Chiến dịch Đăk Tô (1972)

Chiến dịch Đăk Tô, thường được biết đến là trận trận Đăk Tô - Tân Cảnh là trận đánh mở màn cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, diễn ra từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 24 tháng 4 năm 1972 trên địa bàn Đăk TôTân Cảnh thuộc tỉnh Kon Tum. Đặc biệt trong chiến dịch này, lần đầu tiên ở mặt trận Tây Nguyên, Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam đã sử dụng xe tăng hạng trung T-54 và tên lửa chống tăng 9M14 Malyutka (AT-3 Sagger) của Liên Xô gây nhiều thiệt hại cho đối phương.

Chiến dịch Đăk Tô
Một phần của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Thời gian23 tháng 4-24 tháng 4 năm 1972
Địa điểm
Cụm cứ điểm Đăk Tô - Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum Nam Việt Nam
Kết quảQuân Giải phóng chiến thắng
Tham chiến
Việt Nam Cộng hòa
Hoa Kỳ
Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Chỉ huy và lãnh đạo
Lý Tòng Bá
Ngô Du
John Paul Vann 
Hoàng Minh Thảo

Bối cảnh

Đăk Tô - Tân Cảnh là căn cứ quân sự mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Bắc Tây Nguyên. Đầu năm 1972, ở đây có 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn pháo binh và 4 tiểu đoàn thiết giáp. Phần lớn lực lượng được bố trí ở dãy cao điểm phía Tây sông Pôkô, hình thành tuyến phòng ngự lâm thời từ xa bao quanh thị xã Kon Tum.[1] Trung tâm chỉ huy đặt ở căn cứ 42 Tân Cảnh, gồm các đơn vị: Sở chỉ huy Sư đoàn 22 và nhóm cố vấn Mỹ, sở chỉ huy trung đoàn 42, sở chỉ huy trung đoàn 14 thiết giáp, 3 tiểu đoàn, 1 đại đội bảo vệ, 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội công binh cùng các chi đoàn xe tăng - xe thiết giáp (41 xe), 1 tiểu đoàn pháo binh (10 khẩu 105mm và 155mm), tổng cộng 1.500 quân, có không quân chiến thuật yểm trợ. Ngoài ra còn có sự yểm trợ bằng B-52 của Hoa Kỳ. Căn cứ Tân Cảnh là trung tâm chỉ huy của tuyến phòng ngự nên được xây dựng khá kiên cố. Căn cứ có hình lục lăng, diện tích 240.000m2 nằm ở nam Đường 18, cách thị trấn Tân Cảnh và Đường 14 khoảng 1 km về phía tây nam; bên trong chia làm 13 phân khu với hệ thống lô cốt, hầm ngầm, công sự chiến đấu vững chắc liên hoàn.

Về phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, để thực hiện Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận B3, đã điều động binh lực của 2 sư đoàn là Sư đoàn 320 (gồm 3 Trung đoàn 52, 64 và 48) và Sư đoàn 2 (gồm 2 Trung đoàn 1 và 141), 4 trung đoàn bộ binh độc lập (66, 95, 28 và 24), Trung đoàn đặc công 400, 2 trung đoàn pháo binh (40, 675), 1 tiểu đoàn tăng thiết giáp (tiểu đoàn 297 gồm 28 xe tăng T-54, 3 xe tăng PT-76, 3 pháo cao xạ tự hành ZSU-57-2 và 3 xe mang pháo phòng không 37mm), 2 trung đoàn công binh và 4 tiểu đoàn phòng không. Ngoài ra còn có sự tham gia của các lực lượng vũ trang tại địa phương. Tổng binh lực khoảng 47.647 người, 423 xe các loại (gồm 216 xe quân sự, 207 xe vận tải). Riêng tại trận Đăk Tô - Tân Cảnh, lực lượng gồm các đơn vị: Trung đoàn 28, Trung đoàn 66, Trung đoàn 95, Trung đoàn 24B (Sư đoàn 10 sau này), 1 đại đội tăng thiết giáp (gồm 9 xe tăng T-54 và 3 pháo cao xạ tự hành ZSU-57-2), phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh Kon Tum.[1] do Phó Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên Nguyễn Mạnh Quân trực tiếp chỉ huy.

Diễn biến

Đúng 15 giờ ngày 23 tháng 4 năm 1972, pháo binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nã đạn dồn dập vào căn cứ Tân Cảnh, cứ điểm mạnh nhất của QLVNCH.

QLVNCH điều 10 xe tăng chạy ra tấn công, bị quân Giải phóng dùng tên lửa AT-3 Sagger (B-72) phá hủy 8 chiếc, bắn đứt xích 2 chiếc còn lại. Đây là lần đầu tiên B-72 được sử dụng ở mặt trận Tây Nguyên. Trong trận đánh này, AT-3 đã được sử dụng để tiêu diệt hàng chục lô cốt và ụ súng. Chiến sĩ trắc thủ điều khiển Đào Văn Tiến đã trực tiếp bắn 33 tên lửa B-72 thì 32 quả trúng mục tiêu, diệt 4 xe tăng, 2 khẩu pháo, 6 lô cốt và 7 mục tiêu khác như kho đạn dược, xăng dầu... trong căn cứ Tân Cảnh. Với chiến thắng này, đơn vị AT-3 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, riêng Đào Văn Tiến được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba.

Vào lúc 1 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972, 9 xe tăng T-54 của Đại đội 7 (Tiểu đoàn Xe tăng 297) xông thẳng qua thị trấn Tân Cảnh, lao lên mở cửa phía Đông căn cứ Tân Cảnh. Chớp thời cơ đối phương hoảng loạn, Tiểu đoàn 9 của Quân Giải phóng cùng đội công tác tỉnh Kon Tum kêu gọi nhân dân nổi dậy. Cho đến 5 giờ 55 phút ngày 24 tháng 4 năm 1972, Quân Giải phóng đã chiếm được thị trấn Tân Cảnh.

Lúc này cuộc chiến đấu ở căn cứ E42 Tân Cảnh diễn ra dữ dội. Một mình chiếc xe tăng Type 59 mang số hiệu 377 của Quân Giải phóng đã tiêu diệt 7 xe tăng M41 của địch trước khi bị QLVNCH bắn cháy bằng súng chống tăng. Quân Giải phóng dần dần làm chủ tình hình. Đến 11 giờ trưa ngày 24 tháng 4 năm 1972, Trung đoàn 66 đã chiếm xong căn cứ Tân Cảnh. Theo quân Giải phóng, họ bắn rơi 8 máy bay, thu giữ 4 xe tăng M41 và 5 xe thiết giáp M113. 30 đại bác trong căn cứ (23 khẩu 105 mm và 7 khẩu 155 mm) thì 10 bị phá huỷ, 20 bị thu giữ. Quán Giải phóng cũng thu giữ hoặc phá huỷ gần 100 xe quân sự, hàng vạn quả đạn pháo và toàn bộ phương tiện chiến tranh trong căn cứ, diệt hơn 1.000 lính và bắt được 429 tù binh.[2]

Ngay khi Tân Cảnh sắp bị tiêu diệt, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng tại mặt trận cánh Đông đã cho pháo binh bắn phá căn cứ Đăk Tô 2 (sân bay Phượng Hoàng). Vào lúc 8 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972, Trung đoàn 1 Sư đoàn 2 đánh thẳng vào sở chỉ huy E47 ngay ở sân bay Phượng Hoàng, 4 xe tăng T-54 và một pháo tự hành ZSU-57-2 cấp tốc rời căn cứ Tân Cảnh chi viện cho mũi tấn công tại căn cứ Đăk Tô 2. Sức kháng cự của E47 nhanh chóng bị đè bẹp, Quân Giải phóng làm chủ căn cứ Đăk Tô 2.

Cụm phòng ngự mạnh của QLVNCH ở căn cứ Tân Cảnh - Đăk Tô 2 bị tiêu diệt. Đại tá Lê Đức Đạt, Tư lệnh Sư đoàn 22 QLVNCH tử trận, Sư đoàn phó Vi Văn Bình bị bắt, chỉ một ít tàn quân của sư đoàn rút được vào rừng tìm đường về Kon Tum. QLVNCH đóng ở các căn cứ Ngok Blêng, Ngok Rinh Rua, Tri Lễ, quận Đăk Tô cũng bắt đầu rút chạy trong hoảng loạn. Một vùng đất từ Diên Bình, qua Tân Cảnh đến Đăk Tô, về Đăk Mốt đã hoàn toàn nằm trong tay Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, sau trận đánh thì quân Giải phóng cũng chịu thiệt hại, một số xe tăng bị cháy, hậu cần bị thiếu, đặc biệt là đạn pháo nên 20 ngày sau mới tổ chức tấn công tiếp vào Kon Tum.

Kết quả

Sau khi tiêu diệt cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh, một căn cứ phòng ngự quy mô sư đoàn của VNCH, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm chủ một vùng tương đối rộng, đồng thời gây ra bầu không khí hoảng loạn cho QLVNCH ở thị xã Kon Tum. Lúc này, lực lượng QLVNCH ở thị xã Kon Tum rất mỏng và yếu, trong thị xã chỉ có hai tiểu đoàn chủ lực và một số đơn vị Địa phương quân, điều kiện rất thuận lợi cho cuộc tiến công quyết định vào thị xã. Nhưng lúc đó Bộ Tư lệnh chiến dịch [Tướng Hoàng Minh Thảo?] lại nhận định:

Do sự trì hoãn này mà Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã mất thời cơ để đánh chiếm thị xã Kon Tum, tạo điều kiện để QLVNCH có thời gian để bố trí lại lực lượng phòng ngự. Cuộc tiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vào thị xã Kon Tum sau đó rốt cuộc không thành công.

Xem thêm

Chú thích

Tham khảo