Nguyễn Đăng Hưng

Nhà cơ học

Nguyễn Đăng Hưng là một nhà cơ học người Việt tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ. Lĩnh vực của ông là Cơ học vật rắn biến dạng chuyên ngành Cơ học tính toán, ông hiện tại là giáo sư danh dự trường Đại học Liège (từ 2006), trước đó ông là giáo sư (Professeur ordinaire), Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học Phá hủy thuộc Khoa Kỹ thuật Hàng không Không gian, Đại học Liege (LTAS-ULg). Ông là người sáng lập, đồng thời là tổng biên tập (Editor-in-Chief) tạp chí Khoa học Tính toán "Asia Pacific Journal on Computational Engineering (APJCEN)"[1], nhà xuất bản Springer.

Nguyễn Đăng Hưng
Sinh1941
Quảng Nam
Quốc tịchViệt
Trường lớpĐại học Liège
Nổi tiếng vìTổ chức các chương trình hợp tác giữa các Đại học của Châu âu và Việt Nam
Sự nghiệp khoa học
NgànhCơ học
Nơi công tácĐại học Liège, Bỉ

Tiểu sử và quá trình công tác

Nguyễn Đăng Hưng sinh ngày 1 tháng 1 năm 1941 tại làng Bồ Mưng, xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn[2], một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam. Ông mồ côi mẹ từ sớm, ý thức được hoàn cảnh khó khăn của mình, ông đã quyết tâm vào con đường học tập.

Ông chuyển vào Sài Gòn nơi có môi trường học tập tốt hơn và học trung học ở đó. Tại Sài Gòn ông là một trong những học sinh xuất sắc của trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký[3]. Năm 1960, ông là một trong ba sinh viên xuất sắc của Việt Nam thời đó (một từ miền Bắc, một từ miền Trung và một từ miền Nam) đã nhận được học bổng học du học tại Vương quốc Bỉ. Ông chọn học ngành Vật lý Hàng không và Không gian tại Đại học Liege, trong khi hai người bạn đi du học cùng ông chọn ngành Kỹ thuật Vật lý Nguyên tử. Khoa Kỹ thuật Hàng không và Không gian (LTAS) nơi ông học là một trong những trung tâm về nghiên cứu ứng dụng phương pháp phần tử hữu hạn hàng đầu của châu Âu [4].

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư (năm 1966), ông được giữ lại làm kỹ sư nghiên cứu tại LTAS, nơi có nhiều các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ông lần lượt được thăng chức từ trợ giảng (năm 1968) đến trợ lý giáo sư (năm 1972) và giảng viên (năm 1978). Sau đó ông làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của giáo sư Fraeijs de Veubeke, một chuyên gia hàng đầu về phần tử hữu hạn, và là người đề xướng ra mô hình cân bằng (phương pháp phần tử hữu hạn với trường ứng suất giả định). Hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ đặc biệt (doctorat spécial, tương đương với Habilitation PhD) của ông gồm nhiều các nhà khoa học tên tuổi của thế giới như GS. Daniel Drucker (ĐH Florida, Hoa Kỳ).[5], GS. Marcel Save (ĐH Mons), GS. Charles Massonnet (ĐH Liège), GS. Giulio Maier (ĐH Milan)…bằng tốt nghiệp của ông được hội đồng luận văn thống nhất cho điểm tuyệt đối.

Sau khi tốt nghiệp ông là phó giáo sư (năm 1984) và giáo sư thực thụ (năm 1991), đồng thời là trưởng Bộ môn Cơ học Phá hủy của LTAS. Ông nghỉ hưu và là giáo sư danh dự của Đại học Liege từ năm 2006.[cần dẫn nguồn] Hiện tại, ông là cố vấn khoa học cho Trường Đại học Việt Đức.

Những đóng góp cho ngành Cơ học và Việt Nam

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là tác giả của hơn 20 cuốn sách, giáo trình và hơn 200 công trình khoa học [6] mà phần lớn số đó được đăng trong các tạp chí hàng đầu về cơ học tính toán. Những đóng góp chính cho chuyên ngành cơ học của ông bao gồm, Lý thuyết đối ngẫu trong phần tử hữu hạn và lý thuyết dẻo, các mô hình cân bằng, phương pháp phần tử hữu hạn lai (metis), chương trình CEPAO (dùng để phân tích giới hạn dẻo và tính toán tối ưu các kết cấu công trình khung phẳng thép), chương trình ADELEF (phát triển cho các bài toán phân tích giới hạn), đóng góp một số modules tính toán cho chương trình SAMCEF (một software thương mại dùng để tính toán kết cấu bằng phương pháp phần tử hữu hạn), phân tích shakedown…Ngoài những đóng góp cho chuyên ngành cơ học, trên cương vị quản lý ông đã có nhiều đóng góp cho Đại học Liege và đặc biệt cho Việt Nam, có thể kể ở đây một số đóng góp chính như sau:

  • Sáng lập bộ môn cơ học phá hủy (LTAS-Fracture Mechanics) cho Đại học Liège (1985).
  • Đề xướng, điều hành và thực hiện nghiệm thu hằng chục dự án nghiên cứu công nghệ hợp đồng với các công ty công nghệ cao tại châu Âu: CMI (công nghệ cơ khí Cokerill), SAMTECH (Công nghệ phần mềm tính toán cơ học), SEP (Spatial Euroepan Propulsion), CARAT-DUCHATELET (chế tạo khung xe), AEROSPATIALE-Marignane (chế tạo máy bay lên thẳng), AEROSPATIALE (Toulouse), Framatome (Lò năng lượng hạch nhân), SIEMENS...
  • Từ năm 1990 cho đến năm 1995 đề xướng và thực hiện 3 dự án cho cộng đồng các nước nói tiếng Pháp tài trợ (AUPELF&UREF) và 3 dự án cho Cơ quan hợp tác quốc tể (CGRI), Cộng đồng Bruxelles-Wallonie tài trợ.
  • Thành viên nhóm CEE-AG2 (1993-1996) của Ủy ban châu Âu về thẩm định cấu trúc lò nguyên tử.
  • Đồng đề xướng và thành viên ban điều hành (1986-1996) chương trình cao học liên đại học ERASMUS[cần dẫn nguồn] (Tính toán cơ học vật rắn và cấu trúc biến dạng) bao gồm 16 đại học của châu Âu.
  • Thành viên Hội đồng các chuyên gia (Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp) sáng lập "Viện Công nghệ Thông tin Hà Nội" (1992); hồi phục "Trường kỹ thuật Nam Vang" (1992); điều hành "Các chương trình đào tạo liên ngành tại Đông Dương " (1994).
  • Sáng lập viên và Điều phối viên chương trình cao học Bỉ & Việt EMMC để giúp Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo thạc sĩ về ngành "Tính toán cơ học trong xây dựng" (1995-2007). Đã đào tạo 12 khoá bao gồm 216 thạc sĩ và 40 tiến sĩ đã tốt nghiệp.
  • Sáng lập viên và Điều phối viên chương trình cao học Bỉ & Việt MCMC để giúp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo thạc sĩ về ngành "Tính toán các môi trường liên tục" (1998-2006). Đã đào tạo 8 khoá bao gồm 102 thạc sĩ và 15 tiến sĩ đã tốt nghiệp.
  • Đề xướng và điều phối viên chương trình cao học quốc tế EU-EMMC (Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh- Đại học Delft- Đại học Montpellier và Đại học Liège) để đào tạo thạc sĩ châu Âu về ngành "Tính toán các môi trường liên tục" (2001-2004).
  • Đề xướng và điều phối viên chương trình cao học quốc tế EU-EMMD (5 trường Đại học, Đại học Công nghệ Hà Nội, Đại học Marseille, Đại học Lulea và Đại học Liège) để đào tạo thạc sĩ châu Âu về ngành "Thiết kế và tính toán trong cơ học" (2001-2004).
  • Đề xướng và Chủ trì cùng với trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội dự án ANTIERO I và II, phát triển và tính toán độ tin cậy của các kè biển và sông tại Việt Nam, xây một trạm quan trắc đo đạc thủy văn thủy khí tại Bình Thuận.
  • Đã huy động thành công 10 trường Đại học châu Âu cộng tác với 10 trường Đại học của Việt Nam để tham gia chương trì đào tạo 50 tiến sĩ cho Việt Nam (2001-2010).

Như một kết của sự phát triển các chương trình hợp tác giữa các Đại học của Châu âu và Việt Nam, ông đã đào tạo thành công cho Việt Nam gần 318 thạc sĩ và trong số đó, gần 60 tiến sĩ đã bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ tại các trường đại học tiên tiến trên thế giới.[cần dẫn nguồn] Đã tổ chức hằng trăm học viên và giáo sư Việt Nam xuất ngoại tham quan thực tập tại Bỉ và các nước châu Âu khác như Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Ý, Canada.[cần dẫn nguồn]

Phong tặng

  • Huy chương, Hàn Lâm Viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (1984).[cần dẫn nguồn]
  • Huy chương Lao động hạng nhất của Chính phủ Bỉ (1996).[cần dẫn nguồn]
  • Được vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm cho nước Bỉ đổi thay (tuần báo VIF-EXPRESS, 16/7/1999).
  • Huân chương "Đại sĩ quan của Vua Léopold II", Vương quốc Bỉ (1999).[cần dẫn nguồn]
  • Bằng khen của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh khen thưởng cho kiều bào có công với đất nước (2002).[cần dẫn nguồn]
  • Được Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam và báo điện tử VIETNAMNET ban tặng danh hiệu "Giải thưởng Vinh danh nước Việt", tháng 2 năm 2005.
  • Huân chương "Đại sĩ quan của Hoàng Gia", Vương quốc Bỉ (2006).[cần dẫn nguồn]

Nhận xét

  • Nói với các giảng viên và sinh viên tại ĐH Mở TP.HCM sáng 20-3-2015: "Việt Nam cũng có hoàn cảnh và xuất phát điểm tương đồng như Hàn Quốc, cũng trải qua chiến tranh, nghèo đói... Nhưng hơn 40 năm qua Hàn Quốc đã đầu tư cho giáo dục, công nghệ và đã trở thành một cường quốc về khoa học công nghệ. Trong khi đó, nền khoa học công nghệ Việt Nam hiện tại vẫn đang còn tụt hậu và bị bỏ lại phía sau."[7]
  • Đánh giá nguyên nhân sự cố rơi và gãy dầm cầu Chợ Đệm ngày 10/3 /2009,Giáo sư Ưu tú (Professor Emeritus)” – theo giới thiệu của  tuanvietnam.vietnamnet.vn, Nguyễn Đăng Hưng  cho biết:  “...qua mô tả của báo giới và xem hình chụp, tôi có thể thẩm định đây là sự cố tiêu biểu của hiện tượng phá hủy giòn vì rạn nứt

Bê tông là vật liệu ít dẻo nhất và trong giai đoạn vừa mới đúc xong khả năng giòn thường rất cao. Chắc chắn trước khi gãy đổ, đã có một vết nứt dọc khởi đầu ngay mặt cắt chỗ gãy. Lẽ ra các kỹ sư công trình phải phát hiện ngay vết nứt ban đầu và tìm giải pháp cứu chữa trước khi sự cố xảy ra!  Có lẽ họ đã không làm hoặc lơ đễnh hoặc không nắm rõ giáo trình khoa học rạn nứt - ngành học mới rất hiện đại và chính xác, mới ra đời  từ những năm 40 của thế kỷ trước. Rất có thể một sự cố đã phát sinh tải trọng uốn (hay xoắn) bất ngờ mà điểm tối đa chính là ở giữa cầu, chỗ ngay có cột chống. Tải trọng bất ngờ này đã làm vết nứt phát triển với vận tốc của âm thanh. Tiếng nổ chính là dấu ấn của phá huỷ giòn. Nếu phát hiện vết nứt kịp thời và đo đạc tại hiện trường có thể sẽ khắc phục được. Vì, ngày nay người ta có thể mô phỏng bằng máy tính việc phát triển vết nứt xác định thời gian cần thiết phải chữa trị trước khi thảm kịch xảy ra!” 

Theo nội dung cơ bản của giáo trình sức bền vật liệu, lực tải thẳng đứng thông thường (trọng lượng) tạo khả năng uốn của dầm và tất yếu sẽ phát sinh ra ứng sức kéo ở biên độ. Và khi dầm không có cốt sắt, sức kéo này sẽ đủ gây gãy đổ.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/giai-trinh-vu-sap-cau-cho-dem-thieu-co-so-khoa-hoc Lưu trữ 2015-04-06 tại Wayback Machine (12/03/2009 21:59 GMT+7)

Vụ kiện với trường Đại học Tôn Đức Thắng

Ngày 26 tháng 8 năm 2014, hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh chính thức đứng đơn kiện ông Hưng vi phạm hợp đồng, sau khi đơn kiện vào ngày 1 tháng 7 bị bác vì không đúng quy định. Trường Đại học Tôn Đức Thắng đòi ông phải bồi thường thiệt hại số tiền hơn 461 triệu đồng mà trường đã chi trả để ông Hưng thực hiện tạp chí APJCEN và ngoài ra đòi xin lỗi công khai trên ba kỳ liên tiếp tại báo Sài Gòn Giải Phóng.[8][9][10] Tuy nhiên, theo giáo sư Hưng thì vai trò của ông chỉ là cố vấn cao cấp, đề đạt sáng kiến, góp ý, hay nhiều lắm thì là đôn đốc công việc, chứ không có trách nhiệm thực thi.[10]

Ngày 1/3/2015, 14 nhà khoa học là thành viên Ban Biên tập của Tạp chí APJCEN (the Asia Pacific Journal of Computational Engineering), đến từ Pháp, Bỉ, Singapore, Việt Nam...đã ký vào thư ngỏ gửi Chính phủ, phản đối việc Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng nộp đơn ở tòa án kiện GS Nguyễn Đăng Hưng. Họ cho là Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng không hiểu nguyên tắc và thông lệ của thỏa thuận xuất bản tờ tạp chí này.[11]

Ngày 17-3-2015, TAND quận 9 (TP.HCM) đã mở phiên hòa giải đầu tiên vụ tranh chấp. Bên bị đơn không đồng ý với các yêu cầu mà phía nguyên đơn đưa ra, nên tòa lập biên bản hòa giải không thành.[12]

Chú thích

Liên kết ngoài