Lịch sử quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan

lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan
Lịch sử quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan
Eo biển Đài Loan trên bản đồ Trung Quốc
Eo biển Đài Loan
Eo biển
Đài Loan
Tây eo biểnThời gianSự kiện hai bờĐông eo biển
Nhà Nguyên1281Thiết lập Bành Hồ trại tuần kiểm tyĐài Loan thời tiền sử
1349Uông Đại Uyên viết Đảo Di chí lược
Nhà Minh1603Trần Đệ viết Đông Phiên ký
1624trận Bành HồHà Lan
1633trận Liệu La
Nam Minh1661Chiến tranh Trịnh-Hà LanMinh Trịnh
Nhà Thanh1683Hải chiến Bành Hồ
1684Thiết lập phủ Đài LoanNhà Thanh
1731Sự kiện Đại Giáp Tây Xã kháng Thanh
1885Thành lập tỉnh Đài Loan
1895Điều ước Mã QuanNhật Bản
1900Sự kiện Hạ Môn
Trung Hoa Dân Quốc1943Tuyên bố Cairo
1945Tiếp quản Đài LoanTrung Hoa Dân Quốc
1947Sự kiện 28 tháng 2
Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa1949Hai bờ chia cắt
1979Hai bờ đình chiến
1987Bắt đầu hai bờ thăm thân
1993Hội đàm Uông Đạo Hàm - Cô Chấn Phủ
1996Nguy cơ tên lửa eo biển Đài Loan
2001Hai bờ tiến hành "tiểu tam thông"
2010Hai bờ ký kết ECFA
2014Tranh luận hiệp định mậu dịch và phong trào hoa Hướng Dương
2015Gặp mặt nhà lãnh đạo hai bờ

Lịch sử quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan giới thiệu thay đổi về lịch sử quan hệ giữa hai bờ eo biển từ xưa đến nay. Các ghi chép sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc được cho là liên quan đến Đài Loan là Di Châu trong "Tam quốc chí" hay Lưu Cầu trong "Tùy thư". Vào thời Tống-Nguyên, hai bờ eo biển đã có mậu dịch qua lại[1], đến năm 1281 Hốt Tất Liệt thiết lập Bành Hồ trại tuần kiểm ty, bắt đầu thực thi quản lý hành chính đối với quần đảo Bành Hồ. Năm 1349, Uông Đại Uyên viết trong "Đảo Di chí lược" rằng Bành Hồ thuộc huyện Tấn Giang, còn Lưu Cầu là một trong các quốc gia hải ngoại[2]. Trần Đệ thời Minh có miêu tả trong "Đông Phiên ký" về thổ dân khu vực tây nam của Đài Loan[3]. Từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan chịu ảnh hưởng từ người Hà Lan, Tây Ban Nha, Hán, Mãn, Nhật Bản; Trung Quốc đại lục và Đài Loan có khi thống nhất hoặc chia cắt, đến năm 1945 Trung Hoa Dân Quốc tiếp quản Đài Loan.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quan hệ hai bờ phát triển theo tình hình trong nước và quốc tế. Trong Quốc-Cộng nội chiến lần thứ hai, Quốc dân đảng bị Cộng sản đảng đánh bại. Năm 1949, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập, và từng bước kiểm soát toàn bộ Trung Quốc đại lục. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thoái lui đến khu vực Đài Loan, hai bờ eo biển bắt đầu đối đầu về quân sự, đồng thời nhiều lần xảy ra xung đột vũ trang. Năm 1971, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thay thế vị trí của Trung Hoa Dân Quốc tại Liên Hợp Quốc, không gian ngoại giao của Trung Hoa Dân Quốc bị thu hẹp. Đến năm 1979, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, phía Đại lục đơn phương tuyên bố đình chiến[4]. Năm 1987, Trung Hoa Dân Quốc bắt đầu cho thăm thân hai bờ, sau đó quan hệ hai bờ hoà hoãn một thời gian. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Lý Đăng Huy sang thăm Hoa Kỳ, quan hệ hai bờ lại theo hướng căng thẳng. Sang thế kỷ 21, quan hệ kinh tế hai bờ đã tương đối mật thiết. Sau khi Quốc dân đảng lên nắm quyền tại Đài Loan vào năm 2008, quan hệ hai bờ có xu thế hoà hoãn, nhà lãnh đạo hai bên gặp mặt tại Singapore vào năm 2015, được cho là một đột phá lớn trong lịch sử quan hệ hai bờ[5]. Tuy nhiên, sau khi Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016, quan hệ hai bờ lại theo xu hướng căng thẳng[6].

Không có sự công nhận đối với thời gian bắt đầu hoặc phân kỳ lịch sử quan hệ hai bờ eo biển. Trương Xuân Anh của Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam phân thành bốn giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là từ thời tiền sử đến thế kỷ 17; giai đoạn hai là khi Hà Lan-Tây Ban Nha, Minh Trịnh, nhà Thanh và Nhật Bản thống trị Đài Loan và khi Trung Hoa Dân Quốc tiếp quản đảo; giai đoạn ba là sau khi chính phủ trung ương Trung Hoa Dân Quốc thoái lui đến Đài Loan, hình thành thế đối đầu giữa hai bờ eo biển; giai đoạn bốn là từ thập niên 1980 đến nay, hai bờ kết thúc đối đầu quân sự, phát triển quan hệ hoà hoãn[7]. Thiệu Tông Hải từ Đại học Văn hoá Trung Hoa thì phân quan hệ hai bờ sau năm 1949 thành năm thời kỳ là đối đầu quân sự, tranh chấp chính thống, hoà hoãn giao lưu, đối lập nhận thức, hiệp thương ưu đãi lẫn nhau[8][9].

Cổ đại

Thời kỳ Tam Quốc

Sách sử "Tam quốc chí-Ngô chí" có viết rằng vào tháng 1 năm Hoàng Long thứ hai (230), nước Ngô từng phái Tướng quân Vệ Ôn, Gia Cát Trực đem vạn tướng sĩ xuất phát từ Chương An thuộc quận Lâm Hải[10], vượt biển tìm kiếm Di Châu, có vài nghìn người đổ bộ lên Di Châu rồi trở về[11]. Ngoài ra, Thái thú Đan Dương của nước Ngô là Thẩm Oánh viết trong "Lâm Hải thủy thổ chí" rằng Di Châu nằm cách quận Lâm Hải hai nghìn dặm về phía đông nam, "đất đai không có sương giá và tuyết, cây cỏ không chết; bốn mặt là núi, đám rợ núi sống ở đó". Có học giả nhận định Di Châu (夷洲 hoặc 夷州) chính là chỉ Đài Loan[12][13][14], song vẫn tồn tại tranh luận[15][16].

Thời kỳ Tuỳ-Đường

"Tuỳ thư - Lưu cầu truyện" viết rằng Lưu Cầu quốc nằm trên hải đảo, về phía đông của quận Kiến An[chú thích 1], đi thuyền 5 ngày là có thể đến [18]. Trong đó còn ghi về việc Tuỳ Dạng Đế phái quân tiến đánh Lưu Cầu, tổng cộng có ba lần. Lần thứ nhất là vào năm 607, do bất đồng ngôn ngữ, do vậy chỉ "bắt một người rồi về". Năm sau, Chu Khoan lần thứ hai tiến đánh, song cũng chỉ "lấy giáp vải của chúng rồi về". Lần thứ ba là vào năm 610, do Trần Lăng và Trương Trấn Châu lĩnh quân, "bắt vài nghìn nam nữ của chúng" rồi về[19]. Có học giả nhận định Lưu Cầu Quốc ghi trong "Tuỳ thư" chính là Đài Loan hiện nay, song có học giả nhận định Lưu Cầu Quốc là chỉ quần đảo Lưu Cầu[20].

Thời kỳ Khai Nguyên (713-741) của nhà Đường, có người là Lâm Loan từ Đông Thạch, Tuyền Châu, Phúc Kiến đến Đài Loan định cư, là người họ Lâm đầu tiên đến Đài Loan[21]. Đến thời Đường Hiến Tông (805-820), có tiến sĩ người Chiết Giang là Thi Kiên Ngô đưa gia tộc di cư đến Bành Hồ[22][chú thích 2]. Lâm Kỳ Tuyền từ Đại học Hạ Môn nhận định trước thời Đường, không có nhiều người Hán tại Trung Quốc đại lục sang Đài Loan, họ đến khu vực Đài Loan để tham gia sản xuất nông nghiệp hoặc cùng dân tộc bản địa tiến hành giao dịch, chủ yếu có tính chất thời vụ, mùa xuân đến và mùa thu thì trở về[23].

Thời kỳ Tống-Nguyên

Năm Càn Đạo thứ 7 (1171) thời Nam Tống, Uông Đại Du nhậm chức tri châu của Tuyền châu, địa bàn quản lý có "hải đảo gọi là Bành Hồ"[24], có không ít người Hàn cư trú[25], thường bị người mọi rợ lên bờ cướp của, giết người. Nhằm đề phòng quấy nhiễu, vào lúc bắt đầu mùa gió nam mỗi năm, Uông Đại Du lại phái binh đến phòng thủ, hao phí tiền của song vẫn không hiệu quả[26]. Do vậy, ông cho xây dựng 200 gian nhà, cử tướng sĩ đồn trú phòng thủ[27]. Sử sách ghi tại rất ít về mậu dịch hai bờ vào thời ký Tống-Nguyên[28], do khai quật được lượng lớn đồ gốm sứ thời Tống-Nguyên nên có thể thấy Bành Hồ là một trạm dừng chân quan trọng của ngoại thương Trung Quốc đại lục vào đương thời[29]. Theo ghi chép, vào thời kỳ Tống-Nguyên, sắt là mặt hàng có giá cao tại Đài Loan, thổ dân Đài Loan thường phải chờ thương thuyền từ Trung Quốc đại lục cập bờ để đổi thực phẩm lấy sắt[30]. Chu Cảnh Anh thời Thanh viết trong "Hải Đông trát ký" rằng từng phát hiện được nhiều tiền thời Tống tại cảng Gia Nghĩa.

Năm Chí Nguyên thứ 18 (1281) thời Hốt Tất Liệt, quân Nguyên tiến công Nhật Bản song gặp phải bão, phần lớn thuyền bị chìm, những chiếc còn lại trôi đến bờ tây của Đài Loan và Bành Hồ[22], nhà Nguyên bèn đặt Bành Hồ trại tuần kiểm ty, lệ thuộc vào lộ Tuyền Châu của Phúc Kiến[31], tiếp giáp với Lưu Cầu (Đài Loan)[32]. Năm 1292, Hốt Tất Liệt sai sứ giả đến phủ dụ Lưu Cầu, song do ngôn ngữ bất đồng nên không thành công mà quay về. Năm Nguyên Trinh thứ ba (1297), bình chương chính sự của tỉnh Phúc Kiến là Cao Hưng sai Trương Hạo, Trương Tiến đến Lưu Cầu Quốc, bắt sống hơn 130 người rồi về[32]. Tháng 1 năm sau, cho người Lưu Cầu bị bắt trở về, yêu cầu họ quy thuận nhà Nguyễn, về sau không rõ kết cục[33]. Năm Chí Thuận thứ 1 (1330) và năm Nguyên Thống thứ 5 (1337), Uông Đại Uyên hai lần đi thuyền từ Tuyền Châu đến các nước mua bán, trong "Đảo Di chí lược" ông viết rằng Bành Hồ thuộc huyện Tấn Giang của Tuyền Châu, còn Lưu Cầu là một trong các nước hải ngoại[2].

Đầu thời Minh

Bia kỷ niệm Nhan Tư Tề đổ bộ khai khẩn Đài Loan tại Bắc Cảng

Năm 1384, nhà Minh loại bỏ Bành Hồ tuần kiểm ty, đến năm 1563 thì đặt lại Bành Hồ tuần kiểm ti và phái binh đồn trú. "Đông Phiên kí" viết rằng vào đầu những năm Vĩnh Lạc, khi Trịnh Hà hạ Tây Dương từng có đến Đài Loan, đương thời tộc rợ phía đông (thổ dân Đài Loan) trốn tránh không muốn tuân theo ước định, do đó Trịnh Hoà cấp cho mỗi nhà một cái chuông đồng nhỏ để họ đeo lên cổ. Chuông đồng được họ cho là bảo vật[34]. Những năm Tuyên Đức (1426-1435), đội thuyền của Trịnh Hoà từng đến Đại Tỉnh Đầu múc nước (nay thuộc Đài Nam)[35], còn từng bỏ thuốc vào nước đưa cho thổ dân địa phương chữa bệnh [36]. Năm Gia Tĩnh thứ 42 (1563), hải tặc người Tuyền Châu là Lâm Đạo Can tụ tập chống nhà Minh, bị đô đốc nhà Minh là Du Đại Du truy diệt, do vậy bèn qua Bành Hồ chạy đến Kê Lung, Đài Loan định cư[37]. Ông đem vài trăm tuỳ tùng tiến hành nô dịch thổ dân Đài Loan, thổ dân Đài Loan do vậy rất phẫn nộ và lên kế hoạch giết Lâm Đạo Can, tuy nhiên tin tức bị lộ nên họ bị Lâm Đạo Can tập kích ban đêm sát hại[22]. Sau thời Lâm Đạo Can, hải tặc người Triều Châu là Lâm Phụng vào năm Vạn Lịch thứ 2 (1574) bị tổng binh Hồ Thủ Nhân của nhà Minh truy kích, bèn trốn đến Bành Hồ, sau đó lại đến Võng Cảng của Đài Loan] (cửa sông Bát Chưởng) lập căn cứ địa[38]. Hồ Thủ Nhân yêu cầu thổ dân giáp công, đám Lâm Phụng tan tác[39].

Tướng lĩnh Thẩm Hữu Dung phụ trách phòng thủ biển của nhà Minh có viết trong "Mân Hải tặng ngôn" rằng ông ta từng "ba lần đến Đông Phiên, diệt Oa đuổi Hà"[40]. Tháng 7 năm Vạn Lịch thứ 30 (1602), sau khi Oa khấu di chuyển cướp đoạt tại các vùng duyên hải Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, họ trốn đến Đông Phiên và lấy nơi này làm sào huyệt[41]. Tướng trấn thủ Tuyền Châu là Thẩm Hữu Dung một mặt cử người đi trinh sát tình hình đối phương, tìm hiểu về khí hậu, hướng gió, hải lưu, một mặt thì cho đóng thuyền, luyện binh, trữ lương. Mùa đông cùng năm, tuần phủ của Phúc Kiến là Chu Vận Xương bí mật ra lệnh "tiễu Đông Phiên Oa", Thẩm Hữu Dung đưa 24 quân hạm vượt biển đến Đài Loan, đại phá Oa khấu. Quân Minh đốt chìm 6 thuyền của Oa khấu, giết 15 người, lấy lại được hơn 370 nam nữ bị bắt. Thẩm Hữu Dung đóng tại Đài Loan hơn 20 ngày, người tuỳ tùng là Trần Đệ đã căn cứ vào phong tục của thổ dân Đài Loan đương thời để viết thành "Đông Phiên kí".[3]

Cận hiện đại

Thực dân phương Tây

Năm 1604, lực lượng Hà Lan dưới quyền Wybrand van Warwijck chiếm lĩnh Bành Hồ, Thẩm Hữu Dung đem 50 thuyền (ước tính 2.000 người) đến Bành Hồ, yêu cầu Warwijck rời đi. Do binh lực giữa hai bên có chênh lệch lớn, đến ngày 15 tháng 12 Warwijck rời Bành Hồ, chuyển sang Đài Loan tìm cứ điểm. Sự việc này được ghi lại trên "bia Thẩm Hữu Dung đẩy lui rợ hồng mao" tại cung Thiên hậu Bành Hồ[42]. Năm 1622, Toàn quyền Đông Ấn Hà Lan là Jan Pieterszoon Coen phái Cornelis Reijersen đến Bành Hồ, đồng thời lập ra thành luỹ để làm cứ điểm mậu dịch[43]. Năm 1624, tướng lĩnh của nhà Minh là Du Đại Du đem quân bao vây người Hà Lan, trải qua tám tháng chiến đấu, người Hà Lan phải rời khỏi Bành Hồ, chuyển hướng đến Đại Viên, Đài Loan dựng nên thành Zeelandia để làm cứ điểm[44]. Công ty Đông Ấn Hà Lan chiêu mộ người Hán từ duyên hải Phúc Kiến và tại Bành Hồ đến Đài Loan để canh tác, trong đó rất nhiều người về sau định cư tại Đài Loan[43]. Trong "An Bình Nhan thị tộc phổ", "Đông Thạch Phần Dương Quách thị tộc phổ" đều viết rằng có gia đình chuyển đến Đài Loan[45].

Đài Loan do Hà Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Đại Đỗ thống trị.

Tương truyền vào năm 1621, một người quê Chương Châu tên là Nhan Tư Tề từ Nagasaki, Nhật Bản đến Đài Loan, lập trại tại khu vực Chư La Sơn, làm nghề cày cấy, săn bắn và mua bán. Sau khi tin tức được truyền về Đại lục, đã thu hút nhiều dân nghèo Chương Châu, Tuyền Châu vượt biển đến nương nhờ, số người đạt đến 3.000. Năm 1625, Nhan Tư Tề bệnh chết, Trịnh Chi Long kế thừa sự nghiệp của ông. Năm 1628, Trịnh Chi Long nhận chiêu an của triều đình Minh, đưa hơn ba vạn bộ thuộc trở về Đại lục, nhậm chức "Ngũ Hổ du kích tướng quân" trú tại An Hải[chú thích 3]. Khi Phúc Kiến xảy ra nạn đói, Trịnh Chi Long từng đưa vài vạn dân đói đến Đài Loan mưu sinh, chi phí liên quan được trả lại cho Trịnh Chi Long dưới dạng tô thuế. Ngoài ra, Trịnh Chi Long phá vỡ chính sách hải cấm chính thức, hầu như thao túng mậu dịch giữa duyên hải Trung Quốc đại lục và Đài Loan, Macao, Nhật Bản, Philippines.[46]

Năm 1626, một người Tây Ban Nha là Antonio Carreño de Valdes lãnh đạo hạm đội xuất phát từ Manila, Philippines đi sát theo bờ biển phía đông Đài Loan đến đảo Kê Lung trong vịnh Kê Lung, lập nên thành San Salvador để làm trung tâm thống trị[47]. Mặc dù người Tây Ban Nha không được chấp thuận tiến hành triển khai mậu dịch chính thức với triều đình Minh, song họ dùng phương thức miễn thuế quan, miễn thuế hàng hoá, thậm chí miễn kiểm tra nhập quan nhằm thu hút giới buôn lậu đến Kê Lung kinh doanh[48].

Năm 1633, Công ty Đông Ấn Hà Lan lấy Đài Loan làm căn cứ để tiến hành phong toả, cướp bóc duyên hải Phúc Kiến, thủy quân Minh do Trịnh Chi Long lãnh đạo đã đánh bại liên quân Công ty Đông Ấn Hà Lan và hải tặc, sử gọi là hải chiến Minh-Hà Lan thời Sùng Trinh[49]. Người Hán tại Đài Loan từng phản kháng sự thống trị của Hà Lan, trong đó có sự kiện Quách Hoài Nhất năm 1652[50]. Đương thời có 4.000-5.000 người Hán tham dự cuộc khởi nghĩa này, ước tính chiếm 1/4 tổng số người Hán tại Đài Loan[51], trải qua 12 năm thì bị trấn áp, có 3.000-4.000 người Hán tử vong[52].

Trương Đình Ngọc thời Thanh có miêu là cương vực Đài Loan trong "Minh sử " là "đất ấy bắc từ Kê Lung, nam đến Lãng Kiệu, có thể hơn ngàn dặm; đông từ Đa La Mã, tây đến Vương Thành, có thể hơn chín trăm dặm"[53]. Điều đáng chú ý là Kê Lung cùng với Lưu Cầu, Luzon, Brunei đều được ghi trong thiên "liệt truyện thứ 211 - ngoại quốc 4", không nằm trong bản đồ triều Minh[54].

Trịnh Thành Công đẩy lui người Hà Lan

Tượng mô tả việc người Hà Lan đầu hàng Trịnh Thành Công

Năm 1644, nhà Minh diệt vong, tuy nhiên tông thất nhà Minh lập nên chính quyền Nam Minh. Trong đó, Đường vương Chu Duật Kiện do anh em Trịnh Chi Long và Trịnh Hồng Quỳ ủng hộ xưng đế tại Phúc Châu vào năm 1645. Năm 1646, quân đội nhà Thanh tiến vào Phúc Kiến, Trịnh Chi Long đầu hàng nhà Thanh, tuy nhiên con ông là Trịnh Thành Công chạy đến Kim Môn. Năm 1647, Trịnh Thành Công chính thức thề phản Thanh, di chuyển chiến đấu tại duyên hải đông nam Trung Quốc đại lục hơn mười năm[55], đồng thời nhiều lần bang trợ tông thất nhà Minh và dân chúng vượt biển sang định cư tại Đài Loan[chú thích 4], được Vĩnh Lịch Đế phong là Diên Bình vương. Do người Hà Lan thường cướp bóc thương thuyền của người Hán, trong thời gian từ năm 1656 đến năm 1660 Trịnh Thành Công hai lần cảnh cáo người Hà Lan đình chỉ cướp đoạt thương thuyền.[56].

Tháng 4 năm 1661, Trịnh Thành Công đem 25 ngàn tướng sĩ cùng vài trăm chiến hạm tiến quân đến Đài Loan, bao vây pháo đài Zeelandia, buộc Công ty Đông Ấn Hà Lan phải ký kết đầu hàng vào ngày 1 tháng 2 năm 1662[57]. Trịnh Thành Công lập phủ Thừa Thiên tại Đài Loan, dự tính phản Thanh phục Minh, song không lâu thì mất[58]. Sau khi Trịnh Kinh kế vị, ông lo ngại tính chính thống thống trị không đủ, do đó vào năm 1663 đón Ninh Tĩnh vương Chu Thuật Quế từ Kim Môn đến Đài Loan, đồng thời đổi tên Đài Loan thành Đông Ninh[59], vẫn lấy lịch pháp theo nhà Minh[60], lập Khổng miếu tại Đài Nam vào năm 1665[61].

Ngày 21 tháng 4 năm 1674, Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung của nhà Thanh khởi binh phản Thanh, mời Trịnh Kinh tây chinh. Trịnh Kinh sau khi vượt biển đã yêu cầu với Cảnh Tinh Trung được giữ Chương Châu và Tuyền Châu, sau khi bị từ chối thì xuất binh chiếm lĩnh Hải Trừng và Đồng An, hai bên bắt đầu trở nên thù địch. Tuy nhiên, Tuyền Châu, Chương Châu và Triều Châu lần lượt nương nhờ Trịnh Kinh, Cảnh Tinh Trung thấy tình thế như vậy thì bèn đem quân tấn công Tuyền Châu, song lại bị Lưu Quốc Hiên đẩy lui. Năm 1675, Cảnh Tinh Trung và Trịnh Kinh đàm phán, hai bên lấy Phòng Đình làm ranh giới, phần phía bắc thuộc Cảnh Tinh Trung, phần phía nam thuộc Trịnh Kinh. Năm 1676, Trịnh Kinh đánh bại Bình Nam vương Thượng Chi Tín, chiếm lĩnh Huệ Châu. Trịnh Kinh sau khi có được bốn châu phủ lại đánh hạ được Đinh Châu, Cảnh Tinh Trung buộc phải đầu hàng nhà Thanh. Sau đó, Trịnh Kinh một mình đối đầu với quân đội nhà Thanh, kết quả là liên tiếp thất bại và phải thoái lui, cuối cùng phải rút về Hạ Môn.

Năm 1677, nhà Thanh lại triển khai hoà đàm với Trịnh Kinh, Khang thân vương Kiệt Thư của nhà Thanh hứa hẹn rằng nếu Trịnh Kinh rút khỏi các đảo tại duyên hải Trung Quốc, nhà Thanh sẽ đồng ý để Đông Ninh thành nước phiên thuộc của nhà Thanh giống như Triều Tiên, đồng thời thông thương với Đông Ninh, vĩnh viễn không nghi kị. Năm 1678, tướng lĩnh nhà Thanh là Lại Thấp đưa thư cho Trịnh Kinh, trong đó viết rằng nếu quân họ Trịnh đồng ý rút về giữ Đài Loan, thì họ Trịnh sẽ vĩnh viễn chiếm hữu Đài Loan, địa vị tương đồng với Triều Tiên, không cần phải cạo đầu và đổi trang phục, việc xưng thần nạp cống hoàn toàn là tự nguyện. Tuy nhiên, Trịnh Kinh muốn Hải Trừng là thị trường chung, khiến đàm phán bị phá vỡ[62]. Năm 1680, Trịnh Kinh chiến bại, rút từ Hạ Môn về Đài Loan[63]. Từ đó, Trịnh Kinh nản chí, đem chính sự giao hết cho Thế tử Trịnh Khắc TangTrần Vĩnh Hoa. Ngày 17 tháng 3 năm 1681, Trịnh Kinh mất, Phùng Tích Phạm giết Trịnh Khắc Tang và lập Trịnh Khắc Sảng, khiến cho quốc chính ngày càng tệ hại, lòng người phân tán.[62]

Nhà Thanh sáp nhập Đài Loan

Phạm vi phân chia hành tính của tỉnh Phúc Kiến Đài Loan năm 1894, màu đen là vùng dất thổ dân chưa khống chế, màu xám là phạm vi được tuyên bố của châu trực thuộc Đài Đông.

Ngày 10 tháng 7 năm 1683, theo lệnh của Khang Hy Đế, Thi Lang đem hai vạn quan binh, hơn 200 chiến thuyền tiến đánh Đài Loan. Trải qua bảy ngày giao chiến, quân tinh nhuệ của họ Trịnh bị tiêu diệt toàn bộ[64]. Ngày 17 tháng 9, Trịnh Khắc Sảng chính thức giao thư đầu hàng, đến ngày 3 tháng 10 thì quân Thanh tiến vào Đài Loan tiếp nhận đầu hàng[57]. Năm sau, nhà Thanh lập phủ Đài Loan, quản lý ba huyện là Đài Loan, Phụng Sơn, Chư La, phủ này lệ thuộc đạo Hạ Đài của tỉnh Phúc Kiến, đồng thời công bố luật lệ về cư trú tại Đài Loan, khống chế nghiêm ngặt số lượng người Hán từ Đại lục sang Đài Loan[65]. Vào đầu thời gian lập phủ Đào Loan, triều đình Thanh trao quyền cho tuần phủ của Phúc Kiến điều động quan viên giữa nội địa Phúc Kiến và Đài Loan, do vậy vào thời Thanh đa phần quan lại Đài Loan là người Phúc Châu[66].

Năm 1721, Chu Nhất Quý tự lập làm vương tại Đài Loan, đặt quốc hiệu là "Đại Minh", song được không lâu thì bị quân Thanh tiêu diệt. Năm 1731, người Taokas thuộc thổ dân Đài Loan phát động hành động vũ trang chống chính phủ tại Đại Giáp Tây Xã. Tổng đốc Hác Ngọc Lân của Phúc Kiến phái Tổng binh Đài Loan Vương Quận đi giám sát việc trấn áp, đồng thời điều sáu nghìn quan binh từ Đại lục sang Đài Loan chinh phạt. Sự kiện diễn ra trong bảy tháng, cuối cùng các tù trưởng Đài Loan mang mọi người ra hàng[67], mười ba tù trưởng bị chém đầu[68].

Sau khi nhà Thanh cai trị Đài Loan, mậu dịch giữa Đại lục và Đài Loan trở nên hưng thịnh hơn. Đương thời, vật phẩm xuất khẩu chủ yếu của Đài Loan là gạo, da hươu và đường mía, vật phẩm nhập khẩu là hàng dệt, thuốc và các nhu yếu phẩm khác, cảng mậu dịch chủ yếu là phủ thành (nay là An Bình, Đài Nam), Lộc Cảng (nay là Lộc Cảng, Chương Hoá) và Mãnh Giáp (nay là Vạn Hoa, Đài Bắc), dân gian có câu "nhất phủ nhị Lộc tam Mãnh Giáp".[69] Vào giữa thời Thanh, có nhiều di dân đến Đài Loan, giữa các nhóm đến trước và đến sau tồn tại nhiều xung đột lợi ích. Ví dụ giữa người Mân Nam từ Phúc Kiến và người Khách Gia, người Triều Châu từ Quảng Đông xảy ra chiến đấu Mân-Việt; giữa người Tuyền Châu và người Chương Châu xảy ra chiến đấu Tuyền-Chương; hay là giữa các môn phái hí khúc[70]. Tuy nhiên, trong thời gian này các nhóm cư dân tại Đài Loan cũng có hợp tác với nhau, như vào năm 1796 khi Ngô Sa khai khẩn Cáp Tử Nan, đều có người gốc Chương Châu, Tuyền Châu và Khách Gia cùng tham gia khai khẩn.[71]

Sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai năm 1860, triều đình Thanh đồng ý mở cửa cảng An Bình và Đạm Thủy tại Đài Loan để thông thương, không lâu sau lại mở cửa cảng Đả Cẩu và Kê Lung. Năm 1874, Nhật Bản đem quân đến Đài Loan tạo ra sự kiện Mẫu Đơn Xã. Năm 1875, triều đình Thanh cử Thẩm Bảo Trinh làm khâm sai đại thần sang giám sát Đài Loan, đồng thời điều Đường Định Khuê đem 6.500 binh sĩ Hoài quân đóng tại Từ Châu đến Đài Loan đồn trú. Cuối cùng, do Thanh-Nhật ký kết "Chuyên ước Bắc Kinh" nên tạm bình ổn[72]. Sự kiện ngoại giao lần này thúc đẩy triều đình Anh bãi bỏ lệnh cấm nhân dân Trung Quốc đại lục sang Đài Loan khai khẩn trồng trọt, do vậy Đài Loan mở cửa toàn diện[73].

Trong thời gian Chiến tranh Pháp-Thanh năm 1884, Amédée Courbet dẫn quân Pháp chiếm lĩnh Cơ Long, tiến công Đạm Thủy, phong toả eo biển Đài Loan, đồng thời quấy nhiễu các tỉnh duyên hải Trung Quốc[74]. Ngày 29 tháng 7 năm 1885, Tả Tông Đường nêu lên việc phải nhanh chóng chuyển Đài Loan thành một tỉnh[75]. Tháng 10 cùng năm, triều đình Thanh lập ra tỉnh Phúc Kiến Đài Loan, quản lý phủ Đài Loan và phủ Đài Bắc của tỉnh Phúc Kiến trước đây[76] cựu Tuần phủ Phúc Kiến là Lưu Minh Truyền chuyển sang giữ chức tuần phủ của Đài Loan[77], kinh phí lập tỉnh Đài Loan chủ yếu do Phúc Kiến phụ trách[66]. Lưu Minh Truyền sau khi nhậm chức đã tiến hành mở rộng việc phủ dụ thổ dân, lập thêm quận huyện, đồng thời xúc tiến một loạt cải cách kiểu phương Tây[78], xây dựng Đài Loan thành tỉnh có trình độ hiện đại hoá cao nhất của Đại Thanh vào đương thời[79].

Nhà Thanh nhượng Đài Loan cho Nhật Bản

Tình cảnh ký kết Điều ước Mã Quan do người Nhật vẽ
Ngày 25 tháng 10 năm 1945 tại Đài Bắc, Trung Hoa Dân Quốc tiếp nhận đầu hàng của Nhật Bản

Trong Chiến tranh Thanh-Nhật 1895, nhà Thanh bị Nhật Bản đánh bại, đến ngày 17 tháng 4 năm 1895 phải ký kết Điều ước Mã Quan, cắt nhượng Đài Loan và Bành Hồ cho Nhật Bản[66]. Tin tức này được truyền đến Đài Loan, tuần phủ đương thời là Đường Cảnh Tùng ban bố "tuyên ngôn độc lập Đài Loan Dân chủ quốc" vào ngày 25 tháng 5, song vẫn tôn nhà Thanh làm nước tông chủ. Ngày 2 tháng 6, hai bên Thanh-Nhật hoàn thành việc chuyển giao Đài Loan, đến ngày 21 tháng 10 quân đội Nhật Bản tiến vào Đài Nam, tiêu diệt chính quyền Đài Loan Dân chủ quốc[80]. Đài Loan trở thành lãnh thổ thực dân của Nhật Bản[81], cũng là căn cứ để Nhật Bản xâm lược Trung Quốc đại lục[82]. Phủ Tổng đốc Đài Loan trở thành tiên phong trong việc thực thi chính sách nam tiến của Đế quốc Nhật Bản, chuyên về chính sách đối với Phúc Kiến[83], thông qua các phương thức như lập trường học, bệnh viện, xây dựng nơi thờ phụng và kinh doanh báo chí để tiến hành thẩm thấu văn hoá tại Đại lục, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của xã hội Phúc Kiến cận đại[84].

Khoảng năm 1896, Tổng đốc Đài Loan Kodama Gentaro phái trụ trì chùa Lan Dương tại Nghi Lan đến Hạ Môn để bố giáo. Sau đó, tăng nhân chùa Higashi Hongan lập ra "sở bố giáo chùa Higashi Hongan Hạ Môn". Ngày 24 tháng 8 năm 1900, địa điểm này bị thiêu huỷ. Đến ngày 25, Tổng đốc Đài Loan phái lục quân vượt biển, chuẩn bị chiếm lĩnh Hạ Môn. Các cường quốc phương Tây phản ứng dữ dội, Anh, Đức, Mỹ và Nga đều đưa chiến hạm vào cảng Hạ Môn, lục quân Anh đổ bộ vào tô giới Anh, quân Nhật bị buộc phải rút lui, lịch sử gọi là "sự kiện Hạ Môn"[85].

Sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập vào năm 1912, một số người Đài Loan như Tưởng Vị Thủy, Đỗ Thông Minh, Ông Tuấn Minh gia nhập phân hội Đài Loan của Trung Quốc Đồng minh Hội, còn từng gửi điện báo đến Hội Quốc Liên tố cáo Nhật Bản cản trở Trung Quốc thống nhất[86]. Năm 1928, Đảng Cộng sản Đài Loan được thành lập trong tô giới Pháp tại Thượng Hải, do Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo, chủ trương lật đổ sự thống trị của Nhật Bản tại Đài Loan, lập ra nước Cộng hoà Đài Loan[87]. Sau tháng 9 năm 1931, do nhiều đảng viên bị tống giam, đảng này đình chỉ hoạt động. Năm 1934 và 1936, chính quyền tỉnh Phúc Kiến từng hai lần lập đoàn sang Đài Loan khảo sát. Khi Nhật Bản bắt đầu cai trị Đài Loan, quy mô kinh tế của Đài Loan vẫn chưa bằng Phúc Kiến. Tuy nhiên sau gần 40 năm, quy mô kinh tế Đài Loan đã vượt xa Phúc Kiến. Do đó, trong "báo cáo khảo sát Đài Loan" có kiến nghị Phúc Kiến học tập mô hình kinh tế của Đài Loan[88].

Sau khi Chiến tranh Trung-Nhật bùng phát toàn diện vào năm 1937, nhân sĩ dân gian Đài Loan sống tại Trung Quốc dưới quyền lãnh đạo của Lý Hữu Bang đã thành lập Đội Nghĩa dũng Đài Loan, tiến hành hoạt động kháng Nhật[89][90]. Ngày 23 tháng 2 năm 1938, Đội tình nguyện hàng không Liên Xô lấy danh nghĩa đại đội 1 Không quân Trung Hoa Dân Quốc tiến hành oanh tạc căn cứ hàng không Tùng Sơn Đài Bắc[91]. Ngày 9 tháng 12 năm 1941, chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc chính thức tuyên chiến với Nhật Bản, đồng thời tuyên bố vô hiệu hoá toàn bộ các điều ước với Nhật[92]. Ngày 25 tháng 11 năm 1943, lực lượng Hàng không Lục quân Hoa Kỳ trú tại Trung Quốc và Đoàn hỗn hợp không quân Trung-Mỹ cho 14 máy bay cất cánh từ Toại Xuyên, Giang Tây đi oanh tạc căn cứ hàng không của quân đội Nhật Bản tại Tân Trúc, phá huỷ tổng cộng 52 máy bay của Nhật[93]. Tháng 12 năm 1943, Mỹ, Anh và Trung Quốc cùng công bố Tuyên bố Cairo, quy định rằng toàn bộ lãnh thổ mà Nhật Bản cướp đoạt từ Trung Quốc, như Mãn Châu, Đài Loan, Bành Hồ cần phải được trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc[94]. Tháng 7 năm 1945, Mỹ, Anh và Trung Quốc cùng ra Tuyên bố Potsdam, xác định điều khoản trong Tuyên bố Cairo cần phải được thi hành, là một trong các điều kiện cần thiết để Nhật Bản đầu hàng[95]. Ngày 2 tháng 9, Nhật Bản chính thức chấp thuận các điều khoản của Tuyên bố Potsdam[96], đầu hàng Đồng Minh[97].

Trung Hoa Dân Quốc tiếp quản Đài Loan

Ngày 29 tháng 8 năm 1945, Tưởng Giới Thạch bổ nhiệm chủ tịch đương thời của tỉnh Phúc Kiến là Trần Nghi làm trưởng quan hành chính tỉnh Đài Loan. Ngày 15 tháng 10, quân đội chính phủ Quốc dân đổ bộ tại cảng Cơ Long[98]. Ngày 25 tháng 10, Trung Hoa Dân Quốc chính thức tiếp quản Đài Loan, Bành Hồ, xác định ngày này là "tiết quang phục Đài Loan", song luận điểm thu hồi này tồn tại tranh luận[99]. Ngày 12 tháng 1 năm 1946, Hành chính viện Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố nhân dân Đài Loan "vốn có quốc tịch nước ta" được khôi phục quốc tịch Trung Hoa Dân Quốc từ ngày 25 tháng 10 năm 1945[100]:61[101], song do điều ước hoà bình sau chiến tranh vẫn chưa được ký kết nên bị chính phủ Mỹ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản phản đối[101][102][103]. Cuối tháng 2 năm 1947, các địa phương tại Đài Loan liên tiếp xảy ra xung đột giữa quân đội và dân chúng, Trần Nghi thỉnh cầu Tưởng Giới Thạch phái quân đội từ Trung Quốc đại lục sang đàn áp, lịch sử gọi là sự kiện 28 tháng 2.

Từ năm 1948 trở đi, do Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc liên tiếp thất bại trong nội chiến trước Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch bắt đầu di dời chính phủ, quân đội và gia khuyến, văn vật của Cố cung, tài sản quốc khố và tài liệu liên quan đến Đài Loan[104]. Từ năm 1945 đến năm 1950, có gần hai triệu quân dân từ Trung Quốc đại lục chuyển đến Đài Loan[chú thích 5][105]. Cộng đồng di dân đại lục này tại Đài Loan được gọi là người ngoại tỉnh, nhằm phân biệt với người bản tỉnh là những di dân đến Đài Loan từ khá sớm.

Đương thời

Đối đầu quân sự

Ngày 15 tháng 3 năm 1949, Tân Hoa Xã công bố bài xã luận "nhân dân Trung Quốc nhất định phải giải phóng Đài Loan", lần đầu khẩu hiệu "giải phóng Đài Loan" được nêu ra[106]. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc sau khi thất bại trong nội chiến, phải dời sang Đài Loan thì nêu ra các khẩu hiệu "phản công Đại lục", "tiêu diệt Cộng phỉ", "giải cứu đồng bào", đồng thời ban bố điều lệ kiểm soát nghiêm ngặt gián điệp cộng sản thời kỳ dẹp loạn, hạn chế nghiêm ngặt liên hệ qua lại giữa dân chúng Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập, hai bờ eo biển từng trải qua các cuộc giao chiến là Chiến dịch Cổ Ninh Đầu tại Kim Môn năm 1949, Chiến dịch đảo Đông Sơn năm 1953, Pháo chiến Kim Môn lần thứ nhất năm 1954, Chiết dịch Nhất Giang Sơn tháng 1 năm 1955, Chiến dịch đảo Đại Trần tháng 2 năm 1955, Pháo chiến ngày 23 tháng 8 năm 1958[107], hai bên đều có thắng bại.

Trong thời gian này, Chiến tranh Triều Tiên bùng phát, quân đội Hoa Kỳ tiến vào đồn trú tại Đài Loan[108], đồng thời chỉ ra rằng địa vị của Đài Loan chưa được xác định[109]. Do đó, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tố cáo lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng Đài Loan bị xâm nhập vũ trang, đồng thời kháng nghị việc bị Liên Hợp Quốc bài trừ[110], song đề án này cuối cùng bị phủ quyết[111]. Trong Hoà ước San Francisco, Nhật Bản từ bỏ toàn bộ quyền lợi, quyền lợi danh nghĩa và yêu cầu đối với Đài Loan và Bành Hồ[112], song Trung Hoa Dân Quốc và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đều chưa tham gia ký kết hoà ước. Sau đó, Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản ký kết Hoà ước Trung-Nhật vào năm 1952[113]. Năm 1954, "Điều ước Phòng thủ chung Trung-Mỹ" được ký kết, khiến cho Quân Giải phóng có sự kiêng dè[114]. Tháng 4 năm 1955, Thủ tướng Chu Ân Lai đến Indonesia tham dự Hội nghị Bangdung[chú thích 6], đồng thời phát biểu rằng "Chính phủ Trung Quốc bằng lòng cùng Chính phủ Hoa Kỳ đàm phán, tranh thủ phương thức hoà bình để giải phóng Đài Loan". Lý Tông Nhân tại Hoa Kỳ sau khi biết tin[chú thích 7], vào tháng 8 cùng năm tuyên bố kiến nghị về vấn đề Đài Loan, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc liền phong toả tin tức về phát biểu này.[116]:2

Đầu tháng 10 năm 1958, Quân Giải phóng tuyên bố bãi bỏ phong toả Kim Môn[117], về sau đổi thành bắn phá không liên tục, dần dần giảm thiểu tấn công, cuộc đấu giữa hai bờ chuyển sang chủ yếu tranh chấp về tính chính thống, tranh giành quyền đại diện cho Trung Quốc trên trường quốc tế[118]. Năm 1963, Chu Ân Lai đưa chính sách Đài Loan của Đảng Cộng sản Trung Quốc quy thành "một quy tắc bốn điều khoản"[119]. Năm 1971, nước Cộng hoà Nhan dân Trung Hoa thay thế Trung Hoa Dân Quốc trong vai trò quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; đến năm 1972 Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon sang thăm Trung Quốc, hai bên ký kết "Thông cáo Thượng Hải"[120],同年9月中日建交[121];đến ngày 1 tháng 1 năm 1979 Hoa Kỳ và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao[122], đồng thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc, lấy "Luật quan hệ Đài Loan" để thay cho "Điều ước phòng thủ chung Trung-Mỹ", đồng thời rút quân đội khỏi Đài Loan. Tình thế ngoại giao hai bờ đã đảo nghịch[9]. Ngày 1 tháng 1 năm 1979, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Từ Hướng Tiền tuyên bố đình chỉ pháo kích Kim Môn và các đảo khác, chính thức kết thúc 21 năm pháo chiến Kim Môn.

Hoà hoãn giao lưu

Khẩu hiệu "một quốc gia hai chế độ, thống nhất hoà bình" tại Hạ Môn.

Ngày 1 tháng 1 năm 1979, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc công bố "thư gửi đồng bào Đài Loan"[123], sử dụng "thống nhất hoà bình, một quốc gia hai chế độ" để thay thế "giải phóng Đài Loan", thái độ đối với Đài Loan chuyển từ cứng rắn sang hướng hoà hoãn[124]. Đáp lại, ngày 4 tháng 4 Tưởng Kinh Quốc đưa ra chính sách ba không là "không tiếp xúc, không đàm phán, không thoả hiệp[125]. Ngày 29 tháng 5, tàu thuyền của Trung Quốc đại lục khôi phục việc đi qua eo biển Đài Loan[126]. Ngày 9 tháng 6 năm 1980, Tưởng Kinh Quốc đề xuất "chủ nghĩa Tam dân thống nhất Trung Quốc". Năm 1981, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Đài Loan hoạt động tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến mở bốn cảng cho tàu thuyền của Đài Loan neo đậu và trạm tiếp đón đồng bào Đài Loan, mở đầu cho qua lại mậu dịch và nhân viên giữa hai bờ eo biển sau cải cách mở cửa tại Đại lục[123]. Ngày 1 tháng 10 năm 1981, Ủy viên trưởng Diệp Kiếm Anh đề xuất chính sách phương châm 9 điều về thống nhất hoà bình Đài Loan, biểu thị "sau khi quốc gia thực hiện thống nhất, Đài Loan có thể trở thành khu hành chính đặc biệt, hưởng quyền tự trị cao độ, đồng thời có thể duy trì quân đội. Chính phủ trung ương không can dự công việc địa phương của Đài Loan".[124] Ngày 24 tháng 7 năm 1982, Bộ trưởng Liệu Thừa Chí gửi thư cho Tưởng Kinh Quốc, kêu gọi hai bờ triển khai hoà đàm[127], Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc không hồi đáp[128].

Năm 1987, Đài Loan mở cửa cho dân chúng sang Đại lục thăm thân, hoạt động thương mại dân sự giữa hai bờ gia tăng nhanh chóng. Tháng 6 năm 1989, khu vực Đài Loan chính thức mở cửa cho hàng hoá Đại lục nhập khẩu gián tiếp. Sau đó, trong quan hệ thương mại giữa hai bờ, Đài Loan có được thặng dư lớn từ Đại lục, sự phụ thuộc vào kinh tế Đại lục cũng dần tăng lên. Ngày 7 tháng 10 năm 1990, Tổng thống Lý Đăng Huy tuyên bố thành lập Ủy ban Thống nhất Quốc gia, đến ngày 23 tháng 2 năm 1991 thì thông qua Cương lĩnh Thống nhất Quốc gia, chủ trương căn cứ theo nguyên tắc "dân chủ, tự do, cùng thịnh vượng" để xúc tiến thống nhất Trung Quốc[9]. Hiến pháp được sửa đổi, phân Trung Hoa Dân Quốc thành "khu vực Đại lục" và "khu vực tự do". "Điều lệ quan hệ nhân dân hai bờ" định nghĩa "khu vực đại lục" là lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc nằm bên ngoài khu vực Đài Loan[129].

Năm 1991, Quỹ Giao lưu Eo biển của Đài Loan và Hiệp hội Quan hệ Hai bờ Eo biển của Đại lục bắt đầu hoạt động[130][131], năm 1992 tiến hành hội đàm tại Hồng Kông, song không có thành quả. Tháng 4 năm 1993, hai bên trên cơ sở Nhận thức chung 1992 tiến hành hội đàm Uông Đạo Hàm-Cô Chấn Phủ[132]. Tháng 1 năm 1995, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đề xuất chủ trương tám điều nhằm phát triển quan hệ hai bờ, xúc tiến tiến trình thống nhất hoà bình Trung Quốc. Đáp lại, ngày 8 tháng 4, Tổng thống Lý Đăng Huy đề xuất kiến nghị sáu điều.[133]

Nhận thức đối lập

Cờ hiệu của Đại hội người Đài Loan Thế giới được sử dụng rộng rãi trong các bối cảnh hoạt động Đài Loan độc lập.

Sự kiện tàu cá Mân Bình năm 1990 và sự kiện Thiên Đảo năm 1994 khiến dân chúng hai bờ bất mãn[134]. Tháng 6 năm 1995, Tổng thống Lý Đăng Duy lấy danh nghĩa cá nhân sang thăm Đại học Cornell, đề xuất định vị quốc gia là "Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan"[135], dẫn đến nguy cơ tên lửa tại eo biển Đài Loan. Tháng 8 năm 1996, Trung Quốc đại lục mở hai cảng Phúc Châu và Hạ Môn làm cảng vận chuyển trực tiếp giữa hai bờ, Đài Loan chỉ mở cảng Cao Hùng để đáp lại, song thi hành việc không mua hàng, không thông quan để cản trở tam thông[9]. Ngày 14 tháng 9 năm 1996, Tổng thống Lý Đăng Huy đề xuất tại Đại hội Doanh nhân Đài Loan chủ trương "giới cấp dụng nhẫn" (không nóng vội), hạn chế giới doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc đại lục[136]. Năm 1997, Phúc Kiến thành lập khu thí điểm hợp tác nông nghiệp hai bờ eo biển tại Phúc Châu và Chương Châu. Tháng 5 năm 1999, Đại hội Đảng Dân tiến thông qua "Nghị quyết tiền đồ Đài Loan"[137]. Tháng 7 cùng năm, Tổng thống Lý Đăng Huy đề xuất "lưỡng quốc luận", chủ trương quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục là "quốc gia và quốc gia", ít nhất là quan hệ đặc thù giữa hai quốc gia.

Ngày 25 tháng 10 năm 2008, cựu Tổng thống Trần Thủy Biển cầm cờ ghi cỡ "Đài Loan Trung Quốc, mỗi bên một nước" tham gia tuần hành.

Năm 2000, Đảng Dân tiến lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền tại Trung Hoa Dân Quốc, Trần Thủy Biển trong lễ nhậm chức đã đề xuất rằng chỉ cần Trung Quốc đại lục không có ý dùng vũ lực với Đài Loan, thì trong nhiệm kỳ của ông sẽ không tuyên bố độc lập, không đổi quốc hiệu, không xúc tiến đưa lưỡng quốc luận vào hiến pháp, không xúc tiến trưng cầu dân ý về thay đổi hiện trạng, và không có bãi bỏ cương lĩnh thống nhất quốc gia và Ủy ban Thống nhất Quốc gia[138], trong nhiệm kỳ của mình ông tiến hành một loạt phong trào bản địa hoá Đài Loan như "phi Trung Quốc hoá"[139], "phi Tưởng hoá"[140]. Năm 2001, giữa Mã Tổ cùng Kim Môn và Mã Vĩ, Hạ Môn thực hiện khai thông về thương mại, hàng hoá và bưu chính. Năm 2001, Trần Thủy Biển khi sang thăm Guatemala có đề ra "chính sách năm không mới" về quan hệ hai bờ[141]. Ngày 2 tháng 8 năm 2002, Trần Thủy Biển trong hội nghị của "Hội đồng hương Đài Loan Thế giới" đề xuất "mỗi bên một quốc gia", chỉ Đài Loan và Trung Quốc không thuộc cùng một quốc gia. Ngày 22 tháng 2 năm 2004, Trần Thủy Biển cho biết Trung Quốc đại lục có 496 tên lửa hướng về Đài Loan, sau mỗi sáu ngày thì có thêm một quả[142]. Do đó, Đài Loan tiến hành phong trào triệu người tay cầm tay bảo vệ Đài Loan ngày 28 tháng 2, phản đối Trung Quốc triển khai tên lửa chĩa thẳng vào Đài Loan[143].

Tháng 3 năm 2005, Tổng thống Trần Thủy Biển nói với các nghị sĩ Nghị viện châu Âu và phóng viên rằng không thực hiện được việc đổi quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc thành nước Cộng hoà Đài Loan[144]. Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào liền phát biểu bốn "tuyệt đối không" đối với công tác Đài Loan, sau đó Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua "Luật chống phân liệt quốc gia". Ngày 26 tháng 3, Đảng Dân tiến, Liên minh Đoàn kết Đài Loan và các tổ chức khác tiến hành tuần hành thể hiện kháng nghị[145]. Tuy nhiên từ tháng 4 đến tháng 7, Chủ tịch Quốc dân đảng Liên Chiến, Chủ tịch Đảng Thân dân Tống Sở Du, Chủ tịch Tân Đảng Úc Mộ Minh lần lượt sang thăm Đại lục, hoà hoãn quan hệ hai bờ[146][147]. Ngày 2 tháng 8 năm 2005, Trần Thủy Biển đề xuất thuyết bốn giai đoạn, tức "Trung Hoa Dân Quốc tại Đại lục, Trung Hoa Dân Quốc đến Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc là Đài Loan". Bốn ngày sau, ông lại đề xuất "một nguyên tắc, ba kiên trì, năm phản đối" làm quy tắc xử lý vấn đề hai bờ. Năm 2006, Trần Thủy Biển tuyên bố "Cương lĩnh thống nhất quốc gia" không còn thích hợp để sử dụng[148], sang năm 2007 đề xuất "bốn cần một không", tức Đài Loan cần độc lập, Đài Loan cần chính danh[149], Đài Loan cần hiến pháp mới, Đài Loan cần phát triển; Đài Loan không có con đường tả hữu, chỉ có vấn đề thống nhất-độc lập, khiến Trung Quốc và đại lục và Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ.[150], tuy nhiên thương mại hai bờ vẫn tiếp tục phát triển. Trong năm 2008, "tiểu tam thông" vận chuyển được 974 nghìn lượt người.[123]

Gần đây

Ngày 7 tháng 11 năm 2015, nhà lãnh đạo hai bờ gặp mặt tại Singapore.

Ngày 22 tháng 3 năm 2008, Mã Anh Cửu chiến thắng trong bầu cử tổng thống, đến ngày 20 tháng 5 Quốc dân đảng quay lại nắm quyền, chủ trương "bất thống, bất độc, bất vũ", tức trong nhiệm kỳ của Mã Anh Cửu đảm bảo không xúc tiến hai bờ thống nhất, cũng không tuyên bố Đài Loan độc lập, giữa hai bờ không tiến hành chiến tranh quân sự. Tháng 10 và 11 cùng năm, phó hội trưởng và hội trưởng của Hiệp hội Quan hệ Hai bờ Eo biển sang thăm Đài Loan, bị dân chúng Đài Loan tấn công, bao vây. Ngày 31 tháng 12 cùng năm, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào trong dịp kỷ niệm 30 năm "thư gửi đồng bào Đài Loan" có đề xuất sáu điểm. Quan hệ hai bờ dựa trên cơ sở "Nhận thức chung 1992" không ngừng phát triển, hội quan hệ hai bờ của hai bên tiến hành 11 lần gặp mặt giữa các lãnh đạo, hai bờ lần lượt ký kết 23 thoả thuận và hai tuyên bố chung, trong đó bao gồm hiệp định kiến tạo hợp tác kinh tế hai bờ eo biển (ECFA), khởi động đường bay định kỳ trực tiếp giữa hai bờ, hai bờ hợp tác cùng tấn công tội phạm[151].

Năm 2014, Phong trào sinh viên Hoa Hướng Dương tại Đài Loan ngăn chặn động lực nhất thể hoá kinh tế hai bờ[152]. Tháng 6 cùng năm. Thị trưởng Đài Nam Lại Thanh Đức thuộc Đảng Dân tiến khi sang thăm Trung Quốc đại lục có phát biểu rằng tương lai của Đài Loan do 23 triệu dân cùng quyết định. Văn phòng sự vụ Đài Loan của Đại lục đáp lại rằng vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc do toàn dân Trung Quốc cùng quyết định, bao gồm đồng bào Đài Loan, đồng thời phản đối lập trường của thế lực Đài Loan độc lập không thay đổi[153]. Cùng tháng, Chủ tịch Ủy ban sự vụ Đài Loan Trương Chí Quân sang Đài Loan, gặp mặt Chủ tịch Ủy ban Đại lục Vương Úc Kỳ, dẫn đến một loạt tranh luận và xung đột tại Đài Loan. Tháng 9, Văn phòng sự vụ Đài Loan mời hơn 20 đoàn thể Đài Loan thuộc phái thống nhất sang thăm Bắc Kinh, Tổng thư ký Tập Cận Bình bày tỏ lại rằng phương châm cơ bản của Đại lục trong giải quyết vấn đề Đài Loan là "thống nhất hoà bình, một quốc gia hai chế độ"[154]. Trước việc này, Viện trưởng Hành chính viện Giang Nghi Hoa biểu thị rằng Trung Hoa Dân Quốc luôn không chấp nhận chính sách một quốc gia hai chế độ, chủ trương của họ là duy trì hiện trạng trong khuôn khổ hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc.[155]. Trung Quốc đại lục liên tục đề xuất sách lược thống nhất mới[156][157]. Ngày 7 tháng 11 năm 2015, nhà lãnh đạo tối cao của hai bờ eo biển là Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu tiến hành gặp mặt tại Singapore[158], đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa nhà lãnh đạo tối cao hai bên từ sau khi chia tách chính trị vào năm 1949[159][160], hai bên trao đổi ý kiến về việc xúc tiến phát triển quan hệ hoà bình hai bờ[161].

Ngày 20 tháng 5 năm 2016, Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân tiến nhậm chức tổng thống, bà chủ trương duy trì hiện trạng, song đồng thời không thừa nhận Nhận thức chung 1992[162], và nói chuyện điện thoại với Donald Trump sau khi ông đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ. Trung Quốc đại lục không ngừng gây áp lực lên chính phủ của Thái Anh Văn[163], muốn Thái Anh Văn trở lại quỹ đạo Nhận thức chung 1992[164]. Thái Anh Văn trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Dân tiến có thư mở viết rằng phản đối áp lực của Trung Quốc đại lục, phát triển quan hệ với các quốc gia khác, thoát khỏi phụ thuộc và Trung Quốc[165]. Đa số dân chúng Đài Loan một mặt bất mãn ước áp lực ngoại giao của Trung Quốc đại lục[166], một mặt bất mãn với thể hiện của Thái Anh Văn trong xử lý quan hệ hai bờ[167].

Ghi chú

Tham khảo

Dân chứng

Nguồn