Vương Dương Minh

nhà chính trị, quân sự, triết học nhà Minh (1472–1529)

Vương Dương Minh (phồn thể: 王陽明, giản thể: 王阳明, bính âm: Wang Yangming, 1472-1528), tên thật là Thủ Nhân (守仁), tự là Bá An (伯安) là nhà chính trị, nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Đồng thời ông còn là người văn võ song toàn, từng là tướng mang quân đi dẹp loạn nhiều lần. Quê ông ở Chiết Giang nhưng phải sống ở nhiều nơi khác nhau. Ông từng có thời gian sống ở hang Dương Minh nên ông được người ta gọi là Dương Minh tiên sinh. Ông là người đã xây dựng Dương Minh phái, có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Nhật Bản, Triều Tiên và cả Việt Nam. Ông cũng là 1 kỳ thủ cờ tướng.

Vương Dương Minh
王陽明
Tên chữBá An
Tên hiệuDương Mnh Tử; Tân Dương Đường; Hà Lậu Hiên; Quân Tử Đình; Ngoạn Dịch Oa; Dương Minh tiên sinh
Thụy hiệuVăn Thành
Tổng đốc Lưỡng Quảng
Nhiệm kỳ
1527–1529
Tiền nhiệmYao Mo
Kế nhiệmTrương Kinh
Binh bộ Thượng thư Nam Kinh
Nhiệm kỳ
1521–1527
Tuần phủ Nam Cống
Nhiệm kỳ
1472–1529
Tiền nhiệmWen Sen
Kế nhiệmNie Xian
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
31 tháng 10, 1472
Nơi sinh
Dư Diêu
Quê quán
huyện Dư Diêu
Mất
Thụy hiệu
Văn Thành
Ngày mất
9 tháng 1, 1529
Nơi mất
Cám Châu
An nghỉmộ Vương Dương Minh
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Vương Hoa
Hậu duệ
Vương Chính Ức
Học vấnTiến sĩ Nho học
Nghề nghiệpnhà triết học, nhà văn
Tôn giáoNho giáo
Quốc tịchnhà Minh

Cuộc đời

Nơi ở cũ của Vương Dương Minh

Nguồn gốc

Vương Dương Minh sinh năm 1472 vào đời Minh Hiến Tông ở huyện Dư Diêu, thuộc tỉnh Chiết Giang ngày này trong một gia đình đạo đức, hiển đạt.

Ông tổ xa của ông là Vương Hy Chi[1][2]. Ông nội của ông là Vương Luân, là một nhà nho được trọng vọng về đức hạnh và văn học. Thân phụ của ông là Vương Hoa[3].

Thuở thiếu thời

Vương Dương Minh là người có thể chất bạc nhược từ nhỏ, năm tuổi ông mới biết nói, nên gia đình không bắt ông đi học sớm. Bù vào đó ông rất thông minh, chỉ nghe ông nội đọc sách mà thuộc từng đoạn dài. Năm mười tuổi ông đã làm được thơ.

Tương truyền rằng ông nội của ông cùng bạn uống rượu trong chùa Kim Sơn muốn làm bài tức cảnh mà chưa nghĩ ra. Vương Dương Minh ứng khẩu làm hai bài, một bài lấy đề là "Tề nguyệt sơn phòng" [4]:

Phiên âm:
Sơn cận nguyệt viễn, giác nguyệt tiểu.
Tiên đạo thử sơn đại ư nguyệt.
Nhược nhân hữu nhãn đại như thiên
Hoàn kiến sơn tiểu, nguyệt cánh khoát.
Dịch thơ:
Núi gần, trăng xa, thấy trăng nhỏ
Nên bảo núi nọ lớn hơn trăng.
Nếu người có mắt lớn bằng trời.
Tất thấy trăng to núi đâu bằng.

Ngay từ bé ông đã bộc lộ tư chất và chí khí hơn nữa. Một lần khác ông lại hỏi thầy học:

- Thưa thầy, ở đời có việc gì là cao hơn cả?

Thầy học đáp:

- Thi đậu ra làm quan để thờ vua giúp nước, làm vẻ vang cho tổ tiên là cao hơn cả.

Vương Dương Minh lắc đầu đáp:

- Thưa thầy, con cho vậy là chưa cao, học làm được ông thánh mới là cao.

Thầy học giật mình, mà không dám cho cậu là ngông.

Con người ham mê học tập

Năm 15 tuổi, nhân đi chơi ở cửa ải Cự Dung, phục tinh thần trọng võ của người Hồ ở phương Bắc, Vương Dương Minh bèn theo người Hồ học cưỡi ngựa, bắn cung. Chẳng bao lâu sau, ông đã thạo cả cung lẫn ngựa. Ông định viết sớ toan dâng triều đình để hiến kế dẹp loạn thì bị cha ông ngăn cản.

Hai năm sau, ông sang Giang Tây để cưới vợ. Ông lang thang ngoài phố gặp một đạo sĩ thuyết phép dưỡng sinh mà quên cả việc lấy vợ. Đến tận sáng sớm hôm sau ông mới trở về nhà cha vợ.

Sau đó ông lại say mê tập viết chữ. Ông ở nhà vợ liền bỏ thì giờ tập viết nắn nón chữ viết ngày này qua ngày khác. Ông tự lập ra quy tắc: "Mới đầu phải trầm tĩnh suy nghĩ, định rõ hình dáng của mỗi chữ trong óc rồi mới hạ bút đừa liền tay như mỗi hàng có một nét".

Đồng thời trong thời gian thi trượt, ông còn chuyên tâm học binh pháp, đọc sách của các binh gia thời xưa.

Làm quan

Tranh vẽ Vương Dương Minh

Thi đỗ và làm quan

Năm 1492, Vương Dương Minh đậu khoa cử nhân, theo cha lên kinh, tìm đọc hết sách của Chu Hy.

Sau đó ông thi Hội nhưng bị trượt hai khóa. Ông không nản chí bảo rằng:

"Thi trượt không xấu hổ, thi trượt mà buồn mới là xấu hổ".

Năm 1499, ông đậu Nhị giáp tiến sĩ, trở thành tiến sĩ Nho học, được vào tập sự ở bộ Công kế.

Từ đây bắt đầu ông làm quan giữ nhiều chức vụ khác nhau. Ông từng ở bộ Công, bộ Hình, làm quan huyện, làm tướng, có lúc bị giáng xuống làm viên cai trạm. Bất kì ở chức nào ông cũng tỏ ra rất đắc lực, thanh liêm, khoan hòa chính trực thành ra người dưới thì tôn trọng mà bọn tiểu nhân thì ghen ghét.

Ở hang Dương Minh

Năm 30 tuổi, ông bị bệnh nặng, thổ huyết nên phải tạm cáo bệnh về nhà. Trong thời gian này ông làm nhà ở động Dương Minh cách Hàng Châu hai chục dặm. Ở đây ông nghỉ ngơi, tập phép dưỡng sinh của Đạo giáo, học thêm về các môn bói, số đồng thời nghiên cứu cả về Phật giáo.

Bị giáng chức đi đày

Năm 1504, khi bệnh tình hồi phục, ông về triều làm quan ở bộ Binh. Hai năm sau (1506), Minh Vũ Tông lên ngôi, tin dùng bọn hoạn quan Bát hổ, đặc biệt là Lưu Cẩn. Vương Dương Minh khẳng khái trách tội nhà vua tin dùng hoạn quan mà bắt tội bề tôi trung nghĩa. Vũ Tông nổi giận sai đánh ông bốn chục trượng rồi giáng xuống làm quan cai trạm ở Long Trường, tỉnh Quý Châu, giáp Vân Nam. Tuy nhiên, ông sau đó được bổ nhiệm lại làm tri phủ tỉnh Giang Tây.

Để trừ hậu họa, Lưu Cẩn còn sai người đi ám sát ông. Ông đoán được, đến sông Tiền Đường, ông bỏ quần áo lại với một bài thơ, giả vờ tự vẫn. Sau đó ông lội vào bờ núp trong đám sậy đến tối mới đáp thuyền đi Chiết Giang. Sau bao gian nan vất vả ông đến Long Trường. Trong thời gian này ông ở gần người Miêu, vốn phong thủy tập quán không hợp, thậm chí không có nhà để ở, phải ở trong hang.

Ở đây ông dạy người Miêu lễ nghi người Hán, dần dần ông cũng quen với cuộc sống người Miêu ở đây mà đem lòng quý mến tính tình chất phác của họ. Ngược lại dân Miêu cũng quý mến mà cất nhà cho ông.

Năm 1510, sau khi Lưu Cẩn bị xử tử, ông được Minh Vũ Tông phục chức rồi được triệu về kinh. Từ đây ông bắt đầu được triều đình cử đi dẹp loạn trong nước.

Giữ gìn nội trị

Từ năm 1516, ông đi đánh dẹp nhiều giặc giã ở miền nam, trước sau dẹp được năm cuộc nổi dậy:

  1. Giặc Chương Châu ở Giang Tây, Phúc Kiến năm 1517
  2. Giặc Dũng Cương, Hoành Thủy ở Quảng Đông năm 1517
  3. Giặc Tam Lợi ở Giang Tây năm 1518
  4. Loạn Thần Hào[5]Nam Xương, năm 1519
  5. Giặc Tư Ân và Bát Trại ở Quảng Tây, năm 1528

Cách tổ chức quân đội

Vương Dương Minh không dùng tướng của triều đinh, cho những lính già, yếu về nhà hết, lựa chọn những người khỏe mạnh trong dân gian, sung vào quân đội, rồi tuyển ngay trong số đó những kẻ có tài để trao quyền chỉ huy.

Ông tổ chức quân đội, chia ra làm ngũ, đội, sáo, doanh, trận, quân: cứ 25 người làm một ngũ, có chức tiểu giáp chỉ huy; 50 người làm một đội, có chức tổ giáp chỉ huy; 200 người làm một sáo, có một chức trưởng quan và hai chức hiệp trưởng; 400 người làm một doanh, có một chức doanh quan và hai chức tham mưu coi giữ; 1200 người làm một trận có chức thiên tướng coi giữ. Mỗi chức từ lớn tới nhỏ đều có quyền hành với kẻ dưới và chịu trách nhiệm với người trên.

Ông chú trọng dùng quân giỏi và tinh nhuệ chứ không cốt đông, chỉ khi sắp xếp kỹ lưỡng mới đưa quân ra trận. Tài năng của ông rõ nhất trong việc đánh dẹp cuộc nổi loạn của Ninh vương Chu Thần Hào.

Dẹp loạn Thần Hào

Ninh vương Thần Hào có binh hùng tướng mạnh, thế của quân triều đình bất lợi. Vương Dương Minh chưa kịp đến nơi thì đã có tin Thần Hào đem binh đi đánh hai thành Nam Khang, Cửu Giang rồi chiếm Nam Kinh để lên ngôi Hoàng dế. Vương Dương Minh liền viết mật chỉ giả, làm như triều đình biết trước mưu phản nghịch của hắn mà đề phòng kỹ, ra lệnh xuất binh chặn đường. Ông sắp đặt cho Thần Hào bắt được mật chỉ, quả nhiên Thần Hào sinh nghi, chưa dám xuất quân vội, và trong lúc do dự, ông có thì giờ kêu gọi quân các nơi khác lại và tổ chức lại quân đội. Mọi việc xong xuôi, ông mới truyền hịch kể tội giặc, hô chiếu cần vương.

Mặt khác, ông tìm cách chia rẽ vây cánh Thần Hào, làm tờ trình về nói nhận được mật thư xin hàng của mưu sĩ của Thần Hào đồng thời lại viết những bức thư trả lời dặn dò cách xử sự ra sao. Tất nhiên, hết thảy những giấy tờ giả mạo đó đều đến tay Thần Hào và nội bộ của hắn lủng củng.

Khi Thần Hào rời căn cứ Nam Xương mà đánh Yên Khánh. Ông dùng kế "Vây Ngụy cứu Triệu" đánh thẳng vào sào huyệt Nam Xương. Thần Hào đâm lo; bọn mưu sĩ khuyên Hào bỏ Nam Xương mà đánh dốc lên Nam Kinh rồi lên ngôi Hoàng đế, tiến lên Bắc Kinh. Nhưng vì nghi kỵ hắn không nghe, trở về cứu Nam Xương và bị quân của Vương Dương Minh bắt sống. Loạn Thần Hào bị dẹp yên chỉ trong vòng 42 ngày.

Lăng Vương Dương Minh ở Thiệu Hưng

Vương Dương Minh cũng là một trong những người đầu tiên để cập đến súng đại bác "Phật Lang Cơ" (佛郎機, fo-lang-ji), loại súng thần công nạp hậu truyền đến Trung Quốc từ người Bồ Đào Nha.[6] Trong thời gian nhận chức Giang Tây, Vương Dương Minh cải tổ quân đội, xây trường học, cải tạo tù phạm, khắc phục các thiệt hại kinh tế do chiến loạn gây ra. Ông được phong tước Bá, nhưng cũng bị đàn hặc do công khai phản đối trường phái Nho học của của Chu Hi.[7]

Qua đời

Vì triều đình rối loạn đồng thời vua Minh Thế Tông không biết xoay xở sao nên một mực dụ dỗ, sai ông đi dẹp giặc Tư Ân và Bát Trại. Dẹp xong thì bệnh tình của ông trầm trọng, lúc nóng lúc lạnh, ho mửa ra máu.

Tháng 10 năm 1528, ông dâng sớ cáo quan về dưỡng bệnh. Ông giao binh quyền cho Vương Đại Dụng rồi không đợi chiếu nhà vua mà sắm sẵn một chiếc quan tài theo để về quê. Mới tới Nam An thì ông mất, thọ 56 tuổi.

Ba mươi tám năm sau khi mất, ông được truy phong tước hầu, hiệu Văn Thành (文成). Năm 1584, Vương Dương Minh được đề tên trong Văn miếu, đây là vinh dự cao nhất của một nhà nho.

Tư tưởng triết học

Chân dung Vương Dương Minh

Thoạt tiên ông đọc Chu Hi, Chu Di giảng 4 chữ "Cách vật trí tri" trong sách Đại học là xét "đến cái lý của sự vật, muốn cho những chữ nhỏ nhặt tới đâu cũng hiểu được thấu đáo". Vương theo lời giảng đó mà bỏ ra 7 ngày liền ngồi dưới một bụi trúc để tìm cái "lý" của cây trúc; nhưng mất công toi, ông sinh ra chán nản.

Mãi ba chục năm sau, ông bỗng nhiên tỉnh ngộ, thấy rằng không thể đến với sự vật để tìm ra đạo lý được, mà đạo lý ở trong tâm ta, hễ ta tu dưỡng làm lành lánh ác, diệt tà niệm cho tâm được sáng suốt thì sẽ thấy Đạo Trời và Đạo Người. Đó là thuyết của Lục Cửu Uyên từ đời Tống. Có lẽ ông không đọc Lục cho nên mới mất 30 năm để tìm lại ra được nó.

Có người hỏi Vương Dương Minh:

Đạo Nho với đạo Phật khác nhau thế nào?

Ông đáp:

Không nên tìm cái đồng, cái dị của đạo Nho, đạo Phật, tìm cái Phải mà học là được vậy.

Vương Dương Minh theo tâm học của Lục Cửu Uyên, coi tâm, đạo và trời là một, nếu hiểu rõ "tâm" [8], thì cũng hiểu được đạo và trời [9]. Ứng dụng tâm học về mặt đạo đức, ông chủ trương "trí lương tri" và "tri hành hợp nhất". "Trí lương tri" (thực hiện triệt để điều hiểu biết tốt lành), vì lương tri là điểm sáng của lòng người, đó cũng là lẽ trời (thiên lý): "Bản thể của tâm là lẽ trời, sự nhận hiểu lẽ trời một cách sáng láng linh diệu là lương tri" [10]. Thuyết "trí lương tri" của Vương Dương Minh kế tục ý niệm "lương tri lương năng" của Mạnh Tử, nhấn mạnh "trí" [11]. Hệ quả của "trí lương tri" là "tri hành hợp nhất". Vương Dương Minh bản thân không có trước tác, nhưng những điều giảng dạy của ông đã được học trò ghi lại thành sách với tên "Ngữ lục", "Văn lục", "Biệt lục", "Phụ lục", vv., gồm 38 quyển với tên "Vương Văn Thành Công toàn thư"[12].

Tóm lại học thuyết của ông kết tinh trong bốn câu dưới đây:

  • Không thiện không ác: ấy là cái thể của Tâm.
  • Có thiện, có ác: ấy là sự động của ý.
  • Biết thiện, biết ác: ấy là lương tri.
  • Làm điều thiện, xua điều ác: ấy là cách vật.

Học thuyết đó hoàn toàn duy tâm, có màu sắc Phật giáo hơn là Khổng giáo.

Ảnh hưởng của Dương Minh phái

Vương Dương Minh được đánh giá rất cao trong giới Nho học. Ông được đánh giá là một trong bốn vị thầy vĩ đại nhất của đạo Nho, sánh ngang với Khổng Tử, Mạnh TửChu Hi.

Ông thành lập phái Dương Minh tâm học hay còn gọi là Diêu giang phái.

Đạo học của ông gọi chung là Dương Minh phái hay Dương Minh học, có ảnh hưởng lớn đến Nho học thời nhà Minhnhà Thanh, đồng thời có ảnh hưởng đặc biệt lớn với Nhật Bản.

Giới trí thức Nhật đã tích cực tiếp thu và phổ biến tư tưởng của Vương Dương Minh tức "Dương Minh Học" chủ trương "Tri hành hợp nhất, Vạn vật nhất thể, Chí lương tri..." và canh tân. Rất nhiều học giả Nhật Bản đã chú tâm nghiên cứu đạo học của Vương Dương Minh.

Năm 1950, Tưởng Giới Thạch đã đổi tên vườn quốc gia Thảo Sơn ở Đài Loan thành Dương Minh Sơn để tưởng nhớ công lao của Vương Dương Minh.

Năm 2017, chính quyền thành phố Quý Dương đã khánh thành công viên Vương Dương Minh, cùng với đó là một nhà trưng bày các tác phẩm của ông để tưởng nhớ và vinh danh những đóng góp của ông.[13]

Xem thêm

Chú thích

Tham khảo

  • Nho giáo - Trần Trọng Kim.
  • Gương danh nhân - Nguyễn Hiến Lê.
  • Bài viết Thiên thần và Thượng đế của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ.