Chiến tranh Việt – Chiêm (1367–1396)

chiến tranh giữa Đại Việt thời Trần và Chiêm Thành thế kỷ 14

Chiến tranh Việt – Chiêm (1367–1396) là một cuộc chiến giữa nước Đại Việt thời hậu kỳ nhà Trần và nước Chiêm Thành do Chế Bồng Nga (1360–1390) lãnh đạo. Vào những năm 1330, Đại ViệtĐế quốc Khmer trở nên suy yếu do biến đổi khí hậu, nạn đói tràn lan, góp phần vào sự hồi sinh của Chiêm Thành vào thế kỷ XIV. Năm 1360, Chế Bồng Nga lên nắm quyền và yêu cầu nhà Trần trả lại một số vùng đất đã dâng trước đây. Từ những năm 1360, Chiêm Thành bắt đầu vào một loạt cuộc chiến liên tục kéo dài gần ba thập kỷ với Đại Việt và nhiều lần giành được thắng lợi. Thành Thăng Long nhiều lần rơi vào tay người Chiêm trong suốt cuộc chiến. Năm 1377, Trần Duệ Tông tổ chức một cuộc phản công và tiến quân vào đến tận thành Đồ Bàn, nhưng cuối cùng bị phục kích bên ngoài thành và bỏ mạng. Năm 1390, Chế Bồng Nga bị giết trong một trận thủy chiến với sự giúp đỡ của một tướng Chiêm đào tẩu.

Chiến tranh Việt – Chiêm (1367–1396)
Một phần của các cuộc chiến tranh Việt – Chiêm
Thời gian1367–1396
Địa điểm
Kết quảĐại Việt có chiến thắng kiểu Pyrros
Tham chiến
Chiêm ThànhĐại Việt
Chỉ huy và lãnh đạo
Chế Bồng Nga  
Simhavarman VI
Trần Húc
Trần Nghệ Tông
Trần Duệ Tông  
Lê Quý Ly
Đỗ Tử Bình

Một yếu tố quyết định thắng lợi của quân Đại Việt trong trận Hải Triều là vũ khí thuốc súng và hỏa khí sát thương, khiến Chế Bồng Nga bị giết năm 1390. Kết thúc chiến tranh, cả hai bên đều cạn kiệt nguồn nhân lực và vật lực, đạt được rất ít thành quả trong khi phải chịu đựng thiệt hại lớn. Nhà Trần mất quyền lực vào tay Hồ Quý Ly năm 1400.

Bối cảnh

Nguyên nhân của cuộc xung đột bắt đầu từ sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi trong thế kỷ XIII. Liên minh chống triều đại nhà Nguyên đã đưa Đại ViệtChăm Pa, vốn thù địch, xích lại gần nhau. Năm 1306, nhà Trần gả Huyền Trân Công chúa cho vua Chế Mân của Chiêm Thành. Chế Mân nhượng hai châu Ô và Lý [note 1] cho Đại Việt làm quà cưới.[1] Nhà Trần đổi tên hai vùng đất này thành Hóa Châu và Thuận Châu.[2][3] Năm 1307, Chế Mân qua đời, nhà Trần lo sợ Huyền Trân công chúa phải bị thiêu để hỏa táng theo.[4] Vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung mượn tiếng thăm viếng và dùng kế đưa Huyền Trân về nước.[5][6][3] Tuy nhiên, một số người đời sau cho rằng câu chuyện này có phần thêu dệt, cho rằng việc công chúa phải lên giàn hỏa chỉ là "lời đồn đại có chủ ý của các nhân vật bất đồng quan điểm với nhà Trần và chống đối với cuộc hôn nhân mang tính dị tộc, những nhà Nho mới nổi". Bên cạnh những đối lập đáng ngờ và những điểm bất hợp lý trong sử sách, sử ký Chiêm Thành và tất cả thư tịch cổ bàn về nghi lễ hỏa táng đều không nhắc đến tục lệ này của người Chiêm, chưa chắc đã có thật.[7]

Cái chết của vua Chăm vào năm 1307 khiến nhiều người Chăm đòi trả lại những lãnh thổ đã dâng.[8] Năm 1311–1312, Trần Anh Tông mang đại quân đi đánh Chiêm Thành, bắt Chế Chí về, đưa em của ông là Chế Năng lên thay thế, trở thành chư hầu của nhà Trần.[‡ 1][9] Chế Chí không lâu sau thì chết ở Gia Lâm và được hỏa táng.[‡ 2][10] Chế Năng sau này nổi dậy, nhưng bị đánh bại vào năm 1318, buộc phải chạy trốn ra Java và bị thay thế bởi Chế A Nan.[11] Sau khi quân nhà Trần rút lui, Chế A Nan tăng cường cống nạp cho nhà Nguyên, đồng thời thuyết phục vua Nguyên hỗ trợ Chiêm giành tự chủ khỏi Đại Việt. Năm 1324, Nguyên Anh Tông sai sứ sang dụ Trần Minh Tông phải tôn trọng chủ quyền của Chiêm Thành. Năm 1326, Trần Minh Tông sai Huệ Túc vương Trần Đại Niên tấn công Chiêm Thành. Quân của Chế A Nan đã đánh bại được quân Trần Đại Niên. Mặc dù nhà Trần không chính thức thừa nhận, thắng lợi này đã giúp Chiêm Thành giành quyền độc lập, không còn bất cứ sự liên đới nào với Đại Việt.[12][13][14][15]

Vào đầu những năm 1300, sự tăng trưởng dân số trong các giai đoạn trước đó đã gây ra tình trạng quá tải dân số ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, khiến các nguồn tài nguyên ngày càng trở nên hạn chế. Với ít đất canh tác hơn, năng suất giảm, cùng với lượng đất sở hữu và khả năng trả địa tô của người nông dân. Đồng thời, giai đoạn chuyển tiếp từ cuối Thời kỳ ấm Trung cổ sang Thời kỳ băng hà nhỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu của khu vực, gây ra hạn hán và lũ lụt thường xuyên, làm suy yếu hệ thống thủy lợi, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, mùa màng thất bát, dẫn tới nạn đói hoành hành, làm bần cùng hóa tầng lớp nông dân, gây ra cướp bóc và hỗn loạn khắp nơi. Các cuộc khởi nghĩa nông dân trong nước xảy ra liên tục, những biến động xã hội và xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo và tầng lớp văn nhân sĩ phu, tất cả đã làm suy yếu quyền lực cũng như vị thế nhà Trần.[16][17][18] Trong khi đó, sau khi giành lại độc lập vào năm 1326,[8][19] nền kinh tế Chiêm Thành phục hồi, thương mại và công nghiệp phát triển mạnh mẽ, một phần nhờ mở rộng giao thương với Trung Quốc, trong khi các nước láng giềng đều suy yếu và đang phải chiến đấu chống lại các cuộc tấn công từ phía tây.[20][21]

Năm 1342, vua Chế A Nan mất, con rể Trà Hòa Bố Để tự lập làm vua kế tục, sai người sang báo tang. Ngay sau đó, Chế Mỗ và Trà Hòa gây ra cuộc tranh ngôi báu. Năm 1352, Chế Mỗ chạy sang Đại Việt nương tựa. Đến năm 1353, Trần Dụ Tông sai quan quân hộ tống Chế Mỗ về nước, nhưng vừa đến nơi hiện nay là Cổ Lũy phải rút về. Chiêm Thành sau đó liên tục tràn lên cướp phá miền Hóa Châu, vua Trần phái Trương Hán Siêu vào trấn thủ, bình ổn tình hình vùng ngoài biên. Nhưng đến cuối năm 1354 thì Trương Hán Siêu mất.[‡ 3][22]

Diễn biến

Sau khi vua Trà Hòa mất, vào khoảng năm 1360, Chế Bồng Nga được quần thần tôn làm Raja-di-raja (Vua của các vị vua). Chúng ta vẫn chưa biết rõ về thân thế hay nguồn gốc của ông.[23] Năm 1361, Chế Bồng Nga đem quân đi theo đường biển tiến đánh cửa biển Dĩ Lý (thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay), cướp phá và bắt giữ dân chúng. Đến năm sau, người Chăm lại sang tấn công Hóa Châu, vua Trần sai Đỗ Tử Bình đem binh chống giữ, củng cố các binh đội trong khu vực.[‡ 4][24] Năm 1365, nhân dịp nam nữ vui chơi ngày xuân, người Chăm đã phục kích sẵn ở các vùng đồi núi chung quanh bất ngờ xông ra bắt cóc đám thanh niên này rồi chạy mất. Một năm sau, người Chăm tấn công phủ Lâm Bình nhưng tướng Trần là Phạm A Song phản công đánh đuổi được. Năm 1367, vua Trần cử Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đi đánh Chiêm Thành. Năm 1368, Chế Bồng Nga cử sứ sang, yêu cầu Trần Dụ Tông trả lại hai châu cũ. Trong khi đó, quân Trần bại trận ở Chiêm Động,[note 2] buộc phải lui về.[‡ 5][25] Những sự kiện này mở đầu cho các cuộc đụng độ giữa người Việt và người Chăm kéo dài trong ba thập kỷ tiếp theo.

Thăng Long thất thủ (1371)

Trần Dụ Tông không có con, khi chết có di chiếu truyền ngôi cho Dương Nhật Lễ, một người không thuộc dòng dõi họ Trần, dẫn đến cuộc đảo chính do các tông thất nhà Trần lãnh đạo. Nhật Lễ bị phế truất và xử tử, Trần Phủ lên ngôi, gọi là Trần Nghệ Tông. Sau khi Nhật Lễ mất, mẹ ông sang Chiêm Thành cầu cứu vua Chế Bồng Nga sang đánh Đại Việt báo thù và báo cáo tình hình nhà Trần.[26][27][28][29] Năm 1371, người Chiêm tiến ra Bắc, đánh vào cửa Đại An[note 3] và tấn công đồng bằng sông Hồng. Quân Trần chống cự không nổi. Trần Nghệ Tông phải đi thuyền qua sông chạy sang Đông Ngàn. Ngày 27 tháng 3, quân Chăm tiến vào kinh đô Thăng Long, cướp phá cung điện, bắt phụ nữ, lấy của cải ngọc lụa mang về. Trần Nghệ Tông trở lại kinh đô, cho xây dựng sửa sang lại, dùng người tông thất đứng ra làm chứ không dùng sức dân.[‡ 6][30]

Cùng năm 1371, Chế Bồng Nga dâng biểu cho Minh Thái Tổ kể tội Đại Việt đem binh sang chiếm đất, yêu cầu Trung Quốc bảo vệ và cung cấp tiếp tế, từ đó trung lập hóa phản ứng của Trung Quốc, vốn luôn muốn kiềm chế xung đột.[27][‡ 7] Minh Thái Tổ sau đó đã xuống chiếu bắt hai nước không được gây sự chiến tranh.[‡ 8] Chế Bồng Nga đã đánh bại Đại Việt một cách xuất sắc trên mặt trận ngoại giao, giành được sự ủng hộ của triều đình nhà Minh bằng cách gửi cống nạp và cho ấn tượng rằng nước láng giềng Đại Việt ở phía bắc là những kẻ xâm lược, ngụy trang cuộc tấn công như một hành động để tự bảo vệ mình.[27][31]

Trận Đồ Bàn (1377)

Năm 1372, Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Kính và lên làm Thái thượng hoàng. Trần Kính lên ngôi, tức là Trần Duệ Tông. Để trả thù việc Chiêm Thành đánh cướp kinh thành, Trần Duệ Tông ra sức xây dựng quân đội. Trong giai đoạn này, nhà Trần cố gắng trấn giữ vùng phía Nam. Khu vực Thanh Nghệ được củng cố và lực lượng quân sự được xây dựng. Chính quyền địa phương cũng được tổ chức lại, và lần đầu tiên sau nhiều năm, người dân khu vực cảm nhận được ảnh hưởng trực tiếp của triều đình.[‡ 9][32]

Tháng 5 năm 1376, Chế Bồng Nga mở cuộc tấn công vào Hoá Châu. Ngay sau đó, vua Trần ra lệnh sắm sửa chuẩn bị tấn công Chiêm Thành. Tới cuối năm 1376, nhà vua cầm 120.000 quân đánh Chiêm Thành. Chiêm Thành ban đầu cố gắng đàm phán, nhưng không thành công. Đầu năm 1377, quân Đại Việt tiến tới cửa Thị Nại (Quy Nhơn ngày nay). Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành Đồ Bàn, rồi cho người đến giả đầu hàng, nói rằng Chế Bồng Nga đã bỏ thành trốn. Trần Duệ Tông muốn tiến quân vào thành ngay, đại tướng Đỗ Lễ can ngăn mãi nhưng không nghe. Khi thúc quân tiến vào thành, quân Chiêm tứ phía phục binh đổ ra đánh. Quân Trần vỡ trận, Duệ Tông bị hãm trong vòng vây mà tử trận, 3 vị tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Lạp Hòa, hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết. Ngự Câu vương Trần Húc bị bắt đã đầu hàng Chế Bồng Nga, được gả con gái. Trong khi đó, Đỗ Tử Bình lĩnh hậu quân không tới cứu giá, Lê Quý Ly bấy giờ đang đốc thúc quân tải lương, được tin vua tử trận, bỏ chạy về nước. Chế Bồng Nga đánh đuổi theo, lại một lần nữa đưa quân vào đồng bằng sông Hồng, dễ dàng vượt qua các tuyến phòng thủ của quân Đại Việt, tấn công Thăng Long.[‡ 10][33] Trần Nghệ Tông thấy Trần Duệ Tông tử trận, nên chiêu hồn chôn ở Hy Lăng và cho lập con trưởng là Trần Hiện lên làm vua, tức là Trần Phế Đế.[‡ 11][34][35]

Chế Bồng Nga hai lần bắc tiến (1378)

Lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của Chế Bồng Nga năm 1380

Trong những năm tiếp theo, Chiêm Thành cũng bắt đầu xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ của Đại Việt ở phía bắc Hoành Sơn. Tháng 5 năm 1378, Chế Bồng Nga đưa Trần Húc tấn công vùng Nghệ An, tiếm xưng vương hiệu, chiêu dụ dân chúng. Được hỗ trợ từ các vùng phía nam cùng với lực lượng người Chăm, Chế Bồng Nga đánh ra bắc. Quân Trần đánh không lại, người Chiêm một lần nữa tiến vào Thăng Long, bắt người cướp của rồi rút về.[‡ 12][36][37] Vua Trần sau này đem các vàng bạc châu báu giấu trong núi Thiên Kiến và động Khả Lăng.[38][39]

Chiến sự 1380-1383

Năm 1380, Chế Bồng Nga cho tuyển binh ngay tại Tân Bình và Thuận Hóa, tổ chức tấn công vùng Thanh Hóa - Nghệ An. Trần Nghệ Tông sai Lê Quý Ly, Đỗ Tử Bình đem quân đón đánh, đẩy lùi quân Chiêm về phía nam.[‡ 13][36][40][41] Tháng 2 năm 1382, quân Chiêm lại tiến đánh Thanh Hóa bằng cả đường bộ và đường biển. Lê Quý Ly đóng đồn ở núi Long Đại ở Thanh Hóa (tức núi Hàm Rồng), Nguyễn Đa Phương đóng cọc giữ cửa biển Thần Đầu. Khi thủy quân Chiêm lại gần, Đa Phương không đợi lệnh Quý Ly, nhổ cọc, tiến ra giao chiến. Quân Chiêm trở tay không kịp, phải bỏ về.[‡ 14][36][41] Đầu năm 1383, Trần Nghệ Tông ra lệnh cho Lê Quý Ly đem quân đánh Chiêm Thành, nhưng vào đến Hà Tĩnh, Quảng Bình ngày nay gặp phải bão bị mất nhiều thuyền chiến, vì vậy lại phải rút quân về.[‡ 15][42][43]

Hè năm 1383, Chế Bồng Nga và tướng Lã Khai, chọn con đường phía tây qua vùng núi Thanh Hoá, tấn công theo hướng Tây Nam vào Thăng Long. Khi quân Chăm đến đất Quảng Oai (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội), Trần Nghệ Tông sai tướng Mật Ôn đem quân đi chống giữ, nhưng bị quân Chiêm bắt. Trần Nghệ Tông sợ hãi, chạy khỏi Thăng Long. Nguyễn Đa Phương ngày đêm đốc suất quân sĩ dựng rào chắn bảo vệ kinh thành.[‡ 16][44][45][43] Toàn thư chỉ nhắc tới sự kiện người Chiêm rút về vào tháng 12.[‡ 17] Taylor (2013) tin rằng Nguyễn Đa Phương bảo vệ Thăng Long thành công, buộc quân Chiêm rút về sau sáu tháng.[43] Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng Chiêm Thành chiếm đóng thành Thăng Long trong vòng sáu tháng rồi đưa quân về.[46][47][48]

Vai trò nhà Minh

Trong suốt các năm chiến tranh, Chiêm Thành tiếp tục duy trì thế thượng phong trong mặt trận ngoại giao với triều đình nhà Minh. Người Chiêm liên tục cử các phái bộ đến tố cáo Đại Việt, giữ cho nhà Minh ở vị trí trung lập, không can thiệp, đảm bảo Chiêm Thành không bị quở trách. Mặc dù Minh Thái Tổ biết về các cuộc tấn công của Chiêm Thành, nhà Minh vẫn chấp nhận cống nạp của người Chiêm, trong khi từ chối cống nạp của Đại Việt.[49][31] Từ sau năm 1384, có thể do nhà Minh hay một lý do nào đó, Chiêm Thành đã ngừng tấn công về phía bắc. Whitmore (2011) cho rằng người Chiêm trong giai đoạn này đã mở rộng theo nhiều hướng hơn là chỉ về phía Bắc: phía tây vào các cao nguyên phía tây, phía nam vào các khu vực từng bị thống trị bởi Đế quốc Khmer. Tuy nhiên, sự thống trị của người Chiêm đã dẫn đến những xung đột với nhà Minh.[49] Năm 1386, theo Toàn thư, nhà Minh sắp đem quân bình định Chiêm Thành, ra lệnh cho Đại Việt chuẩn bị tiếp tế từ Nghệ An đến Vân Nam.[‡ 18] Tuy nhiên, Minh thực lục không đề cập đến bất kỳ cuộc tấn công nào và thậm chí mô tả việc nhận cống phẩm từ Chiêm Thành năm đó. Tài liệu lịch sử của các nhà truyền giáo Dòng Tên thì ghi nhận hoàng đế nhà Minh đã trở nên giận dữ khi Itataha (chỉ Chế Bồng Nga) lấy một phần số voi vốn Chân Lạp dùng làm cống nạp cho nhà Minh.[34]

Chế Bồng Nga bắc tiến lần 5 (1389)

Tháng 10 năm 1389, Chế Bồng Nga lại đánh lên Thanh Hóa, Trần Nghệ Tông sai Lê Quý Ly dẫn quân chống cự. Quân Chiêm đắp ngăn sông Bản Nha ở thượng lưu, quân Đại Việt đóng cọc dày đặc đối địch, giữ nhau nhiều ngày. Quân Chiêm đặt sẵn quân và voi, giả vờ bỏ doanh trại rút về. Lê Quý Ly mắc mưu đem quân truy kích không ngờ bị trúng kế. Quân Đại Việt bị thiệt hại nặng nề, tướng chỉ huy bị bắt sống, nhiều tướng chết trận. Quý Ly để Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương ở lại cầm cự với giặc, còn mình thì trốn về Thăng Long xin thêm chiến thuyền. Trần Nghệ Tông không cho, vì thế ông giao trả binh quyền. Nguyễn Đa Phương và Phạm Khả Vĩnh biết thế yếu cũng rút quân về. Trở về kinh thành, Nguyễn Đa Phương, cậy công lớn nhiều năm trước có ý lên mặt, công khai chê Quý Ly là bất tài, thế nhưng sau này bị ép tự vẫn.[‡ 19][50][51]

Tháng 11 năm 1389, Trần Nghệ Tông sai Trần Khát Chân lúc đó đang nắm quân Long Tiệp đi chống quân Chiêm.[‡ 20] Trần Khát Chân kéo quân đến Hoàng Giang (khúc sông HồngHà Nam) gặp quân Chiêm, thấy không chống được, mới lui về đem quân đóng ở sông Hải Triều.[note 4] Trần Nguyên Diệu, em ruột của vua Trần Phế Đế, vì muốn báo thù mà ra đầu hàng theo Chế Bồng Nga.[‡ 21][52][53] Bấy giờ, trong nước, quân nổi loạn khắp nơi, Nguyễn Thanh làm loạn ở Lương Giang, Phạm Sư Ôn ở Quốc Oai nổi dậy đánh chiếm kinh đô, thượng hoàng và vua phải bỏ kinh đô, triệu tướng Hoàng Thế Phương đang đóng ở Hoàng Giang ra cứu.[‡ 22][52][50]

Trận Hải Triều (1390)

Minh thực lục ghi lại rằng Chế Bồng Nga bị thủ hạ La Ngải tiếm ngôi giết.[54][35][55] Thế nhưng, theo Toàn thư, năm 1390, Chế Bồng Nga cùng Trần Nguyên Diệu mang hơn 100 chiến thuyền đến Hải Triều đối đầu với Trần Khát Chân.[‡ 23][34] Một tiểu tướng Chiêm Thành bị tội với Chế Bồng Nga, sợ bị giết, bèn chạy trốn sang phía quân Trần, đầu hàng Trần Khát Chân, cho biết vị trí của Chế Bồng Nga. Khát Chân cho tập trung súng bắn xối xả vào chiếc thuyền ngự, Chế Bồng Nga bị trúng đạn chết. Trần Nguyên Diệu thấy vua Chiêm chết, liền chặt thủ cấp vua Chiêm rồi chèo thuyền trở về bên quân Trần. Hai tướng Đại Việt giết chết Nguyên Diệu, cướp lấy thủ cấp của Chế Bồng Nga nộp cho Trần Khát Chân.[‡ 24][56]

La Ngai thu thập tàn quân, hỏa táng xác Chế Bồng Nga, rút về Chiêm Thành. Quân Trần đuổi theo đánh, La Ngai dừng voi lại, tung ra nhiều tiền của để nhân lúc quân Trần mải nhặt đồ mà chạy thoát.[‡ 25][34][57] Trong khi đó, Trần Khát Chân cho người phi ngựa đem đầu vua Chiêm đến hành tại[note 5] ở Bình Than, tâu việc đánh được giặc.[‡ 26] Khi nghe được tin thắng trận, Nghệ Tông liền cho gọi các quan đến. Các quan mặc triều phục, đến và hô "vạn tuế!". Thượng hoàng nói: Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ, thiên hạ yên rồi![‡ 27][52]

Xung đột sau cái chết của Chế Bồng Nga

Sang năm 1391, Lê Quý Ly và Hoàng Phụng Thế lại mang quân đến Hóa châu, tuần tiễu biên giới Chiêm Thành. Quân Chiêm đặt phục binh đánh tan quân Trần. Phụng Thế bị bắt, sau trốn được về.[‡ 28][58][59] Năm 1396, Quý Ly sai Trần Tùng đi đánh Chiêm Thành, giành được thắng lợi nhỏ, bắt được tướng Chiêm là Bố Đông và lui binh.[‡ 29][60]

Kết quả và ý nghĩa

Một yếu tố quyết định thắng lợi của quân Đại Việt trong trận Hải Triều, là vũ khí thuốc súng và hỏa khí sát thương, khiến Chế Bồng Nga bị giết năm 1390.[61][62][63] Sự kiện ở Hải Triều cũng là trường hợp đầu tiên hỏa lực được ghi nhận sử dụng ở Việt Nam.[64][65] Chiến thắng này được coi là một bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt - Chiêm, cho thấy sự chuyển dịch cán cân quyền lực giữa hai thực thể.[46][64][66] Chiêm Thành trở nên suy yếu sau cái chết của Chế Bồng Nga, khiến nước này dễ bị tấn công từ phương Bắc.[67] La Khải tiếm xưng vương hiệu sau khi trở về,[57][34][55] sai sứ sang xin nhà Minh thừa nhận nhưng Minh Thái Tổ từ chối.[‡ 30][68][69][70] Hai con trai của Chế Bồng Nga sợ bị ám hại đã chạy qua Đại Việt xin tị nạn và được nhà Trần phong tước.[57] Một tướng Chiêm Thành khác cùng toàn thể gia quyến cũng sang Đại Việt tị nạn, được giao trọng trách bảo vệ biên giới phía nam phòng những cuộc tấn công mới của quân Chiêm Thành.[‡ 31][71]

Sau nhiều năm giao tranh, nhà Trần cũng bị tổn thất nặng nề. Cùng với cuộc chiến tranh với Chiêm Thành, các cuộc nổi loạn trong nước, nạn đói, thay đổi khí hậu và dịch bệnh, cũng như di dân sang các khu vực khác cộng lại đã làm giảm một phần ba dân số Đại Việt (từ 2,4 xuống 1,6 triệu người, theo ước tính của Sakurai Yumio).[72][73] Chiến tranh cũng làm nảy sinh một tầng lớp nho sĩ mới, cạnh tranh với văn hóa Phật giáo truyền thống và sự cai trị của tầng lớp quý tộc.[74] Nhà Trần suy yếu, chính sự nhà Trần cũng lọt vào tay Lê Quý Ly.[75] Năm 1400, Quý Ly tự lập làm vua, quốc hiệu Đại Ngu, đổi thành họ Hồ.[76] Sau khi Chiêm Thành rút đi, Hồ Quý Ly tái lập quyền kiểm soát đối với các vùng biên giới phía Nam, sử dụng các quan chức Đại Ngu, các thủ lĩnh, thổ hào địa phương và người Chiêm Thành. Nhiều lãnh đạo địa phương trước đây ủng hộ Chiêm Thành nhanh chóng nhận ra sự chuyển dịch quyền lực và quay lại tấn công các lực lượng người Chiêm đang rút lui.[57] Các thổ hào trung thành với nhà Trần, mang dân quy thuận triều đình trong lúc chiến loạn, được ban thưởng, còn các thổ hào theo Chiêm Thành đều bị hạ lệnh bắt để trị tội.[‡ 32]

Theo nhiều tài liệu lịch sử như Toàn thư và Phủ biên tạp lục, một số các vùng đất xa về phía Nam vốn dưới ảnh hưởng Chiêm Thành sau này bị Hồ Quý Ly chiếm.[77][78] Theo một số tài liệu lịch sử, thủ đô Bal Angwei đã thất thủ vào năm 1397 và dân tị nạn đổ vào Bal Panrang (kinh đô Panduranga).[79] Tuy nhiên, Zottoli (2011) cảm thấy việc Hồ Quý Ly kiểm soát một số vùng đất từ vùng Quảng Nam sau 1400 là "đáng nghi ngờ", một phần do những mâu thuẫn trong các tư liệu lịch sử.[77]

Năm 1404, một người tên Trần Thiêm Bình nhận là thành viên của hoàng tộc nhà Trần, chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Minh, là một nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lăng nước Việt của nhà Minh.[80] Đại Ngu của Hồ Quý Ly, không nhận được sự ủng hộ của dân chúng, đã bị sụp đổ và chịu khuất phục trước đội quân hơn 200 nghìn người của nhà Minh, trang bị vũ khí tiên tiến nhất vào thời điểm đó.[63][81] Đây có thể nói là một trong những cuộc chiến tranh quan trọng nhất vào hậu kỳ Trung Cổ.[63] Người Trung Quốc sau đó sáp nhập Đại Ngu vào lãnh thổ nhà Minh và đổi tên vùng đất này thành Giao Chỉ.[82][83][84]

Xem thêm

Chú giải

Trích dẫn

Cổ thư

Đương đại

Tham khảo

Cổ thư

  • Ngô Sĩ Liên, 陳紀 [Kỷ nhà Trần], 大越史記全書 [Đại Việt sử ký toàn thư], Bản kỷ/Quyển 6, Bản kỷ/Quyển 7, Bản kỷ/Quyển 8
  • 明實錄 [Minh thực lục]. Wade, Geoff biên dịch.

Đương đại

Sách

Tạp chí khoa học

Báo chí