Khắc gỗ

Khắc gỗ, điêu khắc gỗ là một kỹ thuật in đồ họa sử dụng một bản in bằng gỗ có hình nổi. Khắc gỗ được dùng để diễn đạt ý tưởng của các nhà nghệ thuật trước nhất là trong thế kỷ 16 và sau đó là bởi các nhà nghệ thuật theo trường phái biểu hiện (tiếng Anh: expressionism).

Tranh in khắc gỗ: Rồng trên đỉnh Fuji, Hokusai

Để tạo nên một bản in gỗ người ta dùng dao cắt các phần không in ra khỏi một mảnh gỗ đã được bào nhẵn, các phần nổi sau đó được quét màu lên và mang đi in hoặc bằng tay dùng một búa là (tiếng Đức: Falzbein) chà lên hay bằng máy in.

Ứng dụng

Khắc gỗ, in lên gỗ xuất hiện nhiều trong cuộc sống hằng ngày, được ứng dụng trong những lĩnh vực sau:

  • In trên đồ dùng bằng gỗ: Tranh treo tường, muỗng, thớt, đũa, chén, tô, ly,...
  • In trên các phụ kiện bằng gỗ: Móc khóa, ốp lưng cho điện thoại,...
  • In trên nội thất bằng gỗ: Bàn, ghế, tủ, kệ, giường ngủ, cửa, đồng hồ treo tường,...
  • Quảng cáo: In bảng quảng cáo, in bảng hiệu UV,...[1]

Cách tạo bản khắc gỗ

Chế tạo bản in

Thông thường gỗ được cắt thành một mảnh dày từ 2 đến 10 cm có sợi chạy theo chiều của hình (cắt dài). Mảnh gỗ được bào, mài và làm nhẵn cho đến khi bề mặt hoàn toàn phẳng có thể được phủ một lớp sơn nền, thường là một lớp phấn trắng mỏng. Theo thông lệ bản vẽ trước của nghệ sĩ được mang đặt lên lớp phấn này rồi dùng nhiều loại dao cắt theo các đường vẽ trước. Người ta không cắt thẳng đứng mà cắt hai lần, một lần cắt nghiên từ đường vẽ ra ngoài và một lần nghiên ngược lại rồi tách dăm bào ra. Trong phương pháp gọi là cắt đường đen này việc tạo hình được tiến hành bằng đường nét đen trên nền trắng.

Sau đấy bản in khắc gỗ đã hoàn chỉnh được phết mực in lên bằng một quả banh tròn tẩm mực to bằng nắm tay hay thường hơn là bằng một con lăn.

In

Người ta in bằng cách ép lên bản khắc gỗ một tờ giấy có khả năng hút nước tức là không có pha keo và vì thế mà hút mực và đã được làm ẩm một ít (hoặc là ngược lại ép bản gỗ lên giấy). Có thể dùng một trái banh lăn trên tờ giấy hay dùng một cây cọ quét lên để tạo lực cần thiết ép giấy sát vào bản in gỗ. Thông thường nhất là bản in được in bằng máy in sách (máy ép in nổi) có thể ép đều lực lên bản in gỗ và giấy. Sau mỗi lần in phải quét mực lại cho bản in khắc gỗ.

Đôi khi bản khắc gỗ lại được in qua đá và sau đó in ra như là một bản in thạch bản (tiếng Anh: lithography).

Các loại gỗ được sử dụng

Hartmann Schedel: Tàn phá Jerusalem (1493)

Gần như tất cả các loại gỗ thông dụng đều có thể sử dụng trong khắc gỗ. Một trong số ít loại gỗ không thích hợp cho việc khắc gỗ là gỗ của cây thông (Pinus) vì gỗ này có nhiều mấu và nhựa.

Gỗ thường được cắt dọc theo chiều dài của sợi (gỗ dài). Các loại gỗ cứng như gỗ của cây , hồ đào hay anh đào rất được ưa chuộng dùng trong các bản in có nhiều chi tiết vì so với loại gỗ mềm có thể cắt đều đặn hơn và vì thế có thể tạo những đường nhỏ tốt hơn. Gỗ mềm rất thích hợp cho những tác phẩm lớn và ngoài ra có ưu điểm là các tấm gỗ lớn không đắt như từ loại gỗ cứng.

Vân hay cấu trúc của gỗ đôi khi cũng được cố ý sử dụng như là một yếu tố đồ họa. Thích hợp nhất là những tấm gỗ đã qua mưa nắng mà vân của nó nổi lên như hình nổi vì những lớp mềm qua mưa nắng dễ bị mòn nhiều hơn. Tính chất này có thể được làm nhân tạo bằng cách quét tấm gỗ với một cây cọ bằng sắt hay dùng axít nitric loãng để xử lý bề mặt.

Nếu như trong phần lớn các kỹ thuật khắc gỗ việc lựa chọn gỗ chủ yếu chỉ là quyết định của nhà nghệ thuật thì trong chạm gỗ (wood engraving) gỗ phải có sợi nhỏ sát với nhau. Được ưa thích là gỗ của cây hoàng dương (Buxus sempervivens) được cắt ngang chiều của sợi nhưng lại rất đắt tiền vì loại cây này tăng trưởng chậm. Vì thế ở các bản khắc gỗ cũ từ cây hoàng dương mặt dưới được sử dụng lại hay mặt trên được bào đi để có thể khắc bản mới.

Dụng cụ

Trang bị cơ bản của một người khắc gỗ bao gồm:

  • Dao khắc dùng để khắc các đường thẳng và song song
  • Dao trổ dùng để tạo rãnh hình chữ V
  • Cây đục bán nguyệt để cắt bỏ đi những phần lớn không phải in.
  • Dao mỏng dùng để khắc các đường viền.

Một số nhà khắc gỗ chỉ sử dụng các cây đục bán nguyệt nhỏ và lớn chứ không dùng đến những dụng cụ như dao nhỏ. Ngày nay người ta cũng sử dụng các dụng cụ hiện đại như máy phay. HAP Grieshaber còn dùng đến cả máy cưa trong các bản khắc gỗ rất lớn của ông.

Đặc điểm của khắc gỗ bằng tay

Köln năm 1531 - Khắc gỗ của Anton von Worms
Rhinocerus (Tê giác) , tên tác phẩm khắc gỗ của Albrecht Dürer sáng tác năm 1515

Một bản in khắc gỗ nghệ thuật có những đặc điểm khác với các bản in đồ họa sử dụng các kỹ thuật khác như khắc đồng hay khắc nạo (tiếng Anh: mezzotint):

  • Mặt trái của bản in có dấu ấn nhẹ khi sờ vào có thể cảm nhận được.
  • Nếu in bằng tay, mặt trái của giấy sẽ bóng hơn một ít vì phải dùng dụng cụ để chà xát.
  • Vì chỉ cần lực ép tương đối ít hơn nên các cạnh của bản in ra không có vết hằn (tiếng Anh: platemark).
  • Màu của đường kẻ đều hòa trên khắp tờ giấy vì lực ép đều nhau.

Các biến thể của kỹ thuật khắc gỗ

Albrecht Dürer: "Bốn người cưỡi ngựa của Khải Huyền"

Các kỹ thuật cổ điển của khắc gỗ bao gồm:

  • "Cắt đường đen": Các phần nổi (và vì thế được in ra) của bản khắc gỗ sẽ tạo hình, đây là cách đầu tiên của kỹ thuật khắc gỗ.
  • "Cắt đường trắng": Đường nét được chạm trổ chìm vào gỗ, khi in bề mặt, thật ra là nền của bức tranh, sẽ được in ra, hình ảnh được tạo thành bởi các đường nét trắng do không được in. Phương pháp này được sử dụng nhiều nhất là trong thế kỷ thứ 16. Albrecht Dürer là một trong những nhà nghệ thuật đã sử dụng phương pháp này để tăng thêm ấn tượng cho các tác phẩm của ông.
  • Nhiều nhà nghệ thuật (Paul Gauguin, Edvard Munch, Ewald Maraté, Gerhard Altenbourg) ngược lại đã sử dụng những bản khắc gỗ lớn, nhấn mạnh đến hình dáng của bề mặt. Kỹ thuật này chú ý đến các tính chất tự nhiên của gỗ với các vân và cấu tạo của nó và là tiêu biểu cho kỹ thuật khắc gỗ trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
  • Chạm gỗ (tiếng Anh: xylography): Dùng dao chạm trong khắc đồng khắc trên gỗ được cắt ngang chiều của sợi để có thể tạo ra nhiều tông màu hơn.

Các ứng dụng khắc gỗ hiện đại:

  • "Khắc bút chì:" Bút chì được sử dụng như một món quà độc đáo qua các ký tự hình và chữ được khắc thủ công. Bút chì khắc có mặt tại rất nhiều quốc gia. Các nghệ nhân khắc bút chì thường với mục đích tiêu khiển và tạo ra loại quà tặng rất độc đáo, rất riêng.

Sơ lược lịch sử

Nguồn gốc

Kỹ thuật in nổi, về nguyên tắc rất đơn giản, là một trong những phương pháp lâu đời nhất của loài người để giữ lại những ý tưởng về hình ảnh. Trong các kỹ thuật in nổi khắc gỗ là phương pháp in lâu đời nhất. Người Babylon và người Ai Cập đã từng in con dấu làm bằng gỗ khắc nổi trên đất sét mềm, tại Trung Quốc ngay từ thế kỷ 4 người ta đã biết dùng mực quét lên những tảng đá có khắc chữ và chà giấy lên để in ra.

Trong thời nhà Đường (618907) tranh vẽ và chữ kèm theo (trên cùng một bản in) đã được in ra bằng các bản in gỗ, sách in bằng bản khắc gỗ cũng đã được biết đến từ thế kỷ 9, trong khi loại này ở châu Âu mãi đến thế kỷ 15 mới xuất hiện. Quyển sách lâu đời nhất in bằng bản khắc gỗ được biết đến bao gồm 6 trang với các bản khắc gỗ nhỏ cho nửa trang một là quyển Kinh Kim Cang (tiếng Anh: Diamond Sutra) ra đời vào năm 868.

Khắc gỗ ở châu Âu

Tại châu Âu việc sử dụng con dấu bằng gỗ đã được chứng minh là bắt đầu từ thế kỷ 12: Ở Ý vải được in bằng cách này. Người ta đoán rằng kỹ thuật này lan truyền vào Đức trong thế kỷ thứ 14 qua các người vẽ hình cho con bài.

Các tác phẩm nghệ thuật khắc gỗ đầu tiên ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1400 đến năm 1500 trong các tu viện ở Bayern và vùng núi Alpes là các bản in một mặt từng trang rời. Dưới dạng như các tờ truyền đơn hay sách mỏng, các bản in khắc gỗ được dùng để truyền bá các ý tưởng về nghệ thuật, thế giới quan và tôn giáo, đặc biệt là trong thời kỳ của Phong trào cải cách (Reformation).

Bên cạnh các bản in khắc gỗ một mặt, từ năm 1430 đã xuất hiện loại sách in bằng bản khắc gỗ mà mỗi trang được in bằng một bản in khắc gỗ bao gồm cả chữ viết lẫn hình ảnh. Việc sử dụng các bản khắc gỗ để minh họa trong sách càng được phổ biến từ khi Johannes Gutenberg phát triển kỹ thuật in sách. Quyển "Sử biên niên thế giới Schedel" do Anton Koberger ở Nürnberg (Đức) in vào năm 1493 bao gồm gần 2.000 bản khắc gỗ. Để in quyển sách này Koberger đã phải cần đến 100 người thợ và 24 máy ép in nổi.

Khắc gỗ trong thời kỳ Phục hưng

Khắc gỗ đạt đến đỉnh cao đầu tiên trong thời kỳ Phục hưng khi các nhà nghệ thuật như Albrecht Dürer và Hans Baldung tạo ra các tác phẩm có giá trị cao dưới hình thức nghệ thuật này. Đặc biệt Dürer đã giải phóng khắc gỗ ra khỏi tính năng chỉ để minh họa cho sách và mang lại một định nghĩa mới cho khắc gỗ như là phương tiện truyền đạt một tác phẩm nghệ thuật. Về hình thức Dürer mang nghệ thuật khắc gỗ đến gần khắc đồng bằng cách tạo ra được nhiều tông màu giữa đen và trắng.

Trong thời kỳ này cũng đã có những thử nghiệm đầu tiên in nhiều bản khắc gỗ có màu khác nhau trên cùng một bản in vì cho đến lúc đó các bản in rời từng tờ đều được tô màu bằng tay sau khi in ra. Trong một bản in màu thật sự mỗi một màu đều có bản khắc gỗ riêng, khó khăn về kỹ thuật của phương pháp này là ở chỗ không điều khiển chính xác được quy trình in vì giấy co giãn khi thấm ướt và lại được hong khô lại. Các bản in khắc gỗ màu đầu tiên được xác định là vào năm 1486. Lucas Cranach der Ältere (Lucas Cranach Già) và Albrecht Altdorfer tiếp tục thử nghiệm sau đó. Altdorfer đã thành công trong thời gian 1519/1520 với một bản in màu dùng sáu bản khắc gỗ. Sau các tác phẩm của Altdorfer thử nghiệm về in bản khắc gỗ màu tạm thời không còn được tiếp tục ở Đức nữa, có thể là do ảnh hưởng của việc truyền bá rộng rãi các tác phẩm trắng đen của Albrecht Dürer.

Sự phát triển của kỹ thuật khắc gỗ

Cùng với sự phát triển của khắc kim loại, khắc gỗ mất đi tầm quan trọng như là một phương tiện để diễn đạt trong nghệ thuật. So với khắc gỗ, khắc kim loại cho phép nhà nghệ thuật tạo thành nhiều tông màu và nhiều chi tiết hơn. Ở khắc gỗ, tông màu sáng và tối chỉ hình thành nhờ vào chiều rộng và khoảng cách của các đường khắc. Ngược lại, ở kỹ thuật khắc kim loại độ sâu của đường khắc quyết định độ đậm nhạt của màu đen. Vì thế khắc kim loại trở thành một phương pháp được nhiều nhà nghệ thuật ưa chuộng. Xu hướng này chỉ được thay đổi khi nhà nghệ thuật tạo hình người Anh Thomas Bewick vào cuối thế kỷ 18 đảo lộn tất cả các quy luật cắt hình và vì vậy cách mạng hóa kỹ thuật khắc gỗ.

Thomas Bewick là người đầu tiên không khắc các hình ảnh của mình trên loại gỗ được cắt theo chiều dài của sợi nữa mà khắc trên gỗ cứng của cây hoàng dương được cắt ngang chiều sợi và đồng thời dùng những dụng cụ khác để có thể tạo nhiều tông màu hơn, mang lại cho khắc gỗ giá trị ngang như khắc kim loại. Kỹ thuật của ông cũng còn được gọi là chạm gỗ (xylography). Bản in gỗ cắt ngang chiều của sợi có độ cứng gần như thép và vì thế còn hơn cả bản in khắc kim loại. Cùng với phương pháp này khắc gỗ lại trở thành phương tiện được ưa thích, nhất là trong các kỹ thuật in lại hình ảnh. Honoré DaumierGustave Doré là những nhà nghệ thuật sử dụng kỹ thuật này nhiều nhất như là một phương tiện để diễn đạt

Khắc gỗ ở Trung Hoa và Nhật Bản

Hokusai, Sóng lớn ở Kanagawa (khoảng năm 1830)

Kỹ thuật đồ họa này phát triển trong khu vực Đông Á độc lập với châu Âu. Khắc gỗ đạt đến đỉnh cao đầu tiên ở Trung Quốc trong thời nhà Tống (960-1279) khi các nhà nghệ thuật liên hợp lại với nhau thành lập các xưởng khắc gỗ. Sản xuất khắc gỗ màu đạt đến một trình độ hoàn hảo cao, thế nhưng trong thế kỷ 17 khắc gỗ ở Trung Quốc chỉ được sử dụng để in lại hình ảnh, mà trong đó có rất nhiều cố gắng để diễn đạt lại thật đúng các ấn tượng do vẽ bằng cọ và các tông màu mang lại.

Tại Nhật Bản khắc gỗ lại phát triển như một hình thức nghệ thuật bắt đầu từ khi kỹ thuật này lan truyền vào từ Trung Quốc ở cuối thế kỷ thứ 8. Khắc gỗ tại Nhật Bản đạt đến đỉnh cao trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Đầu tiên, các bản khắc gỗ Nhật là các hình ảnh mang chủ đề tôn giáo được sáng tác trong xưởng khắc gỗ của chùa. Các tác phẩm này có chức năng giống như các tờ in khắc gỗ rời tại châu Âu của thế kỷ 15.

Đầu thế kỷ 17 các nhà nghệ thuật khắc gỗ Nhật bắt đầu quan tân đến các đề tài khác ngoài tôn giáo như các minh họa cho văn học dân gian và cổ điển. Đầu tiên chỉ có một màu, khắc gỗ màu Nhật Bản bắt đầu phát triển từ giữa thế kỷ 18.

Bản in khắc gỗ màu tại Nhật Bản được sản xuất nhờ sự cộng tác của người họa sĩ, nghệ nhân cắt gỗ và thợ in. Để in một bản khắc gỗ màu đã phải cần cho đến 12 tấm khắc gỗ, đòi hỏi phải làm việc một cách rất chính xác. Bên cạnh các tranh về thiên nhiên là các tranh mang chủ đề về cuộc sống hằng ngày như các cảnh luyến ái, tranh từ thế giới của các vũ nữ Nhật (geisha), chân dung của các nghệ sĩ và của những người đô vật sumo.

Đại diện cho nghệ thuật khắc gỗ màu Nhật Bản là Nisikawa Sukenobu, Suzuki Harunobu, Kitagawa UtamaroKatsushika Hokusai. Thế nhưng vào cuối thế kỷ 19 khắc gỗ màu Nhật Bản mất đi tầm quan trọng về nghệ thuật vì không còn người vẽ đồ họa nào mang lại thúc đẩy mới về nghệ thuật nữa.

Ảnh hưởng của khắc gỗ màu Nhật Bản

Tranh in khắc gỗ màu Nhật Bản với các màu in rực rỡ, tương tự như màu trong tranh vẽ màu nước trở thành những vật sưu tầm được ưa chuộng ở châu Âu. Tính cách đơn giản và sức mạnh diễn đạt của kỹ thuật này thúc đẩy các nhà nghệ thuật châu Âu lại tiếp tục quan tâm đến kỹ thuật khắc gỗ và đặc biệt là khắc gỗ màu. Một trong những nhà nghệ thuật đầu tiên tái khám phá ra kỹ thuật này là người Anh William Morris đã dùng kỹ thuật này để minh họa cho sách. Sau năm 1850 những nhà nghệ thuật theo trường phái ấn tượng người Pháp, trong đó có Paul Gauguin, và sau đó là các nhà nghệ thuật theo trường phái biểu hiện (Erich Heckel, Ernst Ludwig Kirchner, Max Pechstein, Edvard Munch, Frans Masereel, Emil Nolde hay ở Thụy Sĩ là Carl Eugen Keel) đã thử nghiệm kỹ thuật này. Đặc biệt là các nhà nghệ thuật theo trường phái biểu hiện đã đánh giá cao khắc gỗ vì tính cách diễn đạt mạnh mẽ của kỹ thuật này.

Ngoài ra nhiều nhà nghệ thuật còn sáng tạo theo cách phối hợp tranh của khắc gỗ màu cổ điển Nhật: Không có một điểm trung tâm trong tranh và vì thế dẫn người xem tranh nhìn qua toàn bộ bức tranh, nhiều bản khắc gỗ có góc nhìn lạ thường và có hình dáng bị cắt đi ở rìa bức tranh. Đặc biệt là các nhà nghệ thuật theo chủ nghĩa ấn tượng hay dùng cách phối hợp này.

Cùng với sự tiến triển của nghệ thuật trừu tượng, khắc gỗ không còn được ưa chuộng nhiều nữa. Ngày nay kỹ thuật khắc gỗ chỉ thỉnh thoảng mới được dùng đến để diễn đạt một ý tưởng nghệ thuật bằng phương pháp in đồ họa. Trong nửa sau của thế kỷ 20, bên cạnh Hans Arp và Frantisek Kupka, HAP Grieshaber là người duy trì giá trị của khắc gỗ như là một phương tiện truyền đạt nghệ thuật. Ông gần như chỉ làm việc theo kỹ thuật này. Ở ông khắc gỗ đạt được tác động lớn trước nhất là nhờ vào sự hòa hợp của các đường nét mạnh mẽ trên mặt vẽ trắng đi cùng với cách diễn đạt có mức độ trừu tượng cao.

Xem thêm

Tham khảo

Liên kết ngoài