Biểu tình Cuba 2021

Biểu tình Cuba 2021 là cuộc biểu tình đang diễn ra chống lại chính quyền Cuba và Đảng Cộng sản Cuba đang cầm quyền, bắt đầu từ ngày 11 tháng 7 năm 2021 trong tình trạng thiếu lương thực và thuốc men ảnh hưởng bởi tình hình đại dịch COVID-19 tại Cuba.[3][4][5] Cho tới ngày 14 tháng 7, một người đã được xác nhận đã chết trong cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.[2] Đây được miêu tả là cuộc biểu tình chống chính quyền lớn nhất tại Cuba kể từ phong trào Maleconazo năm 1994.[6][7][8]

Biểu tình Cuba 2021
Người dân xuống đường tại La Habana vào ngày 11 tháng 7
Ngày11 tháng 7 năm 2021–17 tháng 8 năm 2021
(2 năm, 8 tháng, 3 tuần và 6 ngày)
Địa điểm
Cuba, cùng nhiều cuộc biểu tình hưởng ứng khác tại nhiều địa phương khác
Nguyên nhân
Mục tiêu
  • Dân chủ hóa[1]
  • Lật đổ chế độ[1]
Hình thức
  • Tuần hành
Các phe trong cuộc xung đột dân sự

Người biểu tình chống chính quyền

  • Phong trào San Isidro
Nhân vật thủ lĩnh
Không có lãnh đạo trung ương Miguel Díaz-Canel
Salvador Valdés Mesa
Manuel Marrero Cruz
Esteban Lazo Hernández
Số lượng
Hàng nghìn người
Không biết
Thương vong
1 người biểu tình chết [2]

Chính phủ Cuba đã đáp trả các cuộc biểu tình bằng một cuộc đàn áp, thực hiện hàng trăm vụ bắt giữ và buộc tội ít nhất 710 người Cuba, bao gồm nổi loạn; một số người biểu tình đã bị kết án tù dài hạn trong các phiên tòa bị Tổ chức Ân xá Quốc tế, các nhà hoạt động và gia đình chỉ trích là không công bằng.[9][10] Do hậu quả của phản đối, chính phủ Cuba đã dỡ bỏ một số hạn chế nhập khẩu,[11] và chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với các quan chức Cuba.[12]

Bối cảnh

Sau Cách mạng Cuba do Fidel Castro lãnh đạo lật đổ chính quyền do Mỹ hậu thuẫn, Cuba đã biến thành một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa do Liên Xô hậu thuẫn và bị Hoa Kỳ cấm vận từ năm 1960. Tình trạng kinh tế từ Thời kỳ Đặc biệt đã bắt đầu suy giảm sau cuộc cách mạng 1989 và Cuba mất đi nguồn viện trợ từ Liên Xô. Các nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm gồm sự thiếu khả năng, tệ nạn quan liêu và những hình phạt thắt chặt của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton vào năm 1995 sau đó được Barack Obama nới lỏng vào năm 2015 nhưng được Donald Trump tái thiết lập vào năm 2017.[13] Một nỗ lực cải cách tiền tệ được tiến hành dẫn đến lạm phát cao, khiến người dân phải xếp hàng nhận mua lương thực.[13] Chính quyền Cuba quyết định tự phát triển vắc-xin COVID-19 thay vì mua từ nước ngoài dù quá trình này đã bị hoãn lại vài lần.[13] Khi các ca bệnh COVID-19 lan tràn, tỉnh Matanzas bị ảnh hưởng nhiều nhất với số ca tăng vọt; tình trạng này càng nặng hơn khi người dân phải đối đầu với tình trạng thiếu thốn lương thực và thuốc men.[14] Chính quyền trung ương đối phó bằng cách điều động thêm bác sĩ đến tỉnh này.[13]

Trong lúc khủng hoảng đang diễn biến, một chiến dịch sử dụng hashtag #SOSCUBA và #SOSMATANZAS được phát động trên mạng xã hội để quyên góp tiền bạc, y tế phẩm, lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho các khu vực chịu ảnh hưởng.[14] Don Omar, Ricardo Montaner, Alejandro Sanz, Nicky Jam, J Balvin, Daddy Yankee, Becky GMia Khalifa đã hưởng ứng chiến dịch này.[15] Chính quyền Cuba công nhận cuộc khủng hoảng và miêu tả nó là "rất phức tạp" nhưng từ chối mở đường hành lang nhân đạo và cho rằng đây chỉ là một âm mưu nhằm xuyên tạc tình hình.[16] Thay vào đó, chính quyền Cuba yêu cầu mọi khoản tiền quyên góp phải được đưa thẳng đến tài khoản của chính phủ qua ngân hàng nhà nước chỉ định dù ngân hàng này đang chịu án phạt từ Hoa Kỳ.[13][16]

Diễn biến

11 tháng 7

Ngày 11 tháng 7 năm 2021, ít nhất hai cuộc biểu tình tự phát đã nổi lên tại San Antonio de los Baños gần La Habana, và tại Palma Soriano ở tình Santiago de Cuba. Những người biểu tình hát bài Patria y Vida, vốn đã trở thành một biểu tượng cho sự chống đối chủ nghĩa Castro. Những video với hình ảnh người biểu tình hô to những khẩu hiệu "Tự do", "Đả đảo cộng sản", và "Chúng ta không sợ" cũng như những yêu cầu thuốc men, được đăng lên các mạng xã hội.[17][18] Những cơ quan truyền thông đối lập như Martí Noticias đã đăng nhiều đoạn video trên mạng xã hội cho thấy các cuộc biểu tình trên đường Malecón ở La Habana, Santiago, Santa Clara, Ciego de Ávila, Camagüey, Bayamo, Guantánamo, San José de las Lajas, Holguín, và Cárdenas.[19] Theo Orlando Gutiérrez, một nhà bất đồng chính kiến lưu vong thuộc tổ chức Asamblea de la Resistencia Cubana (Tụ họp Chống đối Cuba), đã có biểu tình tại hơn 15 thành thị khắp Cuba.[20] Gutiérrez yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ lãnh đạo một cuộc lực lượng quốc tế can thiệp vào để những người biểu tình không trở thành "nạn nhân của một cuộc tắm máu".[20][21][22] Phong trào San Isidro cũng đã kêu gọi người dân tuần hành đến đường Malecón ở La Habana.[17]

Miguel Díaz-Canel, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba

Chủ tịch nước kiêm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Díaz-Canel nói rằng cuộc cấm vận của Hoa Kỳ đối với Cuba và những hình phạt kinh tế là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn.[23][24] Ông cũng kêu gọi những người ủng hộ xuống đường tuần hành để đáp lại những cuộc biểu tình, và phát biểu "Lệnh đấu tranh đã được đưa ra, các nhà cách mạng hãy xuống đường" trong một buổi phát hình đặc biệt.[17][25] Chính quyền Cuba miêu tả những người biểu tình là "phản cách mạng".[26] Những người Cuba trẻ tuổi là thành phần chính của những người biểu tình trong khi những thế hệ lớn tuổi hơn thì đáp lại cuộc biểu tình bằng cách hỗ trợ chính quyền.[27]

Người biểu tình ủng hộ chính quyền ở Cienfuegos

Sau lời kêu gọi của Chủ tịch Díaz-Canel, khoảng 300 người ủng hộ chính quyền đã đến El Capitolio dẫn đến việc một người quay phim cho hãng thông tấn Associated Press (AP) bị những người này xô xát trong khi một người quay phim cho AP khác bị cảnh sát gây thương tích.[13] Phóng viên ảnh AP Ramon Espinosa cũng bị các nhà chức trách bắt giữ.[13] Các cư dân San Antonio cho biết cảnh sát đã trấn áp những người biểu tình và bắt giữ một số người tham gia.[28] Trong những đoạn video đăng trên mạng xã hội, người ta có thể thấy người biểu tình ném đá vào cảnh sát trong khi có lời báo cáo nhà chức trách đang hành hung người biểu tình.[13] Đến tối thì các cuộc biểu tình đã tiêu tan.[27]

Phóng viên người Cuba Yoani Sánchez tường trình rằng sau các cuộc biểu tình vào ngày 11 tháng 7 có nhiều người bị thương và hàng trăm người bị bắt giữ.[29][30]

12 tháng 7

Vào ngày 12 tháng 7, nhiều cuộc biểu tình mới tiếp tục diễn ra.[31][32] Một nhà báo từ tờ báo Tây Ban Nha ABC bị bắt giữ[33][34][35][36] và một nhóm người biểu tình đã phá hủy một hình vẽ có hình ảnh Fidel Castro.[32] Tổ chức theo dõi Internet NetBlocks báo cáo rằng các hệ thống mạng xã hội ở Cuba đã bắt đầu bị kiểm duyệt vào ngày 12 tháng 7, dù các mạng lưới VPN vẫn có thể vượt qua tường lửa của chính quyền[37] và trên đường phố La Habana có sự hiện diện của cảnh sát. Hàng tá phụ nữ tụ tập trước các trạm cảnh sát để hỏi về tung tích chồng, con hay họ hàng của họ đã bị bắt giữ hay mất tích trong những sự kiện hôm trước.[38] Sau khi bị cáo buộc về những người bị mất tích Díaz-Canel nói: "Họ đã đưa ra sự thật rằng tại Cuba chúng ta đàn áp, chúng ta giết người. Các vụ giết người Cuba ở đâu? Vụ đàn áp Cuba ở đâu? Những người mất tích ở Cuba đâu rồi?"[39]

Một cuộc họp giữa các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản trong đó có cựu Bí thư thứ nhất Raúl Castro được tổ chức, tại đó vấn đề biểu tình được đề cập và với kết luận rằng "những hành động khích động do các thành phần phản cách mạng cầm đầu, được tổ chức và cung cấp tài chính từ Mỹ với mục đích làm mất ổn địch, đã được phân tích".[40]

Cuối ngày, Díaz-Canel cũng cáo buộc Hoa Kỳ có một chính sách "bóp nghẹt kinh tế để gây ra bất ổn xã hội" tại Cuba.[41] Ngoại trưởng Bruno Rodríguez Parrilla cho rằng những người biểu tình là "kẻ phá hoại".[42]

13 tháng 7

Tổ chức phi chính phủ Cuba Decide ước tính năm người chết trong những cuộc biểu tình.[43] Trong lúc trả lời phỏng vấn trực tiếp với chương trình truyền hình Tây Ban Nha Todo es mentira, YouTuber kiêm nhà hoạt động Dina Stars bị cảnh sát Cuba bắt giữ.[44][45][46] Cô bị cáo buộc kích động biểu tình rồi được thả tự do. Cô nói "họ không tra tấn hay bắt cóc tôi."[47] Tại Miami, Florida, người biểu tình đã xuống đường để ủng hộ người biểu tình tại Cuba, làm tắc nghẽn Xa lộ Palmetto.[48]

14 tháng 7

Trang web CiberCuba đăng một đoạn video với nội dung được cho là một nhóm "Lính mũ đen", tức cảnh sát Cuba, xông vào nhà một người biểu tình rồi bắn anh ta trước mặt vợ con,[49] nhưng sau đó truyền thông Cuba cho thấy anh ta chỉ bị bắt giữ.[50] Theo tổ chức luật sư Cubalex, hơn 200 người đã bị bắt giữ và đến ngày 15 tháng 7 nhiều người vẫn chưa được thả.[51][52] Thứ trưởng Bộ nội vụ Jesús Manuel Burón Tabit đặt cầu hỏi về các quyết định của bộ cũng như Hội đồng An ninh là cho rằng dùng cảnh sát để trấn áp người biểu tình là quá mạnh tay;[53] chính phủ Cuba bác bỏ thông tin rằng ông đã từ chức sau phát biểu này.[54]

Để đối phó với tình trạng thiếu thốn, Phòng thương mại Cuba đã bỏ giới hạn nhập khẩu đối với một số sản phẩm vệ sinh, thuốc men, và thực phẩm - một trong những yêu sách của những người biểu tình. Chính phủ sẽ cho phép người nhập cảnh đem những thứ này vào từ ngày 19 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 mà không phải trả thuế quan.[55] Thêm vào đó, giám đốc các xí nghiệp quốc doanh được phép xác định lương nhân viên, và các doanh nghiệp tư nhân cỡ nhỏ và vừa được phép tổ chức. Chính phủ cũng tuyên bố sẽ cải thiện hệ thống điện sau khi Ngoại trưởng Bruno Rodríguez Parrilla quy vấn đề truy cập mạng vào điện lực; trước đó công ty viễn thông nhà nước ETECSA không giải thích nguyên nhân cho vấn đề này.[56] Sau đó internet được truy cập lại một phần, nhưng vẫn bị chập chờn, trong khi các mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin vẫn bị chặn.[57]

Díaz-Canel khẳng định có ba loại người biểu tình: người phản cách mạng, thành phần tội phạm, và những người có khiếu nại chính đáng.[58] Vào diễn văn toàn quốc vào tối ngày 14 tháng 7, Díaz-Canel kêu gọi người Cuba không "hành động với thù hận" nhưng cũng thừa nhận chính phủ cũng có một số khuyết điểm, và giải thích rằng "Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ những vụ gây rối. Chúng ta phải phân tích phê phán những vấn đề để có thể hành động và vượt qua, và không lặp lại."[59]

17 tháng 7

Những người ủng hộ chính quyền đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại La Habana dọc bờ biển. Raul Castro, cũng như Díaz-Canel, phát biểu tại sự kiện có hàng vạn người tham gia, trở thành cuộc tâp hợp lớn nhất đến thời điểm đó.[60] Theo ước tính chính phủ thì có khoảng 100.000 người tham gia.[61]

Phản ứng

Chính phủ

  • Tổng thống Argentina Alberto Fernández nói rằng ông không biết việc gì đang xảy ra tại Cuba và kêu gọi kết thúc cấm vận.[62]
  • Tổng thống Bolivia Luis Arce bày tỏ sự ủng hộ đến người dân Cuba "đấu tranh chống lại những hành động làm mất ổn định".[63]
  • Tổng thống Brasil Jair Bolsonaro cho rằng đây là một ngày buồn cho Cuba, vì nhân dân yêu cầu tự do nhưng lại nhận những viên đạn, bị tấn công, và tù đày. Ông nói rằng có những người ở Brasil vẫn ủng hộ Cuba, Venezuela, và "những loại người đó".[64]
  • Bộ Ngoại giao Chile đưa thông cáo lên án sự đàn áp để "bịt miệng người biểu tình đòi hỏi một cách ôn hòa để được tự do hơn, hệ thống y tế tốt hơn, cũng như phẩm chất cuộc sống tốt đẹp hơn". Bộ cũng nhấn mạnh "quyền tự do phát biểu và tụ họp trong hòa bình cần được bảo đảm."[65]
  • Tổng thống México Andrés Manuel López Obrador, kêu gọi các chính phủ nước ngoài không can thiệp vào nội bộ Cuba, và nói rằng hãy để người Cuba tự giải quyết vấn đề. Thêm vào đó, ông nói rằng nếu các chính phủ muốn giúp đỡ thì nên vận động gỡ bỏ cấm vận.[66]
  • Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng Nga sẽ "không chấp nhận nếu có sự can thiệp từ bên ngoài vào việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền hoặc bất cứ hành động phá hoại nào mà khiến tình trạng trên đảo mất ổn định."[67]
  • Julie J. Chung, Quyền Thứ trưởng cho Cục Tây Bán Cầu thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết "Chúng tôi quan ngại sâu sắc vì lời 'kêu gọi chiến đấu' ở Cuba. Chúng tôi ủng hộ quyền hội họp ôn hòa của nhân dân Cuba. Chúng tôi kêu gọi bình tĩnh và lên án bất cứ hành vi bạo động nào."[13] Tổng thống Joe Biden nói rằng ông ủng hộ nhân dân Cuba và "lời kêu gọi thúc giục đòi tự do và cứu viện" của họ.[68][69]
  • Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega gửi lời ủng hộ đến Miguel Díaz-Canel, lên án "chiến dịch lâu dài nhằm cấm vận, làm bất ổn và gây hấn" chống lại Cuba.[70][71]
  • Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou bày tỏ ủng hộ những người biểu tình phản đối, cho rằng họ có "lòng can đảm đáng khen".[72]
  • Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro bày tỏ "ủng hộ hoàn toàn đến chính phủ cách mạng Cuba".[73]
  • Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ghi nhận rằng Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel đã lắng nghe những người biểu tình và kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận. Ông phát biểu rằng "Trung Quốc cương quyết phản đối can thiệp vào chuyện nội bộ Cuba, cương quyết ủng hộ những gì Cuba đã làm để đối phó với COVID-19".[74]
  • Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu rằng các biện pháp bao vây cấm vận trong gần 60 năm và được thắt chặt trong thời gian qua chỉ làm trầm trọng hơn các khó khăn kinh tế–xã hội của người dân Cuba, Hoa Kỳ cần có bước đi cụ thể theo hướng bình thường hoá quan hệ với Cuba. Bà cho biết Việt Nam quan tâm và tin tưởng Cuba sẽ vượt qua những khó khăn kinh tế–xã hội, nhấn mạnh "Việt Nam sẽ luôn ở bên cạnh ủng hộ và hỗ trợ nhân dân Cuba trong khả năng của mình".[75]

Tổ chức trên quốc gia

  • Đại diện Ngoại giao Liên minh Châu Âu Josep Borrell nói rằng "người dân Cuba có quyền phát biểu ý kiến của họ" và ông sẽ "đích thân kêu gọi chính quyền tại đó để cho phép biểu tình ôn hòa và lắng nghe tiếng nói bất mãn từ những người biểu tình".[76]
  • Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ Luis Almagro lên án "chế độ độc tài Cuba trong việc kêu gọi thường dân đàn áp và đối đầu những người thực hiện quyền biểu tình".[77]
  • Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet kêu gọi thả gấp những người bị bắt vì "thực hiện quyền tự do tụ tập trong ôn hòa, ý kiến, và ngôn luận" trong vụ biểu tình.[78]

Các nhóm hoạt động nhân quyền

Érika Guevara-Rosas, giám đốc tổ chức Ân xá Quốc tế cho khu vực châu Mỹ, tuyên bố rằng đã có các báo cáo về việc dịch vụ Internet đã bị cắt đứt tại những nơi có người biểu tình, bắt giữ tùy tiện, sử dụng vũ lực quá mức - bao gồm cả việc cảnh sát bắn vào người biểu tình - và tường thuật rằng có một danh sách dài những người mất tích và kêu gọi chính quyền của Díaz-Canel tôn trọng quyền tụ tập trong hòa bình.[17]

Biểu tình ở hải ngoại

Chile

Người Cuba sinh sống tại Chile cũng đã tuần hành đến lãnh sự quán Cuba tại Santiago để ủng hộ những người biểu tình.[79]

Florida

Biểu tình chống chính quyền Cuba tại Naples, Florida, Hoa Kỳ

Nhiều cuộc biểu tình lớn cũng diễn ra tại Miami, kêu gọi Hoa Kỳ tiếp vận người biểu tình.[80] Thị trưởng Miami Francis X. Suarez, vốn là một người Mỹ gốc Cuba, phát biểu rằng đây là lúc cần một sự can thiệp quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo vào Cuba, và nói "Chúng tôi đang yêu cầu chính phủ liên bang hãy làm hết sức và không bỏ lỡ thời khắc này" và rằng "thời khắc này có thể dẫn đến tự do đến nhiều người trên bán cầu này, từ người Nicaragua đến những người đang đau khổ dưới chế độ Maduro ở Venezuela".[13]

Argentina

Tại Buenos Aires, Argentina, một cuộc biểu tình lớn diễn ra trước tòa đại sứ Cuba, với người biểu tình cầm biểu ngữ "Quê hương và cuộc sống" và "S.O.S. Cuba".[81]

Brasil

Tại São Paulo, Brasil, các đảng phái chính trịphong trào xã hội cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ Cuba và "bảo vệ chủ quyền" trước tòa Tổng lãnh sự Cuba.[82]

Tây Ban Nha

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại Puerta del SolMadrid, Tây Ban Nha.[19]

Khác

Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa từ Florida Marco Rubio yêu cầu Tổng thống Joe Biden kêu gọi quân đội Cuba ủng hộ những người biểu tình, trong khi Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ từ New Jersey Bob Menendez nói rằng Hoa Kỳ nên "đoàn kết với nhân dân anh dũng Cuba đang bất chấp nguy hiểm đến tính mạng hôm nay để thay đổi đất nước của họ và vì một tương lai với Patria y Vida".[13]

Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela đang cầm quyền (viết tắt là PSUV) đã đưa ra lời ủng hộ chính phủ Cuba và Chủ tịch Miguel Díaz-Canel.[83]

Trừng phạt

Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng lệnh trừng phạt lên các quan chức Cuba mà Mỹ cho là đã vi phạm nhân quyền trong đợt đàn áp các cuộc biểu tình. Lệnh trừng phạt nhắm vào Tướng Alvaro Lopez Miera và đơn vị đặc nhiệm của bộ nội vụ. Lệnh này phong tỏa tất cả các tài sản của họ ở Mỹ và chặn các giao dịch của họ với người Mỹ.[84]

Xem thêm

Chú thích