Nghĩa Long

Nghĩa Long là một trong những xã trung du miền núi của huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Trung tâm xã nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, đây là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nhất của xã. Với vị trí địa lý trên xã Nghĩa Long có những thuận lợi nhất định trong việc phát triển kinh tế so với các xã trong huyện, trong vùng.

Nghĩa Long
Xã Nghĩa Long
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngBắc Trung Bộ
TỉnhNghệ An
HuyệnNghĩa Đàn
Địa lý
Diện tích1.184,07 ha
Khác
Mã hành chính17026[1]

Vị trí địa lý

Nghĩa Long có ranh giới hành chính chung với các xã:

- Phía Bắc giáp xã Đông Hiếu

- Phía Nam giáp xã Nghĩa Lộc

- Phía Đông giáp xã Đông Hiếu, xã Nghĩa Lộc

- Phía Tây giáp hai xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Khánh.

Xã Nghĩa Long có địa hình đồi núi cao dày đặc ở phía Tây, nghiêng dần từ Tây sang phía Đông và phía Nam. Cao độ trung bình từ 15 - 20m, nơi cao nhất 30 m, thấp nhất 6 m. Mạng lưới giao thông đường bộ kết hợp với hệ thống thủy lợi, suối, đồi núi phân cách đồng ruộng thành nhiều vùng nhỏ lẻ.

Khí hậu thời tiết

Nghĩa Long nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và có chung đặc điểm của vùng miền núi Bắc Trung Bộ.

- Chế độ nhiệt: Có hai mùa rõ rệt, mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 9, tháng nóng nhất tháng 7, nhiệt độ cao tuyệt đối 41,1 °C. Mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ thấp tuyệt đối 10 °C, nhiệt độ trung bình năm là 23,7 °C, số giờ nắng trung bình năm 1.637 giờ.

- Chế độ mưa: Lượng mưa bình quân hàng năm 1.823mm. Trong năm lượng mưa phân bố không đều, chủ yếu tập trung vào 3 tháng 8, 9, 10. Lượng mưa thấp nhất từ tháng 1 đến tháng 3 chỉ chiếm khoảng 10% lượng mưa cả năm.

- Chế độ gió: Có hai hướng gió thịnh hành.

+ Gió mùa Đông bắc thổi từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, gió về thường mang theo giá rét.

+ Gió Tây Nam thổi từ tháng 4 đến tháng 9 có năm gây khô hạn.

- Độ ẩm không khí bình quân năm 85%, cao nhất trong năm trên 90%, thấp nhất trong năm 70%. Lượng bốc hơi bình quân năm 943 mm, lượng bốc hơi trung bình của các tháng nóng là 140 mm (tháng 5 đến tháng 9), của những tháng mưa là 61 mm (tháng 9 đến tháng 11).

Đặc trưng khí hậu: Biên độ nhiệt giữa các tháng trong năm lớn, chế độ mưa tập trung trùng với mùa bão, mùa nắng nóng có gió Phơn tây nam khô nóng, mùa lạnh có gió mùa Đông bắc giá hanh biểu hiện rõ đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa.

Nguồn nước

  • Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp lấy từ 6 hồ đập vừa và nhỏ trên địa bàn xã với tổng diện tích mương tưới dài trên 27,22 km.
  • Hệ thống tiêu nước chủ yếu theo hướng chính từ Bắc xuống Nam đổ ra khe Cái với tổng chiều dài mương tiêu 8,5 km.

Tài nguyên

Tài nguyên đất

Theo tài liệu thổ nhưỡng Nghệ An, kết hợp với điều tra khảo sát cho thấy: Trong tổng diện tích tự nhiên 1.184,07 ha, ngoại trừ hệ thống kênh tưới, tiêu và đất mặt nước chuyên dùng, ao hồ, phần diện tích còn lại chủ yếu là đất đỏ trên nền đá bazan, đất pha cát.

Tài nguyên khoáng sản

Chưa có tài liệu khảo sát tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã.

Tài nguyên nhân văn

Con người Nghĩa Long nói riêng cũng như huyện Nghĩa Đàn nói chung từ xa xưa giàu truyền thống cách mạng, cần cù, đoàn kết, nghị lực. Với dân số 3.524 người, trong đó một nửa là trong độ tuổi lao động đã tạo nguồn nhân lực dồi dào cho địa phương.

Hiện trạng kinh tế xã hội

Hiện trạng dân số, lao động

Tổng số khẩu toàn xã là 3.524 người, với 780 hộ, trong đó có 659 hộ nông nghiệp, 40 hộ phi nông nghiệp, 81 hộ chính sách. Toàn xã có 129 hộ nghèo, chiếm 17,2% tổng số hộ toàn xã.

- Tỷ lệ tăng dân số chung của xã là 0,98%

- Tổng số lao động trong các ngành kinh tế của xã là 2.174 người, trong đó:

+ Lao động nông nghiệp có 1.782 người (chiếm 82%)

+ Lao động phi nông nghiệp 392 người (chiếm 18%).

Hiện trạng cơ cấu kinh tế

Trong thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhất là từ năm 2005 đến nay kinh tế – xã hội xã Nghĩa Long có bước chuyển biến đáng kể, Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau đều cao hơn năm trước, bình quân thời kỳ 2005 – 2010 đạt 8,5%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp – TTCN và dịch vụ, trong đó cơ cấu nông lâm ngư năm 2010 giảm 30% so với năm 2000; TTCN – XD năm 2010 tăng 29% và Dịch vụ thương mại tăng 1% so với năm 2000.

Chú thích

Liên kết ngoài