Cao Xuân Hạo

Cao Xuân Hạo (1930-2007) là một nhà ngôn ngữ học người Việt với nhiều đóng góp trong việc định hình phương pháp phân tích cấu trúc câu tiếng Việt. Ngoài ra, ông còn là một dịch giả, giáo sư văn chương uyên bác.

Cao Xuân Hạo
Sinh30 tháng 7 năm 1930
Hà Nội
Mất16 tháng 10, 2007(2007-10-16) (77 tuổi)
Thành phố Hồ Chí Minh
Nghề nghiệpnhà ngôn ngữ học

Tiểu sử

Cao Xuân Hạo sinh ngày 30 tháng 7 năm 1930 tại Hà Nội[1]. Cha ông, Cao Xuân Huy, cũng là một học giả nổi tiếng. Ông nội ông là Cao Xuân Tiếu. Dòng họ Cao Xuân của ông (Diễn Châu, Nghệ An) có nhiều danh sĩ. Từ nhỏ, ông đã có giai thoại tự học nghe, nói và viết thành thạo tiếng Pháp chỉ từ việc chơi với một người bạn Pháp. Ông từng làm giảng viên ngôn ngữ học, khi đó ông đảm nhận phần lớn công việc dịch sách và hiệu đính các sách dịch tại bộ môn ngôn ngữ học, tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông được biết đến với tư cách nhà ngôn ngữ học và dịch giả, và là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam. Giáo sư Cao Xuân Hạo đã được trao tặng Giải thưởng về dịch thuật năm 1985 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông mất lúc 19h 40 phút ngày 16 tháng 10 năm 2007 tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh sau hai tuần nằm bệnh do một cơn đột quỵ.

Tác phẩm

Sách ngôn ngữ

  • Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nhà xuất bản Khoa học xã hội. 1991. Ấn bản 2017.
    • Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Công ty Văn hóa Phương Nam. 2006.
  • Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. 1998.
  • Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt. Nhà xuất bản Trẻ. 2001. Ấn bản 2011.
  • Âm vị học và tuyến tính: suy nghĩ về các định đề của âm vị học đương đại. Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Công ty Văn hóa Phương Nam. 2017

Sách dịch

Bài viết quan trọng

  • "Hai cách miêu tả hệ thống thanh điệu của tiếng Việt".
  • "Chiết đoạn và siêu đoạn trong ngôn ngữ học phương Tây và trong tiếng Việt" và "Nguyên lý tuyến tính của năng biểu" trong âm vị học", Phonologie et linéarité: réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine, 1985 - viết bằng tiếng Pháp, do Hội Ngôn ngữ học và Nhân loại học Pháp (SELAF) xuất bản.
  • "Vấn đề âm vị trong tiếng Việt".
  • "Trọng âm và các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt" (1978).
  • "Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng".
  • "Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ ở tỉnh Quảng Nam".
  • "Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt".
  • "Về cách phân tích âm vị học một số vận mẫu có nguyên âm ngắn trong tiếng Việt".
  • "Thêm mấy giải pháp âm vị học cho các vận mẫu có nguyên âm ngắn của tiếng Việt".
  • "Sợ hơn bão táp", Báo Văn Nghệ.

Tư tưởng

  • "...Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm âm vị học, mà chính là ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt...Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai hoạ không còn hoán cải được nữa, nhưng ta có thể bổ cứu cho sự mất mát này bằng cách dạy chữ Hán như một môn học bắt buộc ở trường phổ thông..."[2].
  • "Chẳng hạn, từ những năm 20 của thế kỷ XX những người làm từ điển Anh - Việt đã thấy ngay rằng (lạ thay!) tiếng Việt không có "tính từ", là vì nếu có thì không thể nào hiểu nổi tại sao người Việt nói Cha tôi già rồi mà không cần và không thể dùng một "động từ" như to be xen vào giữa (tức nói Cha tôi là già rồi)"[3].
  • "Câu là mệnh đề được thể hiện bằng ngôn từ thực hiện ngay trong lúc nó được phát ra"[4].
  • "Những cuốn sách đầu tiên viết về ngữ pháp tiếng Việt, - trừ một số ngoại lệ hiếm hoi như những tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm (đó là những người không phải chỉ biết tiếng Pháp), - đều do những người chỉ được học một thứ ngữ pháp duy nhất là ngữ pháp tiếng Pháp, hay có chăng cũng lại là một thứ tiếng châu Âu nào đó khác, cho nên dễ tưởng rằng đó là thứ ngữ pháp duy nhất mà một ngôn ngữ có thể có được. Thế là từ đó trở đi các thế hệ sau, tuy hầu hết không biết tiếng Pháp, đều coi sách vở của các bậc tiền bối như là hiện thân của chân lý và không có mấy ai thấy cần nghiên cứu lời ăn tiếng nói của người Việt nữa. Ngữ pháp sao chép từ tiếng Pháp trở thành một thứ tôn giáo nghiệt ngã: bất kỳ một nhận định nào về tiếng Việt cho thấy một cái gì không giống tiếng Pháp đều bị coi là tà thuyết. Từ đó, ta có thể hiểu tại sao 75% những câu thông dụng nhất của tiếng Việt không bao giờ được dạy ở nhà trường"[5].
  • "Họ [học sinh] chỉ được học những kiểu câu nào hoàn toàn giống câu tiếng Pháp, còn những kiểu câu có thật trong tiếng Việt (vốn chiếm khoảng 75% tổng số câu), thì không có sách nào viết lấy một dòng. Chính ca dao tục ngữ - những câu tiếng Việt mẫu mực nhất, kết tinh những phẩm chất đáng tự hào nhất của linh hồn dân tộc - nằm trong cái số 75% kiểu câu bị loại ra khỏi nội dung giảng dạy ấy. 25% là một tỷ lệ quá ít ỏi để có thể nói rằng học sinh đã học xong ngữ pháp tiếng Việt. Những cách hành văn như ca dao, tục ngữ thường được coi là "lỗi thời" và "không chuẩn" chỉ vì đó chính là cách hành văn thuần tuý Việt Nam, cho nên không giống tiếng Pháp, mà đã không giống câu tiếng Pháp thì tất nhiên là sai chuẩn, là vô văn hoá tồi, còn học làm gì cho nó hư người đi?"[6].

Nhận định

Chú thích

Liên kết ngoài