Shahada

lời chứng ngôn thừa nhận sự duy nhất của Allah, Muhammad là sứ giả của Ngài

Shahada (tiếng Ả Rập: ٱلشَّهَادَةُ aš-šahādah - Chứng ngôn) là một tuyên thệ về đức tin trong tín ngưỡng Hồi giáo về tính duy nhất của Thượng đế và sự chấp nhận Muhammad là tiên tri của Thượng đế. Shahada là một trong năm cột trụ của Hồi giáo, và là một phần của Adhan.

Shahada trong thư pháp Ả Rập

Thuộc lòng chứng ngôn này là điều kiện duy nhất để gia nhập đạo Hồi[1], và tín đồ cần phải đọc nó với niềm tin chân thành và thái độ thành kính, nghiêm túc, ngay chính. Ở phái hồi giáo Shia còn có một số dị bản về việc Ali là người giám hộ duy nhất của Allah.

Nội dung của Shahada

Nội dung của Shahada gồm có 2 phần:

لَا إِلَٰهَ إِلَّا ٱللَّٰهُ (lā ʾilāha ʾillā -llāh) - "Không có thánh thần nào ngoài Allah,

مُحَمَّدٌ رَسُولُ ٱللَّٰهِ (muḥammadur rasūlu -llāh) - Muhammad là sứ giả của Allah."

Hai mệnh đề trên được kết nối với nhau thông qua cụm أَشْهَدُ أَنْ - (ašhadu - "tôi thừa nhận rằng"), từ đó trở thành một câu Shahada hoàn chỉnh:

أَشْهَدُ أَنْ لَا إِلَٰهَ إِلَّا ٱللَّٰهُ وَأَشْهَدُ أَنَّ مُحَمَّدًا رَسُولُ ٱللَّٰهِ

(ašhadu ʾan lā ʾilāha ʾilla -llāhu, wa-ʾašhadu ʾanna muḥammadan rasūlu -llāh)

Tôi thừa nhận rằng không có thánh thần nào ngoài Allah, và tôi chứng nhận Muhammad là sứ giả của Ngài.

Hồi giáo Shia, một cụm từ mở rộng đề cập đến Ali ở cuối cùng, mặc dù không bắt buộc:

وعليٌ وليُّ الله (wa ʿAliyyun waliyyu l-Lāh) - và Ali là wali (người giám hộ) của Allah".[2]

Nguồn gốc

Mặc dù cả hai phần của Shahada đều có thể được tìm thấy trong Thiên Kinh Qur'an (ví dụ như câu 35 - chương 37 hay câu 29 - chương 48), tuy nhiên nguyên văn hoàn chỉnh của chứng ngôn này hoàn toàn không được tìm thấy[3], tuy nhiên lại xuất hiện trong Hadith[4][5][6][7]. Các phiên bản khác nhau của hai phần Shahada bắt đầu xuất hiện trên các đồng xu và kiến trúc khoảng nửa sau thế kỉ VII, tuy nhiên những bằng chứng cho thấy rằng hai phần đó hoàn toàn không biểu thị ý nghĩa chứng ngôn sự duy nhất của Allah và niềm tin vào Muhammad[3]. Một dòng chữ trên đền thờ Dome of the Rock (xây dựng năm 692) tại Jerusalem có nội dung giống với Shahada như hiện tại[3]. Một dị bản khác xuất hiện trên đồng tiền xu trong triều đại của Abd al-Malik - vị khalip thứ năm của Caliphate Umayyad có nội dung tương tự với phần thứ hai của Shahada: "Muhammad là sứ giả của Ngài"[3]

Mặc dù thời điểm mà Shahada được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng tín đồ Hồi giáo vẫn chưa được xác định cụ thể, ta vẫn có thể khẳng định rằng những phần ý và câu từ của lời chứng ngôn này là một phần của kinh Qur'an và các học thuyết Hồi giáo từ những giai đoạn lịch sử rất sớm.

Trong kiến trúc và hội họa

Shahada xuất hiện trong các yếu tố kiến trúc, được thể hiện trong các công trình Hồi giáo trên khắp thế giới, ví dụ như ở Jerusalem - Trung Đông, Cairo - Ai Cập hay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ.

Hội họa trong giai đoạn sau của thời kì Trung Cổ và thời kì Phục Hưng có sự ưu ái dành cho các họa tiết có yếu tố Trung Đông nói chung, đặc biệt là hệ thống ký tự Ả Rập, thể hiện thông qua việc sử dụng nó mà không quan tâm quá nhiều tới nội dung trong các bức họa - kiến trúc và sách. Trong tác phẩm San Giovenale Triptych (năm 1422) của họa sĩ Masaccio, ông đã lấy nguyên văn Shahada, viết chúng ở đằng sau bức tranh.[8]

Trong các lá cờ quốc gia

Shahada có thể được tìm thấy trong các lá cờ Hồi giáo. Nhánh Wahhabism của Hồi giáo Sunni đã bắt đầu đưa Shahada vào cờ đại diện của họ từ thế kỉ XVIII. Năm 1902, Ibn Saud - quân chủ đầu tiên của nhà nước Ả Rập Xê Út đã thêm hình ảnh một thanh gươm vào lá cờ này. Lá cờ như hiện nay của nhà nước Ả Rập Xê Út được công bố lần đầu tiên vào năm 1973. Lá cờ của Somaliland có ba dải ngang trên lá cờ màu xanh lá cây - trắngđỏ, với câu Shahada được viết bằng màu trắng trên dải màu xanh lá cây.

Lá cờ của Taliban, với nền màu trắng và câu Shahada được cách điệu, màu đen.

Giữa những năm 1997-2001, và kể từ sau khi tuyên bố tái thành lập vào năm 2021, Taliban đã sử dụng một lá cờ máu trắng với dòng Shahada được thể hiện bằng màu đen, giống với lá cờ của Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan mà chính họ tạo ra. Các lá cờ theo tiêu chuẩn đen sau này được sử dụng bởi các lực lượng quân nổi dậy Hồi giáo từ những năm 2000 cũng thường tuân theo nguyên tắc này.

Chú thích