Bánh mì thanh long

một biến tấu làm từ trái thanh long của bánh mì Việt Nam

Bánh mì thanh long là một loại bánh mì làm từ quả thanh long, do doanh nhân kiêm đầu bếp Kao Siêu Lực sáng tạo nhằm giải cứu nông sản trong đại dịch COVID-19.[1][2][3][4] Loại bánh này sử dụng hỗn hợp bột bằng sinh tố thanh long thay cho nước để cho ra lớp vỏ màu hồng tươi. Khi mới ra mắt, món ăn đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ người tiêu dùng,[5] khiến chuỗi cửa hàng của Kao Siêu Lực phải nâng mức sản xuất lên 20.000 ổ bánh mì thanh long mỗi ngày chỉ trong thời gian ngắn.[6] Ngoài ra, nhiều công thức chế biến thực phẩm làm từ thanh long còn bắt nguồn từ loại bánh này, nổi bật trong số đó là món burger của hãng KFC.

Bánh mì thanh long
Một ổ bánh mì thanh long
LoạiBánh mì
BữaBữa ăn nhẹ
Sáng tạo bởiKao Siêu Lực
Năm sáng chế2020
Nhiệt độ dùngBình thường
Thành phần chínhBột mì, thanh long, phụ gia

Nguồn gốc

Bối cảnh

Đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam khiến ngành nông nghiệp nước này phải hứng chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều loại nông sản như dưa hấu, thanh long, sầu riêng, mít, ớt, bắp cải... bị tồn đọng với số lượng lớn, không tiêu thụ được vì xuất khẩu bị đình trệ. Đồng thời, giá bán của các loại nông sản này cũng sụt giảm nghiêm trọng.[1][7] Khi đó, những cuộc giải cứu thanh long liên tiếp được phát động nhưng không đạt được kết quả khả quan do lượng tồn quá lớn, nhu cầu thị trường nội địa giảm mạnh vì dịch.[8]

Sáng chế

"Thanh long vốn chỉ bán thô trước đó. Tôi sử dụng trái thanh long ruột đỏ nên khi đưa nguyên liệu này vào, bánh mì có màu đỏ tự nhiên, thể hiện được tính đặc sắc của trái thanh long và chứa đựng nhiều dinh dưỡng, an toàn về vệ sinh thực phẩm."

– Kao Siêu Lực chia sẻ với phóng viên báo PLO[9]

Trước tình hình ấy, Tổng Giám đốc Công ty bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) Kao Siêu Lực đã cùng đội ngũ nhân viên nghiên cứu thử nghiệm công thức bánh mì thanh long ruột đỏ, sau đó tung sản phẩm ra thị trường. Kao Siêu Lực kể rằng, hai tuần trước khi đi miền Tây, ông đã dừng chân hỏi chuyện rồi nghe nông dân than không bán được thanh long do ảnh hưởng của COVID-19, từ đó ông nảy ra ý tưởng tạo ra loại bánh mì mới làm từ thanh long.[10][11][12] “Vì thanh long vừa có đường trái cây, vừa có vị chua đặc trưng nên phải thay đổi lại công thức, nhiệt độ nướng hạ xuống và thời gian nướng dài thêm, thêm muối vào công thức. Sau vài lần thất bại và 3 ngày thử nghiệm, mẻ bánh mì thanh long đã ra đời thành công”, ông Lực chia sẻ.[13] Ở giai đoạn thử nghiệm, mỗi ngày ABC Bakery chỉ cho ra lò 150 ổ bánh mì thanh long.[14] Ngoài ra, món bánh còn ra đời vào đúng thời điểm Việt Nam vừa hết đợt cách ly do dịch bệnh.[10]

Sau khi chào bán, món ăn đã nhận được sự ủng hộ từ phía thực khách. Ban đầu, một ngày ABC làm 300 kg thanh long, 3 ngày sau tăng lên 1 tấn/ngày, rồi 10 ngày sau tăng lên 2,5 tấn/ngày. Cùng với đó, giá thanh long mà nông dân bán ra cũng tăng lên từ 4.000 đồng/kg lên 25.000/kg.[10] Hiện ABC Bakery đã cho ra mắt bốn loại bánh từ trái thanh long: bánh mì baguette, bánh mì thanh long phô mai núi lửa, bánh mì ngọt khoai môn thanh long cùng bánh kem thanh long.[15][16][17] Nối tiếp thành công này, Kao Siêu Lực tiếp tục sáng tạo ra bánh mì thanh long nhân sầu riêng 6 Ri. Công thức bánh mì này ông làm thí nghiệm trong 2 ngày đã thành công.[8][18]

Chế biến

"Tôi muốn cả nước cùng làm bánh mì thanh long, cùng san sẻ với người nông dân, chứ không riêng ABC"

– Lời đáp của Kao Siêu Lực sau khi được hỏi về việc chia sẻ công thức món bánh mì thanh long[12]

Kao Siêu Lực đã quyết định công bố công thức làm món bánh mì này để mọi người có thể giải cứu thanh long khỏi cảnh rớt giá.[19][20] Theo đó, thanh long ruột đỏ sau khi sơ chế, lột vỏ sẽ được nghiền nát rồi cấp đông để thay thế một lượng nước khi nhào bột. Đồng thời, 80% lượng nước trong mẻ bột bánh mì được thay thế bằng 60% lượng thanh long xay nhuyễn. Tuy nhiên, do thanh long vừa có đường vừa có vị chua tự nhiên, nên ông cùng đội ngũ phải thử nghiệm và gia giảm các gia vị để cho ra hương vị bánh mì dễ ăn hơn.[15] Đường từ quả thanh long thay thế cho đường trắng nên ổ bánh mì có màu sậm hơn, đặc biệt ngọt thanh và dẻo thơm hơn bánh mì bình thường.[21][22] Khi còn nóng, bánh có vỏ giòn nhưng sẽ mềm đi nhanh chóng nếu ở ngoài không khí từ 1 – 2 tiếng, vì đây là loại bánh mì đặc ruột.[15]

Nhân viên cửa hàng ABC Bakery cũng cho biết công đoạn chọn thanh long, tạo bột, nhào bột... phải làm bằng tay nên tốc độ để ra lò một mẻ bánh mì hơn 100 cái phải tốn từ 15 – 20 phút.[23]

Đón nhận

Sau khi ra mắt, bánh mì thanh long đã nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các thực khách không chỉ bởi hiếu kỳ và mức giá phổ thông mà còn bởi giá trị nhân văn.[24][25][26] Theo ghi nhận vào thời gian đầu mở bán, nhiều người phải đứng xếp hàng để có thể mua được món ăn này. Dù mỗi ngày sản xuất tầm 20.000 ổ nhưng do nhiều lúc không đủ bán, nên chuỗi phải giới hạn lượng bánh khách được mua là 5 chiếc/người,[23] không được đặt trước vì không có hàng dự trữ và để chia sẻ cho nhiều người cùng thưởng thức.[15] Loại bánh này hiện đang được bán phổ biến ở nhiều nơi,[22][27][28] cũng như tại nhiều chuỗi siêu thị khác nhau.[29][30][31] Đối với loại bánh nhân sầu riêng 6 Ri, dù có giá thành cao hơn gấp bốn lần nhưng vẫn được săn đón hơn cả.[8][32]

Kể từ khi công thức làm món bánh được công bố thì nhiều người đã hưởng ứng và làm theo.[29] Hơn nữa, một số biến tấu lấy cảm hứng từ món ăn cũng xuất hiện, chẳng hạn như bánh pizza, bánh bao, xôi,[33][34][35][36] hoành thánh,[37] , bánh tráng...[38]

Theo sau thành công của loại bánh này, chi nhánh KFC ở Việt Nam đã cho ra mắt món burger với lớp bánh làm từ quả thanh long.[39][40] KFC tiết lộ rằng họ phát triển loại bánh này cũng vì mục đích hỗ trợ nông dân Việt Nam giải cứu thanh long. Thực chất, món này chỉ được thay thế lớp vỏ bánh, còn phần nhân thì vẫn giữ nguyên như 3 loại burger truyền thống của hãng.[39]

Đánh giá

Nhiều thực khách đưa ra nhận xét rằng bánh mì thanh long nóng, giòn, thơm và có vị ngọt thanh, hạt thanh long lẫn vào giòn và ngậy như hạt mè đen.[11][41][42] Số khác lại cảm thấy món ăn có vị ngọt tự nhiên, thơm và thời gian giòn lâu hơn bánh mì bình thường.[26] Khi ăn liền ngay tại cửa hàng, nhiều người cho biết nếu thưởng thức ngay sẽ giòn tan, có vị chua rất ít và dễ chịu, nhưng màu sắc thì lạ và đẹp hơn hẳn so với loại bánh thông thường.[23] Thực khách khi mua về có thể chấm bánh với sữa đặc hoặc ăn kèm patê, xúc xích, phô mai... giống như bánh mì thường.[21][43] Khi Kao Siêu Lực đưa bánh mì thanh long cho nhiều người ăn thử, họ nói bánh ăn với bò kho ngon, lạ nhưng lại bén về vị.[9] Ngoài sự đón nhận từ khách hàng Việt Nam, món ăn còn được nhiều người nước ngoài ca ngợi.[34]

Do xếp hàng lâu nhưng không kịp mua bánh mì thanh long, một số khách hàng cho rằng cửa hàng cố tình đưa ra số lượng bánh mì loại 6.000 đồng/ổ ít hơn để bán loại bánh mì thanh long khoai môn với giá cao.[a] Tuy nhiên, đại diện của ABC Bakery trả lời rằng sản lượng của bánh mì khoai môn thanh long và bánh mì phô mai thanh long chỉ chiếm 10% mỗi loại so với sản lượng của bánh mì thanh long loại thông thường.[23]

Từ việc lấy thanh long làm bánh mì, Cổng thông tin điện tử Tiền Giang đã trích lời một chuyên gia kinh tế để nhận định rằng giải cứu nông sản chỉ là giải pháp tình thế và không thể kéo dài mãi, đồng thời nêu ra một số phương hướng để khắc phục vấn đề trên.[44] Ngược lại, Báo Quảng Ngãi lại cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng trong hành trình tìm giải pháp để giải cứu nông sản Việt.[16] Tạp chí Tài chính cho biết "Khi mới nếm thử, bánh mì có vị mặn hơn bánh mì trắng nhưng thơm ngọt mùi trái cây tự nhiên. Nếu nhai kỹ, những hạt thanh long sẽ cho hương vị bùi như mè rang, nhưng ít thơm hơn. Đến hậu vị, người ăn sẽ cảm nhận được vị chua dịu đặc trưng của trái thanh long ruột đỏ. Vì đã qua chế biến nên mùi thanh long sẽ không còn đậm nữa" cũng như khuyên thực khách nên thưởng thức bánh cùng với sữa hoặc các đồ ăn kèm có vị ngọt hơn là ăn với đồ mặn.[15] Cây bút Kate Taylor của tờ Business Insider đã đích thân mua món bánh và đưa ra lời nhận xét "Chiếc bánh có màu hồng đáng kinh ngạc. Mặc dù được sáng tạo ra để giải cứu nông sản trong đại dịch, nhưng nó cũng là một tác phẩm thích hợp để đăng lên Instagram. Loại bánh mì này không phải dùng để “thổi phồng” trên phương tiện truyền thông xã hội. Hương vị của nó ngon một cách hợp lý, với lớp vỏ ngoài giòn tan, còn bên trong thì thanh mát, đầy hương vị."[6][45]

Ghi chú

Tham khảo

Liên kết ngoài