Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ

tranh vẽ Trần Nhân Tông xuất du từ động Vũ Lâm

Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (chữ Hán: 竹林大士出山圖) là một bức trường quyển trên giấy quyến bao gồm họa phẩm tranh thủy mặc kết hợp nghệ thuật thư pháp đặc sắc, và miêu tả cảnh Trúc Lâm đại sĩ (tức Trần Nhân Tông) từ động Vũ Lâm xuất du.[Note 1] Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ được vẽ trên một trường quyển (长卷) có kích thước 961×28 cm, trong đó bao gồm một bức họa rộng 316×28 cm.

Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ
Chữ Hán: 竹林大士出山圖
Tác giảkhông rõ
Thời gianthế kỷ 14
LoạiGiấy xuyến
Địa điểmBảo tàng Liêu Ninh[1], Thẩm Dương

Năm 1922, bức thư họa được hoàng đế Phổ Nghi bí mật đưa ra ngoài và lưu lạc cho đến năm 1949 mới được đem về cất giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh, thành phố Thẩm Dương. Cho đến trước tháng 4 năm 2012 những gì được biết về bức thư họa vẫn chỉ là những lời miêu tả, ghi chép trên văn bản.[1] Vào tháng 4 năm 2012, trong một cuộc đấu giá, bản phục chế của bức thư họa được bán với giá 1,8 triệu đô la Mỹ.[1]

Tác giả bức họa

Trước đây, bức họa được cho là của họa sư Trần Giám Như (陳鑑如), một họa sĩ Trung Quốc thời nhà Nguyên của Mông Cổ vẽ năm 1363, theo dòng lạc khoản trên tranh. Nhưng dựa vào giám định của bảo tàng Liêu Ninh và những công trình khảo cứu của các nhà nghiên cứu khác, được đề cập trong cuốn "Ngàn năm áo mũ", thì chắc chắn bức tranh không phải do Trần Giám Như thực hiện,[2] mà dòng lạc khoản đó chứa đựng những thông tin sai lầm của người đời sau bồi vào. Thay vào đó, dựa theo những lời bình chú của các danh sĩ trong tranh thời đó, cho thấy tác giả chắc chắn là người Việt.

Học giả Trần Quang Đức trích dẫn "Liêu Ninh tỉnh bác vật quán tàng – Thư họa trước lục – Hội họa quyển" do Nhà xuất bản. Mỹ thuật Liêu Ninh xuất bản năm 1999 cho biết: “Sách Bí điện chu lâm thời Thanh nhận định Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ là do Trần Giám Như vẽ, thực ra đã lầm. Bởi vết tích cắt xén ở phần cuối tranh vẫn có thể thấy rõ, vả lại dòng lạc khoản ‘Chí Chính chấp tam niên xuân Trần Giám Như tả’ sau này mới điền vào cũng hết sức rõ rệt. Theo Quyển 5 sách Đồ hội bảo giám của Hạ Văn Ngạn thời Nguyên cho biết ‘Trần Giám Như sống ở Hàng Châu, tinh thông vẽ truyền thần, là cao thủ số một của quốc triều’. Song trước mắt chúng ta chưa thấy tác phẩm nào của ông, nên không có cách nào so sánh với bức tranh này được, riêng dòng lạc khoản sau này mới điền đã đủ chứng minh đây không phải họa phẩm được vẽ ra từ tay bút Trần Giám Như. Dựa vào bốn nửa con dấu giáp lai như Ký Ngao, Tây Sở Vương Tôn của Hạng Nguyên Biện ở phần cách thủy sau tranh, có thể thấy rõ ràng việc này phát sinh trong lúc người ta cắt xén tranh khi bồi biểu. Từ đó có thể đoán rằng, thời gian điền lạc khoản phải rơi vào quãng sau khi họ Hạng đóng ấn và trước khi được đưa vào cung nhà Thanh."[3]

Cũng theo Trần Quang Đức trong "Ngàn năm áo mũ", những người viết lời bình của các danh sĩ ở cuối tranh đều không nhắc đến danh họa Trần Giám Như. Trong số những lời bình đó, có Dư Đỉnh viết: "Từ triều trước đến nay, tên tuổi ngài không được biết đến ở Trung châu [...] Nay may gặp thánh triều, khôi phục cương thổ thời Hán Đường, thu hết đất ấy, nhập vào bản đồ, khiến phong tục đồng văn đồng quỹ, nên tranh này mới được truyền bá ở kinh sư. Bằng không, tên tuổi của đại sĩ cũng chỉ lưu truyền ở một vùng Nam Giao mà thôi [...] Người Nam Giao vẽ lại sự việc nhất thời, hoan hỷ truyền xem”, Phó Hiệp viết: “Người trong nước hâm mộ, làm ra tranh này”. Vì vậy, rất có khả năng tranh do họa sĩ người Việt vẽ.[3]

Theo giáo sư Phan Huy Lê năm 2016, những giám định gần đây khẳng định bức tranh vẽ tại Việt Nam và do những họa sĩ Việt Nam vẽ.[4]

Hình ảnh

Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ (竹林大士出山图)

Mô tả

Toàn bộ thư quyển có kích thước 961×28 cm, trong đó bao gồm một bức họa rộng 316×28 cm, phần còn lại là phần thư pháp.

Bức họa

Hình ảnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông trong tác phẩm Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ

Với diện tích 316×28 cm của bức tranh, họa sĩ bức tranh đã vẽ tổng cộng 82 người: 61 người ở bên phải thuộc đoàn tiếp đón của Vua Trần Anh Tông và các tùy tùng, hộ giá; 21 người bên trái thuộc đoàn của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, được chia làm 2 nhóm: Nhóm rước kiệu, tất cả đều đi chân đất và nhóm Vua quan, gồm 5 quan văn và 2 quan võ đứng trước vua. Bức tranh mô tả không gian với mây, núi, sông, cây cổ thủ xen lẫn cây cỏ dại ven đường. Màu sắc đen trắng của thủy mặc, giãn cùng các điểm nhấn là con người, những cây tùng cổ thụ, núi và mây tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ về không gian và thời gian. Người, voi, ngựa, trâu, hạc cùng võng lọng, ngai, nghi trượng tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh về bố cục của bức tranh. Từ núi ra có 21 người gồm Trần Nhân Tông, đạo sĩ Trung Quốc Lâm Thời Vũ. 5 tăng nhân ngoại quốc với đặc trưng về dị tộc rất đặc thù của người Nam Á rất có thể đây là tăng nhân Ấn Độ, tay cầm tích trượng, bình bát, kinh quyển. 8 đệ tử của Nhân Tông và 6 người khiêng kiệu đều có mày dài, có râu, tai to, tay lần tràng hạt.[5]

Phần thư pháp

Được cho là thêm vào thời nhà Minh do Trần Quang Chỉ, chủ nhân của bức họa đã mời các danh sĩ thời đó viết thêm lời bình dẫn và đề thơ.[1]

Các lời bình về bức tranh được thực hiện vào khoảng năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420). Bao gồm Triện phía đầu tranh và các bài bạt tựa phía sau tranh. Dưới đây là đoạn trích từ lời bình trên bức tranh của tiến sĩ Dư Đỉnh đời nhà Minh:

Dưới đây là danh sách các danh sĩ thời này đã đưa ra lời bình dẫn trong tranh:

  1. Trần Quang Chỉ[6]
  2. Dư Đỉnh[6]
  3. Tăng Khải[6]
  4. Lâm Phục[6]
  5. Sư Bạc Hiệp[6]
  6. Đàm Giá Thoái Ân Nhật Đông sa môn Đức Thủy[6]
  7. Kim Môn ngoại sử Viên Chi An[6]
  8. Dự Chương Ngô Đại Tiết[6]
  9. Tây Bích[6]

Tác phẩm phái sinh

Tại Việt Nam, họa phẩm “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” cũng được nhân bản và chuyển thể, tiêu biểu như:[7]

  • Vào năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một bức tranh khắc khảm xà cừ theo hình ảnh bức họa mà nghệ nhân phải mất 1 năm trời để thực hiện đã được Hội tặng cho chủ tịch nước Trần Đại Quang.[4] Có thể đây cũng là bức tranh thực hiện năm 2014 bởi các nghệ nhân xứ Huế.[2]
  • Nghệ nhân Phạm Hồng Vinh (Hà Đông, Hà Nội) chuyển thể thành tranh màu trên kính chịu lực.
  • Giám đốc nhà máy gỗ Cầu Cầm là Phạm Hữu Tiến (Đông Triều, Quảng Ninh) chuyển thể thành phù điêu khảm gỗ gụ mật, thi công 6 tháng.
  • Nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh (Tiên Du, Bắc Ninh) chuyển thể thành cặp bình gỗ khảm trai và tranh khảm trai trên gỗ hình chữ nhật.
  • Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có nhà sách bày bán trường quyển “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” được in trên giấy pipi đúng tỉ lệ 1:1 so với nguyên tác.
  • Họa sĩ Lại Đình Vinh ở Huế đã bố cục lại tranh nhằm dễ treo và tiện ngắm nghía, từ đó nhà sưu tập cổ vật Dương Đình Vinh thuê các nghệ nhân cẩn xà cừ lên gỗ rồi chuyển vào Nam để giới thiệu tại Hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt” vào 29/10/2014.

Xem thêm

Tham khảo

Ghi chú

Trích dẫn

Liên kết ngoài