Hamburger pho mát

loại hamburger với topping là pho mát

Hamburger pho mát hay Burger phô mai (tên tiếng Anh: Cheeseburger) là một loại hamburger với topping[a]pho mát. Theo truyền thống, miếng pho mát thường được đặt bên trên miếng thịt. Người ta thường cho thêm pho mát vào miếng thịt bò xay đang nấu trong thời gian ngắn (trước khi phục vụ), điều này tạo điều kiện cho pho mát trở nên tan chảy. Ngoài ra, hamburger pho mát cũng có những biến tấu khác nhau về kết cấu, thành phần hoặc là cách bố trí. Cũng giống như nhiều loại hamburger khác, một chiếc bánh hamburger pho mát có thể chứa các topping như xà lách, cà chua, hành tây, dưa chuột muối chua, thịt xông khói, sốt mayonnaise, tương càmù tạt.

Hamburger pho mát
Một cái hamburger pho mát thịt xông khói
BữaMón chính
Xuất xứHoa Kỳ
Nhiệt độ dùngNóng
Thành phần chínhThịt bò xay miếng, pho mát, bánh mì dạng tròn

Trong các nhà hàng thức ăn nhanh, pho mát sử dụng trong hamburger pho mát thường là loại đã qua chế biến. Các loại pho mát dễ tan chảy khác cũng có thể được sử dụng để thay thế, đơn cử như cheddar, Thụy Sĩ, mozzarella, pho mát xanh, hay pepper jack.

Nguồn gốc

Một chiếc bánh hamburger pho mát

Vào cuối thế kỷ 19, những đồng cỏ rộng lớn của Đại Bình nguyên Bắc Mỹ đã được mở ra để chăn thả gia súc. Điều này tạo điều kiện cho nhiều người Mỹ có thể tiêu thụ thịt bò gần như hàng ngày. Đến nay, bánh hamburger vẫn là một trong những nguồn thịt bò rẻ nhất ở Mỹ.[1]

Việc cho thêm pho mát vào bánh hamburger đã trở nên phổ biến vào cuối những năm 1920 đến giữa những năm 1930. Có một số tuyên bố cạnh tranh về việc ai đã tạo ra chiếc hamburger đầu tiên. Lionel Sternberger nổi tiếng là người giới thiệu món hamburger pho mát vào năm 1926, khi ông 16 tuổi. Ông đang làm đầu bếp chiên rán tại cửa hàng bánh sandwich ở Pasadena, California của cha mình, "The Rite Spot", và "đã thử nghiệm thả một miếng pho mát Mỹ lên bánh hamburger đang kêu xèo xèo."[2][3][4][5][6] Thực đơn năm 1928 của nhà hàng O'Dell's ở Los Angeles là một trong những ví dụ đầu tiên về việc món bánh này xuất hiện trên thực đơn, trong đó họ bán một chiếc bánh hamburger pho mát tẩm ớt với mức giá 25 xu.[7][8][9]

Các nhà hàng khác cũng tuyên bố phát minh ra món hamburger kẹp pho mát. Ví dụ, Nhà hàng của Kaelin's ở Louisville, Kentucky, cho biết họ tạo ra món này vào năm 1934.[10] Một năm sau, nhãn hiệu cho cái tên "hamburger pho mát" được cấp cho Louis Ballast của Humpty Dumpty Drive-In ở Denver, Colorado.[11] Theo tài liệu lưu trữ của Steak'n Shake thì người sáng lập ra nhà hàng này, Gus Belt, đã đăng ký nhãn hiệu cho từ này vào những năm 1930.[12][13][14]

Bánh hamburger pho mát hấp, một biến tấu hầu như chỉ xuất hiện tại trung tâm Connecticut, được cho là đã ra đời tại một nhà hàng có tên Jack's Lunch ở Middletown, Connecticut vào những năm 1930.[15]

Chiếc bánh hamburger pho mát lớn nhất từng được tạo ra nặng tới 2.014 pound (tương đương 914 kg). Nó được cho là chứa đến "60 pound (27 kg) thịt xông khói, 50 pound (23 kg) xà lách, 50 pound (23 kg) hành tây cắt lát, 40 pound (18 kg) dưa chuột muối chua cùng 40 pound (18 kg) pho mát." Kỷ lục này do Sòng bạc Gấu đen ở Minnesota thiết lập vào năm 2012, phá vỡ kỷ lục trước đó là 881 pound (400 kg).[16]

Tại Hoa Kỳ, Ngày Bánh hamburger pho mát quốc gia được tổ chức hàng năm vào ngày 18 tháng 9.[17]

Thành phần

Một vài thành phần làm bánh

Các thành phần chế biến hamburger pho mát cũng giống như những biến tấu (theo vùng miền) khác của bánh hamburger, dù hầu hết đều bắt đầu bằng thịt bò xay. Các loại pho mát phổ biến mà người ta sử dụng để phủ trên món bánh là pho mát Mỹ, Thụy Sĩ hoặc các loại pho mát dễ tan chảy khác. Những topping phổ biến bao gồm xà lách, cà chua, hành tây, dưa chuột muối chua, thịt xông khói, hoặc guacamole, nấm hoặc hành tây áp chảo, xốt pho mát hoặc ớt, và thậm chí còn nhiều hơn cả thế.

Thịt bò xay đang nướng

Một chiếc hamburger pho mát có thể chứa nhiều hơn một miếng thịt hoặc nhiều hơn một lát pho mát — điều này khá phổ biến (nhưng không phải tự dưng mà có), nhằm tăng số lượng theo cùng một tỉ lệ giữa pho mát và thịt. Loại bánh có hai miếng thịt sẽ được gọi là hamburger pho mát đôi; một cái hamburger pho mát tam có ba miếng, và một cái hamburger pho mát tứ có bốn miếng (dù loại này ít phổ biến hơn nhiều).[18][19]

Thỉnh thoảng, hamburger pho mát được chế biến với phần pho mát nằm bên trong thịt bò xay chứ không nằm ở phía trên. Đôi khi người ta gọi kiểu này là Jucy Lucy.[20]

Hamburger pho mát đôi

Tôn giáo

Theo truyền thống, món ăn này vi phạm luật kosher (tiếng Hebrew: כַּשְׁרוּת‎; kashrut) của Do Thái giáo vì kết hợp thịt bò xay và pho mát.[21] Hỗn hợp sữa và thịt (tiếng Hebrew: בשר בחלב‎, basar bechalav, nghĩa đen là "thịt trong sữa") bị cấm theo luật tôn giáo Do Thái (tiếng Hebrew: הלכה‎; halakha), theo một câu trong Sách Xuất Hành, trong đó người Do Thái bị cấm "luộc dê [con] trong sữa mẹ" (Xuất Ê-díp-tô Ký. 34:26).[22][23] Điều cấm kỵ này lại xuất hiện trong Sách Đệ Nhị Luật.[24] Luật ăn kiêng này đã gây ra tranh cãi ở Jerusalem khi McDonald's bắt đầu mở cửa hàng nhượng quyền ở đó và bán bánh hamburger kẹp pho mát.[25] Kể từ thời điểm đó, McDonald's đã mở cả nhà hàng ăn chay lẫn phi kosher ở Israel.[26]

Trong nỗ lực cung cấp món "hamburger kẹp pho mát kosher", một nhà hàng kosher ở thành phố New York đã tạo ra một biến thể hamburger pho mát gây tranh cãi khi thay thế pho mát bằng pho mát đậu nành.[27]

Thông tin khác

Ngay từ năm 1937, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Big Boy đã lấy cảm hứng từ món bánh này để tạo ra một loại hamburger hai "tầng" mới. Mỗi "tầng" gồm có một miếng thịt bò, một lát pho mát cùng một vài loại rau sống. Sau đó, vào năm 1968, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's cũng lấy cảm hứng từ những ý tưởng của Big Boy để áp dụng lên loại bánh Big Mac của họ.

Hình ảnh

Ghi chú

Xem thêm

Tham khảo

Đọc thêm