Aksai Chin

Aksai Chin (tiếng Trung: 阿克赛钦; bính âm: Ākèsàiqīn, Hán Việt: A Khắc Tái Khâm, Hindi: अक्साई चिन, tiếng Urdu: اکسائی چن) là một trong hai khu vực tranh chấp giữa Trung QuốcẤn Độ, ngoài Aksai Chin thì vùng tranh chấp còn lại Arunachal Pradesh. Trong hai vùng tranh chấp, Trung Quốc kiểm soát vùng Aksai Chin còn Arunachal Pradesh do Ấn Độ kiểm soát, là một đơn vị hành chính cấp bang của Ấn Độ.

Aksai Chin
Biên giới Ấn - Trung thể hiện Aksai Chin (अक्साई चिन)
Phồn thể阿克賽欽
Giản thể阿克赛钦

Tuy do Trung Quốc kiểm soát nhưng vùng tranh chấp Aksai Chin vẫn được Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, New Delhi xem nó như là một phần của lãnh thổ liên bang Ladakh. Đỉnh điểm trong cuộc tranh chấp hai vùng là năm 1962, giữa Trung Quốc và Ấn Độ có một cuộc chiến tranh nổ ra ở khu vực quanh biên giới hai nước, nhưng hai bên cũng nhanh đi đến hồi kết với việc Bắc Kinh và New Delhi cùng tôn trọng đường phân chia thực tế, có từ thời Đế quốc Anh còn thống trị Ấn Độ.

Vùng tranh chấp Aksai Chin được phía Trung Quốc sáp nhập và trở thành một phần của huyện Hotan (Khotan) thuộc địa khu Hotan (Khotan), khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.[1]

Nguồn gốc tên gọi

Nguyên từ "Aksai Chin", có thể bắt nguồn từ tiếng Turk, với nghĩa là "Suối trắng". Toàn bộ khu vực này đều là sa mạc, nằm trên một độ cao tương đối lớn so với mực nước biển, trong sa mạc này tồn tại những hồ muối có cao độ từ 4800m đến 5500m so với mực nước biển.[2]

Địa lý

Bản đồ vùng Kashmir theo phân chia kiểm soát giữa Ấn Độ, Trung QuốcPakistan

Aksai Chin là một trong hai khu vực biên giới tranh chấp có kích thước lớn nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ yêu sách Aksai Chin là bộ phận cực đông của lãnh thổ liên bang Ladakh. Trung Quốc yêu sách rằng Aksai Chin là bộ phận của Khu tự trị Tân Cương. Đường phân chia khu vực do Ấn Độ kiểm soát của Ladakh với Aksai Chin được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) và đồng quy với đường yêu sách Aksai Chin của Trung Quốc.

Aksai Chin có diện tích khoảng 37.244 kilômét vuông (14.380 dặm vuông Anh). Lãnh thổ phần lớn là một hoang mạc rộng có độ cao lớn, với điểm thấp (trên Sông Karakash) là khoảng 4.300 m (14.100 ft) trên mực nước biển. Tại phía tây nam, các dãy núi cao đến 7.000 m (23.000 ft) kéo dài về phía đông nam từ Bình nguyên Depsang tạo thành biên giới thực tế giữa Aksai Chin và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Tại phía bắc, Dãy núi Côn Lôn chia tách Aksai Chin khỏi Bồn địa Tarim, phần còn lại của Huyện Hotan thuộc bồn địa này.

Aksai Chin có một số lòng chào nội lục với nhiều hồ muối hoặc hồ kiềm. Các hồ muối lớn như Surigh Yilganning Kol, Tso tang, Aksai Chin, Hongshan. Phần lớn phần phía bắc của Aksai Chin được gọi là bình nguyên kiềm, nằm gần sông lớn nhất của Aksai Chin là Karakash, nó nhận được nước tan chảy từ một số sông băng, chạy qua Côn Luân xa về tây bắc, tại huyện Bì Sơn và tiến vào Bồn địa Tarim, nó là một trong các nguồn cung cấp nước chính của các huyện Karakax và Hotan.

Aksai Chin có độ cao lớn, khí hậu núi cao. Tại Kangxiwa, nhiệt độ bình quân năm là -0,6 °C, nhiệt độ bình quân tháng 1 là -11,3 °C, nhiệt độ bình quân tháng 7 là 9,8 °C, mỗi năm có 10 ngày không có sương giá. Aksai Chin nằm tại vùng bóng mưa, gió mùa tây nam rất khó vượt qua Dãy Himalaya để thổi đến, dòng khí phía tây cũng khó vượt qua Dãy Karakorum và Tây Côn Luân, quan trắc thực tế cho thấy lượng giáng thủy bình quân năm không quá 100 mm, Kangxiwa là 36mm, điểm thiên văn là 47 mm.

Cư dân

Ngoài binh sĩ quân đội Trung Quốc, cư dân Aksai Chin tại hầu hết lãnh thổ là thành viên của các nhóm du mục như Bakarwal, họ định kỳ vượt qua khu vực, Điểm dân cư được biết đến nhất là thị trấn Điềm Thủy Hải 甜水海 và Thiết Long Than 铁隆滩.

Lịch sử

Aksai nằm trên độ cao 5.000 mét (16.000 ft), ở thế cô độc nên không quan trọng về con người ngoại trừ nằm trên tuyến mậu dịch cổ đại, cung cấp một tuyến đường tạm thời vào mùa hè cho các đoàn buôn giữa Tân Cương và Tây Tạng.[3]

Một trong các hiệp ước sớm nhất về biên giới tại phần phía tây được ký kết vào năm 1842. Liên bang Sikh tại vùng Punjab thuộc Ấn Độ đã sáp nhập Ladakh vào bang Jammu trong năm 1834. Năm 1841, họ đem quân xâm chiếm Tây Tạng. Quân Thanh đánh bại quân Sikh và lần lượt tiến vào Ladakh và bao vây Leh. Sau khi bị quân Sikh chặn lại, người Trung Quốc và người Sikh ký kết một hiệp định vào tháng 9 năm 1842, quy định không xâm nhập hoặc quấy nhiễu biên giới của nước khác.[4] Anh đánh bại người Sikh vào năm 1846, dẫn đến chủ quyền đối với Ladakh về tay người Anh, và các ủy viên người Anh nỗ lực gặp các quan chức Trung Quốc để thảo luận biên giới giữa họ. Tuy nhiên, hai phía có vẻ đủ thỏa mãn với biên giới truyền thống được công nhận và xác định theo các yếu tố tự nhiên, và biên giới không được phân định.[4] Biên giới ngoài các điểm cực của Aksai Chin gần Hồ Pangong và gần Đèo Karakoram được xác định rõ, song khu vực Aksai Chin nằm giữa thì không được xác định.[3][5]

Đường Johnson

Một công chức của Cục Đo đạc Ấn Độ là William Johnson đề xuất "Đường Johnson" vào năm 1865, đặt Aksai Chin thuộc Kashmir.[6] Đương thời đang xảy ra khởi nghĩa của người Hồi chống nhà Thanh, nhà Thanh không kiểm soát được phần lớn Tân Cương, do đó đường này chưa từng được trình cho Trung Quốc.[6] Johnson trình đường này cho Maharaja (quân chủ) của Kashmir, ông sau này yêu sách 18.000 km² trong đó,[6] và thêm một số lãnh thổ xa về phía bắc đến Đèo Sanju thuộc Dãy núi Côn Lôn. Công trình của Johnson bị chỉ trích nghiêm khắc do sai lệch hiển nhiên, biên giới ông vẽ ra bị mô tả là "vô lý hiển nhiên".[7] Johnson bị Chính phủ Anh khiển trách và phải từ chức khỏi Cục Đo đạc Ấn Độ.[6][7][8] Maharajah của Kashmir cho xây một công sự tại Shahidulla (nay là Xaidulla), và cho binh sĩ đồn trú tại đó một số năm để bảo vệ các đoàn buôn.[9] Cuối cùng, hầu hết các nguồn đưa Shahidulla và thương du Sông Karakash vào lãnh thổ Tân Cương một cách chắc chắn. Theo lời Francis Younghusband, người khám phá khu vực vào cuối thập niên 1880, chỉ có một công sự bỏ hoang và không có nhà ở nào tại Shahidulla khi ông ở đó - chỉ có một điểm dừng chân tiện lợi và một hành dinh tiện lợi cho người Kyrgyz du mục.[10] Công sự bỏ hoang có vẻ được người Kashmir xây một vài năm trước đó.[11] Năm 1878, nhà Thanh tái chinh phục Tân Cương, và đến năm 1890 họ đã có được Shahidulla trước khi vấn đề được giải quyết.[6] Đến năm 1892, Trung Quốc đã dựng mốc giới tại Đèo Karakoram.[7]

Năm 1897, một sĩ quan quân đội Anh là John Ardagh trình một đường biên giới dọc theo đỉnh của Dãy núi Côn Lôn phía bắc Sông Yarkand.[9] Đương thời, Anh Quốc quan tâm đến mối nguy Nga bành trướng do Trung Quốc suy yếu, và Ardagh lập luận rằng đường của ông có thể phòng thủ được. Đường Ardagh thực tế là phiên bản sửa đổi của Đường Johnson, và được gọi là "Đường Johnson-Ardagh".

Đường Macartney–Macdonald

Năm 1893, một quan chức cấp cao của nhà Thanh tại Kashgar đưa biên giới do Trung Quốc đề xuất cho Tổng lãnh sự Anh tại Kashgar là George Macartney.[12] Biên giới này đưa Bình nguyên Lingzi Tang nằm ở phía nam Dãy Laktsang thuộc về Ấn Độ, còn Aksai Chin ở phía bắc Dãy Laktsang thuộc về Trung Quốc. Macartney chấp thuận đề xuất này và chuyển tiếp nó đến chính phủ Ấn Độ thuộc Anh. Biên giới này dọc theo Dãy núi Karakoram, được các quan chức Anh đề xuất và ủng hộ do một số nguyên nhân. Dãy núi Karakoram tạo thành một biên giới tự nhiên, sẽ xác định biên giới của người Anh đến lưu vực Sông Ấn trong khi để lưu vực của Sông Tarim cho Trung Quốc kiểm soát, và Trung Quốc kiểm soát dải này sẽ gây ra trở ngại hơn nữa cho bước tiến của Nga tại Trung Á.[8] Người Anh trình đường này, mang tên Đường Macartney–MacDonald cho Trung Quốc vào năm 1899 trong một công hàm của Claude MacDonald. Nhà Thanh không phản hồi công hàm, và người Anh cho rằng Trung Quốc mặc nhận.[6] Mặc dù chưa từng đàm phán chính thức, song Trung Quốc tin rằng đây là biên giới được chấp thuận.[1][13]

1899 đến năm 1947

Cả hai đường Johnson-Ardagh và Macartney-MacDonald đều được sử dụng trong các bản đồ của Anh về Ấn Độ.[6] Cho đến ít nhất là năm 1908, người Anh lấy đường Macdonald làm biên giới,[14] song đến năm 1911, Cách mạng Tân Hợi bùng phát khiến quyền lực trung ương tại Trung Quốc sụp đổ, và đến cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất, người Anh chính thức sử dụng Đường Johnson. Tuy nhiên, họ không có bước đi nào để xây dựng các tiền đồn hoặc xác nhận kiểm soát thực tế trên thực địa.[7] Năm 1927, đường lại được điều chỉnh do chính phủ Ấn Độ thuộc Anh bỏ đường Johnson để chọn đường dọc theo dãy Karakoram xa về phía nam.[7] Tuy nhiên, các bản đồ không được cập nhật và vẫn thể hiện Đường Johnson.[7]

Từ năm 1917 đến năm 1933, Tập bản đồ bưu chính Trung Quốc do Chính phủ Trung Quốc xuất bản thể hiện biên giới tại Aksai Chin theo Đường Johnson, chạy dọc Dãy núi Côn Lôn.[12][13] Bản đồ Đại học Bắc Kinh xuất bản năm 1925 cũng đặt Aksai Chin trong Ấn Độ.[15] Khi các quan chức Anh biết được việc quan chức Liên Xô trắc địa Aksai Chin cho quân phiệt Thịnh Thế Tài tại Tân Cương vào năm 1940-1941, họ lại chủ trương Đường Johnson.[6] Lúc này, người Anh vẫn không có nỗ lực nào để lập các tiền đồn hoặc kiểm soát Aksai Chin, cũng chưa từng thảo luận vấn đề với chính phủ Trung Quốc hay Tây Tạng, và biên giới vẫn chưa được phân định khi Ấn Độ độc lập.[6][7]

Từ năm 1947

Khi độc lập vào năm 1947, chính phủ Ấn Độ sử dụng Đường Johnson làm cơ sở cho biên giới chính thức của họ tại phía tây, bao gồm Aksai Chin.[7] Từ Đèo Karakoram (không bị tranh chấp), Ấn Độ yêu sách đường kéo dài về phía đông bắc của Dãy Karakoram qua các miền đất muối bằng phẳng của Aksai Chin, định ra một biên giới tại Dãy núi Côn Lôn, và hợp nhất một bộ phận lưu vực của Sông Karakash và Sông Yarkand. Từ đó, nó chạy dọc phía đông Dãy núi Côn Luân, trước khi đổi hướng tây nam qua các miền đất muối bằng phẳng Aksai Chin, qua Dãy Karakoram, và sau đó đến Hồ Panggong.[3]

Ngày 1 tháng 7 năm 1954, Thủ tướng Jawaharlal Nehru viết một bị vong lục chỉ thị rằng các bản đồ Ấn Độ được tái xét để thể hiện chi tiết toàn bộ biên giới. Trước thời điểm đó, biên giới tại khu vực Aksai Chin, dựa theo Đường Johnson, được mô tả là "chưa phân định."[8]

Trong thập niên 1950, Trung Quốc xây dựng một tuyến đường bộ dài 1.200 km liên kết Tân Cương và miền tây của Tây Tạng, trong đó có 179 km chạy phía nam Đường Johnson qua khu vực Aksai Chin mà Ấn Độ yêu sách.[3][6][7] Aksai Chin dễ tiếp cận đối với Trung Quốc, song khó hơn đối với người Ấn Độ từ bên kia Dãy Karakoram.[3] Người Ấn Độ không biết con đường này tồn tại cho đến năm 1957, đường này được xác nhận trong các bản đồ của Trung Quốc phát hành năm 1958.[16]

Lập trường của Ấn Độ theo lời Thủ tướng Nehru là Aksai Chin là "bộ phận của khu vực Ladakh thuộc Ấn Độ trong nhiều thế kỷ" và rằng biên giới phía bắc này là một "thứ kiên định và rõ ràng không tiến hành thảo luận với bất kỳ ai".[3]

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai lập luận rằng biên giới phía tây chưa từng được phân định, rằng Đường Macartney-MacDonald có nội dung để Aksai Chin trong biên giới Trung Quốc là đường duy nhất từng được trình cho một chính phủ Trung Quốc, và Aksai Chin đã nằm dưới quyền tài phán của Trung Quốc, và các đàm phán cần diễn ra trên cơ sở nguyên trạng.[3]

Dải Ngoại Karakoram

Đường Johnson không được sử dụng phía tây Đèo Karakoram, là nơi Trung Quốc liền kề với Gilgit–Baltistan do Pakistan kiểm soát. Ngày 13 tháng 10 năm 1962, Trung Quốc và Pakistan bắt đầu đàm phán về biên giới phía tây Đèo Karakoram. Năm 1963, hai quốc gia xác định biên giới của họ phần lớn trên cơ sở Đường Macartney-MacDonald, theo đó để Dải Ngoại Karakoram trong Trung Quốc, song thỏa thuận cũng quy định tái đàm phán trong trường hợp giải quyết tranh chấp Kashmir. Ấn Độ không công nhận Pakistan và Trung Quốc có biên giới chung, và yêu sách dải đất là bộ phận của lãnh địa Kashmir và Jammu trước năm 1947. Tuy nhiên, đường yêu sách của Ấn Độ tại khu vực này không kéo dài xa về phía bắc của Dãy Karakoram như Đường Johnson.[3]

Tầm quan trọng chiến lược

Quốc đạo 219 của Trung Quốc chạy qua Aksai Chin, liên kết Tân Cương và Tây Tạng. Mặc dù khu vực gần như không thể cư trú và không có tài nguyên, song nó giữ tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc vì liên kết hai khu tự trị trên. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1951 và đường hoàn thành vào năm 1957. Việc xây dựng tuyến đường là một trong các nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Đường được trải lại lần đầu tiên sau 50 năm và hoàn thành vào năm 2013.[17]

Liên kết ngoài

Tham khảo