Cồn Ông Mão

bãi bồi lớn ven biển huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang

Cồn Ông Mão[1][2]bãi bồi lớn ven biển huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, ngày nay bồi tụ nối dài liền kề với bờ biển Tân Thành.[3][4] Cồn do Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông quản lý.[5] Năm 2020, diện tích nuôi nghêu ở ven biển Tiền Giang là trên 2.300 ha, sản lượng bình quân 20.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển thuộc huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông,[6] trong đó huyện Gò Công Đông thường xuyên thả nuôi 1.600 ha diện tích,[7][8][9] năng suất trung bình có năm đạt mức 15-20 tấn/ha.[7] Cồn Ông Mão tuy chỉ chiếm diện tích nuôi nghêu 300 ha nhưng là nơi nuôi nghêu có năng suất bình quân lên tới 30 tấn/ha.[5] Tuy nhiên diện tích và năng suất nghêu nuôi đang biến động không ngừng qua nhiều năm do tình trạng nghêu chết thường xuyên xảy ra.

Cồn Ông Mão
Vị trí Cồn Ông Mão
Vị trí Cồn Ông Mão
Vị trí tại Việt Nam
Vị tríTân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang, Việt Nam
Tọa độ10°15′56″B 106°47′52″Đ / 10,26556°B 106,79778°Đ / 10.26556; 106.79778
Diện tích40,55 km²
Cơ quan quản lýBan Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông

Tự nhiên

Nghêu Bến Tre

Tiền Giang là một tỉnh ven biển có chiều dài bờ biển là 32 km,[10] hầu hết là bờ biển của huyện Gò Công Đông, chỉ có một phần nhỏ ven biển thuộc huyện Tân Phú Đông.[3] Hệ thống sông Mê Kông hằng năm có lưu lượng nước và phù sa rất lớn đổ qua các cửa sông lớn Cửa Đại, Cửa Tiểu và Soài Rạp ra biển Đông,[11] riêng lượng phù sa lên là khoảng 70 triệu tấn, phân phối cho hai nhánh chính là sông Tiềnsông Hậu, phần cửa sông Tiền, giáp miền Đông được phù sa bồi đắp nên tiến ra biển 30–50 m mỗi năm. Do lượng nước sông đổ ra biển và thủy triều có mức tương đương nhau nên dòng chảy bị triệt tiêu, nhờ đó quá trình bồi lắng diễn ra. Khu vực cồn Ông Mão là nơi quá trình bồi lắng diễn ra mạnh nhất tại bờ biển Gò Công Đông, cùng với cồn Vạn Liễu.[12][13] Cồn Ông Mão ban đầu là một cồn cát, do bồi tụ lâu dài nên đã nối liền kề với bờ, trở thành bãi bồi rộng và nổi lên khi thủy triều xuống.[5]

Cồn Ông Mão có chiều dài 7 km, rộng 5 km với diện tích 4.055 ha (40,55 km²),[14][5] độ cao đường bình độ từ 0,6 đến 6 mét,[14] cồn chìm dưới nước, nổi lên khi thủy triều xuống,[14][5] thuận lợi cho nhiều loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như nghêu, ... sinh sống.[11][15] Loài nghêu có sản lượng lớn được tìm thấy là Nghêu Bến Tre.[16] Qua việc phân tích mẫu trầm tích tại những điểm có nghêu tập trung, thấy rõ nền đáy của cồn Ông Mão hạt cát rất nhỏ và ít bùn sét. Cồn cũng như các bãi nghêu ở đồng bằng sông Cửu Long có thành phần hóa học trong đất nền và phù sa không có nhiều khác biệt, các yếu tố nitơ và phosphor tương đối ổn định trong thời gian dài, dù các yếu tố kim loại có thể biến động.[17]

Tên gọi và lịch sử

Nguồn gốc tên gọi

Theo lời truyền miệng dân gian ở Gò Công, tên cồn gắn liền với câu chuyện về cái chết của vợ chồng ông Mão do bị thủy triều biển nhấn chìm khi đang bắt cá, nghêu, sò. Thi thể hai vợ chồng ông khi dạt vào bờ vẫn trong tư thế ôm nhau như khẳng định tình thủy chung son sắt, trọn đạo vợ chồng. Dân làng biển nơi đây rất cảm phục đã đặt tên họ cho cồn. Ngôi mộ của họ đến nay đã mất dấu theo dòng thời gian do sự xói mòn, vun bồi của cát biển của thủy triều qua hàng trăm năm.[5][18]

Lịch sử

Ban đầu người dân thường bắt nghêu để ăn, và bán cho những người xung quanh.[19] Vào những năm 1970, chính quyền đề xuất cắm đất nuôi nghêu nhưng bị dân phản đối.[20] Đến năm 1980 nghề nuôi nghêu thịt mới xuất hiện, từ đó người dân tự phân thành từng khu trên bãi biển làm rào chắn, bắt nghêu nhỏ mang vào khu của mình để nuôi.[19]

Vào đầu thập niên 1990, Nhà nước cấp cho mỗi hộ 0,3 ha để nuôi nghêu. Các hộ dân tự liên kết với nhau tạo thành vùng nuôi lớn. Tuy vậy lúc này, nghêu không có đầu ra trên thị trường, một số hộ trả lại phần bãi được cấp không nuôi nữa, nhưng một số khác tiếp tục trụ lại. Về sau việc làm ăn ngày càng phát triển, nghêu được gọi là "vàng trắng", được xem là tài nguyên quý giá vùng biển Gò Công.[19]

Di tích

Trên cồn có di tích Nhà đèn (hải đăng) hay còn gọi là Đèn Đỏ, xây vào thời Pháp thuộc, sử dụng để dẫn đường tàu thuyền đánh cá và cảnh báo nguy hiểm đối với tàu buôn qua lại trên biển. Nhà đèn có kích thước to gần bằng 1 căn nhà thông thường, được xây dựng trên các trụ sắt lớn vững chắc.[5] Công trình hiện nay đã không còn do sạt lở nên đã sụp đổ.[18][21]

Kinh tế

Bãi biển Tân Thành, liền kề với các bãi nuôi nghêu.

Cồn có phần diện tích 300 ha được UBND huyện quy hoạch nuôi nghêu, năng suất bình quân 30 tấn/ha.[5] Ngoài nghêu còn có sò huyết.[11] Đến 2006, diện tích nuôi nghêu là 350 ha,[22][23] trong đó có 100 ha thuộc Ban Quản lý Cồn Bãi (BQLCB) huyện Gò Công Đông, còn lại là của người dân.[22] Diện tích 350 ha này là nơi thường xuyên xuất hiện nghêu giống, năm 1992 và năm 1998 được ghi nhận nhiều nhất khi mật độ nghêu giống từ 7.000 đến 9.000 con/m², nhưng có năm sụt giảm mạnh, đợt khảo sát năm 2008 khu vực cồn Ông Mão chỉ có 120 con/m².[24] Ngoài cồn Ông Mão, còn có cồn Vạn Liễu và cồn Ngang, cũng là những nơi rất quan trọng, bởi vì các địa điểm này cung cấp nghêu giống, vào năm 2012 sản lượng nghêu giống ở 3 cồn thu hoạch được là gần 4 tấn.[25] Cồn Ông Mão cũng đã được quy hoạch làm nơi sản xuất giống với diện tích 196 ha.[26]

Cồn Ông Mão được đánh giá là còn nhiều tiềm năng cho việc mở rộng diện tích nuôi nghêu, cùng với cồn Vạn Liễu (hay Ông Liễu) lân cận và cồn Ngang ở phía nam, tổng diện tích nuôi nghêu là 2.300 ha nhưng vẫn có thể mở rộng lên đến 5.000 ha, trong đó cồn Ông Mão hơn 2.600 ha, cồn Vạn Liễu là hơn 400 ha, cồn Ngang hơn 800 ha, cồn Vượt hơn 1.200 ha.[27]

Đội bảo vệ Ban Quản lý Cồn Bãi (BQLCB) huyện Gò Công Đông đảm nhận việc bảo vệ an ninh trật tự khu vực với 24 người, được bố trí trên 5 chòi canh, 8 phương tiện đường thủy chia làm 3 tổ, 3 khu vực luân phiên tuần tra kiểm soát ngày, đêm.[28]

Khó khăn trong sản xuất là biến động của thời tiết dẫn đến tình trạng nghêu thịt bị chết[28][29] và một số nghêu bị trôi do sóng lớn.[28] Việc nghêu chết còn xảy ra ở cồn Vạn Liễu cạnh cồn Ông Mão, tổng thiệt hại trong năm 2010, huyện Gò Công Đông thiệt hại khoảng 240 tỷ đồng; năm 2011, nghêu cũng xảy ra hiện tượng chết và thiệt hại khoảng 260 tỷ đồng;[22][30] năm 2013, nghêu chết chưa rõ nguyên nhân và thiệt hại gần 300 tỷ đồng; năm 2015, nghêu chết nhưng tỷ lệ ít hơn, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.[22]

Trong đợt nghêu chết vào đầu năm 2020 phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và Ủy ban nhân dân xã Tân Thành tiến hành khảo sát, xác định tới gần 200 ha nghêu bị thiệt hại.[31] Nguyên nhân sau đó được xác định là do nắng nóng và nhiễm khuẩn Vibrio parahaemolyticus.[32] Năm 2021, tình trạng nghêu chết lại xảy ra, một số ngư dân cho rằng nguyên nhân là do độ mặn nước biển tăng cao đột ngột lên đến 38‰.[33]

Sự cố

Vào năm 2007, khu vực cồn bị ảnh hưởng bởi dầu loang trên biển. Vẫn chưa xác định sự cố tràn dầu từ đâu, dầu trải dài suốt hàng chục km từ bờ biển Tân Điền đến bờ biển Tân Thành, dầu tràn bám đen bờ biển, làm ảnh hưởng việc nuôi nghêu và gây thiệt hại nặng nề cho vùng, bao gồm khu vực nuôi nghêu cồn Ông Mão với diện tích 1.300 ha nghêu bị ảnh hưởng.[34][35]

Dự án phát triển

Ngày 20 tháng 9 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 2474/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Dự án "Khu bảo tồn nghêu giống và nghêu bố, mẹ tại vùng nuôi nghêu xã Tân Thành" do Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông làm chủ dự án và quản lý, Ban Quản lý Cồn bãi là cơ quan thực hiện. Dự án nhằm tạo hiệu quả của hoạt động nuôi nghêu, bảo tồn được nguồn nghêu giống, gia tăng khả năng sinh giống tự nhiên hàng năm cho vùng nuôi nghêu Gò Công, quy mô khu bảo tồn là 30 ha.[36]

Tham khảo

Thư mục

Xem thêm

Liên kết ngoài