Buôn Đôn

Huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk

Buôn Đôn là một huyện miền núi biên giới nằm ở phía tây tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam.

Buôn Đôn
Huyện
Huyện Buôn Đôn
Khu du lịch Bản Đôn
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngTây Nguyên
TỉnhĐắk Lắk
Huyện lỵEa Wer
Trụ sở UBNDThôn Hà Bắc, xã Ea Wer
Phân chia hành chính7 xã
Thành lập1995[1]
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDVũ Hồng Nhật
Bí thư Huyện ủyYa Toan Ênuôl
Địa lý
Tọa độ: 12°48′40″B 107°53′44″Đ / 12,811091°B 107,895556°Đ / 12.811091; 107.895556
MapBản đồ huyện Buôn Đôn
Buôn Đôn trên bản đồ Việt Nam
Buôn Đôn
Buôn Đôn
Vị trí huyện Buôn Đôn trên bản đồ Việt Nam
Diện tích1.412,5 km2
Dân số (2019)
Tổng cộng70.650 người
Mật độ45 người/km2
Khác
Mã hành chính647[2]
Biển số xe47-S147-AU
Websitebuondon.daklak.gov.vn

Địa lý

Huyện Buôn Đôn nằm ở phía tây của tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30 km và có vị trí địa lý:

Sông Sêrêpôk chảy cắt ngang huyện, theo hướng Đông Nam-Tây Bắc, sang đất Campuchia để góp nước vào sông Mê Kông. Trung tâm huyện Buôn Đôn nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25 km về hướng Tây bắc theo con đường tỉnh lộ số 1. Địa danh Bản Đôn cách thị trấn Buôn Đôn 20 km về hướng Ea Súp.

Lịch sử

Huyện Buôn Đôn được thành lập vào ngày 7 tháng 10 năm 1995 trên cơ sở tách 6 xã: Cuôr Knia, Ea Bar, Ea Huar, Ea Nuôl, Ea Wer và Krông Na thuộc huyện Ea Súp.[1]

Khi mới thành lập, huyện có 6 xã nói trên. Huyện lỵ đặt tại xã Ea Wer.

Ngày 15 tháng 8 năm 2001, thành lập xã Tân Hòa trên cơ sở 5.698 ha diện tích tự nhiên và 8.621 người của xã Cuôr Knia.[3]

Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết 22/2003/QH11 chia tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, huyện Buôn Đôn thuộc tỉnh Đắk Lăk, bao gồm 7 xã trực thuộc như hiện nay.[4]

Buôn Đôn là tên huyện mới đặt khi thành lập huyện mới, còn Bản Đôn cũ theo tên gọi tiếng Lào ngày xưa (sắc dân Lào chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) có nghĩa là "Làng Đảo" nghĩa là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của Sông Srepôk. Đây là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương ngày xưa. Khi ấy, người Lào trong lúc ngược dòng sông buôn bán, bắt gặp mảnh đất này đã bị quyến rũ và ở lại cùng người Ê Đê bản địa xây dựng lên ở đây một ngôi làng trù phú. Nơi đây vốn nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, với huyền thoại về Vua Voi Khun Ju Nốp, người đã bắt được và thuần dưỡng hơn 170 con voi rừng, trong đó có một con bạch tượng tặng vua Thái Lan và Khun Ju Nốp chính là danh hiệu vua Thái Lan ban cho ông.

Bản Đôn vốn một thời là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk. Sau này để tiện cho việc phát triển kinh tế xã hội và để chiếm giữ một vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Ma Thuột, nơi có vị trí trung tâm của toàn Tây Nguyên.

Hành chính

Huyện Buôn Đôn có 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 7 xã: Cuôr Knia, Ea Bar, Ea Huar, Ea Nuôl, Ea Wer (huyện lỵ), Krông Na, Tân Hòa và được chia thành 99 thôn, buôn.

Du lịch

Buôn Đôn là huyện giàu tiềm năng và cũng là huyện năng động nhất về kinh doanh du lịch trong tỉnh Đắk Lắk. Với địa danh Bản Đôn vốn từ lâu đã được nhiều người biết đến bởi truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, kết hợp với các vệ tinh khác như Buôn Đôn đang sở hữu rất nhiều bến nước đẹp và còn tương đối nguyên vẹn như Bến nước Buôn Niêng, Buôn Kó Đung. Trong huyện còn có vườn quốc gia Yok Đôn lớn nhất nước với diện tích trên 115.500ha nơi bảo tồn Voi châu Á và hệ sinh thái rừng khộp.

Các thắng cảnh, điểm du lịch hàng đầu tại Buôn Đôn

Ở Buôn Đôn có các điểm du lịch đáng chú ý như Khu bảo tồn lan rừng Trohbư - Buôn Đôn; Lâu đài Yến Buôn Đôn - Làng du lịch công đồng Đảo Yến - Buôn Đôn; thác Bảy nhánh; Vườn quốc gia Yok Đôn; Khu du lịch Cầu treo; hồ Đắk Minh; nhà sàn cổ Bản Đôn; mộ vua voi.

Để khởi động chương trình và biến Bản Đôn trở thành một thị trấn du lịch, một trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước như Đà Lạt hoặc Sa Pa, Bà Nà...trong một tương lai gần, trong kế hoạch phát triển du lịch đến 2010 tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch xây dựng làng Văn hóa dân tộc Buôn Niêng để bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hoá người Êđê bản địa (cách Buôn Ma Thuột 10 km - trên đường tỉnh lộ đi Bản Đôn. Liên kết với khu này là hệ thống các bến nước du lịch tại các buôn làng liền kề, một sản phẩm du lịch rất ăn khách bởi nét đặc sắc và bản sắc dân tộc của nó. Ở Buôn Niêng, đáng chú ý còn có Vườn cảnh Trohbư, một vườn cảnh tư nhân, với quy hoạch độc đáo mang đậm "nét rừng" với một vườn lan tự nhiên; một bộ sưu tập cây gỗ và các kiểu rừng ở Đắk Lắk; những con đường đi dạo quanh co giữa rừng hay uốn lượn theo triền dốc, bờ hồ; những ngôi nhà nhỏ giữa rừng phục vụ nhu cầu nhà nghỉ gia đình cuối tuần. Ở đây du khách còn có thể quan sát tận mắt việc trồng và chế biến cà phê của người dân, sờ tận tay những cây cà phê thuộc đủ các loài đang được trồng ở Đắk Lắk và thưởng thức những phin cà phê được chế biến theo phương pháp thủ công. Tất cả những điều ấy đã biến Vườn cảnh Trohbư trở thành một trong những khu triển lãm về cà phê quan trọng nhất trong chương trình quảng bá hình ảnh "Thủ phủ Cà phê thế giới" của tỉnh Đắk Lắk.

Ảnh hưởng các công trình thủy điện

Công trình thủy điện Sêrêpốk 4 A ngăn dòng làm khúc sông Srêpôk chảy qua khu du lịch văn hóa, sinh thái Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn cạn trơ đáy, trở thành dòng sông “chết”, ngọn thác Bảy Nhánh trên dòng sông Srêpôk nay cũng chỉ còn là bãi đá, gây ảnh hưởng đến sinh thái và các doanh thu du lịch.[5]

Voi Bản Đôn

Voi đưa du khách sang sông Serepôk

Nói đến Bản Đôn là phải nói đến voi, bởi nơi đây chính là quê hương của những người săn bắt voithuần dưỡng voi rừng Việt Nam. Tiếng tăm của họ đã một thời được truyền tụng khắp một vùng rộng lớn phía Nam châu Á. Ở Việt Nam duy nhất chỉ có ở đây voi trở thành phương tiện sinh sống và là con vật nuôi hiền lành trong gia đình và cũng nơi đây mới có ngày hội truyền thống đua voi hàng năm.

Đến Bản Đôn, du khách có thể được cưỡi voi ngắm rừng già, lội sông hoặc nghe các già làng kể chuyện săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Hình ảnh

Tham khảo

Liên kết ngoài