Lịch sử Myanmar

(Đổi hướng từ Lịch sử Myanma)

Myanmar có một bề dày lịch sử dài, rực rỡ và tương đối phức tạp. Người Miến - dân tộc đông nhất ở Myanmar hiện đại - không phải là những chủ nhân đầu tiên của Myanmar. Trước khi người Miến di cư tới và lập nên các triều đại, từ thế kỷ thứ 2 TCN người Pyu từ Vân Nam đã tới sinh sống dọc châu thổ sông Irrawaddy; thế kỷ thứ 4 CN, người Pyu đã thành lập các vương quốc xuôi theo phía Nam Myanmar hiện đại như Pyay. Xa hơn về phía Nam là người Môn, di cư từ vương quốc Hariphunchai và vương quốc Dvaravati ở phía Đông đến định cư, thành lập các vương quốc dọc vùng bờ biển hạ Miến vào đầu thế kỷ thứ 9.

Người Miến di cư tới thượng lưu châu thổ sông Irrawaddy đầu thế kỷ thứ 9 từ vương quốc Nam Chiếu. Họ đã thành lập vương quốc Pagan(1044–1287), vương quốc này lần đầu tiên đã thống nhất được vùng châu thổ Irrawaddy và bình định được các vùng ngoại biên.

Ngôn ngữ Miến và văn hóa của nó dần thay thế Pyu và Môn trong suốt giai đoạn này. Sau sự sụp đổ của triều đại Pagan năm 1287 bởi quân xâm lược Mông Cổ, vương quốc này bị chia nhỏ thành các vương quốc Ava, vương quốc Hanthawaddy, vương quốc Arakan và liên minh các tiểu quốc Shan. Các vương quốc này luôn kìm hãm lẫn nhau bằng các liên minh bất định, gây chiến với nhau liên miên.

Vào nửa cuối thế kỷ 16, triều đại Toungoo (1510–1752) đã tái hợp nhất đất nước và lập ra đế chế lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á, tuy nhiên nó chỉ tồn tại trong 1 giai đoạn ngắn ngủi. Các vua Toungoo đã đưa ra các cải cách về hệ thống hành chính và kinh tế, điều này đã đưa đến giai đoạn ổn định, thái bình, và thịnh vượng cho vương quốc vào thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18.

Vào cuối thế kỷ 18, triều đại Konbaung đã khôi phục lại vương quốc, tiếp tục những cải cách của triều Toungoo, điều này mang lại quyền lực thống trị với các vùng lãnh thổ xung quanh, và đã sản sinh ra nhà nước văn hiến bậc nhất tại Đông Nam Á. Vương triều Konbaung trong quá trình phát triển đã gây chiến với tất cả các nước láng giềng. Cuối cùng vương quốc bị biến thành thuộc địa của Đế quốc Anh sau 6 thập kỷ xung đột(1824–85).

Sự thống trị của người Anh mang lại những biến đổi mạnh mẽ và dai dẳng lên xã hội, kinh tế, văn hóa, hành chính, lối sống của người dân. Thực dân Anh đã cố tình đưa ra những khác biệt giữa các nhóm tộc người nhằm gây chia rẽ, chính vì thế kể từ sau khi độc lập năm 1948 đã rơi vào cuộc nội chiến dai dẳng nhất mà đến nay vẫn chưa hòa giải hết được. Quyền lực đất nước rơi vào tay quân đội với nhiều hình thái bên ngoài từ năm 1962 đến 2010, giai đoạn này làm Myanmar trở thành một trong những nước kém phát triển nhất thế giới.

Thời kỳ đầu

Các thị quốc Pyu

Các vương quốc Môn

Vào thế kỷ 1 trước Công nguyên, người Pyu di cư tới đây và tiến tới xây dựng các thành bang có quan hệ thương mại với Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó, mạnh nhất là vương quốc Sri Ksetra, nhưng nó bị từ bỏ năm 656. Sau đó, một quá trình tái lập quốc diễn ra, nhưng đến giữa thập niên 800 thì bị người Nam Chiếu xâm lược.

Vào khoảng trước những năm 800, người Miến bắt đầu từ Tây Tạng hiện nay di cư tới châu thổ Ayeyarwady. Tới năm 849, họ đã thành lập quốc gia của mình xung quanh trung tâm Pagan và quốc gia này ngày càng trở nên hùng mạnh.

Vương triều Pagan thống nhất Myanmar lần thứ nhất (849–1297)

Trong thời Anawratha trị vì (1044-1077), người Miến đã mở rộng ảnh hưởng ra khắp Myanmar hiện nay. Tới thập niên 1100, nhiều vùng lớn thuộc lục địa Đông Nam Á đã thuộc quyền kiểm soát của vương quốc Pagan, với kinh đô tại Mandalay.

Theo sử truyền khẩu của người Miến và người Môn, từng có quốc gia Môn giàu có và văn minh ở châu thổ châu thổ Ayeyarwady - vương quốc Thaton. Nhưng vua Pagan Anawratha đã thôn tính vương quốc người Môn này. Tuy nhiên, người ta chưa tìm thấy các hiện vật khảo cổ thuyết phục nào về sự tồn tại của quốc gia Môn này, có lẽ vì các nghiên cứu khảo cổ chủ yếu được tiến hành ở Thượng Miến. Có thể, trước sức ép của Đế quốc Khmer, người Môn từ Dvaravati (ở miền Trung Thái Lan hiện đại) phải di tản sang Hạ Miến vào khoảng thế kỷ 9.

Trải qua hơn 200 năm, đến cuối thế kỷ 13, đế quốc Pagan hưng thịnh, kiểm soát phần lớn lãnh thổ Myanmar ngày nay. Đây là một vương quốc Phật giáo mà các ngôi đền còn lại ở Bagan ngày nay không những chứng minh sự giàu có tột đỉnh về nông nghiệp mà còn chứng minh sự hiểu biết của người dân về toán học, hình học và xây dựng. Các đền thờ ở Bagan trải dài trong khu vực 40 km vuông trên bờ sông Ayeyarwad. Pagan là kỷ nguyên vàng son từ thế kỷ 11-13 trong tâm trí người Miến Điện.

Thời kỳ bị tàn phá và chia cắt

Tới cuối thế kỷ 13, Hốt Tất Liệt đã thống lĩnh quân Nguyên Mông xâm lược Myanmar, thành phố Pagan bị cướp phá và sau đó bị bỏ hoang, chỉ còn lại các ngôi đền do các tự viện Phật giáo quản lý. Mặc dù quân Nguyên rút lui ngay sau khi cướp phá Pagan, nhưng triều Pagan sụp đổ hoàn toàn. Myanmar bước vào một giai đoạn bị chia cắt suốt gần 300 năm. Trong thời kỳ chia cắt kéo dài này, hàng loạt quốc gia của người Miến, người Rakhine, người Shan và người Shan Miến hóa, người Môn đã thành lập. Các quốc gia này xung đột với nhau. Lớn mạnh nhất trong số các quốc gia đó là Hanthawaddy của người Môn, Các quốc gia Arakan của người Rakhine. Người Shan Miến hóa lập nên quốc gia của mình và xưng là Triều Ava với ý tiếp nối Triều Pagan. Giữa thế kỷ 16, liên minh các quốc gia Shan đã cướp phá Ava, chấm dứt sự tồn tại của Triều Ava.

Ava (1364–1555)

Hanthawaddy Pegu (1287–1539, 1550–52)

Liên minh các tiểu quốc Shan (1287–1563)

Các quốc gia Arakan (1287–1785)

Vương triều Taungoo thống nhất Myanmar lần thứ hai (1510–1752)

Người Miến lập nên Triều Taungoo vào khoảng cuối thế kỷ 15 với trung tâm là Taungoo. Đến giữa thế kỷ 16, Taungoo dưới sự cai trị của vua Tabinshwehti đã tái thống nhất Myanmar. Vì sự ảnh hưởng ngày càng tăng từ châu Âu ở Đông Nam Á, Vương quốc Taungoo trở thành một trung tâm thương mại lớn. Bayinnaung đã mở rộng đế chế bằng cách chinh phục các quốc gia Manipur, Chiang MaiAyutthaya. Những cuộc nổi loạn bên trong cũng như sự thiếu hụt các nguồn tài nguyên cần thiết để kiểm soát các vùng mới giành được dẫn tới sự sụp đổ của Vương quốc Taungoo. Anaukpetlun, người đã đẩy lùi cuộc xâm lăng của Bồ Đào Nha, đã khôi phục lại triều Taungoo vào năm 1613.

Giữa thế kỷ 18, người Mon với sự trợ giúp của Pháp đã nổi dậy, khôi phục quốc gia Hanthawaddy, khiến triều Taungoo sụp đổ vào năm 1752.

Vương triều Konbaung (1752–1885)

Giữa thế kỷ 18, một vương quốc Miện Điện mới xuất hiện là vương quốc Ava do Alaungpaya thành lập nên Triều đại Konbaung gọi là Đế chế Miến Điện thứ ba vào khoảng thập niên 1700 tại khu vực ngày nay là Mandalay. Nó từng bước mở rộng kiểm soát trên nhiều vùng đất bây giờ là Myanmar, gồm cả việc chinh phục các nhà nước ở vùng đồi núi của người Shan. Myanmar trở thành một cường quốc khu vực đáng kể, tranh giành lãnh thổ và dân cư với vương quốc Ayuthaya của người Thái. Cuộc cạnh tranh giữa người Myanmar và người Thái gay gắt và ác liệt. Năm 1767, Myanmar đã đủ mạnh để phái một đạo quân tiến đánh thủ đô Ayuthaya của người Thái. Thủ đô này đã bị cướp phá, của cải bị cướp bóc, hàng vạn người Thái bị bắt và bị đem về Myanmar làm nô lệ; vương quốc Ayuthaya sụp đổ.

Nhà Thanh (Trung Quốc) lo ngại sự lớn mạnh của Myanmar, đã bốn lần xâm lược nước này trong khoảng thời gian từ 1766 đến 1769 nhưng không lần nào thành công. Tuy nhiên, chiến tranh với Thanh đã khiến Myanmar phải giảm áp lực đối với Ayutthaya và rồi đánh mất quyền kiểm soát với nước này. Tuy nhiên triều Konbaung đã chiếm thêm được Mrauk U và Tenasserim.

Vào cuối thế kỷ 18, Myanmar là một nước hùng mạnh nhất ở lục địa Đông Nam Á, một phần do sự giảm sút tại vương quốc của người Thái phải đang khôi phục sau sự suy tàn của Ayuthaya và vương quốc của người Việt đang bị nội chiến. Tuy nhiên tới đầu thế kỷ 19, vương quốc Thái và Việt Nam hưng thịnh lên, trong khi vương quốc Miến Điện bị suy tàn, tầng lớp quý tộc của Myanmar hướng về bên trong hơn là hướng về các đối tác của họ là Thái và Việt Nam và ít có quan hệ thương mại với thế giới bên ngoài. Khi người Anh gia tăng sự hiện diện của họ ở vùng Đông Nam Á vào thế kỷ 19, thì tầng lớp quý tộc Miến Điện tỏ ra ít có khả năng đánh giá mối đe dọa đối với họ như người Thái và vì vậy càng ít có khả năng để đưa ra những chiến lược đối phó.

Xung đột với người Anh

Từ thế kỷ 17, công ty Đông Ấn của Anh (EIC) đã mở rộng lãnh thổ kiểm soát ở Ấn Độ, đặc biệt lại thủ phủ Calcutta gần Ava, ban đầu Myanmar được EIC xem như là vùng đệm, nó có tầm quan trọng về thương mại, nhưng quan trọng hơn vẫn là về mặt chiến lược. Không một cường quốc châu Âu nào khác giành được ảnh hưởng ở đó và người ta cho rằng các nhà cầm quyền Miến Điện đã thừa nhận sức mạnh của xứ Ấn Độ thuộc Anh, cùng tạo điều kiện để hai bên quan hệ buôn bán có kết quả. Tuy nhiên, sau cuộc chinh phục Ayuthaya năm 1767, tới năm 1820 họ tiếp tục mở rộng quyền kiểm soát qua vùng Arakan tiếp giáp với vịnh Bengal, những người tị nạn Arakan đã bỏ chạy qua biên giới Ấn Độ và từ đó tổ chức các cuộc kháng chiến chống lại người Miến Điện. Cuối cùng, vua Miến Điện đã yêu cầu người Anh đưa dân tị nạn trở lại, đổi lại người Anh ngày càng gia tăng sự quan tâm của họ đến sự bất ổn chính trị ở vùng biên giới phía đông thuộc địa Ấn Độ của mình

Triều đình Miến Điện đã đánh giá thấp sức mạnh của EIC, năm 1822 các lực lượng quân đội của Miến Điện chiếm Bengal và đe doạ tiến vào Chitagong trong cuộc tranh chấp đòi trao trả những người tị nạn Arakan, kết quả đội quân quân viễn chinh của Anh đã tiến vào Myanmar, cuộc chiến tranh Anh - Miến Điện đầu tiên kéo dài 2 năm, từ 1822 – 1824, cuối cùng với ưu thế về chiến thuận và vũ khí, lại được sự hậu thuẫn từ Bengal, người Anh đã chiến thắng, người Miến Điện buộc phải nhượng lại một phần lớn lãnh thổ ở bờ biển thuộc vịnh Bengal, qua hơn hai thập niên kế tiếp, EIC đã khai thác tiềm năng nông nghiệp của vùng đất mới này, tăng sản lượng lúa gạo và phát triển mạnh các ngành thương mại xuất khẩu về gạo, gỗ và đóng tàu

Mặc dù bị đánh bại trong cuộc chiến đầu tiên với người Anh và bị mất đất, tuy nhiên những tranh chấp trong các thập niên kế tiếp đã dẫn tới cuộc chiến tranh lần thứ 2 giữa Anh và Miến Điện vào năm 1850, kết quả người Anh lại thắng và họ thu thêm các vùng đất thấp của Myanmar, cuộc thôn tính của người Anh tiếp diễn và tới năm 1885, khi nhà vua Miến Điện cùng hoàng tộc bị bắt và lưu đày sang Calcutta, Myanmar chính thức bị sáp nhập vào Anh năm 1886

Thời thuộc địa

Sau khi chiếm hoàn toàn Myanmar vào năm 1886, chế độ quân chủ Miến Điện bị xoá bỏ và giới quý tộc bị tước hết quyền lực, Myanmar được cai trị từ Calcuta như một tiểu khu vực của đế quốc Anh - Ấn. Mô hình quản lý Ấn Độ do người Anh áp đặt vốn chẳng hiểu gì hoặc tôn trọng gì các cơ cấu xã hội tại chỗ, vùng đất thấp Myanmar vốn là những đồng bằng màu mỡ là cái nôi của người Miến Điện và là trái tim của các vương quốc Miến Điện lại được cai trị trực tiếp bởi chính phủ thuộc địa với đầy đủ các chính sách chính trị và kinh tế của Anh

Ở vùng đồi cao của Myanmar, ở các khu vực có các sắc tộc sinh sống như người Shan, người Karen thì người Anh áp dụng một chính sách cai trị gián tiếp. Cơ cấu xã hội và tầng lớp tinh hoa bản địa ít nhiều vẫn được giữ nguyên vẹn khác với vùng thủ đô của Miến Điện, điều này đã dẫn tới làm gia tăng sự chia rẽ giữa người Miến Điện và các sắc tộc thiểu số

Sự thống trị của thực dân Anh đã tạo ra một bộ máy cai trị mạnh mẽ, được duy trì bằng việc kiểm soát xã hội dựa vào một lực lượng cảnh sát và quân đội có hiệu quả. Bộ máy cai trị do người Anh giám sát, nhưng được hình thành với các viên chức phần lớn do người Miến Điện gốc Anh và người Ấn. Tầng lớp thượng lưu quan chức mới do Anh tạo ra đại bộ phận là người Miến Điện gốc Anh với mô thức văn hoá chịu ảnh hưởng của Anh nhiều hơn là của Myanmar, điều này đã đặt ra nhiều vấn đề lớn cho Myanmar sau khi giành độc lập

Sự cai trị của Anh đã làm gia tăng tính đa dạng về sắc tộc của Myanmar, mối liên kết trong bộ máy cai trị với Ấn Độ có nghĩa là người Ấn được tự do di dân, cùng với dân nhập cư người Hoa từ Malaya đã dẫn tới tại các vùng đất thấp hình thành một xã hội đa chủng tộc, đa tôn giáoNgười Anh đã làm thay đổi nền kinh tế của Myanmar, vào những năm 1850 họ khuyến khích dân định cư ở vùng đồng bằng, nơi phần lớn là các vùng đầm lầy và rừng rậm, hệ thống đường sá, cảng biển được mở rộng với kết quả là làn sóng mạnh mẽ người Miến Điện từ vùng phía bắc khô cằn tiến xuống vùng đồng bằng màu mỡ.

Miến Điện trong thế chiến thứ 2

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai Miến Điện trở thành một mặt trận chính tại Mặt trận Đông Nam Á. Sau những thắng lợi ban đầu của Nhật Bản trong Chiến dịch Miến Điện, trong đó người Anh bị đẩy lùi khỏi đa phần Miến Điện, Đồng Minh đã phản công. Tới tháng 7 năm 1945 họ đã chiếm lại toàn bộ nước này. Người Miến Điện chiến đấu cho cả hai phía trong cuộc chiến. Họ chiến đấu trong Đội quân Miến Điện Anh năm 1941-1942. Năm 1943, Chin Levies và Kachin Levies đã được thành lập ở các quận biên giới Miến Điện và vẫn thuộc quyền kiểm soát của người Anh. Đội quân Miến Điện chiến đấu trong thành phần Chindit dưới quyền Tướng Orde Wingate từ 1943-1945. Ở giai đoạn sau của cuộc chiến, người Mỹ đã lập ra Đội biệt kích Kachin-Hoa Kỳ cũng chiến đấu cho quân Đồng Minh. Nhiều người Miến Điện khác chiến đấu trong lực lượng SOE của Anh. Quân đội Miến Điện độc lập dưới quyền chỉ huy của Aung San và Quân đội quốc gia Arakan đã chiến đấu với Nhật Bản từ 1942-1944, nhưng đã nổi lên chống lại người Nhật năm 1945.

Thời kỳ độc lập

Năm 1947, Aung San trở thành Phó chủ tịch Ủy ban hành pháp Miến Điện, một chính phủ chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong tháng 7 năm 1947, các đối thủ chính trị đã ám sát Aung San và nhiều thành viên chính phủ khác. Ngày 4 tháng 1 năm 1948, quốc gia này trở thành một nước cộng hoà độc lập, với cái tên Liên bang Miến Điện, với Sao Shwe Thaik là tổng thống đầu tiên và U Nu là thủ tướng. Không giống như đa số các thuộc địa của Anh, nước này không trở thành một thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh bởi vì họ đã giành lại độc lập trước khi Khối thịnh vượng chung cho phép các nước cộng hoà trở thành một thành viên của nó. Một hệ thống chính trị lưỡng viện được thành lập gồm Viện đại biểu và Viện quốc gia. Vùng địa lý hiện nay của Myanmar có thể suy ngược từ Thoả ước Panglong, là toàn bộ Miến Điện gồm Hạ Miến Điện và Thượng Miến Điện và Các vùng biên giới, đã từng được quản lý hành chính độc lập bởi Anh Quốc.

Năm 1961, U Thant, khi ấy là Đại biểu thường trực của Miến Điện tại Liên hiệp quốc và cựu Thư ký Thủ tướng, được bầu làm Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông là người đầu tiên không xuất thân từ phương Tây lãnh đạo bất kỳ một tổ chức quốc tế nào cho tới lúc ấy và sẽ đảm nhiệm chức vụ này trong vòng mười năm. Trong số những người Miến Điện làm việc tại Liên hợp quốc khi ông đang giữ chức Tổng thư ký có cô gái trẻ Aung San Suu Kyi.Giai đoạn dân chủ kết thúc năm 1962 với một cuộc đảo chính quân sự do Tướng Ne Win lãnh đạo. Ông này sẽ cầm quyền trong 26 năm và theo đuổi chính sách xã hội chủ nghĩa. Năm 1974, đám tang của U Thant dẫn tới một cuộc biểu tình chống chính phủ đẫm máu.

Giai đoạn gần đây

Năm 1988, Cuộc nổi dậy 8888 đẩy đất nước tới bờ vực cách mạng. Để đối phó, Tướng Saw Maung tiến hành một cuộc đảo chính. Ông thành lập Ủy ban Luật pháp Quốc gia và Vãn hồi Trật tự (SLORC). Năm 1989, thiết quân luật được ban bố sau những cuộc biểu tình rộng lớn. Các kế hoạch bầu cử Quốc hội đã hoàn thành ngày 31 tháng 5 năm 1989. Năm 1990, lần đầu tiên các cuộc bầu cử tự do được tổ chức trong vòng 30 năm. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi, thắng 392 trong tổng số 485 ghế, nhưng các kết quả của cuộc bầu cử đã bị SLORC huỷ bỏ và họ từ chối giao lại quyền lực. SLORC đổi tên Miến Điện (Burma) thành Myanmar năm 1989. Dưới sự lãnh đạo của Than Shwe, từ năm 1992 chính quyền quân sự đã tiến hành các thoả thuận ngừng bắn với các nhóm du kích thiểu số. Năm 1992, SLORC tiết lộ các kế hoạch thành lập một hiến pháp mới thông qua Hội nghị Quốc gia, bắt đầu ngày 9 tháng 1 năm 1993. Năm 1997, Ủy ban Luật pháp Quốc gia và Vãn hồi Trật tự được đổi tên thành Ủy ban Hoà bình và Phát triển Quốc gia (SPDC). Ngày 23 tháng 6 năm 1997, Myanmar được chấp nhận gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Hội nghị Quốc gia tiếp tục được triệu tập và hoãn lại. Nhiều đảng chính trị lớn, đặc biệt Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đã bị trục xuất và có ít tiến bộ đã được hoàn thành. Ngày 27 tháng 3 năm 2006, hội đồng quân sự đã di chuyển thủ đô đất nước từ Yangon tới một địa điểm gần Pyinmana, đặt tên chính thức cho nó là Naypyidaw, có nghĩa vùng đất của những ông vua.

Xem thêm

Tham khảo

  • Lịch sử các nước Đông Nam Á, Nhà xuất bản Trẻ 2003
Lịch sử các nước Đông Nam Á

Brunei | Campuchia |Đông Timor | Indonesia |Lào | Malaysia |Myanmar |Philippines |Singapore |Thái Lan |Việt Nam