CoronaVac

CoronaVac, còn được gọi là vắc-xin COVID-19 Sinovac,[1]vắc-xin COVID-19 dùng virus bất hoạt được công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển.[2] Nó được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở Brazil,[3] Chile,[4] Indonesia,[5] Philippines,[6]Thổ Nhĩ Kỳ[7]. Vắc xin này dựa trên công nghệ truyền thống tương tự như BBIBP-CorVCovaxin, hai loại vắc-xin phòng ngừa covid-19 dùng virus bất hoạt khác.[8] CoronaVac không cần phải đông lạnh và cả sản phẩm cuối cùng và nguyên liệu thô để tạo ra CoronaVac đều có thể được vận chuyển trong tủ lạnh ở 2–8 °C (36–46 °F), tương đương nhiệt độ dùng để lưu trữ vắc xin cúm.[9]

Một nghiên cứu thực tế trên 10 triệu người Chile đã sử dụng CoronaVac cho thấy nó có hiệu quả 66% đối với COVID-19 có triệu chứng, 88% đối với việc nhập viện, 90% đối với việc nhập phòng ICU và 86% đối với tử vong.[10] Tại Brazil, sau khi 75% dân số ở Serrana, São Paulo, được tiêm CoronaVac, kết quả sơ bộ cho thấy số ca tử vong giảm 95%, số ca nhập viện giảm 86% và số ca có triệu chứng giảm 80%.[11][12] Tại Indonesia, dữ liệu thực tế từ 128.290 nhân viên y tế cho thấy khả năng của CoronaVac bảo vệ khỏi nhiễm bệnh có triệu chứng là 94%, cao hơn cả các kết quả trong các thử nghiệm lâm sàng.[13]

Kết quả giai đoạn III từ Thổ Nhĩ Kỳ được công bố trên The Lancet cho thấy hiệu quả của CoronaVac đạt hiệu quả 84% dựa trên 10,218 người tham gia thử nghiệm.[14][15] Kết quả giai đoạn III từ Brazil trước đây cho thấy vắc xin này có 50,7% hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng có triệu chứng và 83,7% hiệu quả trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhẹ cần điều trị. Hiệu quả chống lại các ca nhiễm bệnh có triệu chứng tăng lên 62,3% với khoảng cách thời gian giữa các liều là 21 ngày hoặc hơn.[16]

CoronaVac đang được sử dụng trong các chiến dịch tiêm chủng ở nhiều nước khác nhau ở Châu Á,[17][18][19] Nam Mỹ,[20][21][22] Bắc Mỹ,[23][24][25] và Châu Âu.[26][27][28] Đến tháng 4 năm 2021, Sinovac có năng lực sản xuất 2 tỷ liều một năm[29] và đã phân phối tổng cộng 600 triệu liều.[30] Vắc xin này hiện đang được sản xuất tại một số cơ sở ở Trung Quốc,[29] với kế hoạch sản xuất ở nước ngoài tại Brazil vào tháng 9 năm 2021[31] và cuối cùng là ở Ai Cập[32] và Hungary.[33]

Vào ngày 1 tháng 6 năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho phép vắc xin được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp,[30][34][35] nhưng lúc đó đã có hơn 430 triệu liều CoronaVac đã được sử dụng trên toàn cầu.[30] Sinovac cũng đã ký thỏa thuận bán 380 triệu liều vắc xin này cho COVAX.[36] Tính đến ngày 7 tháng 7 năm 2021, CoronaVac là vắc xin được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, với hơn 943 triệu liều được phân phối trên toàn cầu.[37]

Tham khảo