Bến Tranh

Bến Tranh là tên một quận cũ thuộc tỉnh Mỹ Tho và sau đó thuộc tỉnh Định Tường (ngày nay là tỉnh Tiền Giang).

Nguồn gốc địa danh

Ban đầu, địa danh Bến Tranh chỉ là tên một ngôi chợ tại thôn Lương Phú (sau này là làng Lương Phú) thuộc tỉnh Định Tường và sau đó là tỉnh Mỹ Tho. Sau này, thực dân Pháp thành lập quận và đặt tên là quận Bến Tranh do lấy theo tên gọi Bến Tranh vốn là nơi đặt quận lỵ. Tuy nhiên, về sau thực dân Pháp hợp nhất ba làng Lương Phú, Long Hòa và An Lạc thành một làng mới, lấy tên là Lương Hòa Lạc. Kể từ đó, quận lỵ Bến Tranh thuộc địa bàn làng Lương Hòa Lạc và sau năm 1956 gọi là xã Lương Hòa Lạc.

Lịch sử hành chính

Thời Pháp thuộc

Ngày 9 tháng 2 năm 1913, chính quyền thực dân Pháp thành lập quận Bến Tranh thuộc tỉnh Mỹ Tho, xứ Nam Kỳ thuộc Pháp (ngày nay thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam) trên cơ sở tách đất từ quận Châu Thành và quận Chợ Gạo cùng tỉnh. Ban đầu, quận Bến Tranh có 3 tổng là Thạnh Quơn, Hưng Nhơn và Hưng Nhượng:

  • Tổng Thạnh Qươn gồm 13 làng: Lương Phú, Long Hòa, An Lạc, Thanh Xuân, Bình Dương, Phú Kiết, Mỹ Trung, Tịnh Hà, An Khương, Nhựt Tân, Bình Cách, Song Thạnh, Trung Hòa;
  • Tổng Hưng Nhơn gồm 13 làng: Hưng Thạnh, Mỹ Điền, Phước Lộc, Phú Mỹ, Tân Hội Đông, Tân Hội Tây, Dương Hòa, Tân Thành, Tân Lý Đông, Tân Lập, Long Định, Định Hòa, Nhị Bình;
  • Tổng Hưng Nhượng gồm 6 làng: Tân Hương, Tân Hương Tây, Tân Hiệp, Tân Lý Tây, Hòa Mỹ, Tịnh Giang.

Ngày 1 tháng 1 năm 1928, thực dân Pháp giải thể quận Bến Tranh. Tổng Thạnh Quơn (6 làng) chuyển qua quận Chợ Gạo. Tổng Hưng Nhơn (còn 7 làng) chuyển qua quận Châu Thành. Tổng Hưng Nhượng (còn 3 làng) do quá ít nên nhập vào tổng Hưng Nhơn thuộc quận Châu Thành, duy nhất làng Hòa Tịnh (hợp nhất Hòa Mỹ và Tịnh Giang) được nhập vào tổng Thạnh Quơn thuộc quận Chợ Gạo.

Thực dân Pháp chủ trương tiết kiệm ngân sách nên từ năm 1905 đến năm 1933 đã có nhiều lần sáp nhập các đơn vị hành chánh cơ sở (làng), do vậy, vào năm 1945, nếu so sánh với giai đoạn trước thì tổng số làng trong tỉnh Mỹ Tho nói chung và quận Bến Tranh nói riêng đã giảm.

Sau nhiều lần sáp nhập và thành lập các làng mới, đến cuối năm 1933 địa bàn hai tổng Thạnh Qươn và Hưng Nhơn (trước năm 1928 cùng thuộc quận Bến Tranh cũ) thuộc tỉnh Mỹ Tho có các làng trực thuộc với các tên gọi mới như sau:

  • Tổng Hưng Nhơn gồm 10 làng: Hưng Thạnh Mỹ (hợp nhất Hưng Thạnh, Mỹ Điền và Phước Lộc), Phú Mỹ, Tân Hội Đông, Tân Hòa Thành (hợp nhất Tân Hội Tây, Dương Hòa và Tân Thành), Tân Lý Đông (sáp nhập Tân Lập vào Tân Lý Đông), Long Định (sáp nhập Định Hòa vào Long Định), Nhị Bình, Tân Hương (sáp nhập Tân Hương Tây vào Tân Hương), Tân Hiệp, Tân Lý Tây;
  • Tổng Thạnh Qươn gồm 7 làng: Lương Hòa Lạc (hợp nhất Lương Phú, Long Hòa và An Lạc), Thanh Bình (hợp nhất Thanh Xuân và Bình Dương), Phú Kiết, Mỹ Tịnh An (hợp nhất Mỹ Trung, Tịnh Hà và An Khương), Tân Bình Thạnh (hợp nhất Nhựt Tân, Bình Cách và Song Thạnh), Hòa Tịnh (hợp nhất Hòa Mỹ và Tịnh Giang), Trung Hòa.

Thời Việt Nam Cộng hòa

Quận Bến Tranh thuộc tỉnh Mỹ Tho được chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập vào ngày 21 tháng 7 năm 1956 theo Nghị định số 38-BNV của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa. Quận lỵ đặt tại xã Lương Hòa Lạc (trước đó thuộc quận Chợ Gạo), vốn là nơi đặt chợ Bến Tranh. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Định Tường theo Sắc lệnh 143-NV trên phần đất tỉnh Mỹ Thotỉnh Gò Công cũ. Quận Bến Tranh thuộc tỉnh Định Tường trong suốt giai đoạn 1956-1975.

Năm 1957, quận Bến Tranh gồm 2 tổng Thanh Quơn và tổng Hưng Nhơn:

  • Tổng Hưng Nhơn gồm 9 xã: Hưng Thạnh Mỹ, Tân Hội Đông, Tân Lý Tây, Tân Lý Đông, Tân Hương, Tân Hiệp, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hoà Thanh, Phú Mỹ.
  • Tổng Thạnh Quơn gồm 7 xã: Lương Hoà Lạc, Hoà Tịnh, Mỹ Tịnh An, Phú Kiết, Tân Bình Thạnh, Thanh Bình, Trung Hoà.

Ngày 5 tháng 12 năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Nghị định số 352-BNV/HCNĐ của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, dời quận lỵ quận Bến Tranh từ xã Lương Hoà Lạc đến xã Tân Hiệp (trước đó thuộc quận Châu Thành). Sau năm 1965, cấp tổng bị giải thể, các xã trực thuộc quận. Về sau, xã Hưng Thạnh Mỹ được giao về cho quận Long Định (từ năm 1969 đổi tên thành quận Sầm Giang) quản lý. Quận Bến Tranh còn lại 15 xã trực thuộc cho đến năm 1975.

Về phía chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau này là Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khu vực quận Bến Tranh trong giai đoạn 1956-1975 vẫn do hai huyện Châu ThànhChợ Gạo cùng thuộc tỉnh Mỹ Tho quản lý.

Khu vực quận Bến Tranh ngày nay là một phần của các huyện Châu Thành, Chợ GạoTân Phước cùng thuộc tỉnh Tiền Giang. Ngoài ra, hiện nay Bến Tranh vẫn còn là tên một ngôi chợ tại xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Dự kiến đến năm 2020 sẽ thành lập thị trấn Bến Tranh trên toàn bộ diện tích và dân số xã Lương Hòa Lạc hiện nay.

Tham khảo