Ku Su Jeong

Đây là một tên người Triều Tiên, họ là Ku.

Ku Su Jeong (Hangul: 구수정) (sinh 1966) là một nữ ký giả người Hàn Quốc. Bà là Tiến sĩ ngành Lịch sử Việt Nam, phó chủ tịch thường trực của Quỹ hòa bình Hàn-Việt. Ku Su Jeong là người đã khởi xướng phong trào "Xin lỗi Việt Nam" của người Hàn Quốc vào năm 1999 tại Hàn Quốc sau khi bà cho công bố những bài viết của mình trên tạp chí Tạp chí Hankyoreh 21, một tờ báo có uy tín ở Hàn Quốc, về các tội ác của quân đội Nam Hàn khi tham chiến tại Việt Nam. Qua các bài viết của mình, ký giả Jeong đã phơi bày một mặt trái của Quân đội Hàn Quốc khi tiến hành tham chiến cùng Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đó là các vụ tàn sát hàng loạt những người dân vô tội, bao gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em của binh lính Nam Hàn. Khi các tội ác chiến tranh của quân đội Hàn Quốc bị phơi bày trên mặt báo, hơn 2.000 cựu chiến binh Hàn Quốc đã đốt phá tòa soạn của Hankyoreh 21. Họ đánh đập các phóng viên của Tạp chí Hankyoreh 21 khi đang tác nghiệp tại tòa báo. Vụ việc này được coi là một sự kiện lớn, gây chấn động trong xã hội Hàn Quốc lúc bấy giờ khiến Chính phủ Hàn Quốc phải công bố tiến hành điều tra chính thức về vấn đề này.[1]

Ku Su Jeong
Sinh1966
Hàn Quốc
Học vịTiến sĩ ngành Lịch sử Việt Nam Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Nghề nghiệpKý giả, Nhà nghiên cứu lịch sử
Năm hoạt động2008-nay

Cuộc đời

Ku Su Jeong sinh năm 1966 tại Hàn Quốc,[2] Tên tiếng Việt của bà là Thủy Tiên[3] Trong thời gian học đại học ở Hàn Quốc, Ku Su Jeong tham gia phong trào do Bang Hyun Suk lãnh đạo phản đối chế độ độc tài của Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-Hwan. Bà có đọc một số sách báo viết về Việt Nam, trong đó có cuốn "Sống như anh" viết về Nguyễn Văn Trỗi của nhà văn Trần Đình Vân. Từ đó, Ku Su Jeong cảm thấy mến yêu đất nước và con người Việt Nam cũng như những người có chung lý tưởng với mình.[3]

Năm 1994, Bang Hyun Suk cùng bạn bè tự lập ra hội "Những tác giả trẻ muốn tìm hiểu về Việt Nam". Ku Su Jeong tích cực tham gia. Khi Liên Xô cũ sụp đổ, bà tò mò muốn tìm hiểu về các nước xã hội chủ nghĩa và quyết định sang Việt Nam du học.[1] Bà học khoa sử của Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2008, Ku Su Jeong bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Lịch sử đề tài "Mối quan hệ Việt - Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955 - 1975)" tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là luận án được nâng cao từ luận văn Thạc sĩ: "Hàn Quốc và sự can dự trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam" được bà bảo vệ thành công trước đó từ năm 2000.[3]

Công bố các vụ thảm sát và phong trào "Xin lỗi Việt Nam"

Khi tham chiến cùng Hoa Kỳ tại Việt Nam, quân đội Đại Hàn đã thực hiện nhiều vụ thảm sát dân thường Việt Nam, được biết đến như Thảm sát Bình Tai,Thảm sát Thái Bình, Thảm sát Bình An, Thảm sát Bình Hòa, Thảm sát Diên Niên-Phước Bình, Thảm sát Hà My, Thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị, Thảm sát Vinh Xuân.

Trong khi tìm kiếm tài liệu để làm luận văn, Ku Su Jeong đã tình cờ phát hiện một số tài liệu về những vụ thảm sát do quân đội Hàn Quốc gây ra tại Việt Nam (tài liệu của Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cung cấp). Bà đã quyết định đi thực địa để tìm ra sự thật.[2] Đầu năm 1999, Ku Su Jeong từ Thành phố Hồ Chí Minh thuê xe đi đến các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi. Mỗi ngày, bà ghé 2 đến 3 xã, để cố gắng đi hết những nơi diễn ra các vụ thảm sát.

Tháng 5 năm 1999, Jeong bắt đầu viết bài. Đến tháng 9 năm 1999, ký giả Ku Su-Jeong trở thành người đầu tiên công bố các cuộc thảm sát của binh lính Đại Hàn trong chiến tranh Việt Nam[4] bằng một loạt những bài phóng sự về các tội ác của quân đội Hàn Quốc đăng trên tờ The Hankyoreh21, một tờ nhật báo lớn của Hàn Quốc. Các bài phóng sự của bà được đăng trong suốt một năm, liên tục mỗi tuần một kỳ.[2]

Theo điều tra của tiến sĩ Ku Su Jeong, Quân đội Hàn Quốc đã giết chết 9.000 người dân Việt Nam vô tội trong các cuộc thảm sát đẫm máu của họ khi cùng tham chiến với Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam[5]

Xã hội Hàn Quốc đón nhận thông tin này như là một cú sốc lớn. Ngày 27 tháng 6 năm 2000, hơn 2.000 hội viên thuộc Hội cựu chiến binh nạn nhân chất độc da cam đã đột nhập tòa báo Hankyoreh 21 đập phá đồ đạc và đánh người. Đó là vụ bạo loạn lớn thời bấy giờ. Các cựu chiến binh Hàn Quốc, trước giờ luôn tự hào vì đã đóng góp tuổi trẻ của mình khi cùng quân đội Nam Hàn tham chiến ở Việt Nam để Chính phủ Hàn Quốc có tiền phát triển đất nước những năm 1970 - 1980 đã phủ nhận những vụ thảm sát. Họ biểu tình hô vang rằng thảm sát chỉ là vấn đề "tưởng tượng".[4]

Từ tháng 2 năm 1999 đến tháng 2 năm 2003, chiến dịch "Thành thật xin lỗi Việt Nam" được nữ ký giả Ku Su Jeong phát động. Phong trào kêu gọi lời xin lỗi, đóng góp tài chính hỗ trợ các nạn nhân Việt Nam, xây công viên hòa bình tại Việt Nam. Tinh thần của phong trào là tìm ra sự thật không phải chỉ để bình an nơi lương tâm, mà còn hướng đến sự hòa giải, hàn gắn. Phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam" thu hút nhiều tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ của Đại Hàn như Ủy ban sự thật về chiến tranh Việt Nam, Hội Y tế vì hòa bình Việt Nam, Tổ chức Tôi và chúng ta (Nawauri), Hiệp hội phụ nữ Hàn Quốc là nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản, Liên minh vì hòa bình châu Á, Hội liên hiệp nghệ thuật dân gian Hàn Quốc - chi hội Chungbuk, Hội nhà văn Jeju ủng hộ.[4]

Phong trào đã xây dựng công viên hòa bình ở Phú Yên do Ủy ban sự thật về chiến tranh Việt Nam thực hiện, tổ chức các đoàn bác sĩ đông - tây y hằng năm đến khám chữa bệnh và hỗ trợ y tế cho người dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên từ năm 1999 liên tục cho đến nay. Phong trào xây dựng nhà cho nạn nhân ở Quảng Nam do Tổ chức Nawauri thực hiện, tổ chức các đoàn học sinh - sinh viên Hàn Quốc đến dự các lễ tưởng niệm, các hoạt động tìm hiểu sự thật lịch sử tại Việt Nam, xin được tha thứ.[6]

Ngày 27 tháng 4 năm 2016, Quỹ hòa bình Hàn - Việt tổ chức họp báo ra mắt bức tượng "Pieta Việt Nam" tại Seoul. Quỹ đã kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc có thái độ trách nhiệm đối với vấn đề chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm Pieta Việt Nam được Kim Seo Kyung và Kim Eun Sung phác thảo. Tên tiếng Việt của tác phẩm là Lời ru cuối cùng, là hình ảnh một người phụ nữ đang ôm vào lòng đứa con bé bỏng. Mắt khép hờ như sắp chìm vào giấc ngủ, đứa bé đang nắm tròn hai bàn tay mềm yếu và nhỏ bé hơn rất nhiều so với cái đầu của mình.[6]

Vụ kiện

Tháng 5 năm 2016, hội Cựu chiến binh Hàn Quốc kiện bà vì đã "phỉ báng qua việc công bố thông tin sai".[7] Hội cựu chiến binh cho rằng các vụ thảm sát không hề xảy ra và các lời kể của nhân chứng đều là dối trá và những "nạn nhân" đều là Việt Cộng trá hình. Để chứng minh, họ đưa ra một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng lính Hàn Quốc chưa từng thảm sát dân thường ở Việt Nam.[7] Để thắng kiện, các luật sư bào chữa cho bà phải chứng minh trước tòa án rằng các sự kiện bà đã công bố là sự thật.

Nghiên cứu

  • Hàn Quốc và sự can dự trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.[8]
  • Mối quan hệ Việt - Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955 - 1975)[9]

Giải thưởng

  • Giải nhì "Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 9" với đề tài "Mối quan hệ Việt - Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955 - 2005)".[10] Trong 9 năm kể từ khi Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật được trao, đây là lần thứ 2 mà giải thưởng này được trao cho một người nước ngoài.[9]

Vinh danh

  • Lấy đề tài từ cuộc hành trình nghiên cứu lịch sử của Ku Su Jeong, đạo diễn Văn Lê đã dựng bộ phim tài liệu "Di chúc của những oan hồn" đạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIII được tổ chức năm 2001, tại Vinh, Việt Nam.[11]
  • Năm 2004, vở kịch "Giữa hai bờ sương khói" của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc (Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM)[12] lấy câu chuyện về cuộc đời của Ku Su Jeong[13] đã đoạt giải kịch bản xuất sắc nhất tại Hội diễn Sân khấu Kịch nói Chuyên nghiệp Toàn quốc tại Hải Phòng.[11]

Câu nói

  • Năm 1997, Ku Su Jeong tiếp cận được một tài liệu của Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tựa đề "Những tội ác của quân đội Nam Triều Tiên tại miền Nam Việt Nam":
  • Khi nói về lý do tìm hiểu rồi công bố về các vụ tàn sát của quân đội chính nước mình, Ku Su Jeong đã nói:

Xem thêm

Ghi chú

Tư liệu

  • Armstrong, Charles (2001). Critical Asian Studies, Volume 33, Issue 4: America's Korea, Korea's Vietnam. Routledge.
  • Kwon, Heonik (2007). After the Massacre: Commemoration and Consolation in Ha My and My Lai. Đại học California (Hoa Kỳ). ISBN 978-0-520-24797-0.

Liên kết ngoài