cần dẫn nguồn]. Sau đó cùng với các tướng Vũ Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyết, dưới quyền Trấn thủ Bắc Thành Phan Văn Lân đánh dẹp dư đảng nhà Hậu Lê. Đáng kể là các chiến dịch đánh lại Hoàng Văn Đồng, Nông Văn Tấn và Lê Duy Chi. Thời gian này ông giữ chức Trấn thủ (Đốc trấn) Cao Bằng với tên là Chu Văn Uyển theo nghiên cứu Quân Thanh vào Thăng Long của Lê Duy Chính[cần dẫn nguồn].

Chu Văn Uyển có tham gia vào phái đoàn đi sứ nhà Thanh.[cần dẫn nguồn]

Kết cục

Cũng như nhiều tướng lĩnh Tây Sơn khác, số phận về sau của ông không rõ. Tên tuổi của ông được ghi trong các sách sử như Cương Mục, Đại Nam Thực Lục, Lê Quý Kỷ sự và các nghiên cứu của Lê Duy Chính về nhà Tây Sơn.

Tham khảo

Đại Nam Thực Lục viết:

Lê Duy Kỳ khởi binh ở Cao Bằng. Duy Kỳ là em vua Lê. Vua Lê sang nước Thanh, Duy Kỳ chạy ra Cao Bằng. Cựu thần nhà Lê là Nguyễn Đình Lượng giận giặc cướp ngôi, đem quân rước về, liên kết với những tù trưởng Man ở Tuyên Quang, Hưng Hóa, cử binh đánh giặc. Đô đốc giặc là Nguyễn Văn Uyển đem 5.000 tinh binh theo đường Thái Nguyên đến đánh đuổi, bèn tan. (ĐNTL - Tập 1 trang 259)

Cương Mục viết:

Khi giặc Tây Sơn đánh phá Thăng Long, Duy Chi chạy đi Định Châu, cùng với phiên thần là Ma Thế Cố thu lượm và tụ tập dân chúng trong châu, đắp lũy để phòng thủ. Duy Chi lại ước hẹn kết hợp với các phiên mục ở Tuyên Quang và Bảo Lạc, dần dần chiêu mộ quân lính thượng du vùng Thái Nguyên để tăng cường thêm thế lực. Tướng giặc là Uyển (không rõ họ) đến đánh nhưng không hạ được, rồi phải rút quân về. (Cương Mục trang 990)

Nguồn Tham khảo