James Brown

James Joseph Brown[1] (sinh ngày 3 tháng 5 năm 1933, mất ngày 25 tháng 12 năm 2006) là ca sĩ, nhạc sĩ,diễn viên và vũ công người Mỹ. Ông được coi là "cha đẻ" của nhạc funk và là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, và thường được gọi với biệt danh "Bố già nhạc soul"[2]. Suốt sự nghiệp kéo dài xuyên 6 thập kỷ, Brown là người có ảnh hưởng tới rất nhiều thể loại âm nhạc khác nhau[3].

James Brown
Thông tin nghệ sĩ
Tên khai sinhJames Joseph Brown
Sinh(1933-05-03)3 tháng 5, 1933
Barnwell, Nam Carolina, Mỹ
Nguyên quánToccoa, Georgia
Mất25 tháng 12, 2006(2006-12-25) (73 tuổi)
Atlanta, Georgia
Thể loạiFunk, soul, R&B
Nghề nghiệpCa sĩ, nhà sản xuất thu âm, vũ công
Nhạc cụHát, trống, định âm, organ, keyboards
Năm hoạt động1954–1988, 1991–2006
Hãng đĩaFederal, King, Dade, Try Me, Smash, People, Polydor, Scotti Bros.
Hợp tác vớiThe Famous Flames, The J.B.'s, The Dapps, Bobby Byrd, The Soul Generals, Lyn Collins, Bobby Bennett, Bootsy Collins
Websitewww.jamesbrown.com

Brown bắt đầu sự nghiệp trong vai trò ca sĩ nhạc phúc âm ở Toccoa, Georgia. Sau đó ông gia nhập nhóm R&B có tên Avons, sau này đổi tên thành The Flames với Brown là ca sĩ chính[4][5]. Ông có được sự chú ý từ công chúng vào cuối thập niên 1950 khi là thành viên của nhóm The Famous Flames với các bản hit "Please, Please, Please" và "Try Me". Brown nhận được những lời ngợi khen với thành công cùng ban nhạc, đôi lúc còn được gọi là The James Brown Band hay James Brown Orchestra. Đỉnh cao của Brown tới vào thập niên 1960 với album trực tiếpLive at the Apollo, theo kèm là các đĩa đơn đình đám như "Papa's Got a Brand New Bag", "I Got You (I Feel Good)" và "It's a Man's Man's Man's World". Cuối thập niên 1960, Brown chuyển từ nhạc blues và phúc âm sang phong cách "châu Phi" hơn, tạo tiền đề để khai sinh ra dòng nhạc funk[6]. Ngay đầu thập niên 1970, Brown đã thành công với âm nhạc funk qua các sản phẩm cùng nhóm The J.B.'s như "Get Up (I Feel Like Being a) Sex Machine" và "The Payback". Brown cũng nổi tiếng với các ca khúc liên quan tới các vấn đề xã hội, trong đó có bản hit năm 1968 "Say It Loud – I'm Black and I'm Proud". Ông vẫn đi diễn cho tới những ngày cuối đời khi ông qua đời vào năm 2006 vì nhồi máu cơ tim.

Brown có tổng cộng 16 đĩa đơn quán quân tại bảnh xếp hạng R&B của Billboard[7]. Brown cũng là người giữ kỷ lục nghệ sĩ có nhiều đĩa đơn không quán quân nhất nằm trong Billboard Hot 100[8][9]. Ông cũng được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll và Đại sảnh Danh vọng Nhạc sĩ[10]. Trong bài phân tích của Joel Whitburn về bảng xếp hạng Billboard R&B giai đoạn 1942 tới 2010, Brown được xếp là nghệ sĩ số một trong danh sách Top 500[11]. Ông được bình chọn là nghệ sĩ vĩ đại thứ 7 của mọi thời đại bởi độc giả tạp chí Rolling Stone vào năm 2004. Rolling Stone cũng thông tin rằng Brown là nghệ sĩ có nhiều giai điệu được tái sử dụng nhất lịch sử[12].

Tham khảo

Thư mục

Đọc thêm
  • Brown, James, and Tucker, Bruce. (1986). James Brown: The Godfather of Soul. New York: Thunder's Mouth Press.
  • George, Nelson, and Leeds, Alan (editors). (2008). The James Brown Reader: 50 Years of Writing about the Godfather of Soul. New York: Plume.
  • Smith, R.J. (2011). The One: The Life and Music of James Brown. New York: Gotham Books.
  • Sullivan, James. (2008). The Hardest Working Man: How James Brown Saved The Soul Of America. New York: Gotham Books. ISBN 9781592403905
  • Wesley, Fred. (2002). Hit Me, Fred: Recollections of a Sideman. Durham: Duke University Press.
  • Whitney, Marva and Waring, Charles. (2013) God, The Devil & James Brown:(Memoirs of a Funky Diva). New Romney: Bank House Books

Liên kết ngoài

Bản mẫu:James Brown