Đầm Thị Tường

Đầm Thị Tường (hay đầm Bà Tường) là một đầm nước tự nhiên tại tỉnh Cà Mau, Việt Nam. Đây là đầm nước có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là "biển hồ giữa đồng bằng".[1][2][3] Đầm nằm cách thành phố Cà Mau 40 km[1] về hướng tây nam, tại ranh giới hai huyện Phú TânTrần Văn Thời thuộc tỉnh Cà Mau.[4]

Đầm Thị Tường
Map
Vị tríHuyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Phú Tân, tỉnh Cà Mau
LoạiĐầm phá
Nguồn sôngSông Mỹ Bình, sông Ông Đốc,...
Nguồn nước
biển/đại dương
Vịnh Thái Lan
Lưu vực quốc giaViệt Nam
Chiều dài tối đa12 kilômét (7,5 mi)
Chiều rộng tối đa2 kilômét (1,2 mi)
Diện tích bề mặt7 kilômét vuông (700 ha)
Độ sâu trung bình1,5 mét (4,9 ft)

Nguồn gốc tên gọi

Theo truyền thuyết dân gian, cái tên Thị Tường là tên của Bà Tường, một trong những người đầu tiên đi khai phá vùng đất Cà Mau. Theo người xưa kể, tuy là phận nữ nhi nhưng Bà Tường rất dũng cảm, bà đã xua đuổi bày chim trời do chúa Hổ phái đến để lấy đá lấp biển. Chúa Hổ làm như vậy là do ngài hận vua Thủy tề không gả con gái cho mình. Dấu tích nơi bà Tường xua đuổi đàn chim đến nay vẫn còn. Nhờ vậy mà đầm ngày một đông đúc các loài thủy sản, là nguồn lợi khai thác vô cùng lớn của những người dân nghèo địa phương. Nhớ công đức của bà, người dân nơi đây lấy tên bà đặt cho đầm.[4][5]

Lịch sử

Phía nam của đầm, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân là căn cứ Xẻo Đước, là một di tích lịch sử thời Chiến tranh Việt Nam, là một căn cứ quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.[6]

Từ năm 2011, Hợp tác xã khai thác trên đầm là Hợp tác xã Đầm Thị Tường, thành lập vào năm 2011, đã đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã 2012 vào năm 2016, có 40 thành viên tham gia với số vốn điều lệ đăng ký 305 triệu đồng và do ông Phan Thế Trắng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Hợp tác xã Đầm Thị Tường xây dựng chòi, quán ăn uống, các phòng nghỉ kiên cố trên đầm Thị Tường, về sau đã chuyển đổi thành nhà hàng. Hoạt động trên các mảng: du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản nội địa, vận tải hành khách, mua bán thủy sản, dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ.[3]

Tự nhiên và kinh tế

Đầm Thị Tường tạo nên từ sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và nhiều kênh rạch của ba huyện Phú Tân, Trần Văn ThờiCái Nước. Đầm gồm 3 đầm chính là Đầm Trong, Đầm Giữa và Đầm Ngoài, trong đó Đầm Giữa là đầm lớn nhất. Đầm trải rộng gần 2 km và dài tới hơn 10 km,[4] chỗ hẹp nhất khoảng 800 m, diện tích mặt nước khoảng 700 ha (7 km²).[4][7][8] Trong số ba đầm thì Đầm Giữa có chỗ sâu đến 10 thước, hai đầm còn lại thì nước nông hơn.[5] Đầm Thị Tường thông ra vịnh Thái Lan ở phía tây thông qua sông Mỹ Bình.[7]

Đầm có hệ sinh thái đa dạng, phong phú mang đặc thù riêng của vùng đất ngập nước ở tỉnh Cà Mau. Do ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều nên khu vực đầm là vùng tiếp giáp hai dòng chảy của biển phía tây và biển phía đông quanh bán đảo Cà Mau nên đầm Thị Tường có mùa nước mặn và mùa nước ngọt rõ rệt, chính vì vậy đầm có hệ sinh thái mặn, ngọt và cả nước lợ.[9] Mùa nước mặn có nhiều tôm, cua, chù ụ, lịch củ, lịch huyết..., mùa nước ngọt thì có nhiều cá lóc, cá rô, cá trê, lươn,[9]...Đầm là nơi sinh sống của các loại thủy sản khác như cá ngát, cá chẽm, cá vược, cá vồ chó, cá dứa,...đặc biệt nhiều nhất là cá vồ chó.[8]

Cư dân sinh sống quanh đầm chủ yếu bằng nguồn lợi thủy hải sản khai thác được từ đầm này, nhưng do đánh bắt với tần suất cao và vô tội vạ, nguồn lợi thủy sản trên đầm đã cạn kiệt.[9] Người dân lại bao ví nuôi sò huyết số lượng lớn.[5] Việc nuôi sò huyết trên quy mô lớn ở đầm được đánh giá là đe dọa hệ sinh thái tự nhiên[10] vì nước cần mặn hóa thường xuyên để nuôi chúng nên đầm Thị Tường gần như mặn quanh năm.[9]

Quy hoạch phát triển

UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất quy hoạch Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Tường.[5] Năm 2018, chính sách của chính quyền địa phương là di dời sò huyết nuôi, tháo dỡ công trình xây dựng, công trình phục vụ khai thác và nuôi trồng thủy sản, trả lại hiện trạng tự nhiên của đầm Thị Tường. Chính quyền tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn, không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm hoặc xây dựng công trình để kinh doanh du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản trái phép.[10][11] Đến tháng 6 năm 2018, theo báo cáo của chính quyền các huyện, trên địa bàn huyện Phú Tân còn 26 trường hợp cất chòi canh, bao ví 129 ha nuôi trồng thủy sản; tại huyện Trần Văn Thời còn 47 trường hợp, cất 11 ngôi nhà, 64 chòi canh giữ nuôi trồng thủy sản.[12] Riêng Hợp tác xã Đầm Thị Tường, ngày 26 tháng 10 năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau đề nghị Hợp tác xã này thực hiện đúng yêu cầu về việc di dời nhà hàng ra khỏi đầm Thị Tường đúng thời gian quy định. Và cho biết, việc thuê 200 ha mặt nước nuôi thủy sản của Hợp tác xã là không đúng quy định, tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng là phù hợp nhưng yêu cầu nhà nước đầu tư xây dựng 1.000 m bờ kè ven đầm là không đúng chủ trương của tỉnh.[3]

Đầm Thị Tường được chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng các dự án, mô hình,...bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản như:

Dự án xây dựng Khu bảo tồn thủy sản đầm Thị Tường[13] thuộc Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau. Khu bảo tồn dự trữ thiên nhiên Đầm Thị Tường sẽ được chia thành 3 phân khu, gồm: Phân khu chức năng hành chính dịch vụ, phân khu chức năng bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu chức năng phục hồi sinh thái với tổng diện tích quy hoạch gần 970 ha (9,7 km²).[13]

Mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản đầm Thị Tường – do Chương trình hỗ trợ ngành thủy sản Cà Mau (FSPS-II) thực hiện với sự hỗ trợ vốn của Hợp phần SCAFI.[14]

Chú thích

Liên kết ngoài