Vũ Văn Hiền (chính khách)

Vũ Văn Hiền (1910 - 1961) là một nhà báo, chính khách, chuyên gia về Luật và Tài chính Việt Nam. Ông đồng sáng lập báo Thanh Nghị dưới thời Pháp thuộc, và là Bộ trưởng Bộ Tài chính trong chính phủ Trần Trọng Kim.

Vũ Văn Hiền
Vũ Văn Hiền tại phiên tòa xử Bình Xuyên (Sài Gòn 1957)
Chức vụ
Tổng thư ký Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Đà Lạt 1946
Nhiệm kỳtháng 4 năm 1946 – tháng 5 năm 1946
Trưởng đoànNguyễn Tường Tam
Vị trí Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Phó đoànVõ Nguyên Giáp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đế quốc Việt Nam
Nhiệm kỳ17 tháng 4 năm 1945 – 1945
Thủ tướngTrần Trọng Kim
Tiền nhiệmkhông có (thành lập)
Kế nhiệmkhông có (sụp đổ)
Trợ tá Giám đốc Nha Tài chánh Đông Dương, Hà Nội
Nhiệm kỳ1939 – 1941
Thông tin chung
Quốc tịchViệt Nam
Sinh1910
thôn Thổ Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, Hưng Yên, Bắc Kỳ
Mất1961
Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa
Nơi ởSài Gòn,  Việt Nam Cộng hòa
Nghề nghiệpLuật sư, Nhà báo, chính khách
Dân tộcKinh
VợNguyễn Thị Quyên
Học vấnTiến sĩ Luật
Trường lớp

Thân thế

Ông sinh năm 1910 tại thôn Thổ Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà Nho nghèo. Mồ côi cha từ nhỏ, ông đã được họ hàng nuôi ăn học cho tới bằng Tú tài bản xứ. Từ đó, ông tự mưu sinh học tập, đỗ thủ khoa Cử nhân Luật tại Hà Nội năm 1937 và nhận được học bổng du học tại Pháp. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Luật khoa Đại học Paris năm 1939, với luận án "La propriété communale au Tonkin".

Hoạt động chính trị

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông từ Pháp trở về quê hương. Từ 1939 đến 1941, ông làm trợ tá cho giám đốc Nha Tài chánh Đông Dương tại Hà Nội, trước khi mở văn phòng luật sư riêng của mình. Năm 1941, ông cùng Vũ Đình HòePhan Anh chủ trương ra báo Thanh Nghị, cơ quan ngôn luận tập hợp những trí thức trẻ yêu nước. Ông là cây bút cột trụ của tờ báo, với bút hiệu Tân Phong. Tờ báo được phát hành cho tới năm 1945.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Vua Bảo Đại mời Trần Trọng Kim làm thủ tướng chính phủ, và nội các được thành lập ngày 17 tháng 4 năm 1945. Ông được mời tham gia chính phủ này ở chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Với tư cách đó, ông tích cực trong Hội đồng Cải cách Tư pháp và Tài chính gồm 16 thành viên với nhiệm vụ soạn thảo cơ cấu mới cho chính phủ Đế quốc Việt Nam.

Sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố thành lập, Ông được mời tham gia phái đoàn Việt Nam, do Nguyễn Tường Tam dẫn đầu, đàm phán với Pháp tại Hội nghị Đà Lạt để chuẩn bị cho một hội nghị ở Pháp, với vai trò Tổng thư ký. Ông tiếp tục được chọn vào phái đoàn Việt Nam đi Hội nghị Fontainebleau diễn ra sau đó, nhưng cuối cùng ông bị bệnh nên đã không đi.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội một thời gian. Năm 1954, ông và gia đình di cư vào Nam, ở Sài Gòn. Từ đó ông ngừng mọi hoạt động chính trị. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục sự nghiệp luật sư, nổi bật tại các phiên tòa xử những vụ án lớn về chính trị và tài chánh. Đồng thời, ông giảng dạy ở khoa Luật Đại học Sài Gòn.

Ông còn là tác giả của một số sách chuyên môn về kinh tế và tài chính, xuất bản ở Hà Nội và Sài Gòn.

Ông mất năm 1961 tại Sài Gòn.

Gia đình

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Quyên, từng phụ trách nhà xuất bản và tiệm sách Sông Nhị ở Hà Nội. Cuối đời, bà viết sách lịch sử và sáng tác văn chương, dưới bút hiệu Nguyễn Thi.[1]

Chú thích

Tác phẩm

  • La propriété communale au Tonkin - nxb Sirey, Paris & nxb IDEO, Hà Nội - 1940
  • L'impôt personnel et l'impôt des corvées de 1862 à 1936 - nxb IDEO, Hà Nội - 1940
  • Les principales contributions indirectes en Indochine - nxb IDEO, Hà Nội - 1942
  • Tiền vàng và tiền giấy - nxb Vĩnh Bảo, Sàigòn - 1949
  • Nên biết qua pháp luật Việt Nam - nxb Vĩnh Bảo, Hà Nội - 1950
  • Kinh tế học phổ thông - nxb Sông Nhị, Hà Nội - 1952
  • Chế độ tài sản trong gia đình Việt Nam, tập I, Hôn sản & tự sản - nxb Bộ Quốc gia Giáo dục, Sàigòn - 1960
  • Chế độ tài sản trong gia đình Việt Nam, tập II, Di sản - nxb Bộ Quốc gia Giáo dục, Sàigòn - 1960

Tham khảo

  • Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế - nxb Văn hóa, Hà Nội - 1997
  • Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt - Hoàng Xuân Hãn - nxb Văn hóa, Hà Nội - 1996
  • Hồi ký Vũ Đình Hòe - Vũ Đình Hòe - nxb Văn hóa, Hà Nội - 1995
  • Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc - Phạm Khắc Hòe - nxb Thuận Hóa, Huế - 1987

Xem thêm