Ly tao

tác phẩm của thi sĩ Khuất Nguyên

Ly tao (chữ Hán: 離騷) là một bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc thuộc thể loại phú do chính trị gia, thi nhân nước SởKhuất Nguyên sáng tác vào thế kỷ 3 TCN, thời Chiến Quốc. Là thiên "trường ca" đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc, với tổng cộng 2.477 chữ, chia thành 373 câu, "Ly tao" được đánh giá là bài thơ nổi tiếng và xuất sắc nhất trong tuyển tập thi ca Sở từ. Sự đặc sắc của bài thơ trường thiên này là lời bi thảm triền miên, thường dùng lối tượng trưng, lối nhân cách hóa và dẫn rất nhiều điển cố thần thoại Trung Hoa.

Ly tao
Hai trang của "Ly tao" xuất bản năm 1645, có bao gồm cả hình minh họa. Trong ấn bản này, tiêu đề của bài thơ là Ly tao kinh (離騷經)
"Ly tao" viết bằng lối chữ triện (trên), phồn thể (giữa) và giản thể (dưới)
Phồn thể離騷
Giản thể离骚
Nghĩa đen"Nỗi buồn ly biệt" hoặc "gặp nỗi buồn"

Trong tác phẩm này, tác giả Khuất Nguyên tự thuật về thân thế, tài hoa cùng chí hướng của bản thân, chỉ trích những kẻ mà ông gọi là tiểu nhân, thể hiện tâm trạng bi phẫn vì bị quân vương xa lánh, nhưng cũng đồng thời khẳng định rằng ông thà cố chấp chọn cái tốt, thà chết chứ quyết không thông đồng với kẻ gian. Tác phẩm cũng chứa nhiều yếu tố huyền bí. Khuất Nguyên đề cập đến việc ông đã nói chuyện cùng thần linh, hỏi chuyện các đồng cốt vì ông do dự không thể quyết định giữa lựa chọn "ra đi" hay "ở lại". Ông tưởng tượng rằng mình đã lên thiên giới, điều khiển "xe phi long" bằng ngọc, chu du tứ phương, nhưng khi tới thiên môn thì không thể đi tiếp, còn lời cầu hôn của ông cũng bị thần nữ cự tuyệt. Cuối cùng, ông cũng vì không đành lòng rời khỏi cố hương mà quyết định ở lại.

Ly tao có sức hút lớn với những thế hệ văn nhân đời sau. Chủ đề và phong cách của nó được các tác gia từ phú bắt chước và phát triển thành thể loại sĩ bất ngộ vào đời nhà Hán. "Ly tao" truyền cảm hứng cho các bài thơ thuộc thể loại du tiên (遊仙詩) và khuê oán (閨怨詩), là một tác phẩm tiêu biểu của văn học lãng mạn Trung Quốc đồng thời nắm giữ một địa vị cao quý trong nền văn học nước này.

Tên gọi

Về ý nghĩa của cái tên "Ly tao" có nhiều cách giải thích khác nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Cổ Văn Trung Quốc đã giải thích ý nghĩa của "Ly tao" là "buồn ly biệt".[1] Chữ "ly" (離) có nghĩa thường gặp là "chia lìa" nhưng cũng có nghĩa khác đó là "gặp" hay "mắc vào". Chữ "tao" (騷) có nghĩa "buồn rầu", "lo lắng". Cách giải thích chữ "ly" với nghĩa là "chia lìa" được Tư Mã Thiên (trong Sử ký, Khuất Nguyên Giả Sinh liệt truyện), Vương Dật (trong Sở từ chương cú) sử dụng. Tuy nhiên trong lời tựa cho "Ly tao" của mình, Ban Cố đã chú giải ý nghĩa của cái tên này là "gặp nỗi buồn".[a][2]

Bối cảnh sáng tác

Bản đồ Chiến Quốc năm 260 TCN, trước khi nước Tần chiếm được Dĩnh Đô nước Sở.

Tác giả của "Ly tao" là Khuất Nguyên, một quý tộc cũng như thành viên của vương tộc nước Sở. Được xem là một người học rộng, tài cao, Khuất Nguyên được Sở Hoài Vương trọng dụng, giữ chức Tả Đồ cùng chức Tam lư đại phu.[b] Ông là một con người trung quân ái quốc cũng như quá đỗi nhiệt huyết. Những chủ trương cải cách chính trị của ông đã biến ông trở thành kẻ thù của nhiều quan lại trong triều.[3] Những kẻ thù chính trị của Khuất Nguyên phê bình ông đem công lao chiếm đoạt làm của riêng, khiến Sở Hoài Vương dần dần xa lánh ông và phái ông đi sứ nước Tề.[4] Về mặt chính trị, Khuất Nguyên chủ trương các nước chư hầu Hợp tung chống lại nước Tần, phản đối nước Sở giao hảo với nước Tần. Ngay cả khi bị đày về phương Nam, Khuất Nguyên vẫn còn ý đồ phụ tá cho triều đình nước Sở. Đến khi được tin Sở Hoài Vương bị vua Tần lừa bắt và hãm hại, còn Dĩnh Đô thì bị quân Tần vây khốn, Khuất Nguyên đã bị đả kích mạnh và cuối cùng quyết định nhảy xuống dòng Mịch La tự vẫn.[5] Kể từ đó đến nay, hàng năm, cứ đến ngày Tết Đoan ngọ ngày 5 tháng 5 Âm lịch, nhân dân lại bơi thuyền rồng, ăn bánh gói lá rồi ném xuống sông, tưởng niệm cho cái chết của Khuất Nguyên.[6] Học giả Lục Khản Như (陸侃如, 1903–1978) cho rằng "Ly tao" được Khuất Nguyên viết khi ông 29 tuổi,[7] trước khi hoàn thành Cửu chương. Vào thời điểm đó, ông đã bắt đầu dần mất ý niệm với nền chính trị ngày một suy đồi của nước nhà.[8] Một số học giả như Liêu Bình, Hồ Thích và Hà Thiên Hành giả thuyết rằng "Ly tao" thực chất không phải do Khuất Nguyên viết ra, nhưng giới học thuật tin tưởng Khuất Nguyên là tác giả của Ly Tao.[9]

Nội dung

"Khuất tử hành ngâm đồ" (屈子行吟图) của Trần Hồng Thụ miêu tả cảnh Khuất Nguyên vừa đi vừa ngâm thơ.

Tiêu đề của bài thơ "Ly tao" đề cập tới những gian nan, khổ cực, uất ức[10] hoặc những bi thương phẫn nộ mà Khuất Nguyên phải gánh chịu.[11] Toàn văn tác phẩm có tổng cộng 2.477 chữ,[12] được chia thành 373 câu,[13] có thể được coi là những lời tự sự của Khuất Nguyên.[14] Takeji Sadao chia "Ly tao" ra thành năm phần, phần thứ nhất là phần tự giới thiệu, kể về khoảng thời gian mà ông làm quan đại thần nước Sở, rồi bị kẻ gian nói xấu và cuối cùng vì thế mà thoái ẩn.[15] Trong những câu thơ đầu tiên, Khuất Nguyên đã tự thuật về nguồn gốc của bản thân, chỉ ra rằng Cao Dương (tức Chuyên Húc) chính là thủy tổ của mình,[16] rồi ông kể đến tên tuổi của phụ thân lẫn các vị tổ tiên gần xa khác.[17] Ông ca ngợi tài năng, đức độ của mình,[18] dùng loài hoa để so sánh những phẩm đức của bản thân. Ông ao ước phụ tá nhà vua trị nước, sợ hãi cũng như căm hận những viên quan vô lương dối trên lừa dưới, tham lam nịnh hót. Khuất Nguyên lựa chọn vì lý tưởng mà chiến đấu, noi theo gương của Bành Hàm.[c] Bành Hàm có lẽ là một hiền sĩ sống vào đời Nhà Ân, được cho là tổ tiên của nghề đồng cốt,[16] hoặc một chân nhân Đạo giáo.[19] Gian thần vì ganh tài ông mà tìm cách hãm hại, vu oan cho ông là một người tự cao, luôn tự cho mình là người siêu phàm. Kể từ khi kẻ gian gièm pha, Khuất Nguyên dù biết rằng mình dù có cố gắng thế nào đi chăng nữa vẫn không thể tránh khỏi thất bại nhưng ông vẫn cố gắng để lấy lại lòng tin từ nhà vua, nhưng cuối cùng vẫn bị nhà vua xa lánh.[20]

Phần thứ hai của tác phẩm là lời tự thuật của tác giả về ý chí muốn chu du tứ phương, nhưng bị Nữ Tu phản đối và khuyến cáo, nên ông đã gặp vua Trùng Hoa (Vua Thuấn) mà bày tỏ nỗi lòng.[15] Nữ Tu (女媭),[d] có thể là tên của chị gái hoặc một người nữ hầu của Khuất Nguyên, đã cảnh cáo rằng ông không nên quá cố chấp, nhưng đồng thuận với Khuất Nguyên trong một điểm, đó là muốn ông duy trì tiêu chuẩn đạo đức của mình. Khuất Nguyên vượt dòng Nguyên Giang, Tương Giang, hướng tới núi Cửu Nghi[e] để yết kiến Vua Trùng Hoa, ôn lại sự tích của Hạ Kiệt, Thương Trụ, Hạ Vũ, Thương Thang,[21] bàn về thành bại của hiền chủ - hôn quân từ cổ chí kim,[22] thời nào có minh quân và hiền thần thì nước trị, thời nào gặp bạo quân và nịnh thần thì loạn. Ông nêu rõ thái độ của mình đối với triều đình nước Sở[23] và rằng ông thà chết chứ không hối hận.[22]

Tranh vẽ một phân đoạn trong "Ly tao" của Kikkawa Reika (1875–1929). Nhân vật trong tranh có thể là Phục Phi thần nữ, hoặc thủy thần sông Tương.

Phần thứ ba tác giả kể về việc ông du ngoạn tứ phương, trên trời dưới đất để tìm kiếm mỹ nữ nhưng rốt cuộc không tìm được người ưng ý.[15] Ông lên thiên giới dạo chơi, "Lộ man man kỳ tu viễn hề, ngộ tương thượng hạ nhi cầu sách; Ẩm dư mã hư hàm trì hề, tổng dư bí hồ phù tang",[f] có thần linh đi theo làm tùy tùng, điều khiển xe rồng phượng, có phong lôi vì ông mà bôn ba, lại có tiên cầm vì ông mà mở đường. Những đám mây lấp lánh vây xung quanh người Khuất Nguyên rồi bay về phía trời xanh.[24] Ông đến cửa Thiên Cung nhưng không thể tiến vào, rồi mới phải xuống hạ giới tìm kiếm mỹ nữ,[15] định cầu Phục Phi thần nữ nhưng giữa đường gặp gian truân mà dừng bước, bèn cầu Giản Địch và hai hiền nữ họ Diêu tộc Hữu Ngu nhưng đều bị cả hai cự tuyệt.[21]

Phần thứ tư của tác phẩm nói về tâm trạng mất lòng mất dạ của Khuất Nguyên, đã tìm đến Linh Phân và Vu Hàm để thỉnh giáo là nên đi hay ở lại.[25][g] Cả hai người đều khuyên ông phải đi thật xa mới tìm thấy mỹ nữ đời mình, họ khuyên ông nên rời khỏi nước Sở, nên là một con người khéo léo, chớ nên quá kiên trì với lý tưởng. Khuất Nguyên do dự không thể quyết định, ông đấu tranh nội tâm mãnh liệt,[26] phải vật lộn với ý nghĩ ra đi hay ở lại, biểu đạt cảm xúc lúc bấy giờ của ông đối với nước Sở.[21]

Phần thứ năm nói về việc nhà thơ lại một lần nữa lên đường chu du, cùng cực tứ phương, nhưng không kìm nén nỗi lòng nhớ cố hương, cho nên đã quyết định kết thúc chuyến hành trình.[15] Phân đoạn ông miêu tả cảnh mình lên trời, chu du phương xa, khí phách hùng vĩ, chính là điểm cao trào của tác phẩm. Ông điều khiển xe Phi Long, dùng thần câu[h] kéo xe, mang theo thức ăn ngon, vừa múa vừa hát.[21] Dùng xe Long Phượng bằng ngọc, Khuất Nguyên đi đến Côn Lôn, Huyền Phố,[i] Lưu Sa, Bất Chu Sơn rồi bay lên trời cao,[27] hy vọng sẽ có thể cao chạy xa bay, tìm được một vùng đất mới, một người bạn đồng hành phù hợp, nhưng rốt cuộc cũng bất thành. Khuất Nguyên không muốn phải rời xa quê hương, nội tâm mâu thuẫn,[28] nên cuối cùng đã quyết định ở lại nước Sở,[25] kết thúc những mưu cầu của mình một cách đột ngột. Ông nói: "Ta bay lên trời cao hiển hách hề, chợt trông thấy cố hương",[j] rồi quyết định ở lại thế giới thực tại và "đi theo Bành Hàm".[29] Năm câu cuối của bài thơ được gọi "Loạn" (亂), thể hiện tình cảm thiết tha của Khuất Nguyên dành cho tổ quốc[30] và chỉ trích những kẻ trong nước đã hành xử bất công với mình.[31]

Chủ đề

"Ly Tao" cũng như là buồn trong chia ly. Trời là khởi thủy của loài người. Cha, mẹ là gốc của con người. Người ta gặp lúc khốn cùng thì quay về gốc. Cho nên hễ khó khóc mỏi mệt, ốm đau, không ai không kêu trời! Khi đau xót, thương cảm, không ai không kêu cha mẹ. Khuất Bình theo đạo ngay đi đường thẳng, dốc hết lòng trung, đưa hết trí khôn ra thờ vua, nhưng lại bị kẻ gièm pha ly gián, có thể gọi là ở vào cảnh khốn cùng vậy! Mình tín mà bị ngờ vực, mình trung mà bị chỉ trích, làm sao khỏi oán thán! Khuất Bình viết Ly Tao là do oán thán mà ra vậy!... [k]

Tư Mã Thiên, Sử ký

Ly tao là một tự truyện cũng như một bài thơ trữ tình, nhấn mạnh sự đấu tranh của Khuất Nguyên trong hoàn cảnh khó khăn, bày tỏ niềm đam mê, biểu lộ tâm tư của nhà thơ cũng như việc ông đã khóc trong buồn khổ và mâu thuẫn.[32] Tác phẩm miêu tả cuộc đời của nhà thơ từ khi sinh ra đến khi gặp phải thất bại trong sự nghiệp chính trị.[16] Chủ đề chính của "Ly tao" chính là sự gắn bó với cái thiện, tác giả dù chết nhưng vẫn quyết giữ vững đức hạnh của bản thân.[12] Khuất Nguyên không chịu nghe theo sự sắp đặt của vận mệnh. Khi biện luận cùng Nữ Tu, Linh Phân và Vu Hàm, ông vẫn cương trực quyết không thông đồng với bọn gian thần để làm bậy. Đối với ông mà nói, trời xanh đại diện cho sự chính trực, người tốt nhất định sẽ được ban thưởng xứng đáng,[33] nên ông cương quyết giữ lòng mình thuần khiết và đấu tranh với cái mà ông gọi là tà ác tới cùng.[34] Tác phẩm biểu đạt khát vọng chính trị của nhà thơ,[35] việc ông cầu hôn nữ thần là một phép ẩn dụ ví von người hiền cầu vua hiền.[36] Khuất Nguyên lấy nước Sở làm trách nhiệm mà mình phải gánh vác, cảm thấy được định mệnh phó thác để dẫn đường nhà vua. Bi ai đến với nhà thơ khi dành hết tất cả để phụng sự nước nhà nhưng nhà vua lại cự tuyệt lòng trung thành lẫn chính trực của ông. Khuất Nguyên kết thúc khi "...quyền cục cố bất nhi hàng...",[l] hình thành một cái tư thế đứng im vĩnh hằng, tượng trưng cho việc nhà thơ không cách nào giải quyết sinh mệnh khốn khổ.[37] Khuất Nguyên lặp lại nhiều lần lời khẳng định rằng ông không sợ cái chết,[25] điều này cho thấy rằng ông chết cũng không hối hận với những gì mình đã làm.[38] Ông nguyện vì sự thuần khiết của nhân tính mà đối đầu với sự bất nghĩa, dù điều này có nghĩa rằng ông phải trả bằng mạng sống của mình. Câu thơ "...tuy cửu tử kỳ do vị hối..."[m] cho thấy một thái độ tương tự của một người tuẫn tiết vì tôn giáo.[39]

Ly tao chứa đầy những lời đánh giá bản thân cô đơn,[11] đem mình so sánh cùng các phẩm chất tự nhiên và thuần khiết, thể hiện khuynh hướng tự yêu bản thân. Những dòng đầu tiên của tự truyện mang ý nghĩa sâu sắc về định nghĩa bản thân, cho thấy mong muốn khẳng định mình về mặt tâm lý của nhà thơ mạnh mẽ đến thế nào.[40] Ông giống như một vị anh hùng cô đơn, thiết tha ao ước được lưu danh muôn thuở, viễn du thiên quốc tiên hương.[41] Khuất Nguyên hiểu rằng ông sinh ra không gặp thời, thế gian hỗn độn, điên đảo thị phi: cái xấu, cái ác được được tán dương, còn cái thiện cái tốt lại bị miệt thị; sự ghen ghét, xu nịnh đang dần giành lấy quyền lực, còn người tài thì bị vua chúa tin vào những lời sàm ngôn của gian thần mà hắt hủi, chỉ biết thở dài vì chẳng ai hiểu được tài năng của họ,[42] cô đơn hiu quạnh trong một "...quốc vô nhân mạc ngã tri hề...".[n][43] Khuất Nguyên không thể thực hiện nguyện vọng của bản thân trong thế giới thực tại nên đã tìm đến thiên giới để theo đuổi lý tưởng của mình nhưng thiên môn đã không mở cửa chào đón ông. Khuất Nguyên ở trên thiên giới tìm kiếm vua hiền và mỹ nữ, chung quy cũng chỉ phí công vô ích.[44] Rốt cuộc ông đã ngộ ra rằng hoa tươi, cỏ thơm cùng đạo đức khí tiết chẳng còn được người đời lưu luyến.[35] Sau khi kết thúc một cuộc đời làm quan chẳng như mình mong muốn, Khuất Nguyên trở nên lo lắng, cố gắng hết sức để cầu một chốn an thân trên thế giới này, chợt nhận ra cuộc sống ngắn ngủi chỉ như gửi trên đời[o][45] – than thở rằng thời gian trôi nhanh mà chẳng đợi mình: "Nhật nguyệt hốt kỳ bất yêm hề, xuân dữ thu kỳ đại tư. Duy thảo mộc chi linh lạc hề, khủng mỹ nhân chi trì mộ."[p][28]

Theo học giả Nhật Bản Kominami Ichiro, sự tiếp xúc với thiên giới trong "Ly tao" có thể xem như là một kinh nghiệm bí ẩn về tôn giáo, chấp nhận suy nghĩ và sự tập trung để bước vào trạng thái xuất hồn, sau đó mới phân ly nhân cách và thần hồn bay lượn thăng thiên.[46] "Ly tao" thể hiện sự bất lực của nhà thơ khi ông không có cách nào để vơi đi nỗi nhớ quê hương. Khuất Nguyên hai lần tưởng tượng rằng mình ngao du thiên giới, ám chỉ rằng ông có ý đồ rời xa nội tâm, cố gắng tìm kiếm một lý tưởng khác để thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện tại, nhưng lần thứ nhất cầu thân với phụ nữ không thành mà phải quay trở lại, lần thứ hai thì dừng lại giữa không trung. Những điều này ám chỉ là cho dù Khuất Nguyên có phải trải qua nhiêu cuộc đấu tranh trong đau đớn, thì những đau khổ đó cũng không thể lay chuyển lòng yêu quê hương đất nước của nhà thơ. Trong cả cuộc đời Khuất Nguyên, chỉ có nước Sở mới là thứ duy nhất ông để trong lòng.[47]

Phong cách

Thư pháp Ly tao của Văn Trưng Minh đời Nhà Minh (trái) và Ly tao theo lối hành thư của Mễ Phất đời Nhà Tống.

Ly tao mang phong cách lãng mạn, chứa sự tưởng tượng phong phú, tình cảm say đắm, đáng thương.[48] Nó cũng chứa đầy những từ ngữ mỹ lệ, ngôn ngữ phong phú, ngữ điệu cao vút, khí vận hùng vĩ,[49] mang phong cách của thơ tự sự.[8] Tác phẩm cũng là một câu chuyện thần thoại tráng lệ, chứa đựng những ý tưởng hoa mỹ,[50] các phép tu từ lạ thường cùng những đặc điểm của nghệ thuật hí kịch.[51] Khuất Nguyên đã khéo léo sử dụng ba hình tượng khác nhau là hương thảo hoa thơm, tuần hành thiên giới, các vị đế vương hiền triết đời xa xưa, để tạo thành một tác phẩm mang một phong cách tráng lệ hùng vĩ, chứa đầy sắc thái Vu thuật[q] thần bí cùng phong cách hí kịch. Trần Bỉnh Lương cho rằng "Ly tao" thuộc thể loại thơ bi kịch và thái độ không thỏa hiệp của nhà thơ đã dẫn đến bi kịch của ông. Khuất Nguyên đề cao tình cảm đạo đức và sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả.[52] Bài thơ đề cập đến những xung đột và đảo ngược định mệnh không thể tránh khỏi. Để giảm áp lực tinh thần cho độc giả, nhà thơ sử dụng nhiều thủ pháp khác nhau, như hình tượng hoa và mỹ nhân, kể lại những chuyện xưa, tích cũ, câu chuyện về bói toán và bay lượn trên trời, tạo nên một khoảng cách nghệ thuật.[53]

Trong Ly tao, Khuất Nguyên đã sử dụng các phép ẩn dụ, ngầm gửi ý vào lời văn, như nhà thơ Vương Dật (89–158) thời Đông Hán từng nói "Chim tốt cỏ thơm, lấy so sự trung trinh; chim ác vật thối, lấy so kẻ nịnh bợ".[54] Toàn bộ tác phẩm chứa đầy hương thơm của hoa cỏ, hình ảnh tinh khiết, đẹp đẽ và đầy màu sắc, mang trong mình ý nghĩa thiêng liêng của nghi lễ tế tự Vu thuật. Khuất Nguyên sử dụng những hình tượng hoa cỏ có linh tính như một biểu tượng cho sự tự biểu hiện.[55] Ông đeo bên mình loại hương thảo Giang ly giữ tích chỉ, tạo nên hình ảnh một vị quan hiền coi trọng tu dưỡng đạo đức và coi trọng xuất thân cao quý của mình.[56] Khuất Nguyên lấy hoa cỏ, ngọc thạch treo lên bảo kiếm và những đồ trang sức[57] để cường hóa đức tính, thuần hóa nhân cách của bản thân[56] – tượng trưng cho nhân cách thánh khiết của ông, khác với thế tục đã bị vấy bẩn, tượng trưng cho thái độ của một người theo chủ nghĩa hoàn mỹ đối với cái đẹp và cái thiện.[58] Ông lấy hoa senhoa phù dung làm y phục, tượng trưng cho ý định giữ trong sạch ban đầu; lấy mang quan cùng bảo kiếm, ám chỉ rằng ông là một người có học thức, có thể chính thức tiến vào làm quan tại cung đình nước Sở, tô điểm hình tượng của một người quân tử.[59] Ông lại lấy hoa lan[r] để ám chỉ đến sự trung trinh, tài năng, đức hạnh của mình.[60] Trồng hoa cỏ thơm rồi dùng chúng để đeo lên người tượng trưng cho phẩm hạnh thanh cao, chính trực.[61] Hoa tiêu, cỏ xấu cuối cùng đã xâm hại làm hoa lan, hoa huệ bị phá hủy, tượng trưng cho Sở Hoài Vương nghe lời sàm tấu của gian thần.[62] "Ly tao" sử dụng sự cô đơn của loài chim dữ như một phép ẩn dụ cho tính cách và tình cảnh, ám dụ bọn tiểu nhân ồn ào như loài chim sẻ,[s] cũng đem quan hệ quân thần, vua quan trên dưới so sánh với quan hệ quân thiếp. Hai câu "Chúng nữ tật dư chi nga mi hề, dao trác vị dư dĩ thiện dâm"[t][63] mô phỏng giọng điệu của người phụ nữ bất bình để ám chỉ rằng ông đã nhiều lần cố gắng tìm kiếm người cùng chí hướng để cống hiến sự nghiệp, chỉ vì tâm lý đố kỵ tài năng của thế gian mà gặp phải thất bại.[64]

Về phương diện cấu trúc câu của Ly tao, cứ mỗi bốn câu được chia thành tiết, gieo vần ở cuối các câu số chẵn,[65] toàn bộ tác phẩm đổi vần ở hơn 70 chỗ. Về mặt ngôn ngữ, lời văn của "Ly tao" được đánh giá là sống động, cuốn hút,[66] sử dụng nhiều từ kép, từ lặp vần và từ láy, ví dụ như "linh lạc" (零落, thưa thớt), "thuần túy" (純粹), "cảnh giới" (耿介)[u], "nhiễm nhiễm" (冉冉, từ từ), làm âm điệu trở nên đặc biệt uyển chuyển, thê lương.[67] Về mặt kết cấu, toàn bộ "Ly tao" được viết liền một mạch,[15] không được chia ra thành các phân đoạn, khiến hậu nhân khó mà phân chia tác phẩm ra thành các chương tiết. Nhược điểm của kiểu thơ một mạch này là không đủ cung bậc cảm xúc, không có kỹ thuật phân lớp, ý nghĩa của từ lặp đi lặp lại, thiếu cấu trúc chặt chẽ.[68]

Ảnh hưởng

Tiêu Vân Từ, "Tiêu thước mộc Ly Tao đồ", thời Minh mạt Thanh sơ

Ly tao có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nghệ thuật từ phú.[69] Chủ đề cùng phong cách của nó được các tác phẩm khác của Sở từ mô phỏng và được các văn nhân thời Nhà Hán phát triển thành thể loại từ phú "sĩ bất ngộ" truyền thống.[70] "Ly tao" sử dụng các đoạn đối thoại, bao gồm bốn đoạn hội thoại của Nữ Tu, Trọng Hoa, Linh Phân, Vu Hàm, sau đó được diễn hóa thành câu hỏi và câu trả lời trong các bài thơ thuộc thể loại Hán phú (漢賦) như Tử hư phú (子虛賦) hay Thượng lâm phú (上林賦).[71] "Ly tao" sử dụng nhiều từ kép, từ lặp vần,... được các thế hệ nhà thơ sau này như Tư Mã Tương Như, Lục Cơ và các nhà thơ khác học tập.[67] "Ly tao" miêu tả việc Khuất Nguyên bị quân vương xa lánh, dù biết rõ rằng mình thất bại nhưng vẫn quyết chiến đấu cùng bọn quan lại tham lam mục nát tới cùng. Chính điều này có thể đã cộng hưởng với các thế hệ văn nhân sau này,[20] tạo nên một sức cuốn hút mãnh liệt. Các học giả đời Hán như Giả Nghị, Lưu An, Tư Mã Thiên đều bày tỏ lòng cảm động sâu sắc đối với tác phẩm.[72] Lưu An vì "Ly tao" mà viết chú thích,[73] Dương Hùng ban đêm đọc "Ly tao" mà nước mắt chảy ròng ròng,[20] Liễu Tông Nguyên khi bị giáng chức đã viết nên bài phú Điếu Khuất Nguyên văn, tái hiện lại chủ đề của Ly tao.[74] Chủ đề du ngoạn thiên giới của nó mở ra thể loại văn học du tiên của hậu thế.[70] "Ly tao" được xem là thủy tổ của thể thơ du tiên xưa nay chưa từng có, ngay cả những tác phẩm mô phỏng sau này cũng có chỗ không thể bì kịp.[75] Khuất Nguyên ví von việc người vợ bị chồng ruồng bỏ với ngươi bề tôi bị vua đày ải, sử dụng ngữ khí của phụ nữ bị thất sủng để oán trách việc bị Sở vương xa cách, đem quan hệ quân thần so sánh quan hệ nam nữ, mở ra thể loại Khuê oán thi ẩn dụ chính trị của hậu thế.[76] Trong Ly tao, Khuất Nguyên ăn hoa cúc, trong văn học đời sau, hoa cúc đã trở thành một biểu tượng của sự độc lập và của phẩm hạnh cao khiết xa cách thế tục.[77]

Di sản

Ly tao là tác phẩm tiêu biểu của Sở từ cũng như chủ nghĩa lãng mạn của Khuất Nguyên.[78] Nó được đánh giá là tác phẩm nổi tiếng nhất và xuất sắc nhất trong hợp tuyển Sở từ[79] và nắm giữ một địa vị cao cả trong lịch sử văn học Trung Quốc.[48] Trước Khuất Nguyên, Trung Quốc không có nhà thơ nổi danh nào khác và bản thân trường thiên "Ly tao" đã công bố sự ra đời bài thơ trữ tình đầu tiên của thi ca Trung Quốc.[80] Vương Dật đời Đông Hán cho rằng, "Ly tao" "dựa vào Ngũ kinh để lập nghĩa", có thể thừa kế Kinh Thi truyền thống làm lời răn khuyên bảo quân vương.[81] Các văn nhân đời sau thường lấy "Ly tao" ra đọc để gửi gắm tâm sự. Trong quá trình lịch sử, có rất nhiều bản chú giải về Ly tao, tiêu biểu có Ngô Nhân Kiệt đời Nam Tống với Ly tao thảo mộc sơ (離騷草木疏).[70] Vào thời cận đại, "Ly tao" có khi được dùng để tưởng niệm các nhà cách mạng hy sinh vì nước, Văn Nhất Đa (1899–1946) ca ngợi các tác phẩm của Khuất Nguyên như "Ly tao" và "Cửu ca" là những sáng tạo của loại hình nghệ thuật nhân dân, có thành tựu chính trị lớn hơn cả thành tựu nghệ thuật.[82] Sau năm 1949, Khuất Nguyên được đông đảo người Trung Hoa kính trọng như một anh hùng văn hóa và tấm gương chính trị, Quách Mạt Nhược tán dương "Ly tao" ngoài mang trong mình chủ nghĩa lãng mạn còn mang chủ nghĩa hiện thực. Chu Dương tuyên bố "Ly tao" của Khuất Nguyên biểu lộ "nỗi lòng nhớ tổ quốc cùng ý chí yêu quý nhân dân, tinh thần thù hằn và hùng tráng, nhờ sự tưởng tượng về cái đẹp mà trở thành kiệt tác chiếu sáng thiên cổ".[83] Mã Mậu Nguyên gọi Ly Tao là "ngọn hải đăng rực rỡ, rọi sáng con đường phát triển của thơ ca Trung Quốc từ 2.000 năm nay".[13] Học giả Từ Chí Khiếu cho rằng "Ly tao" có thể sánh ngang với Thần khúc của Dante Alighieri. Cả hai đều có những ý tưởng kỳ dị, trí tưởng tượng phong phú và sử dụng tốt phép ẩn dụ và tính biểu tượng.[28]

Ly tao không chỉ được tôn sùng ở Trung Quốc, mà danh tiếng còn lan tỏa ra thế giới. Theo Chiêu Minh văn tuyển (昭明文选), "Ly tao" được được truyền bá vào Nhật Bản dưới thời kỳ Nara. Tác phẩm cũng được truyền bá vào Triều Tiên, Việt Nam từ rất sớm. Tại Châu Âu, kể từ khi bản dịch đầu tiên sang tiếng Đức Das Li-Sao und die Neun Gesänge: zwei chinesische Dichtungen aus dem dritten Jahrhundert vor der christlichen Zeitrechnung ("Ly tao và Cửu ca: Hai tác phẩm thi ca Trung Quốc từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên") của August Pfizmaier được xuất bản bởi Học viện Khoa học Hoàng gia Viên vào năm 1852, các bản dịch sang tiếng Pháp, Anh, Ý, Nga, Hung lần lượt tiếp nối, nhiều ngôn ngữ thậm chí còn được dịch ra thành nhiều bản.[84][85][86]

Xem thêm

Tham khảo

Ghi chú

Chú thích

Thư mục

Đọc thêm

Liên kết ngoài

  • Tư liệu liên quan tới Li sao tại Wikimedia Commons