Trịnh Ngô Dụng

Trịnh Ngô Dụng (1684 - 1746) là đại thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông đỗ tam giáp đồng tiến sĩ khoa thi năm Tân Sửu (1721), niên hiệu Bảo Thái năm thứ hai triều vua Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Đổng tiến kim tử, vinh lộc đại phu, Trụ quốc thượng giai, Binh bộ thượng thư tước nhi quận công[1].

Tiểu sử

Ngô Dụng sinh tại làng Vân Trì, tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa xứ Kinh Bắc (nay là làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang), tự là Điển Trai, hiệu là Quế Hiên. Vì có công lao to lớn với đất nước, dẹp loạn an dân, được chúa thượng ban cho họ Trịnh, nên tên từ Ngô Dụng trở thành Trịnh Ngô Dụng. Ngô Dụng khi mới sinh ra tướng mạo khôi ngô tuấn tú, mắt trong và sáng, hai tai dày và to, đằng sau phía vai phải có một nốt ruồi đỏ chót.

Thuở nhỏ Ngô Dụng được phụ thân dạy chữ nho tại gia, lớn lên được gửi theo học tiến sĩ Trịnh Đức Liên ở làng Đại Mão, tổng Siêu Loại, phủ Thuận An xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).

Năm 12 tuổi Ngô Dụng đi thi tứ trường, các quan trường chê là nhỏ tuổi không cho thi, phải về quê nhà dùi mài kinh sử để đợi ngày. Năm 15 tuổi dự thi tứ trường (thi hương), đỗ tam trường. Năm 19 tuổi lại thi hương, đỗ tứ trường. Năm 29 tuổi thi xuân thí (thi hội), đỗ tam trường. Năm 36 tuổi thi Lai Bộ đỗ thứ ba, được bổ làm quan nho học, huấn đạo Phủ Thăng Hoa.

Năm 37 tuổi, ông thi Xuân thí (thi hội), đỗ tứ trường. Khoa thi Đình năm Tân Sửu (1721), niên hiệu Bảo Thái năm thứ 2 đời vua Lê Dụ Tông, Ngô Dụng đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân ở tuổi 37. Khoa thi này cả nước có 25 người đỗ trên 3.000 sĩ tử dự thi. Sau khi đỗ tiến sĩ, Ngô Dụng được bổ làm quan Công Lang Binh Khoa cấp sự trung.

Năm 40 tuổi làm quan giám sát ngự sử đạo Thái Nguyên. Năm 44 tuổi làm quan Đốc Đồng sứ Hải Dương. Năm 46 tuổi làm quan Mậu Lâm Lang, Đông Các Hiệu Thư, cùng năm ấy làm quan Thanh Hình Hiếu sứ, tự hiệu sát sứ Sơn Nam. Năm 48 tuổi làm quan Hiến Cung Đại Phu, đông các học sỹ, tư thận thiếu doãn trung liệt.

Năm 50 tuổi làm quan tư thận thiếu doãn, Hàn Lâm Viện; cùng năm ấy làm quan phủ doãn phủ Phụng Thiên (tức tri phủ kinh thành Thăng Long). Năm 52 tuổi làm quan Hoàng Tín Đại Phu, Ngự Sử Đài; cùng năm ấy làm quan Trung Đại Phu, Ngự Sử Đài, Phó Đô Ngự Sử. Năm 54 tuổi làm quan Trung Chính Đại Phu, Hàn Lâm Viện.

Năm 56 tuổi làm quan thừa chánh sứ xứ Thanh Hoá; cùng năm ấy làm Thượng tướng Quân thống lĩnh binh mã đi dẹp loạn hạt Lạng Giang xứ Kinh Bắc.

Năm 58 tuổi, làm quan Gia Hành Đại Phu, Công Bộ Tả Thị Lang, Chính Khanh Trung Ban; cùng năm ấy được phong chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Nhập Thị Nội Bộ, Tòng Hình Bộ Tả Thị Lang, Hành Ngự Sử Đài, Phó Đô Ngự Sử, Đức Quốc Thượng Giai.

Năm 59 tuổi làm quan trấn thủ xứ Thanh Hoá, dẹp loạn cướp biển và cướp núi đang hoành hành.Năm 61 tuổi (1745) được phong chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Nhất Thị Lang, Hành Tham Tụng, Trụ Quốc Thượng Giai, Lại Bộ Tả Thị Lang, Tước Nhi Đình Hầu.

Năm 62 tuổi, vào khoa thi Hội tháng 3 năm Bính Dần (1746) cụ làm quan chánh chủ khảo khoa thi này. Tháng tư năm ấy Ngô Dụng làm chánh sứ đi sang nhà Thanh bên Trung Quốc. Tháng 5 năm ấy Ngô Dụng bị mắc bệnh hiểm nghèo trên đường đi sứ, phải trở về làng Vân Trì dưỡng bệnh. Nhà vua cử quan ngự y của triều đình về thuốc thang chăm sóc cụ đến giây phút cuối cùng. Nghe tin cụ sắp mất, triều đình vô cùng thương tiếc, nhà vua xuống chỉ bãi chầu 3 ngày, và gửi về gia đình 500 lạng bạc, 10 tấm gấm hoa vàng để vào việc tang. Vào giờ dần mồng 3 tháng 7 năm Bính Dần (1746) lúc hấp hối, cụ dặn dò con cháu phải chôn cụ ở đồi Lang Thông, Vạn Thạch, Hoàng Vân, không được xây lăng mộ, số tiền vua Lê, chúa Trịnh ban cho dùng để làm đường cho nhân dân đi. Vào giờ Mão ngày mồng 3 tháng 7 năm Bính Dần, Ngô Dụng qua đời tại quê nhà, thọ 62 tuổi.

Ngày 2 tháng 9 nhà vua lại sai quan Khâm sai đại thần Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Nguyễn Trọng Đôn về tại gia phúng viếng, đọc văn tế cụ rất thống thiết. Ngày 20 tháng 9 triều đình xuống chiếu sắc phong chức Đặc tiến kim tử, vinh lộc đại phu, trụ quốc thượng giai, binh bộ thượng thư, nhi quận công.

Đình làng Vân Xuyên

Năm Đinh Mão (1747) hoàng thượng Lê Hiển Tông và chúa thượng Trịnh Doanh nhớ tới công lao của cụ, lại có sắc phong cho Trịnh Ngô Dụng làm Phúc đẳng thần được thờ ở đình làng cùng với thành hoàng Cao Sơn Quý Minh (còn gọi là Đức Thánh Đuổm, Dương Tự Minh).

Họ Ngô làng Vân Xuyên vẫn còn lưu giữ được chiếc kiệu của cụ Ngô Dụng thường dùng lúc làm quan.

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền bài thơ ca ngợi công đức của Ngô Dụng:

Đệ nhất quận công tổng Hoàng Vân

Trụ quốc thượng giai, phúc đẳng thần

Lăng tẩm không xây, thông reo mãi

Nấm mộ đơn sơ giữa cõi trần

Trí dũng song toàn phò non nước

Trung hiếu đôi đường vẹn chữ nhân

Ngàn năm tên tuổi ghi bia đá

Văn Miếu lưu truyền đến vạn xuân

Bài văn tế của quan Khâm sai đại thần Nguyễn Trọng Đôn

Đối với người bề tôi là giường cột của quốc gia, sống thì được ban tước lộc, chết thì được thăm viếng để cho thỏa nghĩa linh và cho phải đạo vậy.

Nhớ ông xưa: chí khí anh hùng, người tốt hơn vàng ngọc, học rộng hiểu sâu, văn chương như gấm dệt thêu hoa. Sinh thời ông làm quan, lúc ở trong triều, khi về phủ huyện, ở đâu cũng giữ được liêm khiết. Lúc đi dẹp giặc, lúc đến an dân, trăm họ đâu đâu đều mến mộ, coi như quan phụ mẫu, muốn tâu vua xin cho ông ở lại lâu dài. Lúc Đại trào, khi tiểu truật, ông đưa ý kiến ra bàn luận, mọi người đều phải chú ý lắng nghe. Nay ông mất đi, triều thần như mất một cánh tay, đău buồn khôn xiết. Vậy nhà vua cử tôi về đây viếng tang ông.

Người làm tôi mà trung như ông, cần như ông; Người làm quan mà liêm như ông, chính như ông, ai chẳng tiếc thương.

Tôi được cử về đây thay mệnh vua tế ông. Ông có khôn thiêng, mời về thụ hưởng.

Cứu làng Chèo

Chúa Trịnh là Trịnh Giang (1729-1740) vô cùng bạo ngược, giết vua nọ lập vua kia, sát hại công thần, tự cho thi tiến sĩ ở phủ đường, chơi bời dâm dục không còn mức độ nào cả nên bị bệnh kinh quý, sợ sấm sét. Bọn hoạn quan là Hoàng Công Phụ đánh lừa Giang, chúng đào đất làm cung thưởng trì dưới hầm cho Giang ở, từ đó Giang không bước chân ra ngoài. Hoàng Công Phụ cùng đồ đảng càng có dịp chuyên quyền, lũng đoạn triều chính, các quan đại thần người bị giết người bị phạt, thuế khóa nặng nề, hàng loạt cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi.

Năm 1740 Trịnh Giang bị phế truất, Trịnh Doanh lên cầm quyền, đất nước dần ổn định, Tổng thái giám Đề quận công Hoàng Công Phụ bị xử tội. Triều đình phong Ngô Dụng làm Thượng tướng quân đem vài ngàn binh mã về quê Hoàng Công Phụ (làng Chèo, tổng Quế Trạo, Hiệp Hòa, Kinh Bắc) để tàn sát, hủy diệt cả làng Chèo, cả tổng Quế Trạo để trừ mầm mống phản loạn (ngụ ý sâu xa là nhổ cỏ phải nhổ cả gốc). Khi nhận được chiếu chỉ hủy diệt này, Ngô Dụng đã cho người tâm phúc ngầm phi ngựa suốt đêm về báo trước cho dân làng Chèo trốn sang tổng Hoàng Vân bên cạnh. Ngày hôm sau Ngô Dụng dẫn quân về thì làng Chèo vắng tanh, vườn không nhà trống. Ngô Dụng lệnh cho lính đốt rơm rạ, giết trâu bò và đắp hàng trăm ngôi mộ giả, lại cho người rắc vôi bột trắng xóa. Giám quan triều đình tưởng đã hủy diệt làng Chèo, vội quay ngựa về bẩm báo với chúa thượng rằng Làng Chèo của hoạn quan Hoàng Công Phụ đã bị xóa sổ.

Sau khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa năm 1747 liền đại xá thiên hạ. Dân làng Chèo lũ lượt kéo về làng cũ chăm lo sản xuất cấy cày, cuộc sống trở lại thanh bình. Từ đó trở đi hàng năm vào ngày giỗ Ngô Dụng (mùng 3 tháng 7 âm lịch) nhân dân làng Chèo lại đội mâm sôi, thủ lợn, vàng mã sang làng Vân Xuyên dâng lễ để tỏ lòng nhớ ơn cụ đã cứu giúp cả làng Chèo, tổng Quế Trạo khỏi họa lớn.

Nguồn gốc

Ngô Dụng là cụ tổ đời thứ ba họ Ngô làng Vân Xuyên. Họ Ngô làng Vân Xuyên có gốc họ Bùi từ làng Ân Thi, Hưng Yên lên đã được 14-15 đời.

Truyện rằng ngày đó, có một gia đình người họ Ngô sinh sống ở chân núi IA, xã Thù Sơn, Hiệp Hòa. Cả cụ ông cụ bà đều hiền lành phúc hậu, song mãi không sinh được con. Hai cụ bàn nhau đi xin con nuôi. Thế là cụ ông đã lên đường tìm đến các gia đình gia giáo, có đông con trai để xin một người về nối dõi tông đường. Khi tới Ân Thi, Hưng Yên cụ đã vào một gia đình họ Bùi có năm con trai. Sau khi biết ý của khách quý, chủ nhà đã đồng ý cho con mình làm con nuôi họ Ngô và sẽ mang họ Ngô.

Được người họ Ngô đón về chăm nuôi và học hành chu đáo, cậu út đã nổi trội hơn người. Dân làng bao người ao ước có được người con như vậy, nhưng cũng không ít người ghen ghét đố kỵ. Đêm đêm cậu út học, giọng đọc bài đã làm ồn ào hàng xóm. Những người ghen ghét kiếm cớ gây sự, ném sỏi đá vào sân vào nhà. Cực chẳng đã, cụ họ Ngô đành chuyển chỗ ở từ chân núi IA lên làng Ân Cập, xã Hoàng Vân. Sau này các thế hệ kế tiếp của họ Ngô gốc họ Bùi sinh sôi rất đông và sống chủ yếu ở làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân.

Hàng năm ngày 15 tháng chạp con cháu họ Ngô gốc Bùi tụ họp về nhà thờ tổ ở Vân Xuyên để giỗ Tổ, chính là giỗ cụ dưỡng tổ họ Ngô có công nuôi dưỡng cụ tổ họ Bùi, cứ cách năm lại có đoàn đại biểu họ Bùi từ Ân Thi lên Vân Xuyên dự lễ. Năm sau đoàn đại biểu họ Ngô gốc Bùi của Vân Xuyên lại về Ân Thi để dự lễ giỗ tổ họ Bùi tại quê gốc.

Ngô Dụng là cháu nội của cụ Đặc tiến kim tử, vinh lộc đại phu, hàn lâm viện, trụ thượng quốc, thừa chi cơ trạch bá Ngô Tướng Công, tên húy là Hữu, tự là Minh Độ, hiệu là Phúc Khanh, là cụ tổ đời thứ nhất họ Ngô làng Vân Xuyên. Khi ở Hưng Yên cụ mang họ Bùi – Bùi Phúc Hữu, lên Vân Trì - Hiệp Hoà đổi sang họ Ngô – Ngô Văn Hữu.

Phụ thân của Ngô Dụng là Ngô Văn Khuyến, tự là Tuần Nho, hiệu là Tuệ Chính, là cụ tổ đời thứ hai họ Ngô, được phong Đặc tiến kim tử, vinh lộc đại phu, bộ hộ hữu thị lang diên trạch bá Ngô Tướng Công.

Hậu duệ

Cụ tổ đời thứ tư là Ngô Văn Thiết, con trưởng của Ngô Dụng. Cụ đỗ thủ khoa (đỗ đầu cử nhân) khoa thi năm Nhâm Tý (1732), được cử đi nhậm chức tri phủ Yên Thế.

Cụ tổ đời thứ 7 là Ngô Văn Dũng đỗ tam trường ở tuổi 20, không ra làm quan, ở tại gia dạy học và bốc thuốc chữa bệnh. Cụ vốn thông minh, y nho lý số rất tinh thông, lại giàu lòng nhân ái cứu giúp người nghèo khổ gặp khó khăn vận hạn.

Cụ tổ đời thứ 8 là Ngô Văn Tác, thường gọi là cụ Đồ Tác, sinh năm 1844, vợ là Nguyễn Thị Vụ người làng Phù Khê phủ Từ Sơn. Cụ có quan hệ rất mật thiết với Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp. Hai cụ sinh được 7 người con trong đó có hai người nối được nghiệp cha, đó là Ngô Văn Quỳ và Ngô Văn Thấu (Đồ Ba).

Bia ở sân nhà cụ Đồ Ba

Cụ tổ đời thứ 9 là Ngô Văn Thấu, thường gọi là cụ Đồ Ba, sinh 1888. Cụ bà Nguyễn Thị Uyên quê Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh là bà cô họ của Nguyễn Văn Cừ, Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương (1938 - 1940). Cụ vốn thông minh học giỏi, đỗ tứ trường nhưng không ra làm quan ở lại quê nhà dạy học, bốc thuốc chữa bệnh. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Yên Thế, gia đình cụ là nơi hội tụ của trai tráng trong vùng đầu quân ứng nghĩa trước khi lên căn cứ địa Phồn Xương. Cụ có tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục trong thời gian làm nghề bốc thuốc ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội 1917-1920. Cuộc họp chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930 do Nguyễn Thái Học chủ trì tổ chức tại nhà Ngô Văn Thấu và Ngô Văn Quỳ ở làng Vân Xuyên. Gia đình cụ là cơ sở đầu tiên của khu căn cứ địa cách mạng Hoàng Vân - ATK2 của Trung ương và xứ ủy Bắc Kỳ. Cụ là một trong bốn đại biểu của Hiệp Hòa đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào tháng 8 năm 1945. Ngôi nhà cụ Đồ Ba được nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa ATK2 Hiệp Hòa.

Năm 1926 Nguyễn Văn Cừ tham gia tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh và bị đuổi học khỏi trường Bưởi, Hà Nội. Nguyễn Văn Cừ lánh lên ở nhà chú rể Ngô Văn Thấu ở làng Vân Xuyên một thời gian. Thời gian ở đây Nguyễn Văn Cừ đã tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản và con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cho các con cụ Đồ Ba là Ngô Văn Đán, Ngô Văn Hiệp (tức Ngô Tuấn Tùng) và Ngô Văn Thạnh (tức Ngô Duy Phương), đó là những người cộng sản đầu tiên của huyện Hiệp Hòa.

Ngô Văn Đán học hết năm thứ ba thành chung thì ra làm hương sư ở Đào Xuyên (Đa Tốn) cuối huyện Gia Lâm. Ngày 1 tháng 6 năm 1938 thầy giáo Ngô Văn Đán được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đào Xuyên. Người giới thiệu và kết nạp thầy Đán là Hoàng Quốc Việt. Đây là người đảng viên cộng sản đầu tiên ở Đào Xuyên, cũng là người đảng viên đầu tiên của huyện Hiệp Hòa.

Ngô Tuấn Tùng (1913 - 1998), tháng 7 năm 1938 được Hoàng Quốc Việt giới thiệu kết nạp vào Đảng cộng sản. Ông là một trong năm đảng viên đầu tiên của chi bộ Phủ Lạng Thương. Ông có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của huyện Hiệp Hòa thời kỳ tiền khởi nghĩa cướp chính quyền. Tháng 6 năm 1941 Ngô Tuấn Tùng bị bắt ở Phủ Lạng Thương, tiếp theo cả ba đảng viên trung kiên của chi bộ Hoàng Vân đều bị bắt ở Vân Xuyên vì bị Pháp theo dõi từ trước, trong đó có Ngô Duy Phương, và bị giam ở nhà tù Bắc Giang, rồi Hỏa Lò ở Hà Nội, sau đày lên ngục Sơn La. Trong nhà tù Sơn La Ngô Tuấn Tùng được Nguyễn Lương Bằng giao cho làm phó Ban kinh tế và cứu tế của nhà tù. Tháng 3 năm 1945 khi Nhật Pháp bắn nhau, Ngô Tuấn Tùng, Ngô Duy Phương đã cùng với một số tù chính trị khác tổ chức vượt ngục thành công và trở về Hoàng Vân và tiếp tục tham gia phong trào cách mạng sôi động giành chính quyền ở Hiệp Hòa. Ngô Tuấn Tùng đã trực tiếp viết thư hẹn ngày giờ và địa điểm gặp tri huyện Thái Vĩnh Thịnh và chấp nhận lời hứa làm nội ứng của tri huyện khi Việt Minh tấn công vào huyện đường, do đó khi Việt Minh tiến vào công đường thì cổng huyện đã mở sẵn.

Ngô Duy Phương - con thứ tư của cụ Đồ Ba là một trong ba đảng viên của chi bộ Hoàng Vân, được kết nạp ngày 16 tháng 2 năm 1940 tại địa điểm Nội Đống Mú, người kết nạp là Lê Hoàng - Xứ ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ. Ông đã làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Giang, kiêm Trưởng ban kỹ thuật tỉnh Bắc Giang (1961-1962), mất năm 1999.

Chú thích

Xem thêm

Tham khảo

  1. Gia phả họ Ngô làng Vân Xuyên. Nguyên văn gia phả bằng tiếng Hán được hai cụ là Ngô Văn Ngôn và Ngô Văn Đán - hậu duệ đời thứ 10 dịch ra quốc ngữ.
  2. Họ Ngô gốc Bùi ở xã Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ngô Bùi Anh Tú. Họ Bùi Việt Nam, 2005, tr 43
  3. Phúc đẳng thần Nhị quận công Trịnh Ngô Dụng, Bùi Ngô Kiều Ngọc. Tạp chí Sông Thương của Hội văn học nghệ thuật Bắc Giang, Số 5 năm 2004, tr 68-71.
  4. Làng đỏ. Dương Quang Luân, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2005
  5. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa. Tập 1, 1992
  6. Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội