Giáo hoàng Piô IX

Giáo hoàng Piô IX (Tiếng Latinh: Pie IX) là vị giáo hoàng thứ 255 của Giáo hội Công giáo. Theo niên giám tòa thánh năm 1860 thì ông đắc cử Giáo hoàng vào ngày 16 tháng 6 năm 1846.[1] Niên giám tòa thánh năm 2003 xác định ngày đắc cử Giáo hoàng là ngày 16 tháng 6 năm 1846, ngày khai mạc chức vụ mục tử đoàn chiên Chúa là ngày 21 tháng 6 và kết thúc triều đại của mình vào ngày 7 tháng 2 năm 1878.

Chân phước
Giáo hoàng Piô IX
Tựu nhiệm16 tháng 6 năm 1846
Bãi nhiệm7 tháng 2 năm 1878
31 năm, 236 ngày
Tiền nhiệmGrêgôriô XVI
Kế nhiệmLêô XIII
Thông tin cá nhân
Tên khai sinhGiovanni Maria
Mastai-Ferretti
Sinh(1792-05-13)13 tháng 5 năm 1792
Senigallia, Lãnh thổ Giáo hoàng
Mất7 tháng 2 năm 1878(1878-02-07) (85 tuổi)
Apostolic Palace, Rôma, Ý
Chữ ký
Huy hiệu
Các giáo hoàng khác lấy tông hiệu Piô

Trước khi thành giáo hoàng

Gia đình

Giovanni Maria Mastai-Ferretti - tên thật của Pio IX - sinh tại Senegalia thuộc tỉnh Ancona (miền trung - đông nước Ý) ngày 12 tháng 5 năm 1792 trong một gia đình quý phái và có những truyền thống Công giáo sâu xa.

Ông trở thành học sinh của trường các Cha Scolopi tại Volterra. Sức khỏe của ông yếu, nhưng sau đã hoàn toàn bình phục.

Linh mục

Vì quyết định làm linh mục, sau khi theo học trường trung học piano của Volterra, Mastai Ferretti đi Rôma để có thể theo ơn gọi ông học thần học và triết học ở Rôma.

Kiến thức về thần học của ông không được sâu xa, nhưng ông tỏ ra có một khuynh hướng riêng về mục vụ. Sau đó, ông bị từ chối vào đội vệ binh quý tộc vì lý do sức khỏe (ông bị bệnh động kinh) và tiếp tục học ở chủng viện Rôma.

Năm 1819, Gioan Maria Mastai Ferretti được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm làm linh hướng của một cô nhi viện danh tiếng ở Rôma. Rồi vào trường ngoại giao Tòa Thánh và năm 1823, ông được Pius VII gửi đi tập sự tại Chili với tư cách là bàng thính viên của đức ông Muzi, đặc ủy Tòa thánh.

Khi trở về Roma năm 1825, ông được bổ nhiệm làm kinh sĩ của Sainte-Marie de via Lât và giám đốc bệnh viện San Michele.

Giám mục và hồng y

Ông làm Giám mục Spoleto năm 1827, rồi năm 1832 thăng Giám mục giáo phận Imola. Tại đây ông phải đối phó với những khuynh hướng chống giáo sĩ và nghịch Giáo hội.

Tuy còn trẻ tuổi, ông được thăng Hồng y năm 1840. Trong chức vụ này, ông tỏ ra là một người có khuynh hướng ôn hòa; nhờ vậy, ông là một người trung gian giảng hòa giữa các khuynh hướng đối chọi nhau.

Thời gian làm Giáo hoàng

Xu bạc: 1 scudo Lãnh địa Giáo hoàng được đúc dưới thời Giáo hoàng Piô IX, năm 1853

Bầu cử

Ngày 14 tháng 6 năm 1846, Đức Hồng y Mastai Ferretti là ứng viên của những người tự do được bầu làm Giáo hoàng thứ 255 của Giáo hội, ông nhận tên hiệu là Pio IX để tôn vinh Piô VII.

Hồng y Gaysruck của Milanô đến quá chậm nên không thể hoãn lại quyết định không cho ứng cử Giáo hoàng do hoàng đế yêu cầu.

Thực hiện cải cách

Mục tiêu đầu tiên của ông là làm dịu tình hình chính trị đã trở nên căng thẳng do tính cố chấp của Grêgôriô XVI. Vốn là con người thức thời, mền dẻo, nhã nhặn, ông bắt tay vào việc với đường lối mới, cố gắng thực hiện cuộc cải cách hết sức rộng rãi trong nước Tòa thánh. Vì thế, ông ân xá cho tất cả những người bị đày và tù nhân chính trị, việc kiểm duyệt giảm nhẹ. Những hành động đầu tiên của Triều Giáo hoàng của Piô IX, đã làm lan rộng tin đồn rằng: Ông là vị Giáo hoàng theo khuynh hướng tự do, nhưng đồng thời cũng làm cho ông trở nên như "một thần tượng".

Công cuộc cải cách của ông trong công việc hành chánh của các quốc gia thuộc quyền Giáo hoàng và các phong tục của giáo triều đã làm cho ông rất được lòng dân chúng, và họ đã bày tỏ công khai sự ủng hộ họ dành cho ông.

Roma được tổ chức thành một thị xã dân sự, nhiều thường dân gia nhập chính quyền và cuối cùng ngày 14.3.1848, một hiến pháp được ban hành dự liệu hai nghị viện: một do Giáo hoàng đề cử, một do dân đầu phiếu: Hồng y đoàn đứng trên cả hai viện và được coi là thượng viện.

Các văn kiện có tính cách giáo lý, tín lý vẫn theo con đường truyền thống của Giáo hội. Nhưng mối quan tâm đầu tiên của ông là việc cải tổ hàng giáo sĩ và đời sống các tu sĩ và tổ chức lại đường lối ngoại giao của Tòa Thánh.

Cách mạng 1848 ở Ý

Trong khoảng 1830, ở Âu Châu (Bỉ) và Nam Mỹ, nhiều cuộc cách mạng thành công đã tạo lập được các chính thể hợp hiến, do đó khi Piô IX lên ngôi Giáo hoàng năm 1846, ông có khuynh hướng thuận lợi với các lực lượng hỗ trợ sự tự do chính trị.

Tuy nhiên, khi một số lực lượng cách mạng giết vị tổng Giám mục ở Paris, và một số khác ép buộc vị tân Giáo hoàng phải ra khỏi nước Ý sau khi được đắc cử, Giáo hoàng Piô IX tin rằng chủ nghĩa tự do chính trị thì nguy hiểm đối với Giáo hội và xã hội, và ông giữ lập trường cứng rắn chống đối chủ nghĩa này.

Tháng 4.1848, Carlo Alberto, vua xứ Piamonte tuyên chiến với Áo. Và vì Giáo hoàng Pius IX đã tán thành việc thống nhất ngành thuế quan nhưng từ chối tham gia thánh chiến của Ý chống lại Áo nhằm giải phóng dân tộc Ý nên dân Ý tỏ vẻ thất vọng.

Tháng 11 năm 1848, đúng ngày khai mạc viện Dân biểu, chủ tịch nội các Rossi bị ám sát. Dân chúng bao vây điện Quirinal khiến Giáo hoàng Pius IX phải trá hình chạy xuống Gaeta thuộc xứ Napoli ngày 24 tháng 11 năm 1848. Ở Roma, một nghị hội lập hiến thành lập và tuyên bố nền Cộng hòa (9 - 2 - 1840) dưới sự điều khiển của "tam đầu chế": Mazzini, Safi và Armellini.

Từ Gaete, ông kêu gọi sự can thiệp của các cường quốc Âu châu. Năm sau, hoàng đế Pháp là Napoléon III sai tướng Oudinot đem quân tái chiếm Roma tháng 7 năm 1849, đưa Pio IX trở về và tái lập chế độ chuyên chế như xưa.

Được đưa trở lại Rôma tháng 4 năm 1850, Giáo hoàng cố gắng hàn gắn viết thương do cuộc cách mạng gây nên. Nhưng chính ông và vị hồng y quốc vụ khanh Antonelli đã không chấp nhận chính thể lập hiến. Chế độ độc đoán cũ vẫn duy trì chỉ mở rộng thêm cho thường dân gia nhập guồng máy cai trị tại các tỉnh và làng xã. Quân đội Pháp trú đóng tại Roma (1849-1870) bảo vệ Giáo hoàng. Các tình miền bắc cũng có quân đội Áo trấn đóng cho đến năm 1859.

Tín điều Vô nhiễm nguyên tội

Năm 1849, Giáo hoàng Pius IX thăm dò ý kiến của hàng Giám mục rồi ngày 8 tháng 12 năm 1854, Bằng sắc chỉ Ineffabilis Deus, ông đã công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Maria.

Bằng việc công bố tín điều này, ông đã gián tiếp xác định quyền bất khả ngộ của mình.

Năm thánh 1850

Năm Thánh thứ 21 được cử hành vào năm 1850 dưới triều Piô IX nhưng vì những biến cố chính trị tại Ý đã không cho phép thực hiện rầm rộ.

Vào năm 1850, Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô vẫn không được mở, mặc dầu Piô IX có tổ chức một cách đơn sơ Năm Thánh với giáo sĩ tại Rôma mà thôi. Cũng vào năm 1850 Pio IX đặt Wiseman làm Giám mục Westminster khi tái lập hàng giáo phẩm Anh Quốc (cùng 12 địa phận khác).) Wiseman tác giả của cuốn Fabiola. Ông xuất thân từ đại học Oxford sau trở thành viện trưởng đại học và tỏ ra rất cởi mở với trào lưu trí thức đương thời. Ông giúp người Công giáo Anh hiểu biết về Giáo hội tại lục địa và đem lại cho họ sự can đảm. Năm 1853, Giáo hoàng Pio IX cũng tái lập giáo phận Utrecht thuộc Hà Lan, với 4 giáo phận phụ thuộc, thêm 2 giáo phận nữa vào hai năm sau.

Cách mạng Ý

Khi nhận thấy việc thiết lập một bang Ý dưới quyền Giáo hoàng cũng như việc xây dựng nền Cộng hòa là điều không thể, các nhà ái quốc đã quay sang ủng hộ Victor Emmanuel II, vua xứ Piémont và Sardenia (1849-1878). Được dân Ý ủng hộ Victor Emmanuel vua xứ Piémont cùng với thủ tướng De Cavour chinh phục và thống nhất "nước Ý Trẻ".

Năm 1856, tại hội nghị Paris sau chiến tranh Krym, Tháng 3 năm 1861, De Cavour nếu vấn đề quốc gia Ý, vì một mình người Ý không thể thực hiện nổi công cuộc thống nhất, ông tìm cách liên minh với Pháp. Tháng 7 năm 1857, một thảo hiệp được ký kết giữa hai nước. Năm 1859, De Cavour đánh bật được quân Áo ra khỏi Lombardia.

Giáo hoàng Leo IX yêu cầu quân Áo rút khỏi nước Tòa thánh nhưng họ vừa ra đi, dân chúng liền vùng dậy trong hai tỉnh Romania, Umbria và tại các biên trấn. Họ tuyên bố bãi bỏ quyền Giáo hoàng, và đòi sáp nhập lãnh thổ Tòa thánh vào Piamonte nghĩa là lãnh thổ nước Ý thống nhất đang hình thành. Giáo hoàng Pio IX ra vạ tuyệt thông tất cả những ai tham dự vào việc "cướp đất Tòa thánh" nhưng vô hiệu.

Từ năm 1859, các công quốc Toscana, Modena và Parma đã lần lượt sáp nhập vào tân quốc gia. Tỉnh Romania mất về tay Emmanuel. Năm 1860, Garibaldi chiếm Sicilia và Napoli lật đổ Francois, ông hoàng ngoại quốc cuối cùng trên đất Ý.

Hồng y quốc vụ khanh Antonelli từ chối yêu cầu của Cavour đòi chấm dứt việc mộ lính đánh thuê trong quân đội Giáo hoàng. Sau đó các tỉnh Umbria, Castelfidardo cũng sáp nhập vào Ý quốc.

Tháng 8 năm 1861, Emmanuel tự công bố là vua nước Ý, chiếm khoảng 2/3 nước Tòa Thánh. Đứng trước những đòi hỏi và đề nghị của Piamonte, Giáo hoàng Pio IX và Antonelli vẫn giữ lập trường:

"Chúng tôi không thể".

Do dư luận công giáo Pháp, Napoléon III duy trì quân đội để bảo vệ Roma và các vùng phụ cận cho Giáo hoàng Pio IX. Tháng 9.1864, bằng một thỏa ước, chính quyền Ý cam kết với Pháp sẽ tôn trọng phần đất còn lại của Tòa thánh và bảo vệ chống mọi cuộc xâm lăng.

Bản Syllabus

Ngày 8 tháng 12 năm 1864 mười năm sau khi công bố tín điều Đức Maria vô nhiễm, Giáo hoàng Pius IX chống những sai lầm thời đại bằng cách kết án. Trong thông điệp "Quanta cura" ông gửi đến các Giám mục bản Syllabus, tóm tắt 80 "điều sai lầm của thời đại ta".

Trong đó ông kết án chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa xã hộichủ nghĩa tự do. Thông điệp Quanta cura lên án nhiều "sai lầm của thế giới tân thời". Syllabus gây nên nhiều tranh luận. Thực sự Syllabus không chứa đựng những mới lạ.

Khi kết án, bản văn không xác định học thuyết nào mới đúng, nên Giám mục Dupanloup có thể đề ra lối giải thích hòa hoãn hơn. Những xác định rõ ràng sau bị kết án: "55. Giáo hội phải tách rời khỏi Nhà nước và Nhà nước phải được tách rời khỏi Giáo hội. 63. Cho phép từ chối vâng phục các ông hoàng hợp pháp và cho phép nổi dậy chống lại họ. 77. Ở thời đại chúng ta, không nên coi tôn giáo như đạo duy nhất của đất nước, loại bỏ mọi tôn giáo khác. 78. Trong một số nước Công giáo, luật pháp nên dự trù cho phép các ngoại kiều đến đây cư ngụ, được cử hành công khai các phụng tự riêng của họ là hợp lý. 79. Quả là sai lầm khi cho rằng quyền tự do phượng tự và việc cho phép mọi người toàn quyền công khai và cởi mở biểu lộ mọi ý tưởng và quan điểm của mình sẽ dễ dàng đưa các dân tộc đến chỗ suy đổi phong hóa và tinh thần, cũng như làm lan tràn cơn dịch của chủ nghĩa dửng dưng. 80. Giáo chủ Roma có thể và phải hòa hiệp, cũng như phải nhân nhượng với sự tiến bộ, với chủ nghĩa tự do và văn minh tân tiến".[2]

Triệu tập công đồng

Ngày 6 tháng 12 năm 1864, tức hai ngày trước khi công bố bản Syllabus trong một phiên họp của Thánh bộ lễ nghi, Giáo hoàng Pius IX thông báo riêng cho các hồng y biết từ lâu ông đã có ý định triệu tập một đại công đồng, "để nhờ phương tiện bất thường này mà giải quyết những công việc bất thường của cộng đồng Ky-tô giáo".

Tháng 6 năm 1867 trước cử tọa 500 Giám mục và đông đảo giáo dân, Giáo hoàng công khai loan báo về đại công đồng: "trong đó sẽ triệu tập hết các Giám mục trên thế giới công giáo, để cùng nhau đồng tâm hiệp lực tìm những phương pháp cần thiết và hữu ích, nhằm đối phó với biết bao sự dữ đang đè nặng trên Giáo hội".

Ngày 29 tháng 6 năm 1868, Ông ban hành Tông chiếu Aeterni Patris Unigenitus, chính thức triệu tập đại công đồng và ấn định khai mạc vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8.12.1869. Ông cũng viết thư cho Giáo hội chính thống Đông phương và Tin lành mời họ trử về "đoàn chiên duy nhất" nhưng không được hưởng ứng.

Vấn đề ơn vô ngộ của Giáo hoàng. Lúc này xuất hiện hai phe chống đối nhau: đối diện với một thiểu số có khuynh hướng khá gallican, nổi rõ một đa số có hảo ý với định nghĩa các quyền của Giáo hoàng: quyền tài phán phổ quát và tính bất khả ngộ, những đề tài mà ngay sau đó đã đè bẹp những tranh luận, đôi khi rất sôi nổi.

Cuối cùng định nghĩa về tính bất khả ngộ đã được công bố qua Hiến chế: Pastoraeternus: Đấng Chăn Chiên vĩnh hằng, ngày 18 tháng 7 năm 1870. Trong đó nêu:

Pio IX khẳng định tín điều bất khả ngộ không phải là tín điều mới mà chỉ là xác định một chân lý đã được Giáo hội toàn cầu biết và chấp nhận. Ông nói:

Thống nhất nước Ý

Công đồng chỉ hoàn tất được một phần rất nhỏ chương trình của mình vì bị cắt đứt bởi chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870, Ngày 19 tháng 7 năm 1870, Phổ tuyên chiến với Pháp. Napoléon III rút quân đội bảo vệ Giáo hoàng về nước.

Đến ngày 20 tháng 9 năm 1870, quân đội của Garibaldi chiếm được Roma, hoàn tất việc thống nhất nước Ý, chọn Roma làm thủ đô. Dân chúng bỏ 133.648 phiếu chống 1507, để chuyển thành Rôma từ Giáo hoàng qua triều đình Ý. Tháng 6 năm 1871, Roma được công bố làm thủ đô nước Ý và điện Quirinal được chọn làm Hoàng cung.

Giáo hoàng Piô IX ra một văn thư đình hoãn Công đồng "chờ tới khi hoàn cảnh thuận tiện sẽ tiếp tục". Từ 19 tháng 7 năm 1870 các nghị phụ phải trở về nước mình. Giáo hoàng phản đối vụ "cướp đất Tòa thánh" và ra vạ tuyệt thông những người âm mưu cũng như tham dự nhưng vô ích. Cuộc xung đột giữa ngôi Giáo hoàng và vương quốc Ý lên đến tột độ. Ngày 13 tháng 5 năm 1871, chính quyền Ý ban hành đạo luật mang tên "luật đảm bảo", đơn phương giải quyết vấn đề nước Tòa thánh.

Vương quốc nhìn nhận sự bất khả xâm phạm và quyền tối cao thiêng liêng về tôn giáo của Giáo hoàng, quyền đặt Giám mục Ý, nhà nước không đề cử Giám mục và không buộc thề trung thành. Mỗi năm sẽ cấp dưỡng cho Giáo hoàng 3.225.000 bảng Ý, dành cho ông hai điện Vatican và Latran cùng biệt thự Castel gandolfo trên bờ hồ Albano, đồng thời bảo đảm quyền tự do của ông trong lĩnh vực tôn giáo. Giáo hoàng Piô IX phủ nhận "luật bảo đảm" (15 - 15 - 1871) và sau hai lần nhận khoản tiền nộp, ông từ chối không nhận nữa để chỉ trông vào tiền bạc công đức của giáo dân.

Từ đó, Giáo hoàng Pio IX tự giam mình trong khu Vatican không hề bước chân ra ngoài. Sự bang giao giữa Vatican và Quirinal vô cùng căng thẳng. Do đó, năm 1874, Pio IX qua sắc lệnh "non expedit" của tòa xá giải có từ 6 năm trước, cấm người công giáo Ý tham gia bầu cử mang tính chính trị trong vương quốc, cho rằng như thế là ủng hộ các đảng phái quá kích. Năm 1876 các Giáo hoàng mới cho phép bầu cử ở cấp tỉnh và xã.[4]

Qua đời

Giáo hoàng Piô IX, trước khi qua đời, còn phải bênh vực cuộc chiến đấu Kulturkampf của Bismark. Ông đã tố giác Kulturkampf về cuộc chiến văn hóa, chính sách của Bismark chủ trương làm giảm thế lực của giáo hội Rôma và đặt giáo hội Đức dưới quyền giáo hội quốc gia. Cũng như những bạo lực do Thụy Sĩ thực hiện chống hàng giáo sĩ công giáo. Thông điệp 1873, đã lên án bạo lực Thụy Sĩ dẫn đến việc trục xuất liên sứ thần. Năm 1874, triều đình Áo-Hung cắt đứt thỏa ước.

Giáo hoàng Piô IX, trị vì gần 1/3 thế kỷ XIX, là Giáo hoàng giữ chức lâu nhất từ trước đến nay, nếu không tính Thánh Phêrô. Ông qua đời ngày 7 tháng 2 năm 1878 và được mai táng trong vương cung thánh đường Thánh Laurence tại Rôma. Lần cải táng trong tiến trình phong Chân Phước cho ông, người ta phát hiện thi hài của ông còn nguyên vẹn.

Mộ của Giáo hoàng Piô IX nằm trong một nhà nguyện phía sau cung thánh của vương cung thánh đường thánh Lauresô ngoại thành. Theo giáo sư Roger Aubert và Giacomo Martina, hai học giả về Triều Giáo hoàng của ông, thì lòng sùng đạo bình dân được phát triển hơn, con đường tu đức linh mục được canh tân hơn.

Hồ sơ phong Chân Phước cho ông được khởi sự ngày 7 tháng 2 năm 1901 gặp nhiều trắc trở, khó khăn và kéo dài cho đến ngày 6 tháng 7 năm 1985. Phép lạ liên quan đến việc chữa lành cho một nữ tu người Pháp do sự cầu bầu của Đấng Đáng Kính Giáo hoàng Piô IX được hội đồng Y Khoa giám định ngày 15 tháng 1 năm 1985 và đi đến kết luận tháng 12 năm 1999 là không thể cắt nghĩa được. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân Phước cho Đấng Đáng Kính Piô IX ngày 03 tháng 9 năm 2000 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Chú thích

Tham khảo

  • 265 Đức Giáo hoàng, Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, xuất bản tháng 5 năm 2009.
  • Các vị Giáo hoàng của giáo hội toàn cầu, hội đồng Giám mục Việt Nam [1] Lưu trữ 2009-12-14 tại Wayback Machine
  • Tóm lược tiểu sử các Đức Giáo hoàng, Đà Nẵng 2003,Jos. TVT chuyển ngữ từ Tiếng Anh.
  • Lịch sử đạo Thiên Chúa, Jean – Baptiste Duroselle và Jean – Marie Mayeur. Bộ sách giới thiệu những kiến thức thời đại: Que sais-je? Tôi biết gì? Người dịch: Trần Chí Đạo, Nhà xuất bản Thế giới tháng 4/2004.
  • Cuộc lữ hành đức tin, lịch sử Giáo hội Công giáo, Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP Hiệu đính tháng 9/2006, Đa Minh Việt Nam, Tỉnh dòng Nữ vương các thánh tử đạo.
  • Lịch sử Giáo hội Công giáo, Linh mục O.P Bùi Đức Sinh – giáo sư sử học, Tập I và II, Nhà xuất bản Chân Lý, Giấy phép số: 2386 BTT/PHNT Sài Gòn ngày 28 tháng 7 năm 1972.

Liên kết ngoài

Cảnh báo: Từ khóa xếp mặc định “Piô 9, Giáo hoàng” ghi đè từ khóa trước, “Piô IX, Giáo hoàng”.