Nguyễn Đức Tâm

Chính khách Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

Nguyễn Đức Tâm (19202010) là một nhà hoạt động cách mạng và chính khách Việt Nam. Ông từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, một chức vụ cao cấp trong Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Sao Vàng vì những đóng góp của mình.

Nguyễn Đức Tâm
Nguyễn Đức Tâm
Chức vụ
Nhiệm kỳ8 tháng 12 năm 1980 – 7 tháng 7 năm 1991
10 năm, 211 ngày
Tiền nhiệmLê Đức Thọ
Kế nhiệmLê Phước Thọ
Nhiệm kỳ31 tháng 3 năm 1982 – 27 tháng 6 năm 1991
9 năm, 88 ngày
Nhiệm kỳ20 tháng 12 năm 1976 – 27 tháng 6 năm 1991
14 năm, 189 ngày
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh
Nhiệm kỳ1969 – 1980
Tiền nhiệmNguyễn Thọ Chân
Kế nhiệmNguyễn Thi
Nhiệm kỳ11 tháng 4 năm 1971 – 19 tháng 7 năm 1992
21 năm, 99 ngày
Thông tin chung
Sinh28 tháng 7 năm 1920
Thái Bình, Liên bang Đông Dương
Mất29 tháng 7, 2010(2010-07-29) (90 tuổi)
Hà Nội, Việt Nam
Nơi ởHà Nội

Thân thế và quá trình hoạt động

Tên khai sinh của ông là Nguyễn Đức Khiêm, sinh ngày 28 tháng 7 năm 1920 tại xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1937, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng chống quyền thống trị của thực dân Pháp tại Đông Dương, khởi đầu với việc tham gia công tác liên lạc cho cơ sở của những người Cộng sản cách mạng ở xã. Giai đoạn 1938–1939, ông tham gia vào tổ chức học sinh, thanh niên phản đế.

Năm 1940, ông tham gia tổ chức Nông hội và phụ trách phong trào phụ nữ xã, vận động dân chúng biểu tình kỷ niệm Xô viết Nghệ Tĩnh (12 tháng 9 năm 1940) ở Thái Bình. Ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giữ và kết án 10 năm tù khổ sai qua các nhà tù Thái Bình, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình. Tháng 3 năm 1944, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại Chi bộ Nhà tù Hoà Bình.

  • Tháng 3 năm 1945, nhân cơ hội Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, ông và nhiều người khác trốn thoát khỏi tù và tìm cách trở lại hoạt động. Ông được Trung ương Đảng phân công làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Tỉnh ủy Thái Bình. Đầu năm 1946 được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
  • Từ tháng 8 năm 1946, ông là Xứ ủy viên Bắc Kỳ, phụ trách 2 tỉnh Vĩnh YênPhúc Yên (nay là Vĩnh Phúc)
  • Từ tháng 12/1946 – 12/1947 là Khu uỷ viên Khu I, phụ trách các tỉnh: Phúc Yên, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn. Khi thành lập Liên Khu I, ông phụ trách Bắc GiangHải Ninh
  • Từ tháng 5/1948 – 1/1949 làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn
  • Từ tháng 12/1948 – 11/1949 là Ủy viên Thường vụ Liên Khu uỷ I và phụ trách Văn phòng
  • Từ tháng 12/1949 – 6/1957 là Phó trưởng Ban Đảng vụ Trung ương (Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương)

Tham gia công tác Chính phủ

Từ tháng 7/1957 – 8/1960 ông là Giám đốc Vụ quản lý thương nghiệp tư doanh, Ủy viên Đảng đoàn Bộ Nội thương

Tháng 8/1960 – 7/1965 làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công thương)

Từ tháng 8/1965 – 9/1969 là Tổng cục trưởng Tổng cục Vật tư, Bí thư đảng đoàn Tổng cục Vật tư

Công tác Ban chấp hành Trung ương Đảng

  • Từ tháng 10/1969 đến 12/1980 ông là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
  • Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
  • Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
  • Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, tiếp tục làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
  • Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khoá IV, V, VI; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khoá V, VI; Trưởng ban Tổ chức Trung ương từ tháng 12/1980 đến 7/1991. Đại biểu Quốc hội từ khoá IV đến khoá VIII.
  • Ông được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
  • Ngày 29 tháng 7 năm 2010 (tức ngày 18 tháng 6 năm Canh Dần), ông mất hồi 3h27, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 90 tuổi.[1][2]

Vụ án "Năm Châu – Sáu Sứ"

Theo sách Bên thắng cuộc, quyển II, của nhà báo Huy Đức, tại Hội nghị Trung ương 12, khoá VI, Nguyễn Đức Tâm, lúc đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã thay mặt Bộ Chính trị báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương một văn bản tuyệt mật. Theo đó có một âm mưu đảo chính để đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên làm Chủ tịch nước, sau đó thay ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư; đưa Trần Văn Trà lên làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong số những người tham gia có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thượng tướng Trần Văn Trà, cùng một số cán bộ cao cấp khác. Vì lý do này ông Trà đã bị triệu tập ra Hà Nội và bị giữ lại. Văn bản tuyệt mật này được phổ biến tới thường vụ các tỉnh, thành, bằng cách cho đọc nguyên văn nhưng bị cấm sao chép.
Qua cuộc điều tra của thứ trưởng Bộ Nội vụ (bây giờ là Bộ Công an) phụ trách an ninh, trung tướng Võ Viết Thanh thì đây chỉ là một bịa đặt của Cục II, Bộ Quốc phòng. Sáu Sứ bị công an bắt để điều tra vào ngày 14 tháng 5 năm 1991, đã khai nhờ sự giúp đỡ của Năm Châu được tới gặp tướng Giáp, chụp hình, thâu băng rồi giao cho cục II tạo nên chuyện này.

Theo ông Võ Viết Thanh, để trả thù, vào ngày 23 tháng 6 năm 1991, khi đại biểu đã được triệu tập về Hà Nội, ông được gọi tới gặp Bộ Chính trị và Ban Bí thư tại phòng làm việc của Đoàn Chủ tịch Đại hội, trong đó có mặt Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn Quyết, Nguyễn Thanh Bình. Võ Chí Công và Nguyễn Đức Tâm cho biết lý do ông không được đưa vào danh sách tái cử vào Trung ương khoá VII: "Có một số báo cáo tố cáo đồng chí hai việc: Một, ngay sau giải phóng, đồng chí có cho bắt hai cán bộ tình báo của Bộ Quốc phòng và từ đó hai cán bộ này mất tích; hai, cái chết của cha mẹ đồng chí là bị ta trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy, chúng tôi đành phải rút đồng chí ra khỏi danh sách tái cử vào Trung ương khoá VII".[3]

Chú thích