Y Vân

Cố nhạc sĩ Việt Nam

Y Vân (tên khai sinh: Trần Tấn Hậu, 1932 – 1992) là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam từ cuối thập niên 1950 đến 1990 với nhiều sáng tác bất hủ như "60 năm cuộc đời", "Sài Gòn", "Lòng mẹ",... Em trai của ông là nhạc sĩ Y Vũ.

Y Vân
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Trần Tấn Hậu
Ngày sinh
2 tháng 7, 1933
Nơi sinh
Hà Nội, Liên bang Đông Dương
Mất
Ngày mất
28 tháng 11, 1992(1992-11-28) (59 tuổi)
Nơi mất
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Dân tộcKinh
Nghề nghiệpNhạc sĩ, nghệ sĩ hòa âm
Sự nghiệp âm nhạc
Bút danhY Vân
Tuấn Vũ
Thy Vân[1]
Giai đoạn sáng tácThập niên 1950 - 1990
Dòng nhạc
Hợp tác vớiMinh Kỳ
Nguyễn Hiền
Xuân Lôi
Xuân Tiên
Ca khúc
  • "60 năm cuộc đời"
  • "Sài Gòn"
  • "Lòng mẹ"
  • "Đêm đô thị"
Tác phẩmSách Tự học Tây Ban Cầm

Tiểu sử

Ông sinh năm 1933 tại Hà Nội, quê quán ở Thanh Hóa. Gia đình ông vốn có họ và tên đệm là "Trần Tán", bố ông là Trần Tán Nhiệt, chú ông là nhà văn Trọng Lang Trần Tán Cửu, ông nội là Tri phủ Trần Tán Bình. Nhưng khi sinh hạ ông, mẹ của ông đã chọn tên đệm là "Tấn" (Trần Tấn Hậu) thay cho "Tán", vì gia đình đã trải qua quá nhiều sự chia ly, phân tán; nên về phần duy tâm bà muốn thay chữ "Tán" trong tên đệm để tránh đi những chuyện không hay sau này.[2]

Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với Giáo sư – nhạc sĩ Tạ Phước và cũng đã tập tành sáng tác từ rất sớm. Mồ côi cha, nhà nghèo, cả nhà nhạc sĩ phải dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, ông rất thương mẹ và các em, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình.

Bìa ca khúc Những bước chân âm thầm

Năm 1954 ông di cư vào Nam, tiếp tục sáng tác, chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc, ngoài ra còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Ngoài ra ông còn là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu cha cha cha, disco, twist như: "Sài Gòn", "Ảo ảnh", "Sáu mươi năm cuộc đời", "Thôi".

Thời gian sau năm 1975, ông tham gia đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu... Ông làm việc cật lực bất kể ngày đêm để tạo cuộc sống tương đối cho gia đình. Ông tham gia viết nhạc phim mà nổi tiếng nhất là tác phẩm "Như bầy sơn ca" trong bộ phim thiếu nhi Sơn ca trong thành phố.

Nhạc sĩ Y Vân có hai đời vợ và tám người con. Con trai đầu là Tuấn Vũ, con gái thứ hai tên Thy Vân, con thứ ba tên Ngọc Tuyền, con thứ tư tên Thanh Hằng, con thứ năm tên Tấn Phong, con thứ sáu tên Kim Sa, con thứ bảy tên Ngân Hà và con thứ tám là Ngọc Tú. Ông mất vào ngày 28 tháng 11 năm 1992 (tức ngày 05 tháng 11 năm Nhâm Thân âm lịch), hưởng thọ 60 tuổi, trùng dự đoán của ông như lời bài hát "60 năm cuộc đời".

Nghệ danh

Nghệ danh "Y Vân" có nghĩa là "Yêu Vân", tức tiểu thư Tường Vân – người yêu đầu tiên của ông. Ông chọn tên này từ khi chuyện tình giữa ông và cô này tan vỡ. Một số ca khúc của ông đã được viết lên để nói lên tâm sự này như "Đò nghèo", "Ảo ảnh", "Nhạt nắng".

Tác phẩm tiêu biểu

"Lòng mẹ"

Bài hát "Lòng mẹ" của ông được sáng tác năm 1955, rất nổi tiếng và được xem như một trong những ca khúc tiêu biểu, sâu sắc và thiêng liêng nhất về tình mẹ. Từ đó đến nay vô số ca sĩ thể hiện. Trong số đó bài hát đã được danh ca Giao Linh thể hiện trong Album Giao Linh 8 - Đệm Ru Tiếng Nhớ (1991) rất thành công và bài hát này đã gắn liền tên của nữ danh ca. Vì thế nó còn là một bài hát rất quen thuộc với người Việt Nam từ ngày ra đời đến tận nay.

Dân ca 3 miền

Công trình nghệ thuật này được Nguyễn Văn Đông phác thảo và Y Vân sưu tầm tài liệu với các công việc: sưu tầm bài hát, tài liệu, nhạc khí cổ, tuyển chọn ca sĩ, ca nương theo đúng mẫu xưa phù hợp với phong cách từng địa phương. Năm 1974, dự án đã được phát hành trong nước vào băng Continental 6: Dân ca 3 miền - Nam, Trung, Bắc, nhan đề tiếng AnhVietnamese Traditional Songs, gửi tặng tòa đại sứ các nước và các cơ quan văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Tác phẩm này gây tiếng vang lớn và được đại diện tổ chức UNESCO ở Sài Gòn khích lệ, còn Tổng Giám đốc UNESCO René Maheu hứa hỗ trợ chuyên gia giúp củng cố hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho dân ca Việt Nam. Hồ sơ hoàn thành năm 1974, đã trình Bộ Ngoại giao cùng Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa xét duyệt và dự kiến sẽ chính thức gửi cho UNESCO vào đầu năm 1975. Tuy nhiên vì sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 nên không thể thực hiện được.[3][4]

Sách

  • Tự học Tây Ban Cầm (nhạc thời trang - nhạc Jazz) viết chung với Lan Đài.

Lời tựa: "Một công trình nghiên cứu và biên soạn công phu có đầy đủ những tiết điệu tân kỳ sẽ làm vừa lòng quý bạn yêu nhạc thời trang và nhạc Jazz."[5]

  • Tự học Tây Ban Cầm (phương pháp Flamenco) viết chung với Lan Đài.

Lời tựa: "Một tập phương pháp dễ hiểu và đầy đủ nhất gồm 36 bài tập cần thiết để quý bạn luyện tập về lối chơi đặc biệt Tây Ban Nha này và 5 nhạc phẩm Việt Nam, ngoại quốc chọn lọc soạn riêng cho độc tấu và hòa tấu theo lối Flamenco."[5]

Danh sách tác phẩm

Sáng tác riêng

Nhạc thiếu nhi

  • Chị Hằng
  • Cô bé bán sữa
  • Hai ông lang
  • Hát lên nào (với Vĩnh Căn, 958)
  • Lên sáu
  • Múa lân
  • Ngủ nhè
  • Vòi quà
  • Xem TV

Viết chung với Xuân Lôi

  • Bài hát của người tự do
  • Đàn tiên
  • Nhạt nắng (1957)
  • Tiếng hát quê hương (1959)

Viết chung với Xuân Tiên

  • Chiến sĩ của mùa xuân
  • Duyên tình (1958)
  • Đường nắng
  • Nhịp sống vui
  • Trăng khuya
  • Về dưới mái nhà (1958)

Viết chung với Minh Kỳ

  • Bao giờ anh trở lại kinh kỳ (1963)
  • Chiếc khăn tay
  • Chiều nào anh ghé qua đây (1961)
  • Chuyến tàu tiễn biệt (1961)
  • Đêm mưa tiễn bạn (1961)
  • Mái tóc thề (1961)
  • Mây trắng biên thùy (1961)
  • Nếu anh đã biết
  • Người em áo tím (1961)
  • Thưở ấy (1961)

Viết chung với Nguyễn Hiền

  • Bên hồ liễu (1959)
  • Đôi mắt người thương (Thương ca)
  • Tình trăng nước (1958)

Sáng tác chung với nhạc sĩ khác

Xem thêm

Chú thích