Công nhận các cặp cùng giới ở Việt Nam

Khoản 1 Điều 36 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định nguyên tắc hôn nhân là "một vợ một chồng".[1] Về quy định cụ thể, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính",[2] Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không có điều cấm, có nội dung "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính"[3] (khoản 2 Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).[4] Những người cùng giới có thể chung sống và một số tranh chấp giữa họ, như tranh chấp về tài sản, được giải quyết theo Luật Dân sự.[5][6][7]

Châu Á
Hoạt động tình dục cùng giới hợp pháp
  Hôn nhân hợp pháp
  Hôn nhân cùng giới nước ngoài được công nhận
  Kết hợp dân sự
  Sống chung không đăng ký
  Không có sự công nhận của các cặp cùng giới
  Hạn chế về tự do ngôn luận
Hoạt động tình dục cùng giới bất hợp pháp
  Không được thi hành hoặc không rõ ràng
  Hình phạt
  Tù chung thân
  Tử hình

Lịch sử pháp lí

Hôn nhân cùng giới không được công nhận ở Việt Nam, dù đã có những thảo luận về hợp pháp hóa vào năm 2013 và 2014. Năm 2013, Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ không còn phạt những người tổ chức lễ cưới cùng giới nơi công cộng; tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" và do đó, các nội dung về pháp lý giữa họ như an sinh xã hội, bảo hiểm, trợ cấp, quyền nhận nuôi con nuôi, thừa kế, sở hữu tài sản, thuế... không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hôn nhân và Gia đình.[8][9][10] Những người cùng giới có thể chung sống và một số vấn đề pháp lý giữa họ, như tranh chấp về tài sản, sẽ được giải quyết theo Luật Dân sự.[5][6][7]

Bối cảnh

Luật Hôn nhân và Gia đình 1986 không có đề cập nào đến hôn nhân hay sống chung giữa những người cùng giới.[11] Năm 1997, đám cưới đồng tính công khai đầu tiên của Việt Nam diễn ra tại TPHCM. Cảnh sát được cho là đã nói rằng không có luật nào cho phép họ phạt cặp đôi này.[12] Năm 1998, hai người phụ nữ làm đám cưới đồng tính nữ công khai đầu tiên được biết đến ở Việt Nam tại Vĩnh Long. Các quan chức chính phủ đã phá vỡ cuộc hôn nhân trên và hai người phụ nữ phải kí cam kết không sống cùng nhau.[12] Sau các đám cưới này, Quốc hội thông qua đạo luật cấm hôn nhân đồng tính vào tháng 6 năm 1998.[13] Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính".[14]

Tình trạng pháp lí

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2015, không "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính", có nội dung "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" (khoản 2 Điều 8).[4][15] Những người cùng giới có thể chung sống và một số tranh chấp giữa họ, như tranh chấp về tài sản, được giải quyết theo Luật Dân sự.[5][6][7]

Thảo luận hợp pháp hóa

Thập niên 2010

Năm 2012, một cặp đồng tính nữ ở Cà Mau và một cặp đồng tính nam tại Kiên Giang tổ chức một đám cưới tại nhà nhưng bị chính quyền địa phương ngăn cản. Việc này được tường thuật trên nhiều báo chí, và đã dẫn đến những cuộc tranh luận sôi nổi.[16][17] Cùng năm, bộ trưởng Tư pháp, ông Hà Hùng Cường, tuyên bố là chính phủ đang xem xét vấn đề hôn nhân cùng giới khi sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình. Vấn đề được dự định là sẽ tranh luận tại quốc hội vào mùa xuân năm 2013.[18][19] Tháng 5 năm 2012, Bộ Tư pháp ra công văn để thu thập ý kiến đánh giá hạn chế của Luật Hôn nhân và Gia đình 2000, trong đó có đề cập đến việc kết hôn và chung sống của những người cùng giới.[20] Trong quá trình thảo luận, đại diện Viện nghiên cứu Thanh niên (thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh)[21] và Bộ Y tế có quan điểm ủng hộ hôn nhân đồng tính.[21] Ngược lại, đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng không nên công nhận hôn nhân đồng tính.[5]

Trong phiên họp chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2013 nhận định: Hôn nhân đồng giới là một thực tế xã hội đang đòi hỏi, đây là vấn đề của toàn cầu, không thể "né", cần nêu các ý kiến khác nhau ra để thảo luận, cân nhắc cặn kẽ.[22]

Vào tháng 6 năm 2013, bộ Tư pháp đệ trình dự luật về hủy bỏ việc cấm hôn nhân cùng giới từ luật Hôn nhân và Gia đình và sẽ cho phép các cặp cùng giới chung sống với nhau.[23] Vào ngày 24 tháng 9 năm 2013, chính phủ ra sắc lệnh hủy bỏ việc phạt những hôn nhân cùng giới. Sắc lệnh này có hiệu lực từ ngày 11 tháng 11 năm 2013.[24][25][26] Trong trường hợp chính quyền địa phương xen vào can thiệp, những người liên hệ có thể dùng sắc lệnh này để bảo vệ vấn đề cá nhân của họ.[27] Vào ngày 13 tháng 10 năm 2013, viện ISEE và trung tâm ICS đã khởi xướng chiến dịch truyền thông xã hội Tôi đồng ý nhằm kêu gọi sự ủng hộ của người Việt Nam với hôn nhân cùng giới.[28]

Tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này năm 2014, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng Hiến pháp vừa sửa đã nêu nguyên tắc "nam, nữ có quyền kết hôn" tức là chưa thừa nhận hôn nhân cùng giới. Ông cho rằng luật không thể "vượt" Hiến pháp.[29]

Ngày 22 tháng 1 năm 2019, tại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát lần thứ ba của Việt Nam, Iceland, Hà LanCanada đề xuất Việt Nam hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.[30] Ngày 4 tháng 7 năm 2019, chính phủ "đã lưu ý" (từ chối) các đề xuất này.[31]

Thập niên 2020

Ngày 10 tháng 8 năm 2022, chiến dịch Tôi đồng ý đã được tái khởi động trở lại với chủ đề "Hôn nhân không khuôn mẫu" do iSEE cùng trung tâm ICS phối hợp thực hiện, kêu gọi hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.[32][33] Đến ngày 7 tháng 11 năm 2023, "Tôi đồng ý" nhận được hơn 44.803 chữ ký ủng hộ.[34]

Quan điểm công chúng

Quan điểm công chúng về hôn nhân cùng giới ở Việt Nam (2014) theo điều tra quốc gia của Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam

  Ủng hộ (33.7%)
  Không chắc chắn (13.4%)
  Phản đối (52.9%)

Quan điểm công chúng về hôn nhân cùng giới ở Việt Nam (2023) theo Pew Research Center

  Ủng hộ mạnh (30%)
  Phần nào ủng hộ (35%)
  Không chắc chắn (5%)
  Phần nào phản đối (16%)
  Phản đối mạnh (14%)

Vào tháng 12 năm 2012, một khảo sát thực hiện vào bởi Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho thấy 37% dân số Việt Nam ủng hộ hôn nhân cùng giới, trong khi 58% phản đối.[35] Vào tháng 3 năm 2014, điều tra quốc gia về "Quan điểm xã hội với hôn nhân cùng giới" được Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, và Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) công bố kết quả. Cuộc điều tra thực hiện tại 8 tỉnh thành tại Việt Nam gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP.HCM, An Giang, Sóc Trăng với sự tham gia của 5.300 người dân. Trong đó, 33,7% ủng hộ và 52,9% phản đối việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, 41,2% ủng hộ và 46,7% không ủng hộ việc công nhận quyền sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính theo dạng "kết hợp dân sự" hoặc "đăng ký sống chung như vợ chồng".[36][37][38]

ILGA đã thực hiện một khảo sát qua mạng internet với 96.331 phản hồi từ 65 quốc gia từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 1 năm 2016 (không rõ số người phản hồi từ Việt Nam). Trong số các phản hồi từ Việt Nam, 45% cho rằng hôn nhân cùng giới nên được hợp pháp hóa, 25% cho rằng không nên và 30% phản hồi "không biết".[39] Một khảo sát của Pew Research Center, thực hiện từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2023 qua phỏng vấn mặt-đối-mặt ở Việt Nam, cho thấy 65% người tham gia ủng hộ hôn nhân cùng giới (30% "mạnh" và 35% "phần nào"), trong khi 30% phản đối (14% "mạnh" và 16% "phần nào"). Tỷ lệ ủng hộ của những người theo đạo PhậtKitô giáo là 71%, ở những người không theo tôn giáo nào là 59%.[40] Số người tham gia khảo sát là 2.255 người từ 225 đơn vị lấy mẫu (không cố định đơn vị lấy mẫu) là các xã phường, được thiết kế chọn mẫu đa tầng, xác suất ứng với vùng địa lý, phân tầng theo vùng và mức độ đô thị hóa.[41]

Xem thêm

Tham khảo

Chú thích

Nguồn

Liên kết ngoài