Long Điền

Huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Long Điền là một huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam. Huyện Long Điền được thành lập từ sự chia tách huyện Long Đất thành hai huyện Long Điền và Đất Đỏ theo Nghị định số 152/2003/NĐ-CP năm 2003 của Chính phủ. Dưới thời nhà Nguyễn, địa bàn huyện Long Điền tương ứng với tổng An Phú Thượng thuộc huyện Phước An, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa. Lỵ sở huyện Phước An đặt tại An Điền (nay thuộc thị trấn Long Điền).

Long Điền
Huyện
Huyện Long Điền
Biểu trưng
Cánh đồng muối ở xã An Ngãi
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐông Nam Bộ
TỉnhBà Rịa – Vũng Tàu
Huyện lỵthị trấn Long Điền
Phân chia hành chính2 thị trấn, 5 xã
Thành lập2003[1]
Địa lý
Tọa độ: 10°26′47″B 107°12′53″Đ / 10,44639°B 107,21472°Đ / 10.44639; 107.21472
MapBản đồ huyện Long Điền
Long Điền trên bản đồ Việt Nam
Long Điền
Long Điền
Vị trí huyện Long Điền trên bản đồ Việt Nam
Diện tích77 km²
Dân số (2014)
Tổng cộng140.485 người
Mật độ1.824 người/km²
Dân tộcKinh, Hoa, Chăm
Khác
Mã hành chính752[2]
Biển số xe72-K1
Websitelongdien.baria-vungtau.gov.vn

Lịch sử

Một làng chài nhỏ bên bờ biển ở Long Hải

Buổi đầu khai phá (1680 - 1862)

Theo sách “Gia Định thành thông chí” của Hiệp Tổng trấn Gia Định Thành - Trịnh Hoài Đức: năm 1680, có một người phụ nữ tên Bà Rịa người Phú Yên theo đoàn lưu dân từ dinh Trấn Biên (Phú Yên) vào nam lập nghiệp. Nơi đến là vùng đất rộng lớn, có địa hình phức tạp, nổi tiêng là vùng nước độc, chương khí, có nơi đầm lầy lau sậy mịt mù, có nhiều thú dữ. Khi đặt chân đến vùng rừng thiêng nước độc này, đoàn lưu dân đã khai hoang mở đất lập làng ở vùng Đồng Xoài (nay thuộc xã Hòa Long của thành phố Bà Rịa), rồi dần mở rộng ra vùng Gò Xoài - Phước Liễu (nay thuộc xã Tam Phước của huyện Long Điền).

Năm 1698, quan Thống suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh phụng lệnh chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu của Đàng Trong nước Đại Việt vào kinh lược vùng đất Đông Nam Bộ ngày nay, xác lập chủ quyền của Đại Việt trên vùng đất mới. Quan Thống suất đặt phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt ra hai dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Phiên Trấn (Gia Định) cho quan vào cai trị. Địa bàn huyện Long Điền lúc này thuộc tổng Phước An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, phủ Gia Định.

Năm 1802, vua Gia Long cho đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định. Trấn Gia Định gồm có 04 dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn, Trấn Định, Long Hồ) và trấn Hà Tiên. Địa bàn huyện Long Điền lúc này thuộc tổng Phước An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, trấn Gia Định.

Năm 1808, Hoàng đế Việt Nam tức vua Gia Long (Việt Nam là quốc hiệu chính thức từ năm 1804) cho đổi Gia Định Trấn thành Gia Định Thành. Đồng thời, nâng huyện thành phủ, tổng thành huyện. Theo đó: tổng Phước An nâng thành huyện Phước An, huyện Phước Long nâng thành phủ Phước Long, dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa. Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, các đơn vị hành chính của huyện Phước An năm 1819 - 1820 gồm có 02 tổng và 43 làng xã (02 ấp, 01 phường, 38 thôn và 02 xã). Huyện Phước An có vị trí địa lý: phía đông giáp biển Đông; phía tây giáp tổng Thành Tuy thuộc huyện Long Thành, từ núi Thị Vải đến cửa sông Ngã Bảy; phía nam giáp sông Lòng Tàu (Phước Bình) và dọc theo bờ bắc của cảng Cần Giờ; và phía bắc giáp các man sách ở thủ sở sông Nục. Tổng An Phú gồm có 21 làng xã (02 ấp, 18 thôn và 01 xã). Tổng An Phú có vị trí địa lý: phía đông giáp biển Đông; phía tây giáp tổng Thành Tuy thuộc huyện Long Thành, từ núi Thị Vải đến cửa sông Ngã Bảy; phía nam giáp sông Lòng Tàu (Phước Bình) và dọc theo bờ bắc của cảng Cần Giờ; và phía bắc giáp tổng Phước Hưng thuộc huyện Phước An ở đường cái quan. Địa bàn huyện Long Điền lúc này thuộc tổng An Phú, huyện Phước An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa, thành Gia Định.

TTLàngTTLàngTTLàng
1.An Nhứt thôn2.Hắc Lăng ấp3.Hưng Long thôn
4.Long An thôn5.Long Điền thôn6.Long Hiệp thôn
7.Long Hòa xã8.Long Hương thôn9.Long Kiên thôn
10.Long Lập thôn11.Long Thắng thôn12.Long Thạnh thôn
13.Long Thuận thôn14.Long Xuyên thôn15.Phú An ấp
16.Phước Đức thôn17.Phước Lễ thôn18.Phước Thạch thôn
19.Phước Thiện thôn20.Tĩnh Bộng Phụ Lũy thôn21.Trúc Phong thôn

Năm 1832, Hoàng đế Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành, đổi các trấn thành tỉnh, chia 05 trấn thuộc Gia Định Thành trước đây thành 06 tỉnh tức Lục tỉnh gồm Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Theo địa bạ Triều Nguyễn năm 1836, tổng An Phú Thượng gồm có 12 làng xã (03 thuyền, 01 phường, 04 thôn và 04 xã). Địa bàn huyện Long Điền lúc này thuộc tổng An Phú Thượng, huyện Phước An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa.

TTLàngTTLàngTTLàng
1.An Nhứt xã2.An Ngãi thôn3.Hắc Lăng xã
4.Hưng Long thôn5.Long Điền thôn6.Long Nhung phường
7.Long Thạnh thôn8.Phước Tỉnh xã9.Thắng Nhứt Thuyền
10.Thắng Nhì thuyền11.Thắng Tam thuyền12.Vĩnh Điền xã

Năm 1837, vua Minh Mạng cho thành lập phủ Phước Tuy thuộc tỉnh Biên Hòa từ hai huyện Long Thành và Phước An của phủ Phước Long; thành lập huyện Long Khánh thuộc phủ Phước Tuy trên cơ sở hai thủ cũ Long An và Phước Khánh ở phía bắc của hai huyện Long Thành và Phước An cùng phủ. Địa bàn huyện Long Điền lúc này thuộc tổng An Phú Thượng, huyện Phước An, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa.

Giai đoạn 1862 - 1945

Ngày 05-06-1862, Triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất với Pháp, theo đó chính thức công nhận ba tỉnh miền đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Cô Lôn thuộc chủ quyền của Pháp. Tỉnh Biên Hoà sau Hòa ước Nhâm Tuất năm 1862, nguời Pháp chia thành ba hạt thanh tra là Long Thành, Biên Hòa và Bình An. Ngày 17-03-1863, thành lập hạt thanh tra Bảo Chánh từ hạt thanh tra Long Thành; và đến ngày 27-10-1864, thành lập hạt thanh tra Bà Rịa từ hạt thanh tra Long Thành. Hạt thanh tra Bà Rịa coi huyện Phước An gồm có 04 tổng và 42 thôn xã. Địa bàn huyện Long Điền lúc này thuộc tổng An Phú Thượng, hạt thanh tra Bà Rịa.

TTLàngTTLàngTTLàng
1.An Ngãi2.An Nhứt3.Hắc Lăng
4.Hưng Lương5.Long Điền6.Long Nhưng
7.Long Thạnh8.Phước Tỉnh9.Thắng Nhứt
10.Thắng Nhì11.Thắng Tam

Ngày 24-06-1872, giải thể thôn Hưng Lương thuộc tổng An Phú Thượng và sáp nhập vào thôn Phước Tỉnh cùng tổng. Tổng An Phú Thượng còn lại 10 thôn xã: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Nhung, Long Thạnh, Phước Tỉnh, Thắng Nhứt, Thắng Nhì và Thắng Tam.

Ngày 25-03-1874, chuyển thôn Long Nhung thuộc tổng An Phú Thượng sang thuộc tổng An Phú Hạ. Tổng An Phú Thượng còn lại 09 thôn xã: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Thạnh, Phước Tỉnh, Thắng Nhứt, Thắng Nhì và Thắng Tam.

Ngày 05-01-1876, đổi hạt thanh tra Bà Rịa thành hạt tham biện Bà Rịa. Hạt tham biện Bà Rịa gồm có 07 tổng và 65 làng. Địa bàn huyện Long Điền lúc này thuộc tổng An Phú Thượng, hạt tham biện Bà Rịa.

Ngày 07-05-1890, chuyển làng Long Hải thuộc tổng Phước Hưng Thượng sang thuộc tổng An Phú Thượng cùng hạt. Tổng An Phú Thượng gồm có 10 làng: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Hải, Long Thạnh, Phước Tỉnh, Thắng Nhứt, Thắng Nhì và Thắng Tam.

Ngày 06-03-1891, giải thể làng Thắng Nhứt thuộc tổng An Phú Thượng và sáp nhập vào làng Thắng Tam cùng tổng. Tổng An Phú Thượng còn lại 09 làng: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Hải, Long Thạnh, Phước Tỉnh, Thắng Nhì và Thắng Tam.

Ngày 01-05-1895, thành lập thị xã tự trị Cap Saint Jacques từ hai làng Thắng Nhì và Thắng Tam thuộc tổng An Phú Thượng. Đồng thời, giải thể làng Long Sơn thuộc tổng Phước Hưng Hạ. Tổng An Phú Thượng còn lại 07 làng: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Hải, Long Thạnh và Phước Tỉnh.

Ngày 29-01-1898, hạt tham biện Bà Rịa sáp nhập với thị xã tự trị Cap Saint Jacques thành hạt tham biện Cap Saint Jacques. Đồng thời, tổng An Phú Thượng tiếp nhận hai làng Thắng Nhì và Thắng Tam từ thị xã tự trị Cap Saint Jacques. Tổng An Phú Thượng gồm có 09 làng: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Hải, Long Thạnh, Phước Tỉnh, Thắng Nhì và Thắng Tam.

Ngày 29-01-1898, hạt tham biện Bà Rịa sáp nhập với thị xã tự trị Cap Saint Jacques thành hạt tham biện Cap Saint Jacques. Đồng thời, tổng An Phú Thượng tiếp nhận hai làng Thắng Nhì và Thắng Tam từ thị xã tự trị Cap Saint Jacques. Tổng An Phú Thượng gồm có 09 làng: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Hải, Long Thạnh, Phước Tỉnh, Thắng Nhì và Thắng Tam.

Ngày 14-01-1899, Thống đốc Nam kỳ thành lập tổng Vũng Tàu thuộc hạt tham biện Cap Saint Jacques. Theo đó, tổng Vũng Tàu gồm có 07 làng: Phước Tỉnh, Thắng Nhì, Thắng Tam từ tổng An Phú Thượng; Hội Bài (từ ba ấp: Ngã Tư, Cái Đôi, Ba Gian của làng Long Hương), Núi Nứa, Phước Hội (từ ba ấp Ba Lưới, Chà Và, Gò Gần của làng Phước Lễ), Thạnh An từ tổng An Phú Hạ. Tổng An Phú Thượng còn lại 06 làng: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Hải và Long Thạnh.

Ngày 11-11-1899, tái lập hạt tham biện Bà Rịa từ hạt tham biện Cap Saint Jaques. Đồng thời, chuyển làng Phước Tỉnh thuộc tổng Vũng Tàu sang thuộc tổng An Phú Thượng; và chuyển bốn làng Hội Bài, Núi Nứa, Phước Hội, Thạnh An thuộc tổng Vũng Tàu sang thuộc tổng An Phú Hạ. Tổng An Phú Thượng gồm có 07 làng: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Hải, Long Thạnh và Phước Tỉnh.

Ngày 20-12-1899, đổi hạt tham biện Bà Rịa thành tỉnh Bà Rịa. Tỉnh Bà Rịa gồm có 07 tổng và 63 làng. Địa bàn huyện Long Điền lúc này thuộc tổng An Phú Thượng, tỉnh Bà Rịa.

Ngày 05-12-1916, sáp nhập ấp Gò Sam của làng Phước Tỉnh thuộc tổng An Phú Thượng vào làng Phước Hội thuộc tổng An Phú Tân cùng tỉnh.

Ngày 29-11-1923, sáp nhập làng Long Hải thuộc tổng An Phú Thượng vào làng Long Thạnh cùng tổng. Tổng An Phú Thượng còn lại 06 làng: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Thạnh và Phước Tỉnh.

Ngày 05-07-1928, thành lập quận Châu Thành thuộc tỉnh Bà Rịa dưới quyền một Đốc phủ sứ từ bốn tổng: An Phú Thượng, An Phú Hạ, An Phú Tân và Cơ Trạch. Quận Châu Thành gồm có 04 tổng và 35 làng. Địa bàn huyện Long Điền lúc này thuộc tổng An Phú Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Bà Rịa.

Ngày 10-10-1931, tái lập làng Long Hải thuộc tổng An Phú Thượng từ làng Long Thạnh cùng tổng. Tổng An Phú Thượng thuộc quận Châu Thành gồm có 07 làng: An Ngãi, An Nhứt, Hắc Lăng, Long Điền, Long Hải, Long Thạnh và Phước Tỉnh.

Ngày 22-01-1934, thành lập quận Long Điền từ hai quận Châu Thành và Xuyên Mộc vừa giải thể. Quận Long Điền gồm có 08 tổng và 57 làng. Địa bàn huyện Long Điền lúc này thuộc tổng An Phú Thượng, quận Long Điền, tỉnh Bà Rịa.

Giai đoạn 1945 - 1975

Ngày 22-10-1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lập tỉnh Phước Tuy gồm địa bàn tỉnh Bà RịaVũng Tàu. Tính đến ngày 03-01-1957, tỉnh Phước Tuy có 6 quận, 8 tổng và 41 xã: quận Long Điền, gồm 1 tổng là An Phú Thượng. Quận lỵ: Long Điền.

Ngày 20-03-1958, quận Đất Đỏ giải thể và nhập vào quận Long Điền.

Ngày 14-10-1960, quận Đất Đỏ được tái lập.

Giai đoạn 1975 - 2025

Ngày 24-02-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Nghị định số 31/NĐ về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Theo đó: thành lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập các tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh và Tân Phú, tức là tỉnh Biên Hòa, Long Khánh và Phước Tuy của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tỉnh Đồng Nai gồm: thành phố Biên Hòa, thị xã Vũng Tàu và 08 huyện: Châu Thành (thị xã Bà Rịa hợp với huyện Châu Đức), Duyên Hải, Long Đất (hợp nhất với huyện Xuyên Mộc), Long Thành (hợp với huyện Nhơn Trạch), Tân Phú (hợp hai huyện Định Quán với Độc Lập), Thống Nhất và Xuân Lộc.

Ngày 30-4-1976, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Nai ra Nghị quyết 06 thành lập huyện Xuyên Mộc tách ra từ huyện Long Đất.

TTCấp xãTTCấp xãTTCấp xã
1.Xã An Ngãi2.Xã Láng Dài3.Xã Long Điền
4.Xã Long Hải5.Xã Long Tân6.Xã Phước Hải
7.Xã Phước Long Hội8.Xã Phước Long Thọ9.Xã Phước Thạnh
10.Xã Phước Tỉnh11.Xã Tam An

Ngày 17-01-1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 12-HĐBT. Theo đó: thành lập thị trấn huyện lỵ Long Điền từ xã Long Điền vừa giải thể; và thành lập thị trấn Long Hải từ xã Long Hải vừa giải thể. Huyện Long Đất gồm có 11 xã thị trấn, gồm thị trấn Long Điền, Thị Trấn Long Hải và các xã: An Ngãi, Láng Dài, Long Tân, Phước Hải, Phước Long Hội, Phước Long Thọ, Phước Thạnh, Phước Tỉnh và Tam An.

Ngày 12-08-1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo và ba huyện (Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc) của tỉnh Đồng Nai.

TTCấp xãTTCấp xãTTCấp xã
1.Thị trấn Long Điền2.Thị trấn Long Hải3.Xã An Ngãi
4.Xã Láng Dài5.Xã Long Tân6.Xã Phước Hải
7.Xã Phước Long Hội8.Xã Phước Long Thọ9.Xã Phước Thạnh
10.Xã Phước Tỉnh11.Xã Tam An

Ngày 27-03-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/1999/NĐ-CP. Theo đó: thành lập xã An Nhứt có 5,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 3.623 người từ xã Tam An vừa giải thể; thành lập xã Tam Phước có 14,01 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 4.453 người từ xã Tam An vừa giải thể; thành lập xã Phước Hưng có 8,54 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.700 người từ xã Phước Tỉnh; thành lập xã Long Mỹ có 12,75 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 3.012 người từ xã Phước Long Hội vừa giải thể; và thành lập xã Phước Hội có 17,14 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 3.662 người từ xã Phước Long Hội vừa giải thể. Huyện Long Đất gồm có 15 xã thị trấn, gồm thị trấn Long Điền, thị trấn Long Hải và các xã: An Ngãi, An Nhứt, Láng Dài, Long Mỹ, Long Tân, Lộc An, Phước Hải, Phước Hội, Phước Hưng, Phước Long Thọ, Phước Thạnh, Phước Tỉnh và Tam Phước.

Ngày 09-12-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2003/NĐ-CP. Theo đó: chuyển 2,07 km2 diện tích tự nhiên của thị trấn Long Hải sang thuộc xã Phước Hải. Đồng thời, thành lập huyện Long Điền có 76,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 110,49 nghìn người từ địa bàn bảy xã thị trấn thuộc huyện Long Đất vừa giải thể. Huyện Long Điền gồm có 07 xã thị trấn, gồm thị trấn Long Điền, thị trấn Long Hải và các xã: An Ngãi, An Nhứt, Phước Hưng, Phước Tỉnh và Tam Phước.

TTCấp xãTTCấp xãTTCấp xã
1.Thị trấn Long Điền2.Thị trấn Long Hải3.Xã An Ngãi
4.Xã An Nhứt5.Xã Phước Hưng6.Xã Phước Tỉnh
7.Xã Tam Phước

Địa lý

Huyện Long Điền nằm ở ven biển phía nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có vị trí địa lý:

Huyện có diện tích 76,99 km², dân số năm 2009 là 125.179 người (trong đó dân số thành thị chiếm 46,15% dân số toàn huyện)[3], mật độ dân số đạt 1.626 người/km².

Hành chính

Huyện Long Điền

Huyện Long Điền có 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Long Điền (huyện lỵ), Long Hải và 5 xã: An Ngãi, An Nhứt, Phước Hưng, Phước Tỉnh, Tam Phước.

Giao thông

Các tuyến giao thông chính trên địa bàn huyện gồm:

  • Quốc lộ 55 nối thành phố Bà Rịa với các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng.
  • Tỉnh lộ 44A tức Đường tỉnh 996B nối thành phố Bà Rịa qua thị trấn Long Hải đến thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ).
  • Tỉnh lộ 44B tức Đường tỉnh 996C nối thị trấn Long Điền đến huyện Đất Đỏ.
  • Đường Ven Biển tức Đường tỉnh 994 nối thành phố Vũng Tàu qua thị trấn Long Hải đến thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ).

Kinh tế

Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 trên địa bàn các xã của huyện đạt 58 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3,71 lần so với năm 2010 là 15 triệu đồng/người/năm

Tỉ lệ hộ nghèo năm 2010 là 0,88% (92 hộ/10.454 hộ) đến năm 2019 giảm xuống chỉ còn 0,09% (14 hộ/15.877 hộ).

Nông Nghiệp - Thủy Sản

Long Điền là huyện hội tụ các tiềm năng để phát triển ngành đánh bắt và chế biến hải sản. Hải sản là ngành mũi nhọn chủ lực của huyện với sản lượng đánh bắt trên dưới 60.000 tấn/năm- đứng đầu toàn tỉnh. Cảng cá Phước Tỉnh hiện nay là cảng cá lớn nhất tỉnh luôn tấp nập tàu thuyền ra vào, đi đôi với đánh bắt hải sản là các dịch vụ và các ngành nghề khác có điều kiện phát triển như: cung ứng xăng dầu, dịch vụ cung cấp nước ngọt, sản xuất nước đá, đóng sửa tàu thuyền, cơ khí sửa chữa, các mặt hàng hải sản đông lạnh như: cá khô, nước mắm..., chế biến thức ăn gia súc. Tổng số tàu thuyền đánh bắt bắt hải sản của huyện lên 1.716 chiếc với tổng công suất trên 313.000CV. Trong đó, xã Phước Tỉnh có 1.231 chiếc và thị trấn Long hải có 485 chiếc.

Công Nghiệp - Giao Thông - Xây Dựng

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là lĩnh vực đứng thứ hai trong cơ cấu kinh tế của huyện. Toàn huyện hiện có 587 cơ sở sản xuất, gia công chế biến và một số làng nghề truyền.

Địa bàn xã An Ngãi là nơi đóng của nhà máy xử lý khí Dinh Cố trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với nhiệm vụ xử lý khí được dẫn từ giàn khai thác khí Bạch Hổ, Lan Tây và Lan Đỏ bằng hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Hiện nay Nhà máy xử lý khí Dinh Cố sản xuất khoảng 1,5 tỷ m3 khí khô, 130.000 tấn Condensate, 350.000 tấn LPG/năm.

Du Lịch - Dịch Vụ

Với chiều dài bờ biển của huyện khoảng 26 km có nhiều bãi tắm đẹp, là tiền đề để phát triển ngành du lịch của huyện. Ngoài cảnh quan, trên địa bàn huyện còn có một số di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng như: Khu Căn Cứ Minh Đạm, Dinh Cô, Chùa Long Bàn và trong đó hàng năm diễn ra lễ hội Dinh Cô thu hút khoảng hơn 20.000 khách thập phương đến viếng vào các ngày 11-12/02 âm lịch... Riêng tại Long Hải, hàng năm tiếp đón khoảng 300.000 lượt khách đến đây tắm biển, ngắm cảnh và nghỉ dưỡng, trong đó có khá nhiều khách quốc tế cao cấp.

Trên toàn địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch. Trong đó có 02 Khu du lịch, resort đạt chuẩn 4 sao (Long Hải Beach Resort và Anoasis Beach Resort), 02 khách sạn đạt chuẩn 2 sao, 01 khách sạn 01 sao, 01 biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp. Thị trấn Long Hải là một địa phương ven biển có diện tích 10,94 km2 với hơn 8 km bờ biển, phía Bắc giáp xã Phước Hưng, phía Tây giáp xã Phước Tỉnh thuộc huyện Long Điền, phía Đông giáp với núi Minh Đạm, phía Nam giáp với biển Đông. Thị trấn Long Hải nằm trên trục Tỉnh lộ 44 nối liền với Quốc lộ 51, với vị trí địa lý thuận lợi nên có nhiều điều kiện trong việc quan hệ kinh tế với các vùng lân cận và cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển. Bãi biển Long Hải là một bãi biển sạch đẹp, nước biển trong xanh. Nối liền với bãi biển Long Hải là đèo Nước Ngọt, nơi có núi đá vươn ra biển khơi như thách thức biển cả mênh mông cùng những đợt sóng tạo nên phong cảnh nên thơ, hùng vĩ. Mỗi độ xuân về, từ trên đèo Nước Ngọt nhìn xuống, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước bức tranh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên với màu tím trắng của hoa đào, màu xanh của núi rừng uốn lượn chạy dài ra tận biển khơi. Đến với Long Hải, du khách có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của biển cả, được đắm mình trong dòng nước thiên nhiên. Tại đây có hai khu resort đạt chuẩn 04 sao đó là Long Hải Beach resort và Anoasis resort và một khu biệt thự du lịch đạt chuẩn là An Hoa residence. Đây là những nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, đầy đủ các dịch vụ, là nơi du khách có thể thả hồn mình vào biển trời non nước, trên những bãi cát trắng mịn, lắng nghe tiếng sóng vỗ dạt dào và tận hưởng không khí trong lành. Dọc theo bờ biển là hàng dương soi bóng mát, phong cảnh hữu tình, tinh khiết giữa biển trời mêng mông bao la, làm xao xuyến cả lòng du khách. Trong năm, Dinh Cô có nhiều lễ cúng vào dịp Tết Nguyên đán, Tam nguyên, Đoan ngọ nhưng lớn nhất, có ảnh hưởng sâu sắc và rộng rãi nhất là ngày giỗ Cô, ngư dân Long Hải gọi là Lệ Cô hay ngày Vía Cô. Ngày Vía Cô tổ chức nhiều hoạt động như hát bội, các trò chơi dân gian nên gọi là lễ hội Dinh Cô. Lễ hội Dinh Cô diễn ra từ ngày mồng 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đến với lễ hội Dinh Cô không chỉ có người dân Long Hải mà còn có cả ngư dân các làng cá ven biển ở các vùng lân cận và đông đảo du khách ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Sự kết hợp tham dự lễ hội, thỉnh cầu và tạ ơn bà Cô cũng là dịp nghỉ ngơi, tắm biển Long Hải càng làm cho lễ hội Dinh Cô có số người tham dự vào loại đông nhất trong các lễ hội ở khu vực miền Đông Nam Bộ và cả nước.

Trên địa bàn huyện có 08 chợ, trong đó có 03 chợ loại II là Long Điền, Long Hải, Phước Tỉnh; 04 chợ loại III là An Ngãi, Tam Phước, An Nhứt, Phước Lâm và Chợ Hải Sơn - thị trấn Long Hải đã được xã hội hoá do Công ty TNHH Hùng Hưng đầu tư quản lý.

Văn hóa - Xã hội

Tổng số trường học trên địa bàn huyện đến thời điểm hiện nay là: 41 trường. Trong đó có: 04 trường Trung học phổ thông, 10 trường THCS, 15 trường Tiểu học và 12 trường Mầm non; trong đó có 21 trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra có 55 nhóm trẻ ngoài công lập; đã được tỉnh công nhận hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi; không có học ca 3.

Huyện có một Trung tâm văn hóa thể thao huyện và 06 Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng cấp xã; có 01 Trung tâm y tế huyện, 02 phòng khám khu vực, 07 trạm Y tế xã, thị trấn; 01 nhà hát Long Điền.

Huyện có 09 dân tộc thiểu số như Khmer, Nùng, Tày, chăm, Hoa, Sán chay, Châuro,… Tổng số hộ dân người dân tộc 436 hộ, với 1.885 nhân khẩu. Phần lớn người đồng bào DTTS không sống tập trung thành từng vùng mà sinh sống đan xen hoà nhập với công đồng người Kinh

Toàn huyện có 07 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia (Chùa Long Bàn của thị trấn Long Điền và Dinh Cô Long Hải của thị trấn Long Hải); 05 di tích cấp tỉnh (Đình thần Long Điền, Trường Văn Lương, Tổ đình Thiên thai và Đình thần Hắc Lăng, Mộ Châu Văn Tiếp, Chùa Long Hòa). Hiện nay huyện đang đề nghị tỉnh công nhận thêm 02 di tích là Núi Chân Tiên và Bàu Thành là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; đồng thời huyện đang củng cố hồ sơ đề nghị công nhận di tích đối với Mộ Bà Rịa.

Có 47 cơ sở thờ tự Phật giáo; 07 giáo xứ và 10 nhà dòng Thiên chúa giáo; 02 Thánh thất và 01 Họ đạo Cao đài.

Chú thích

Liên kết ngoài