Dân ca, dân vũ Đông Anh

Dân ca Đông Anh hay Dân ca, dân vũ Đông Anh hay ngũ trò Viên Khê là hệ thống các trò diễn xướng đi kèm các bài dân ca, lưu hành tại thôn Viên Khê, xã Đông Khê (trước đây thuộc xã Đông Anh cũ) và vùng phụ cận, thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Các trò diễn Đông Anh được xếp vào các hình thức diễn xướng dân gian tiêu biểu của xứ Thanh, cùng với tổ khúc hò sông Mãtrò Xuân Phả[1][2]. Các trò diễn Đông Anh phản ánh đời sống sinh hoạt và tâm tư tình cảm của người nông dân Việt Nam xưa. Những lời ca như: Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng... đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam.

Ngũ trò Viên Khê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ ngày 11 tháng 9 năm 2017.[3]

Nguồn gốc

Các trò diễn ở Đông Anh có thể có từ thời Bắc thuộc (nhà Tùy), do Chàng Cả Đại Vương, con trai của Lê Ngọc (thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lê Ngọc) truyền cho dân chúng[1][4].

Cũng có ý kiến cho rằng lịch sử của trò ngũ quốc (gồm 5 trò diễn là trò Chiêm Thành, trò Hoa Lang, trò Lục Hồn Nhung, trò Ngô quốc, trò Ai Lao) có thể là lễ nhạc của nhà Hậu Lê, được các vị quan là Trịnh Quý Thuật và Nguyễn Mộng Tuân truyền lại cho làng Xuân Phả (quê của Trịnh Quý Thuật) và làng Viên Khê (quê của Nguyễn Mộng Tuân)[5]. Năm trò diễn nói trên cũng là toàn bộ các trò của trò Xuân Phả, riêng trò Ai Lao chưa thấy có trong hệ thống trò diễn Đông Anh. Mặt khác, số trò diễn ở Đông Anh không dừng lại ở con số 5 như tên gọi ngũ trò, các trò diễn có thể hình thành thêm trong quá trình hội lễ và lịch sử.

Phạm vi

Các điểm lưu hành Dân ca Đông Anh (trò Viên Khê) và tương quan với trò Rủn, trò Bôn

Chàng Cả đại vương là con trai của Cao Hoàng, một người gốc Trung Quốc, được Cao Hoàng giao cai trị vùng đất mà cho đến thời -Nguyễn là chín thôn xã: Viên Khê, Doãn Xá[ct 1], Xuân Lưu, Cáo Thôn[ct 2], Phúc Hậu, Phù Lưu, Viễn Dương, Mao Xá, Đại Nẫm thuộc ba tổng Tuyên Hóa, Quảng Chiếu[ct 3], Thanh Khê[4], nay thuộc các xã Đông Khê, Đông Thịnh, Đông Minh, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn và phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa.

Vào cuối thời Nguyễn (đầu thế kỉ 20), các thôn xã nêu trên chủ yếu thuộc tổng Tuyên Hóa (đầu thời Nguyễn là một phần tổng Lê Nguyễn), trừ Phù Lưu thuộc tổng Quảng Chiếu, Mao Xá và Đại Nẫm thuộc tổng Thanh Khê và Viễn Dương chưa xác định rõ thuộc tổng nào. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), tổng Tuyên Hóa được đổi thành xã Tuyên Hóa và đến năm 1948, xã Tuyên Hóa được đổi thành xã Đông Anh, huyện Đông Sơn. Tên gọi dân ca Đông Anh được lấy theo tên xã Đông Anh[6].

Đến cuối năm 1953, xã Đông Anh được chia thành các xã Đông Anh (mới), Đông Xuân, Đông Thịnh. Trong số đó, toàn bộ bốn thôn của xã Đông Xuân (gồm Xuân Lưu, Cáo Thôn, Phúc Hậu và Nhuệ Sâm - thuộc Doãn Xá) thuộc chín thôn xã từng lưu truyền dân ca Đông Anh (hiện nay các làng này là các khu phố thuộc thị trấn Rừng Thông). Tuy nhiên, đến cuối thế kỉ 20, chỉ có làng Viên Khê thuộc xã Đông Anh và một số làng thuộc xã Đông Thịnh (xã Doãn Xá cũ) bảo tồn được những điệu dân ca, dân vũ này.

Hệ thống trò diễn

Các trò diễn Đông Anh được gọi là ngũ trò Đông Anh hay ngũ trò Viên Khê. Gọi là ngũ trò nhưng thực ra trò diễn Đông Anh gồm 12 trò là: trò Múa đèn, trò Tiên Cuội (hay Tiên phường), trò Tô Vũ, trò Trống Mõ, trò Thiếp, trò Vằn vương (hay trò Hùm), trò Thủy (hay Thủy phường), trò Leo dây, trò Xiêm Thành (hay Chiêm Thành/Sim Thành), trò Hà Lan (hay Hoa Lang), trò Tú Huần (hay Lục Hồn Nhung), trò Ngô quốc. Ngoài ra ở Đông Anh còn có một số tiết mục nữa như trò Đại Thánh, trò Nữ quan...[1]

So với các hình thức diễn xướng dân gian khác ở xứ Thanh, ngũ trò Viên Khê đã bắt đầu có "kịch bản" và kịch bản đã có tích[1]. Ngũ trò Viên Khê gắn liền trò diễn với lời ca, chính vì vậy thay cho cách gọi phổ biến là dân ca Đông Anh, hiện nay nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian đã dùng cụm từ dân ca, dân vũ Đông Anh.

Một số địa phương lân cận thuộc huyện Đông Sơn cũng có hệ thống ngũ trò: Ngũ trò Rủn[ct 4] ở kẻ Rủn, nay thuộc xã Đông Khê, gồm các trò: Múa đèn, Trống Mõ, Tiên Cuội, Ngô quốc, Mí Mẩn[7] và Ngũ trò Bôn ở kẻ Bôn, nay thuộc xã Đông Thanh, gồm các trò: Ngô phường, Lan phường, Tiên phường, Thủy phường, Lăng ba khúc [8] (các xã Đông Khê, Đông Thanh vào đầu thời Nguyễn thuộc tổng Thạch Khê, giáp giới tổng Lê Nguyễn và cùng thuộc huyện Đông Sơn).

Trò Xuân Phả hay trò Láng (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cũng có các trò Chiêm Thành, trò Hoa Lang, trò Lục Hồn Nhung, trò Ngô quốc nhưng hình thức thể hiện có khác nhiều.

Trò Múa đèn

Trò Múa đèn hay còn gọi là tổ khúc Múa đèn, là trò diễn tiêu biểu nhất của ngũ trò Viên Khê. Tổ khúc được chia thành nhiều bài, gồm[9]:

Một số tài liệu không ghi nhận các bài Cửa đóng then càiDâng quạt mà thay bằng các bài Đánh gà luộc, Cúng cơm mớiDâng oản[10].

Các bài trong tổ khúc phản ánh chu trình sản xuất theo mùa vụ nông nghiệp. Khi biểu diễn, 12 con trò (là các cô gái) đội trên đầu đĩa đèn dầu lạc (ngày nay thay bằng đĩa nến), vừa hát vừa thực hiện các động tác múa rất uyển chuyển mà không làm đèn rơi xuống. Xen giữa 10 bài là đầu tiên là xướngđế, các bài cuối: Đánh gà luộc, Cúng cơm mớiDâng oản chỉ múa mà không hát.

Một số lời ca tiêu biểu:

Bài Thắp đèn:

Sau chín tiếng trống, 12 con trò đồng thanh hát:

Thấp thoáng bóng ngọn đèn quang
Còn không ta lấy, dở dang ta đừng
Trong nhà ta tứ ngày ràng rạng
Lòng em lại muốn chơi trăng ngoài thềm
Muốn cho trong ấm ngoài êm

Lời xướng: Bà con ơi! Giờ đến tháng giêng, tháng hai ta đi luống bông, luống đậu[ct 5] phải không?Lời đế: Phải rồi. Sau đó chuyển sang bài tiếp theo (Luống bông, luống đậu).

Bài Vãi mạ:

Tay cầm nắm trấu tung ra
Trấu nát ra tro, thịt nát ra giò, đậu nát ra tương

Bài Chẻ lạt đan lờ (còn gọi là Đan lờ):

Tay cầm dao mác, nắm nan
Lên chùa thanh vắng ta đan cái lờ
Bắt cá thả lờ, còn nhớ hay đã quên?.

Những lời ca này có phần giống ca từ của làn điệu chèo tàu Lên chùaĐan Phượng, Hà Nội[11]:

Tay cầm dao mác, thanh nan
Lên chùa thanh vắng ta đan cái xời
Không may xời đổ toi rơi
Cho cua bò mất anh thời về không…

Bài Đi cấy[12]:

Lên chùa bẻ một cành sen
Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng
Ba bốn cô có hẹn cùng chăng?
Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm
Muốn cho trong ấm ngoài êm...

Một số biến thể được ghi nhận như:

Ba bốn o có "lệch" có "bợm"[ct 6] cùng chăng?

Hay:

Ba bốn cô có "lệch" có "bợm" cùng chăng?

Bài Xe chỉ, vá may:

Ngồi thềm xe chỉ, chỉ xe
Xỏ kim, kim xỏ ngồi hè vá may...

Một biến thể khác:

Ngồi buồn xe chỉ, chỉ xe
Xỏ kim, kim xỏ, ngồi thềm vá may
Lội sông khăn gói tay mang
Mồ hôi gió đượm thương chồng phải theo

Bài Cửa đóng then cài:

Khăng khăng cửa đóng then cài
Cửa trong mắc khóa, cửa ngoài cài then
Đôi ta còn lạ chưa quen
Tuy rằng cửa đóng mà then không cài.

Bài Đi gặt kết thúc cả tổ khúc với lời ca:

Bao giờ cho lúa bông vàng.
Để anh đi gặt cho nàng mang cơm.

Trò Tiên Cuội

Con trò gồm chú Cuội và 12 tiên nữ. Sau khi gặp nhau bên hồ sen, Cuội yêu và lấy cô tiên đẹp nhất. Khi các cô tiên được Ngọc Hoàng gọi về trời, Cuội đau xót và chết. Các tiên nữ thương cảm liền quay lại làm phép cho Cuội hồi sinh. Tất cả cùng múa hát ngợi ca xóm làng.

Trò này thể hiện ước mong có một cuộc sống thanh bình no ấm[1]. Mở đầu là đoạn dâng hương hát chúc, sau đó là đoàn tiên trên trời xuống chơi và ca:[13]

...Xuân vừa gặp tiết thiều quang
Múa mừng dân xã thọ trường vinh hoa.

Sau đó là đoạn Tiên Cuội tỏ tình:[14]

...Ô Kiều, ô thước bắc sang
Chức Ngưu kia cũng một đoàn vầy vui.

Trò Tô Vũ

Cùng với trò Xiêm Thành, trò Tô Vũ không có lời ca[15]. Các con trò gồm bốn ông bụt, một ông sư, một bà vãi đội nhang, một ông tô tượng đúc chuông. Các nhân vật múa các điệu chèo cạn, chèo sâuchèo đua.

Trò Trống Mõ

Trò Trống Mõ có hai nhân vật mạt hạng trong làng là Trống và Mõ cùng với cu Nhớn, mẹ Mõ. Cuộc sống của người nông dân trong xã hội phong kiến được phản ánh sinh động thông qua những đoạn đối thoại dí dỏm[16]. Nhạc đệm là trống và mõ, lời thoại xen với hát, chủ yếu mượn của ca dao, dân ca.[17]

Trò Thiếp

Trò Thiếp được diễn tại nghè Sâm lần cuối cùng vào năm 1944. Từ tên trò đến lề lối, giọng điệu đều dựa vào tục đánh đồng thiếp, một tập tục mê tín xưa nhưng nội dung lại mang tính chế giễu tệ đồng cốt.

Các con trò gồm tín chủ, thầy cả và bốn phụ lễ, đều do nữ đóng, phục trang sặc sỡ. Các làn điệu được sử dụng: chúc, chầu văn, thỉnh.

Anh tài đủ mặt cùng nhau
Đánh loài quỷ đói cụt đầu, cụt tay

Đồng thời, trò Thiếp còn có những bài nói thể hiện nội dung trữ tình[16]:

... Trăm hoa dầu dãi nắng sương
Hoa cam, hoa quýt, chàng thương hoa nào?
Chàng thương hoa mận hoa đào
Còn bông hoa cúc biết vào tay ai?...

Và:

Mình lấy được ta trăm hoa tươi tốt
Tuổi ta hăm mốt, tuổi mình hăm hai.

Trò Vằn vương

Mười tám con trò gồm một con hổ, mười sáu thợ săn và một người xướng. Thợ săn đứng thành hình chữ U, bốn người đầu đeo súng còn lại cầm giáo, cùng vây hổ, bắt khênh về. Trò diễn kèm với lời ca.

Trò Thủy

Trò Thủy gồm sáu đoạn: mở đầu, giáo thuyền, khai chèo, đi chèo, giậm mái, chèo bay, lời ca đi liền với các động tác múa. Mười sáu con trò cầm mái chèo, chia hai hàng. Nhạc cụ: trống, thanh la, sênh. Có hai người múa gươm vàng. Trang phục gồm quần trắng, áo đỏ, thắt lưng xanh.[18]

Lời ca như sau:[19]

Mở đầu:

Mở cửa cho thủy tôi vào
Đem trò trình lễ tiêu hao sự tình...

Giáo thuyền:

...Mừng nay khang thái
Vận mở dương hanh
Luyện tập thủy binh
Sử thuyền như sử mã...

Khai chèo:

Khen ai khéo mở
Gỗ dựng làm thuyền...

Đi chèo:

...Mạn thuyền nghiêng đôi bên êm ái
Mặc kẻ chèo người lái trước sau.

Giậm mái:

Chẳng giậm thì thuyền chẳng đi
Giậm ra ván nát thuyền thì long đanh...

Chèo bay:

...Ta chèo một mái sang sông
Rước lấy đô đốc quận công về đình...

Trò Xiêm Thành

Trò này không có lời ca. Một người đứng giữa cầm trống, các con trò đeo mặt nạ và phục trang, múa theo nhịp trống. Các vai diễn gồm:

  • Hai anh Mõ, một áo đen, một áo xám, cả hai mang mặt nạ nhỏ, xương xương, cầm mõ đánh theo nhịp trống.
  • Thầy thuốc: mặt nạ trán dô, mũi to, miệng rộng, môi hở, lè lưỡi chìa 4 răng ra ngoài, áo kiểu tuồng cổ.
  • Mí Mẩn: Mặt nạ mũi gãy, miệng rộng, môi trên to, môi dưới mỏng, mặc áo thụng vàng.
  • Anh Mếu: mặt nạ miệng mếu, áo thụng đỏ.
  • Người chết: mặt nạ hiền, màu xanh, áo thụng xanh.

Sau một hồi trống dồn, người chết nằm xuống đất, chết. Mếu, Mõ, Mí Mẩn đi mời thầy thuốc. Mí Mẩn nói: Thầy ơi thầy, xin thầy ba lạng vàng, thầy thuốc lắc đầu. Mí Mẩn lại nói: Thầy ơi thầy, xin thầy ba nắm xôi[ct 7]. Thầy thuốc gật đầu, chữa bệnh, người chết sống lại. Tất cả con trò vái và vào.

Trò Hà Lan

Con trò gồm một con kì lân, hai con ngựa, chúa và nhiều lính. Chúa cầm nhịp cho lính hát theo, âm điệu khỏe và nhịp nhàng. Chúa múa cờ lụa trắng, múa siêu đao, múa quạt, quân cũng múa theo. Lời ca chủ yếu chúc vua quan và mong đời sống yên bình.

Trò Tú Huần

Con trò gồm một mẹ và bốn con, đeo mặt nạ và vừa diễn các động tác như cày bừa, kiếm củi, học hành, chơi đùa, vừa hát theo nhịp trống đệm.

Lời ca như sau:

Túi anh những bạc cùng vàng
Mượn thợ kéo nhẫn cho nàng đeo tay...

Trò Ngô quốc

Trò Ngô được chia làm ba cảnh, biểu diễn trọn một đêm.

  • Cảnh 1: các con trò: thầy thuốc, thầy địa lý, thầy bói biểu diễn các động tác nghề nghiệp theo nhịp trống và sênh.
  • Cảnh 2: thêm một ông lão Ngô (ông già người Tàu) đi bán kẹo, một cô gái mại dâm ghẹo lão Ngô và ba người đi bẻ ngô phụ họa cùng cô. Khi lão Ngô chết, cô mời thầy thuốc đến chữa, thầy địa lý cũng đòi chữa bệnh và lão Ngô sống lại.
  • Cảnh 3: thêm bốn ông bụt đeo mặt nạ, một ông sãi, một bà vãi, một ông tô tượng đúc chuông. Các con trò hát các bài chèo cạn, tô tượng, đúc chuông và diễn như trong trò Tô Vũ.

Lễ hội

Ngũ trò Viên Khê được tổ chức thành lễ hội quy mô lớn, vào thời Nguyễn có sự tham gia của 9 thôn xã: Viên Khê, Doãn Xá, Xuân Lưu, Cáo Thôn, Phúc Hậu, Phù Lưu, Viễn Dương, Mao Xá, Đại Nẫm. Lễ hội được tổ chức tại nghè Sâm[ct 8]. Thông thường, lễ hội được mở 3 năm một kỳ, vào các năm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Ca dao trong vùng có câu:

Ba năm một khoá trò lề
Lấy chồng hàng tổng thì về mà coi.
Ba năm một khoá trò chơi
Đông tây nam bắc xin mời về quê.

Vào các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu, các làng trong vùng mở hội riêng thờ thần hoàng của làng, chọn trò dự lễ hội. Trò nào được đánh giá cao nhất trong tổng thì được làm chủ hội nghè Sâm.

Công việc tổ chức lễ hội được bắt đầu từ tháng chạp âm lịch trước năm có lễ hội nghè Sâm. Ăn Tết xong, các làng dựng áng ở khu vực trước nghè Sâm. Trước khi chính thức mở hội, các làng diễn 4 trò: Xiêm Thành, Hoa Lang, Tú Huần, Ngô quốc tại áng của làng mình, đầu tiên là làng Viên Khê sau đó là các làng còn lại[1].

Khôi phục

Sau Cách mạng tháng Tám, các trò diễn Đông Anh không còn được tổ chức nữa. Chỉ có phần lời ca của một số trò là được lưu truyền trong đông đảo nhân dân, còn các trò diễn gần bị lãng quên.

Những năm 1960, một nhóm các nhà văn hóa dân gian đã sưu tầm tại các làng Viên Khê (xã Đông Anh), Xuân Lưu và Nhuệ Sâm (xã Đông Xuân, nay thuộc thị trấn Rừng Thông), Ngọc Lậu (xã Đông Thịnh) được 9 trò diễn, gồm Múa đèn, Tiên cuội, Hà Lan, Thủy, Trống mõ, Ngô, Tú huần, Văn vương và trò Thiếp.[20]

Từ năm 2002, Viện Âm nhạc Việt Nam đã chủ trì dự án "Khôi phục văn hóa phi vật thể", trong đó đã tổ chức khôi phục lại một số trò diễn. Đến năm 2006, đã khôi phục được hai trò là trò Trống Mõ và trò Thiếp, cùng với ba trò diễn đã được khôi phục từ trước khi có dự án[16].

Đến năm 2009, đã khôi phục được 10 trò diễn gồm: Múa đèn, Tiên Cuội, Nữ quan, Trống Mõ, Bắt cọp, Thiếp, Ngô, Hà Lan, Thủy, Thủy phường. Các trò Tú Huần, Sim Thành đang được tiếp tục khôi phục[21].

Tính đến cuối năm 2011, đã sưu tầm, nghiên cứu khôi phục lại 12 trong số 13 trò diễn. Trong đó, trò Lăng Ba Khúc đang sưu tầm thêm tư liệu lời múa, điệu hát. Tại xã Đông Anh, đã có 10 câu lạc bộ được thành lập ở các trường học, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... trong xã.[22]

Chú thích

Tham khảo

Tài liệu

  • Nhóm Lam Sơn (1965). Dân ca Thanh Hoá. Nhà xuất bản Văn học.
  • Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hoá (2001). Tên làng xã Thanh Hoá. tập II. Nhà xuất bản Thanh Hoá.
  • Vũ Ngọc Khánh; Phạm Minh Thảo (1997). Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam. Văn hóa Thông tin.
  • Nguyễn Văn Nhật (chủ biên) (2006). Địa chí huyện Đông Sơn. Khoa học xã hội.

Xem thêm

Liên kết ngoài