Đơn vị hành chính cấp huyện (Việt Nam)
Cấp huyện, theo phân cấp hành chính Việt Nam, là cấp hành chính thứ hai tại Việt Nam, dưới cấp tỉnh và trên cấp xã.
Các đơn vị hành chính thuộc cấp huyệnSửa đổi
Theo phân cấp hành chính Việt Nam hiện nay, cấp huyện bao gồm quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
QuậnSửa đổi
Quận là đơn vị hành chính cấp huyện chỉ có ở các thành phố trực thuộc trung ương. Các quận tạo nên nội thành của các thành phố. Mỗi một quận lại được chia thành các phường.
Tính đến ngày 9 tháng 12 năm 2020, Việt Nam có 46 quận thuộc 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Thị xãSửa đổi
Thị xã là một đơn vị hành chính cấp huyện có cả ở tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Thị xã được chia thành các phường ở nội thị và các xã ở ngoại thị.
Đến ngày 18 tháng 9 năm 2020, Việt Nam có 51 thị xã. Trong đó có 50 thị xã thuộc tỉnh và 1 thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương (thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội).
HuyệnSửa đổi
Huyện là đơn vị hành chính nông thôn có cả ở tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Dưới huyện là thị trấn (có thể có một hoặc nhiều, hoặc không có thị trấn nào) và các xã. Một số huyện đảo không phân chia thành các đơn vị hành chính cấp xã do có diện tích quá nhỏ hoặc dân cư quá ít, thay vào đó chính quyền cấp huyện trực tiếp quản lý tất cả các mặt của huyện đó.
Đến ngày 9 tháng 12 năm 2020, Việt Nam có 528 huyện, trong đó có 11 huyện đảo.
Thành phố thuộc tỉnhSửa đổi
Thành phố thuộc tỉnh là đơn vị hành chính cấp huyện chỉ có ở các tỉnh. Một thành phố thuộc tỉnh có thể là tỉnh lỵ của một tỉnh hoặc không phải là tỉnh lỵ. Thành phố thuộc tỉnh được chia thành các phường ở nội thành và các xã ở ngoại thành.
Đến ngày 9 tháng 12 năm 2020, Việt Nam có 79 thành phố thuộc tỉnh, trong đó có 58 thành phố là tỉnh lỵ và 21 thành phố không phải là tỉnh lỵ.
Thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ươngSửa đổi
Thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là một đơn vị hành chính cấp huyện chỉ có ở các thành phố trực thuộc trung ương, được đặt ra để thí điểm mô hình chính quyền đô thị mới tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đến ngày 9 tháng 12 năm 2020, Việt Nam có 1 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Thống kêSửa đổi
Tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2009, Việt Nam có 697 đơn vị hành chính cấp huyện.[1]
Tại thời điểm 9 tháng 12 năm 2020, Việt Nam có 705 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 1 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, 79 thành phố thuộc tỉnh, 51 thị xã, 46 quận và 528 huyện.
Diện tích và dân số các đơn vị hành chính cấp huyện không đồng đều:
Về diện tích:
- Trong số các thành phố thuộc tỉnh, thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh có diện tích lớn nhất với 1.119,12 km², thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa có diện tích nhỏ nhất với 44,94 km².
- Trong số các thị xã, thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa có diện tích lớn nhất với 1.195,7 km², thị xã Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An có diện tích nhỏ nhất với 27,81 km².
- Trong số các quận, quận Ô Môn thuộc thành phố Cần Thơ có diện tích lớn nhất với 125,4 km², quận 4 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích nhỏ nhất với 4,18 km².
- Trong số các huyện, huyện Tương Dương thuộc tỉnh Nghệ An có diện tích lớn nhất với 2.812,07 km², huyện Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội có diện tích nhỏ nhất với 63,17 km² (nếu không tính 11 huyện đảo).
- Trong số các huyện đảo, huyện Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh có diện tích lớn nhất với 551,3 km² (gấp gần 10 lần diện tích huyện Thanh Trì thuộc Thủ đô Hà Nội); huyện Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị có diện tích nhỏ nhất với chỉ 2,2 km², đồng thời là huyện có diện tích nhỏ nhất cả nước.
Về dân số:
Theo số dân:
- Trong số các thành phố thuộc tỉnh, thành phố Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai có dân số đông nhất với 1.099.943 người, thành phố Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu có dân số ít nhất với 42.973 người.
- Trong số các thị xã, thị xã Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương có dân số đông nhất với 374.986 người, thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên có dân số ít nhất với 12.125 người.
- Trong số các quận, quận Bình Tân thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có dân số đông nhất với 784.000 người, quận Đồ Sơn thuộc thành phố Hải Phòng có dân số ít nhất với 49.029 người.
- Trong số các huyện, huyện Bình Chánh thuộc thành phố Hồ Chí Minh có dân số đông nhất với 705.000 người, huyện Ia H'Drai thuộc tỉnh Kon Tum có dân số ít nhất với 13.000 người (nếu không tính 11 huyện đảo).
- Trong số các huyện đảo, huyện Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh có dân số đông nhất với 52.940 người, huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng có dân số ít nhất với 0 người.
Như vậy có thể thấy, các thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận và huyện đông dân nhất Việt Nam đều thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Theo mật độ dân cư:
- Trong số các thành phố thuộc tỉnh, thành phố Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương có mật độ dân cư cao nhất với 6.718 người/km2, thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh có mật độ dân cư thấp nhất với 195 người/km2.
- Trong số các thị xã, thị xã Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh có mật độ dân cư cao nhất với 3.039 người/km2, thị xã Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai có mật độ dân cư thấp nhất với 90 người/km2.
- Trong số các quận, quận 4 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có mật độ dân cư cao nhất với 41.866 người/km2, quận Đồ Sơn thuộc thành phố Hải Phòng có mật độ dân cư thấp nhất với 1.157 người/km2.
- Trong số các huyện, huyện Hóc Môn thuộc thành phố Hồ Chí Minh có mật độ dân cư cao nhất với 4.919 người/km2, huyện Ia H'Drai thuộc tỉnh Kon Tum có mật độ dân cư thấp nhất với 13 người/km2 (nếu không tính 11 huyện đảo).
- Trong số các huyện đảo, huyện Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi có mật độ dân cư cao nhất với 2.134 người/km2, huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng có mật độ dân cư thấp nhất với 0 người/km2.
So với mật độ dân số trung bình ở Việt Nam (theo số liệu Điều tra dân số ngày 1/4/2019) là 290 người/km2, một số thành phố thuộc tỉnh và thị xã có mật độ dân cư thấp hơn khá nhiều.
Dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính một số các đơn vị hành chính cấp huyệnSửa đổi
Đông Bắc BộSửa đổi
Tỉnh Hà GiangSửa đổi
- Điều chỉnh địa giới hành chính các xã Phong Quang, Đạo Đức, Phú Linh, Kim Thạch thuộc huyện Vị Xuyên để mở rộng thành phố Hà Giang.
Tỉnh Bắc KạnSửa đổi
- Sáp nhập các xã Cẩm Giàng và Quang Thuận thuộc huyện Bạch Thông vào thành phố Bắc Kạn.
Đồng bằng sông HồngSửa đổi
Thành phố Hà NộiSửa đổi
- Thành lập các Quận Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì từ các huyện có tên tương ứng.
Tỉnh Bắc NinhSửa đổi
- Thành lập Thành phố Từ Sơn gồm 12 phường thuộc Thị xã Từ Sơn
- Thành lập Thị xã Quế Võ gồm 11 phường và 10 xã thuộc huyện Quế Võ và Thị xã Thuận Thành gồm 10 phường và 8 xã thuộc huyện Thuận Thành
Bắc Trung BộSửa đổi
Tỉnh Thừa Thiên - HuếSửa đổi
- Điều chỉnh địa giới hành chính các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang để mở rộng thành phố Huế; sắp xếp và thành lập các phường thuộc thành phố Huế mới.
- Thành lập thị xã Phong Điền và các phường thuộc thị xã Phong Điền.
Duyên hải Nam Trung BộSửa đổi
Tỉnh Khánh HòaSửa đổi
- Thành lập thị xã Diên Khánh và các phường thuộc thị xã Diên Khánh.
Tây NguyênSửa đổi
Tỉnh Kon TumSửa đổi
- Thành lập thị xã Ngọc Hồi và 4 phường thuộc thị xã Ngọc Hồi từ huyện Ngọc Hồi.
Đông Nam BộSửa đổi
Tỉnh Bình PhướcSửa đổi
- Thành lập thị xã Chơn Thành và 5 phường thuộc thị xã Chơn Thành từ huyện Chơn Thành.
Đồng bằng sông Cửu LongSửa đổi
Tỉnh An GiangSửa đổi
- Thành lập thị xã Tịnh Biên và 7 phường thuộc thị xã Tịnh Biên từ huyện Tịnh Biên.