Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp
(Đổi hướng từ Phanxicô Trương Bửu Diệp)

Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (1897–1946), thường được gọi là Cha Diệp, là một linh mục Công giáo tại Việt Nam. Trong tiến trình tôn phong thánh của Giáo hội Công giáo, ông hiện đang ở bậc Tôi tớ Chúa.[1][2]

Tôi tớ Chúa
Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
Tượng Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.
Tôi tớ Chúa
Sinh(1897-01-01)1 tháng 1, 1897
An Bình, Long Xuyên, Nam Kỳ
Mất12 tháng 3, 1946(1946-03-12) (49 tuổi)
Giá Rai, Bạc Liêu, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Sinh vào đầu năm 1897 tại An Giang, cậu bé Trương Bửu Diệp nhanh chóng theo con đường tu trì vào năm 1909, khi cậu được 12 tuổi. Trải qua nhiều năm sinh sống và tu học tại Campuchia, chủng sinh Diệp được truyền chức linh mục vào năm 1924. Thời kỳ linh mục, linh mục Diệp đảm nhận lần lượt các vai trò linh mục phó Hố Trư, Giáo sư Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng và chính xứ Tắc Sậy. Ông cũng là người thiết lập các họ đạo nhỏ lẻ khác trong vùng.

Trong hoàn cảnh chiến sự khốc liệt và hỗn loạn, tháng 3 năm 1946, linh mục Trương Bửu Diệp bị chém chết khi đứng ra bảo vệ mạng sống cho các giáo dân bị bắt cùng mình. Hung thủ thực sự chủ sự việc sát hại linh mục Diệp vẫn chưa rõ ràng. Sau khi ông qua đời, thi thể được đưa về họ đạo Khúc Tréo, sau này đưa về họ đạo Tắc Sậy cho đến ngày nay. Nhiều người Công giáo và không thuộc Công giáo cho rằng họ đã nhận được nhiều ơn ích khi cầu nguyện cùng cố linh mục Diệp. Vào ngày qua đời của ông hằng năm, lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể với sự tham gia của giáo dân và cả người dân ngoài Công giáo.

Tiểu sử

Thân thế

Nhà an nghỉ của Linh mục Trương Bửu Diệp hiện nay

Linh mục Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 tháng 1 năm 1897, sinh sống tại căn nhà rất gần nhà thờ Cồn Phước (nay thuộc Giáo phận Long Xuyên).[3] Nhà thờ này ngày nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, Chợ Mới, tỉnh An Giang.[4] Thân phụ là ông Micae Trương Văn Đặng (1860–1935)[4] và thân mẫu là bà Lucia Lê Thị Thanh. Cậu bé Diệp được nhận Bí tích Rửa Tội sau đó vào ngày 2 tháng 2. Tại Cồn Phước, linh mục Diệp được gọi bằng ông Hai.[3]

Năm 1904, khi cậu Diệp bảy tuổi thì thân mẫu qua đời, nên thân phụ đưa con mình đến Battambang (Campuchia) sinh sống bằng nghề thợ mộc. Thân phụ ông sau đó cũng đã tục huyền vào năm 1905 với bà Maria Nguyễn Thị Phước (sinh năm 1890, người giáo họ Mỹ Luông, An Giang).[4] Tính đến thời điểm năm 2018, chỉ còn hai gia đình là họ hàng linh mục Diệp sinh sống tại Cồn Phước, mộ phần ông Đặng nằm tại nghĩa trang Giáo xứ Cồn Phước, trong khi hai người vợ của ông vẫn không rõ tung tích mộ phần.[3][5]

Linh mục Trương Bửu Diệp là bác họ[gc 1] của Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, được Hồng y Mẫn gọi là Bác Hai.[6]

Tu học và thời kỳ linh mục

Năm 1909, cậu bé Trương Bửu Diệp vào học đạo tại Tiểu chủng viện Cù lao Giêng bởi linh mục Phêrô Lê Huỳnh Tiền.[4] Sau đó, thầy Diệp tiếp tục học tại Đại chủng viện Nam Vang (Campuchia).[3] Trương Bửu Diệp sau đó được thụ phong chức linh mục vào năm 1924 tại Nam Vang, dưới thời Giám mục Valentin Herrgott. Thánh lễ mở tay đã được cử hành tại nhà cô ruột tân linh mục tại họ đạo quê nhà Cồn Phước.[4]

Sau khi thụ phong chức linh mục, tân linh mục Trương Bửu Diệp được bổ nhiệm làm linh mục phó của giáo xứ Hố Trư, một họ đạo của giáo dân gốc Việt tại Kandal, Campuchia. Ông đã giữ chức này trong vòng ba năm đầu đời linh mục của mình. Hai năm sau đó (từ năm 1927), linh mục Diệp đảm nhận vai trò Giáo sư Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng. Tháng 3 năm 1930, ông về nhận nhiệm sở tại giáo xứ Tắc Sậy. Trong những năm làm nhiệm vụ tại đây, ông đã liên hệ, giúp đỡ để thành lập thêm nhiều giáo xứ lân cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn. Linh mục Diệp cũng đã cử hành Bí tích Rửa Tội cho gần 2.000 người.[3][4] Linh mục Diệp được ghi nhớ về những bài giảng êm đềm cũng như các bài giảng hùng hồn, tấm lòng quan tâm đến người nghèo và khách lỡ đường, không phân biệt tôn giáo.[4]

Năm 1945–1946, Nhật và Pháp chiến đấu chống lại nhau và tình hình chiến sự khiến nhiều giáo dân phải di tản. Linh mục bề trên là Trần Minh Ký ở Bạc Liêu kêu gọi Linh mục Trương Bửu Diệp tạm lánh và trở lại khu vực trở nên ổn định, nhưng ông từ chối và khẳng định mong muốn cùng sống và chết với giáo dân của mình.[4]

Bị bắt và bị giết

Đến nay, thông tin về vụ bắt và giết linh mục Trương Bửu Diệp là không thống nhất. Trang mạng của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng vào ngày 12 tháng 3 năm 1946, Linh mục Trương Bửu Diệp bị quân lính Nhật bắt cùng với trên 70 giáo dân tại giáo xứ Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với các giáo dân khác tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Gừa.[7][4] Cũng theo những lời kể ủng hộ quan điểm này thì họ chất rơm chung quanh tính đốt tất cả, nhưng Linh mục Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam giữ. Ông đã cố gắng để cứu giáo dân của mình và bị giết. Cụ thể, trong lần đến làm việc lần thứ ba, linh mục Diệp không trở về nơi giam giữ. [4] Theo Đình Quý viết trên trang báo Công giáo và Dân tộc, con số giáo dân bị bắt cùng là trên 100 người, và sau khi linh mục Diệp qua đời, họ đã được trả tự do và tiến hành tản cư ngay trong đêm.[3] Theo bảng tóm tắt tiểu sử Trương Bửu Diệp hiện dựng tại nhà an nghỉ thì ông bị bắt và thủ tiêu "vì sự tranh chấp giữa các phe phái" nhưng không nêu rõ các phe phái nào.

Hiện tại có hai luồng ý kiến cho rằng: hoặc quân Cộng sản Việt Minh,[5][7][8] hoặc hai người lính Nhật, sau khi phát xít Nhật đầu hàng đầu quân cho quân Cao Đài[9][5] đã làm điều đó.[10] Bản tiểu sử do linh mục Lê Ngọc Tỏ biên soạn, công bố trên trang tin Công giáo VietCatholic News lưu ý chi tiết linh mục Trương Bửu Diệp bị sát hại do tranh chấp "giữa các giáo phái".[11] Bản tiểu sử chính thức trên trang Trương Bửu Diệp Foundation không ghi nhận phe phái đã sát hại linh mục Diệp.[12]

Thi thể cố linh mục Trương Bửu Diệp được tìm thấy trong tình trạng lõa thể tại ao của ông giáo Sự. Một vết chém sau gáy ở vị trí ngang với mang tai được phát hiện.[4] Theo linh mục Nguyễn Văn Thư qua lời kể của nhân chứng Ngô Minh Quang, cố linh mục Diệp bị chém hai nhát ở vùng đầu: một ở phía trên sọ và một phía sau gáy, nhưng đầu của ông không đứt lìa khỏi thân xác. Việc tìm thấy thi thể được do rằng do chính cố linh mục "báo mộng", cũng như thân xác trong tư thế chắp tay cùng vẻ mặt bình thản. Thi thể sau đó được các chức sắc đưa về chôn cất tạm tại họ đạo Khúc Tréo, vì hộ gia đình ông Sự thuộc về họ đạo này, cũng như giữ bí mật tốt hơn việc đưa về họ đạo Tắc Sậy.[5]

Tưởng nhớ

Mộ phần và các ơn ích

Sau khi qua đời, thi hài linh mục Trương Bửu Diệp được vớt lên từ ao và chôn cất tại phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo.[4] Năm 1969, hài cốt linh mục Diệp được cải táng về trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy. Ngày 4 tháng 3 năm 2010, hài cốt của ông lại được cải táng vào phần một mới xây cất (cũng tại Nhà thờ Tắc Sậy). Hàng năm, nhất là ngày 11 và 12 tháng 3 dương lịch, đông đảo người dân từ nhiều nơi đến hành hương và tham quan Thánh đường Tắc Sậy và phần mộ của linh mục Trương Bửu Diệp. Nhà thờ Tắc Sậy nằm trên địa bàn của xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Nhiều người cho rằng họ nhận được ơn lành khi cầu nguyện cùng linh mục Diệp.[3]

Thánh đường Tắc Sậy

Theo Đình Quý đăng trên báo Công giáo và Dân tộc, lễ giỗ linh mục Trương Bửu Diệp lần đầu được tổ chức vào năm 1982, với chỉ vài chục giáo dân tham dự.[3] Theo trang tin Hội đồng Giám mục Việt Nam, linh mục Antôn Vũ Xuân Vinh đã tổ chức lễ giỗ đầu tiên cho cố linh mục Diệp vào năm 1979 với con số tham dự vào khoảng 30 người. Cũng theo trang tin Hội đồng Giám mục, hàng trăm, hàng ngàn người dân Công giáo và không Công giáo trong và ngoài nước nhận được nhiều ơn lành, do đó quanh năm họ đến cầu khấn với cố linh mục cũng như hành hương đến giáo xứ Tắc Sậy, nơi mọi người thường gọi là nơi "du lịch tâm linh".[5] [4]Linh mục Nguyễn Văn Thư, trong bài viết về linh mục Diệp nhận định số người dân ngoài Công giáo được ơn lành qua việc linh mục Diệp cầu cùng Chúa vượt số ơn lành người Công giáo nhận được.[5]

Tháng 1 năm 1997, giám mục giáo phận Cần Thơ cho thành lập Trung tâm Truyền giáo Phanxicô tại Tắc Sậy.[4] Nhà thờ có từ lâu đời, nhưng trước đây chỉ là một ngôi thờ bán kiên cố, nhỏ hẹp và lợp tôn. Để nhà thờ và phần mộ linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp được an nghỉ trong khuôn viên tôn nghiêm và khang trang hơn, ngày 24 tháng 2 năm 2004, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ mới đã được tổ chức. Về sau, nhờ giáo dân và khách thập phương ủng hộ, nay khu nhà thờ mới (nay có tên là Thánh đường Tắc Sậy) đã cơ bản hoàn thành trên diện tích rộng hàng ngàn mét vuông.

Hình ảnh của cố linh mục Diệp được trưng bày tại nhiều cửa hàng của người Công giáo, trong khi trên báo chí Việt ngữ hải ngoại có nhiều tin rao tạ ơn linh mục Trương Bửu Diệp.[7]

Hồ sơ tuyên thánh

Từ năm 2012, cuộc điều tra phong thánh cấp giáo phận cho Linh mục Trương Bửu Diệp bắt đầu được tiến hành.[13] Ngày 31 tháng 10 năm 2014, Bộ Giáo lý Đức tin ra tuyên bố nihil obstat (không có gì ngăn trở) chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho ông.[14] Chính trong năm này, Linh mục Trương Bửu Diệp được công nhận là Tôi tớ Chúa, theo linh mục Giuse Nguyễn Văn Thư,[5] trong khi nguồn tin từ linh mục Phaolô Nguyễn Văn Tùng đăng trên website Simon Hòa Đà Lạt (lúc này là trang tin chính thức của Giáo phận Đà Lạt) đã ghi nhận tước hiệu này cho linh mục Diệp trong một bài đăng vào năm 2013.[2]

Cuối tháng 4 năm 2017, Giám mục Cần Thơ Stêphanô Tri Bửu Thiên công bố việc điều tra cấp giáo phận đã hoàn tất và gửi toàn bộ kết quả đến Bộ Tuyên thánh ở Rôma. Ngày 30 tháng 5, Bộ này đã chính thức nhận được hồ sơ. Trong năm 2017, Bộ này lần lượt phê chuẩn Cáo thỉnh viên [cho án phong] tại Rôma và thẩm tra nội dung cuộc điều tra tại Cần Thơ. Ngày 25 tháng 1 năm 2019, Bộ Tuyên thánh kết luận cuộc điều tra có giá trị để khởi sự án phong Chân phước cho Linh mục Trương Bửu Diệp.[15]

Ảnh

Liên kết ngoài

Ghi chú

Chú thích


Lỗi chú thích: Đã tìm thấy thẻ <ref> với tên nhóm “gc”, nhưng không tìm thấy thẻ tương ứng <references group="gc"/> tương ứng, hoặc thẻ đóng </ref> bị thiếu