Ngọc

khoáng vật quý hiếm có giá trị thẩm mỹ

Đây là một bài viết bách khoa có tên Ngọc. Về nghĩa của từ này, xem Ngọc tại Wiktionary.

Ngọc, hay đá quý (và một số loại đá bán quý) là các khoáng chất quý hiếm có nguồn gốc từ thiên nhiên hoặc nhân tạo có giá trị thẩm mỹ; màu sắc rực rỡ và đồng đều, có độ tinh khiết và ổn định, chúng khả năng chiết quang và phản quang mạnh, chúng cũng có độ cứng nhất định và phần lớn có khả năng chống ăn mòn. Ngọc có thể được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp nhưng công dụng chủ yếu được biết đến nhiều nhất là để trang trí và làm các đồ trang sức, đặc biệt là nữ trang.

Một số tinh thể đá quý và đá bán quý tại Lục Yên, Yên Bái, Việt Nam.

Tuy trong thực tế hầu như không có một khu biệt nào giữa hai khái niệm "ngọc" và "đá quý". Người ta vẫn ít nhiều nhận thấy ý nghĩa của tên gọi "ngọc" biểu hiện đặc tính của đối tượng cụ thể hơn nên thường gắn với một loại đá quý nhất định (như ngọc lục bảo, lam ngọc, hồng ngọc, hoàng ngọc, ngọc bích, đá mắt mèo); còn "đá quý" có ý nghĩa rộng hơn và khái quát hơn (chẳng hạn khái niệm "nhẫn cưới gắn đá quý" thường chỉ một nhóm những loại nhẫn cưới được gắn hồng ngọc, lam ngọc, ngọc lục bảo phân biệt với nhẫn cưới gắn kim cương và nhẫn cưới phay trơn). Ở một phương diện khác, "đá quý" gắn với những sản phẩm tự nhiên chưa qua gia công, còn "ngọc" được hiểu là những khoáng vật quý hiếm đã được chế tác, mài dũa hoàn chỉnh mà thành, tuy đôi khi sự phân biệt này trở nên mơ hồ tùy theo quan niệm[1].

Tính chất

Đa số các loại ngọc có tính chất đặc biệt như độ cứng, khả năng tương tác với ánh sáng (chiết quang, phản quang); khả năng chống ăn mòn; tính chất cách điện hay bán dẫn v.v. Các loại đá ngọc phân biệt với các khoáng thạch có màu sắc nhưng ít quý giá hơn (như đá cẩm thạch, đá hoa cương) ở phương diện chủ yếu là sự quý hiếm của nó và độ tinh khiết đồng đều một cách thuần nhất của màu sắc.

Phân loại ngọc

Theo đặc tính

Khoáng vật của thế giới tự nhiên có khoảng hơn 3000 loại, tuy nhiên chỉ có khoảng 100 loại khoáng thạch thích hợp cho việc gia công thành đá quý hoặc đá bán quý[2]. Với những nhà buôn đá quý chỉ có khoảng 20 loại là đối tượng kinh doanh, trong đó kim cương, ngọc lục bảo, hồng ngọcxa-phia được đánh giá là bốn loại đá quý hàng đầu. Tại Nhật Bản còn xác định bảy loại đá quý nhất, trong đó ngoài bốn loại nói trên còn có opan, alexandrite, jadeite. Ngoài ra, người ta còn gọi kim cương, ngọc lục bảo, hồng ngọc, xa-phia, jadeite và ngọc trai là: "ngũ hoàng nhất hậu" (năm vua và một hoàng hậu).[cần dẫn nguồn]

Theo màu sắc

Một số loại ngọc tuy có thành phần khoáng chất cơ bản giống nhau, nhưng theo màu sắc có thể được phân tách thành loại khác biệt, như hồng ngọcxa-phia đều là khoáng corundum tuy loại corundum màu đỏ được tách riêng thành hồng ngọc còn các loại có màu sắc khác là xa-phia (khi gắn trên nữ trang phần lớn chỉ sử dụng xa-phia màu xanh lam), các loại thạch anh đều có thành phần chính là silic dioxide nhưng amethyst (thạch anh tím) được tách riêng một loại ngọc vì sự quý hiếm của chúng.[cần dẫn nguồn]

Dưới đây là danh sách một số loại ngọc, màu sắc, độ cứng và ý nghĩa tượng trưng của nó khi được sử dụng với tư cách một món đồ trang sức. Những ý nghĩa tượng trưng này có thể thay đổi không chỉ theo loại ngọc mà còn thay đổi theo màu sắc của ngọc, thậm chí thay đổi theo quan niệm và văn hóa của mỗi dân tộc[cần dẫn nguồn]:

Tên ngọcMàu sắcĐộ cứngTượng trưng
kim cươngKhông màu, hồng, vàng, lam, đen, tía10Sự tinh khiết, tình yêu vĩnh cửu, giàu sang và xa hoa, mạnh mẽ và kiên cường, sự tận tụy, tận tâm hết mình của con người
ngọc lục bảoMàu xanh dịu bình thường, màu rực rỡ7,5Hạnh phúc, vận may, sự hồi sinh, sự hi vọng, tình yêu thương; trợ giúp trí nhớ và trí thông minh; tăng sự lương thiện và trung thực, phơi bày sự dối trá và phản bội.
hồng ngọcTừ hồng nhạt đến đỏ thẫm, màu huyết chim bồ câu9Tri kỷ, tình yêu nồng thắm, hạnh phúc, biểu tượng của vẻ đẹp; bao bọc cho cơ thể người đeo nó một sức khỏe tốt, một trí tuệ thông sáng, minh mẫn với việc loại bỏ đi những suy nghĩ không tốt; sự khuyến khích, khích lệ động viên, cuộc sống, của nhiệt huyết, trái tim, và sức mạnh.
xa-phiaLam đậm, lam tím, lam vàng9Chân thành, khát vọng, thanh tao, hy vọng; sự từ tốn, điềm đạm, kiên trì; sự khai sáng cho tâm hồn con người và sự đổi mới từ bên trong
xa-phia saoLam, đen9Vận may, chân thành, khát vọng, thanh tao
ngọc mắt mèoVàng, chanh8,5Cao quý, sức khoẻ, vận may
alexandriteXanh đậm, hồng, tím8,5Cao quý, trường thọ
opalĐen, đỏ, lam,vàng, lục6Thiên sứ của vận may, yên vui, thuận hòa, bình an và sắc đẹp
spinelĐỏ, tím, lam8Tri kỷ và hạnh phúc
aquamarineLam đậm, lam chàm, vàng7,8Dũng cảm, hạnh phúc, sáng suốt, tuổi xuân vĩnh hằng, cảm giác bình yên, làm giảm sợ hãi, nỗi đau cũng như sự bất hạnh, sự tự bộc lộ những năng lực còn ấn giấu.
tourmalineHồng, chàm, lam7,3Vận may, bình yên, sắc màu tuổi trẻ
olivineVàng, chanh6,8Vợ chồng hạnh phúc trăm năm bên nhau; tình cảm nồng thắm, xanh mát, dịu dàng dễ chịu và hòa hợp; sự thành công, hòa bình và may mắn; sự quyến rũ tình yêu, sự điềm tĩnh và kiềm chế
zirconVàng cam, đỏ, không màu7,3Thắng lợi, vận may, sáng suốt
topazVàng cam, đỏ sẫm, không màu8Tương ngộ, hữu nghị, đàng hoàng; tình cảm mạnh mẽ, chính xác và hòa đồng, lịch sự và hào hiệp.
garnetĐỏ tím, vàng cam, đỏ rực7,3Chân thành, hữu ái, đẹp đẽ, sự thật hoàn hảo, chân lý, lẽ phải, niềm tin, sự tin tưởng, những lời hứa bảo đảm, sức mạnh và lòng trung thành tuyệt đối. Ngoài ra, còn là sự bền lòng, tính kiên trì, nhẫn nại
ametit (thạch anh tím)Tím sẫm, tím7Chân thành, hướng thiện, thanh tao, sung mãn, sự quý phái, dòng máu hoàng tộc, sự lãnh đạm điềm tĩnh, sự ổn định, bền vững, bình thản và lòng hiếu thảo, yêu thương
đá Mặt TrăngTrắng sữa, lam nhạt6Sự sâu sắc, thông thái sáng suốt, khôn ngoan, uyên thâm trầm tĩnh, đẹp đẽ và sự toàn vẹn, bảo bối của vận may, thần thánh, phú quý và trường thọ
moldaviteĐen, sẫm5,5Thần tâm linh
ngọc lamLam, lam xậm, vàng chanh5,5Thắng lợi, vận may, hạnh phúc
lapis-lazuliLam tím, Lam chàm5,5Khỏe mạnh
cẩm thạch jadeiteChàm sẫm, cỏ tranh, vàng đỏ>6,5Thắng lợi, vận may, hạnh phúc, thanh tao
cẩm thạch nephriteTrắng, chanh, chàm, vàng chanh<6,5Trường thọ, may mắn
ngọc trai nước mặnMàu sắc kì lạ, có thể có hoặc không có màu hoa hồng, phấn hồng, trắng, vàng3May mắn, cao quý, trường thọ
ngọc trai nước ngọtMàu sắc kì lạ, có thể có hoặc không có màu hoa hồng, phấn hồng, trắng, vàng, đen3May mắn, cao quý, trường thọ[cần dẫn nguồn]

Theo nguồn gốc

Tinh thể đá quý trên mẫu đá gốc và một số viên ngọc đã được mài dũa trong một tủ trưng bày.

Cho đến đầu thế kỷ 20, ngọc vẫn là những sản phẩm của tự nhiên hình thành dưới những tác động lý hóa và sự biến động địa chất của Trái Đất qua hàng triệu năm ngoại trừ một vài loại ngọc hay khoáng vật quý là sản phẩm hữu cơ (như ngọc trai từ trai, sò, ốc nước mặn hay nước ngọt; hổ phách xuất xứ từ những loại thực vật họ thông; các loại san hô đặc biệt là san hô đỏ). Hiện nay, công nghệ sản xuất ngọc nhân tạo đã tiến bộ vượt bậc, khởi đầu là sự nuôi cấy thành công ngọc trai nhân tạo ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai, rồi hồng ngọc, xa-phia, hoàng ngọc và cả kim cương nhân tạo cũng lần lượt được nghiên cứu chế tạo trong phòng thí nghiệm tại khắp các châu lục. Những sản phẩm ngọc nhân tạo dần dần tạo được chỗ đứng của mình không chỉ trong các lĩnh vực công nghiệp mà đã bước dần sang địa hạt trang sức, chiếm lĩnh những ngăn, kệ đặt nữ trang tại các cửa hiệu kim hoàn nổi tiếng thế giới. Tuy chất lượng không thua kém gì ngọc thiên nhiên thậm chí có khi còn vượt trội hơn về độ tinh khiết và màu sắc, giá trị quy đổi ra tiền tệ của ngọc nhân tạo vẫn thua xa ngọc xuất xứ từ thiên nhiên.[cần dẫn nguồn]

Nếu ngọc trai, hồng ngọc, xa-phia, hoàng ngọc và ngọc lục bảo được sản xuất nhân tạo về cơ bản tính chất lý hóa không khác gì so với ngọc tự nhiên, tuy có một số sản phẩm (như hồng ngọc) được gia thêm chất phụ gia đặc biệt để phân biệt màu sắc với ngọc tự nhiên khi chiếu dưới tia cực tím, thì kim cương nhân tạo lại đa dạng hơn, trong đó ngoài các bon tinh thể còn phải kể đến những sản phẩm đá giả kim cương như cubic zicon và mossanite mà hình thức không khác biệt lắm với kim cương nhưng chất liệu chế tạo lại hoàn toàn khác. Việc kiểm định chính xác ngọc tự nhiên hay nhân tạo luôn đặt ra nhiều thách thức, những dụng cụ kiểm định ngày càng trở nên tinh xảo hơn và công kiểm định cũng đắt giá hơn.[cần dẫn nguồn]

Theo địa phương

Tuy rất hiếm, trong thực tế người ta cũng có khi xác định một số loại ngọc của địa phương nào đó phân biệt với ngọc của địa phương khác, do chất lượng của ngọc tại mỗi vùng đất có thể khác nhau.

  • Kim cương với đủ các sắc độ màu có nhiều ở Nam Phi và một số nước vùng Nam châu Phi, Nga, Trung Quốc. Kim cương hồng đỏ hoàn hảo nổi tiếng ở Argyle, Úc.
  • Ngọc lục bảo (emerald) được khai thác tại Brasil, Zambia, Myanmar. Ngọc ở Colombia được đánh giá là có chất lượng tốt nhất với màu lửa xanh sặc sỡ, sống động và rất tươi.
  • Hồng ngọc (ruby) có thể khai thác ở Nga, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Kenya, TanzaniaSri Lanka.
  • Xa-phia (sapphire, hay ngọc lam) được châu Úc, châu Phi, Campuchia.
  • Garmet màu đỏ thẫm, tím đỏ và đen có ở Arizona (Mỹ), Nam Mỹ, Sri LankaẤn Độ. Loại màu xanh lục, lục tối, nâu vàng, vàng hơi nâu và loại có màu xanh ngọc bích có ở Thụy Điển, Sri Lanka và Nam Mỹ. Xanh táo nhạt ở Nga và Phần Lan. Tiêu biểu và đặc trưng là garmet màu đỏ nâu thẫm, được tìm thấy ở Ấn Độ, Nga và Châu Mỹ.
  • Amethyst (thạch anh tím) có các sắc độ màu từ tím xanh cho đến tím đỏ và đặc điểm chung của nó là thường sáng. Trên hết, những màu mà có giá trị hơn cả là màu tía thẫm đến tím đỏ, được biết đến với cái tên urallian và thạch anh Siberia. Thạch anh tím thường thấy ở Brasil, Uruguay, Nga. Các vùng khác là Bolvia, México, Namibia, Tanzania, Zambia, Mỹ.
  • Aquamarine (ngọc xanh biển) Trước đây Brasil là một nước lớn cung cấp cho toàn thế giới loại ngọc xanh nhợt này. Ngày nay, những quốc gia châu Phi như Nigeria hay Madagascar được xem như nguồn khai thác tiếp theo loại đá này.
  • Peridot (khoáng mã não) đầu tiên được tìm thấy tại Zerbernet, sau đó là đến đảo St. Joan, bờ biển Ấn Độ, Pakistan, Kashmir, dãy Hymalaya.
  • Citrin hay topaz vàng nâu được tìm thấy nhiều ở Brasil, còn gọi là thạch anh topaz, trong khi topaz xanh tìm thấy tại Sri Lanka, châu Phi, Thái Lan và Campuchia.

Công dụng

Làm tranh về đá quý.

Từ xa xưa, ngọc và vàng gắn với biểu tượng quyền lực và sự giàu có của giới quý tộc (vua chúa, vương tôn, công tử) khi được khảm trên vương miện, vương trượng, chuôi kiếm, yên ngựa và nữ trang của hoàng gia. Cho đến thời hiện đại cả ngọc và vàng đều có thể được sử dụng như tiền tệ (bản vị). Nhưng trên thế giới không ít loại tiền tệ bị mất giá. Mấy năm trở lại đây giá vàng trên thế giới luôn biến động mạnh mẽ, có lúc giảm đáng kể, trong khi đó giá ngọc lại luôn tăng lên, nhất là đối với những loại ngọc quý xuất xứ từ thiên nhiên. Có không ít nước còn xếp ngọc vào loại tiền cứng được ngân hàng dự trữ và giữ giá, chẳng hạn Iran, nơi mà kho báu hoàng gia, một trong số đó là chiếc vương miện với trên 3000 viên kim cương bị xung công trong cuộc cách mạng lật đổ vua Iran, đã làm nền tảng hậu thuẫn cho tiền tệ Iran đến ngày nay[3]. Từ thập niên 1970 trở lại đây, việc buôn bán các loại ngọc trang sức trên thế giới diễn ra rất sôi động. Năm 1991 kim ngạch mậu dịch của ngọc đã lên tới 96 tỷ USD. Vài năm gần đây tốc độ tăng giá của ngọc vào khoảng 8-12%/năm, và người ta thường nhắc đến một câu nói "vàng thì có giá còn ngọc lại vô giá".

Mỗi loại đá quý có hình dáng và màu sắc riêng nên chúng có những truyền truyết tượng trưng tương ứng, có loại còn được coi là mốc sinh trưởng của tháng và mùa. Vì vậy, đối với con người thì sắc thái của ngọc không chỉ là hiện thân của giàu có mà còn biểu đạt khí chất. Tự cổ chí kim ở cả phương Đôngphương Tây, mọi người đều coi ngọc là tài phúc của tự nhiên, tượng trưng cho hòa bình, hữu nghị, may mắn, như ý, hạnh phúc, sức mạnh và quyền lực. Ngày nay, với màu sắc thần bí vốn có cộng thêm vẻ đẹp tự thân và giá trị kinh tế lớn, ngọc ngày càng có sức hấp dẫn không chỉ với thế giới quý tộc, người mẫu, những ngôi sao màn bạc và những nhà tạo mẫu mà cả đối với mọi người bình thường trên khắp các châu lục.

Một cặp nhẫn cưới đính kim cương.

Ngọc được ứng dụng chủ yếu trong mỹ nghệ và trang sức, tuy nhiên một số loại với tính chất lý hóa đặc biệt có thể được ứng dụng trong khoa học kỹ thuật. Hồng ngọcxa-phia thường được dùng trong kỹ thuật laser, tạo ra laser hồng ngọc hoặc laser xa-phia; làm chân kính của các dụng cụ cơ khí chính xác như trục của các bánh răng đồng hồ; hoặc các thấu kính đòi hỏi độ tinh khiết và bền như ống kính máy ảnh, các thấu kính hiển vi, mặt kính đồng hồ v.v. Kim cương, do độ cứng cao nhất trong số các khoáng chất thiên nhiên, được sử dụng nhiều trong cắt gọt, mài, giấy ráp đánh bóng và chỉ có kim cương mới cắt và đánh bóng được kim cương. Kim cương không màu và một số màu khác, ngoại trừ màu xanh, còn được ứng dụng chế tạo các điện trở do không dẫn điện, hoặc chất bán dẫn với kim cương xanh, cho các dụng cụ điện tử có khả năng chịu nhiệt và đòi hỏi độ bền cực cao. Nhờ độ cứng cơ học và ít phản ứng hóa học với một số hóa chất, kim cương cũng được ứng dụng để chế tạo một số máy móc chuyên dụng trong công nghệ địa chất như đầu mũi khoan.

Thần bí hơn, trong nhiều nền văn hóa người ta tin rằng một số loại ngọc có khả năng chữa các bệnh nhất định[4].

Quan niệm truyền thống

Tháng sinh của ngọc

Đối với một số nền văn hóa, mỗi loại ngọc có thể gắn với bản mệnh con người sinh trong những tháng nhất định:

Mùa sinh của ngọc

Bốn mùa cũng được gắn với tứ quý hàng đầu của các loại ngọc: sức sống mùa xuân là ngọc lục bảo, cái nóng mùa hè là ánh nắng mặt trời trong ruby, tĩnh lặng mùa thu là màu xanh biếc của sapphire, lạnh lẽo mùa đông là vẻ đẹp lấp lánh trong kim cương.

Kỷ niệm ngày cưới

Các lễ kỷ niệm ngày cưới có những cái tên, bên cạnh Đám cưới Giấy (1 năm), Đám cưới Gỗ (5 năm), Đám cưới Đồng (10 năm), Đám cưới Pha lê (15 năm); Đám cưới Sứ (20 năm); Đám cưới Bạc (25 năm) và Đám cưới Vàng (50 năm) là các trường hợp tên những lễ kỉ niệm ngày cưới là của một loại ngọc:

Lựa chọn và bảo quản ngọc

Lựa chọn

Không chỉ kim cương, hầu hết các loại ngọc thường được lựa chọn dựa trên các tiêu chí về màu sắc (color), độ tinh khiết (clarity), kích thước (carat), kiểu dáng, đường cắt (cut) hay còn gọi là tiêu chuẩn 4C. Ngoài ra, đôi khi còn thấy có sự hiện diện của 6C với giá cả (cost) và giấy chứng nhận, kiểm định (certification). Những tiêu chuẩn đó thường được cụ thể hóa thành:

  • Về màu sắc, ngọc phải tươi sáng đồng đều, độ đậm nhạt phải tương ứng với nhau, đậm quá thì dễ chìm màu, nhạt quá thì lại không có sức hấp dẫn, hồng nên hồng màu huyết chim câu, xanh lam nên xanh như nền trời sau cơn mưa, kim cương phải trong suốt đến nỗi để ánh sáng lọt qua không có chút tạp sắc nào, ngọc lục bảo và jadeite phải có màu sắc rực rỡ.
  • Độ trong suốt tốt, phản quang mạnh, óng ánh, rất ít lỗi hoặc không có lỗi.
  • Về kích thước, ngọc càng to càng tốt, nhất là những loại ngọc cao cấp. Giá của ngọc tăng theo cấp số nhân khi trọng lượng của chúng tăng theo cấp số cộng.
  • Quý hiếm; bền.
  • Kiểu dáng thời thượng, công nghệ tinh xảo, các bề mặt cắt hoàn hảo.[cần dẫn nguồn]

Bảo quản ngọc

  • Vì đá ngọc có tính dầu không nên dùng nước để rửa, tránh việc dính chất dầu lên bề mặt của ngọc làm giảm độ sáng. Nếu ngọc bị bẩn, tốt nhất là dùng sóng siêu thanh để tẩy, dùng vải nhung, da hươu lau sạch hoặc dùng rượu thuần chất hoá học lau ướt đến khi ngọc sáng như cũ.
  • Đại đa số ngọc thiên nhiên có tính chất ổn định, không tan trong acidkiềm, tuy nhiên cũng cần tránh tiếp xúc với hóa chất nhất là các loại mỹ phẩm.
  • Ngọc tuy bền nhưng không được tác động mạnh hoặc làm rơi, tránh bị nứt hoặc vỡ nứt. Không được để ngọc va chạm với vật cứng, tuyệt đối không phơi dưới ánh nắng mặt trời, khi không đeo nên cất trong hộp nữ trang có lót mềm.
  • Kim cương, hồng ngọc, lam ngọc có độ cứng rất cao, không được để cùng với các loại Ngọc khác, tránh làm sứt mẻ các loại ngọc khác.
  • Trân châu có độ cứng thấp, không chịu được ma sát, những chất cho thêm vào trân châu thường là cơ chất và Calci-Cacbon, vì vậy không được cho tiếp xúc với bất kỳ chất chua nào như muối chua, axit nitricdấm, mồ hôi và các loại mỹ phẩm, tránh cho trân châu bị biến sắc hoặc mất đi độ cứng.

Một số viên ngọc nổi tiếng

Kim cương

  • Koh-I-Noor, có trọng lượng 186 carats, được phát hiện vào năm 1304, là viên kim cương có ánh chiết quang rực rỡ nhất nên còn gọi là "Núi ánh sáng".
  • Excelsior: có trọng lượng ban đầu là 995,2 carats được cắt làm 10 mảnh trong đó có 3 mảnh lớn nhất có trọng lượng 158, 147 và 130 carats. Các mảnh còn lại được cắt làm 21 viên từ 70 carats đến nhỏ hơn 1 carats.
  • Regent: nặng 410 carats khi chưa được mài, do một nô lệ Ấn Độ tìm thấy được năm 1701, là một viên kim cương đã chứng kiến những thăng trầm của lịch sử một số nước, đặc biệt là Pháp.
  • Blue Hope: Viên kim cương xanh lớn nhất thế giới, nặng 45,2 carats, mang tên "hy vọng" nhưng người ta tin rằng nó mang lại bất hạnh cho bất cứ ai sở hữu nó.
  • Cullinan được tìm thấy vào tháng 26 tháng 1 năm 1905 tại Nam Phi, có trọng lượng 3,106 carat. Sau đó Cullinan được cắt thành 9 viên nhỏ hơn, trong đó có một viên lớn nhất mang tên Cullian 1 hay Great Star nặng 530,2 carats.
  • Lesotho Promise: viên kim cương lớn thứ 15 của thế giới và là viên kim cương lớn nhất trong vòng 100 năm qua, nặng 603 carat[5].

Các loại ngọc khác

  • Ngọc trai: viên ngọc trai lớn nhất từ trước đến nay nặng khoảng 6,4 kg[6], được một người thợ lặn Hồi giáo Philippines vô danh tìm ra tại ngoài khơi của đảo Palawan.
  • Hồng ngọc tại Việt Nam: Viên rubby với biệt danh "Ngôi sao Việt Nam" có trọng lượng 2.160 gram, tương đương 10.800 ca-ra, được tìm thấy tại mỏ đá quý Tân Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, được coi là quốc bảo Hồng ngọc Việt Nam[7].

Đánh giá

Triết gia La Mã cổ đại Pliny the Elder, khi trông thấy một viên đá quý đã thốt lên:"Đây, toàn bộ sự uy nghi của tạo hóa đều chứa đựng trong không gian nhỏ bé này, bộc lộ sự sáng tạo ưu tú", đại ý nói chỉ một hạt đá quý cũng đủ thể hiện cái đẹp của vạn vật.

Chú thích

Xem thêm

Liên kết ngoài