Dịch đậu mùa Nhật Bản 735–737

Dịch đậu mùa Nhật Bản 735–737 (天平の疫病大流行 Tenpyō no ekibyō dairyūkō?, "Dịch bệnh thời Tenpyō (Thiên Khánh)") là trận dịch đậu mùa đã cướp đi sinh mạng khoảng 1 phần 3 dân số Nhật Bản (25%–35%). Dịch bệnh đã gây ra những tác động đáng kể về mặt xã hội, kinh tế và tôn giáo trên khắp đất nước.

Nguồn gốc

Một vài thập kỷ trước khi dịch bệnh bùng phát, các quan chức triều đình Nhật Bản áp dụng chính sách của Trung Quốc về việc báo cáo các đợt bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng dân cư.[1]

Nhật Bản và Châu Á đại lục ngày càng có nhiều giao thương, điều này đã dẫn tới sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm ở mức độ thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn. Dịch bệnh đậu mùa năm 735–737 được ghi nhận là đã bùng phát vào khoảng tháng 8 năm 735[2] tại thành phố Dazaifu, Fukuoka ở miền bắc Kyushu. Ban đầu một ngư dân Nhật Bản có thể đã mắc bệnh sau khi đi đến bán đảo Triều Tiên.[3] Căn bệnh lây lan nhanh chóng khắp miền bắc Kyushu vào năm đó, và kéo dài thành nhiều đợt. Đến năm 736, nhiều người thuê đất ở Kyushu qua đời hoặc bỏ ruộng, khiến năng suất nông nghiệp đi xuống và hệ quả là nạn đói.[4][5]

Ngoài ra, vào năm 736, một nhóm quan chức chính phủ Nhật Bản đã đi qua miền bắc Kyushu trong khi dịch bệnh đang gia tăng. Khi các thành viên trong nhóm bị ốm và qua đời, nhóm từ bỏ nhiệm vụ đặt chân lên bán đảo Triều Tiên. Nhóm quan chức còn lại trở về thủ đô, vô tình reo rắc bệnh đậu mùa sang miền đông Nhật Bản và vùng Nara.[6] Căn bệnh này tiếp tục hoành hành Nhật Bản vào năm 737. Một biểu hiện minh chứng tác động lớn của đại dịch là vào tháng 8 năm 737, quan chức đã ban bố lệnh miễn thuế cho toàn bộ Nhật Bản.[7]

Dựa trên các báo cáo, tỷ lệ tử vong ở người trưởng thành đối với dịch đậu mùa 735–737 được ước tính là 25–35% toàn bộ dân số Nhật Bản, một số khu vực có tỷ lệ cao hơn nhiều, lên đến 60%.[8][9] Tất cả các tầng lớp trong xã hội đều bị ảnh hưởng. Nhiều quý tộc trong triều đình qua đời vì bệnh đậu mùa vào năm 737, gồm cả bốn anh em của gia tộc Fujiwara quyền lực: Fujiwara no Muchimaro (680–737), Fujiwara no Fusasaki (681–737), Fujiwara no Umakai (694–737) và Fujiwara no Maro (695–737). Việc họ đột ngột qua đời tạo điều kiện cho đối thủ Tachibana no Moroe thăng tiến nhanh chóng, nắm giữ chức vọng cao trong triều đình của Thiên hoàng Shōmu.[7]

Dịch bệnh không chỉ cướp đi sinh mạng một bộ phận lớn dân số, mà nó còn gây ra sự phân tán, di cư và mất cân bằng lao động đáng kể trên khắp lãnh thổ Nhật Bản. Xây dựng và trồng trọt, đặc biệt là trồng lúa, bị ảnh hưởng nặng nề.[10]

Hệ quả

Daibutsuden tại ngôi chùa Tōdai-ji

Ngoài việc miễn giảm thuế, các quý tộc Nhật Bản đã có những hành động chưa từng có tiền lệ khác để đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm ngăn chặn tình trạng di cư dân số trên diện rộng và phục hồi các cụm nông nghiệp. Ví dụ, vài năm sau khi đại dịch đậu mùa bùng phát, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã cố gắng kích thích năng suất nông nghiệp bằng cách trao quyền sở hữu đất tư nhân cho những người sẵn sàng làm việc trên đất nông nghiệp.[11]

Cũng trong khoảng thời gian này, Thiên hoàng Shōmu cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về thảm kịch kinh hoàng này, đã dựa vào Phật giáo để thay đổi toàn cục đất nước. Ông ủy thác xây dựng ngôi chùa lớn Tōdai-ji và pho tượng Phật Daibutsu tại ngôi chùa Tōdai-ji, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng các ngôi đền của tỉnh (kokubunji (国分寺?), tượng và các công trình tôn giáo trên khắp đất nước.[3][12] Chỉ riêng chi phí để xây Daibutsu đã khiến đất nước gần như bị phá sản.[13]

Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, Nhật Bản tiếp tục trải qua dịch bệnh đậu mùa. Nhưng đến đầu thiên niên kỷ thứ 2, bệnh đậu mùa đã trở thành bệnh đặc hữu (endemic) của người Nhật Bản và do đó hạn chế thiệt hại hơn khi dịch bệnh bùng phát.[14]

Xem thêm

  • Ác quỷ đậu mùa (Tiếng Nhật: 疱瘡神 Hōsōshin?)

Tham khảo