Nguyễn Thần Hiến

Nguyễn Thần Hiến (1857-1914), tự: Phác Đình[1], hiệu: Chương Chu; là người đã sáng lập ra "Quỹ Khuyến Du học hội" nhằm vận động và hỗ trợ cho học sinh sang Nhật Bản học, là một trong những nhà cách mạng tiên phong trong phong trào Đông Dumiền Nam[2] và là một nhà chiến sĩ cận đại Việt Nam.

Nguyễn Thần Hiến
chân dung Nguyễn Thần Hiến (1857 - 1914)
Sinh1857
Hà Tiên
Mất1914 (57 tuổi)
Hà Nội
Trường lớpsang Nhật Bản học
Nghề nghiệpchí sĩ thời cận đại Việt Nam

Thân thế và sự nghiệp

Thân thế

Chí sĩ Nguyễn Thần Hiến sinh năm Đinh Tỵ (1857)[3] tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên; nay là thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Thuở nhỏ ông được cha đặt tên Nguyễn Như Khuê, năm 18 tuổi ông tự đổi là Nguyễn Thần Hiến[4]

Tổ tiên ông gốc người Quảng Trị, làm quan đời Gia Long. Ông nội ông vì không đứng về phe tôn lập Nguyễn Phúc Đảm (Minh Mạng) lên ngôi, sợ bị liên lụy, nên đem gia quyến vào Nam, định cư ở Vĩnh Long. Ông nội ông mất sớm, để lại một con trai duy nhất là Nguyễn Như Ngươn, tức cha ông.

Làm Tri huyện ở Vĩnh Long một thời gian, ông Ngươn được bổ vào Hà Tiên giữ chức Kinh lịch[5] Sau được thăng Tri huyện (1864), lúc sắp mãn phần, thăng Kinh huyện.

Theo sách Nghiên cứu Hà Tiên, thì trước khi cưới bà Chu, ông đã có người vợ chánh (chưa rõ tên), sinh cho ông một trai tên Nguyễn Như Thoại và một gái tên Nguyễn Thị Tài.Năm Tự Đức thứ 17 (1864), ông Ngươn cưới thêm vợ thứ tên Huỳnh Thị Chu, gốc người Minh Hương, sinh trưởng ở Hà Tiên. Bà Chu sinh cho ông hai trai và một gái, gồm: Nguyễn Như Khuê (tức Nguyễn Thần Hiến), Nguyễn Như Quỳ và Nguyễn Thị Dương [4].

Ở Hà Tiên

Đình thần Thành hoàng xã Mỹ Đức, do Nguyễn Thần Hiến vận động nhân dân kiến tạo.

Lên 5 tuổi, Nguyễn Thần Hiến học chữ Hán với một thầy người Hoa gần nhà, nổi tiếng là một cậu bé thông minh và có sức nhớ dai. Năm 10 tuổi, ông đến Châu Đốc thụ giáo với một cụ đồ nho danh tiếng. Đến năm 12 tuổi, ông đã tỏ ra khá thông hiểu triết lý Khổng Mạnh và thi văn.

Khi trưởng thành, ông về lại Hà Tiên (chưa rõ năm nào), mở lớp dạy chữ Nho và chuyên nghề bốc thuốc Bắc và châm cứu.

Vốn bản tánh ông nhu hòa, lời nói thanh nhã, lại giỏi nghề y nên ông có nhiều bằng hữu, đông học trò và người bệnh.

Sách Nghiên cứu Hà Tiên, kể:

Ở Hà Tiên, thời kỳ 1888-1901, ông cùng với quý ông Lâm Tấn Đức, Lê Quang Chung, Huỳnh Đăng Khoa, Phụng Lai Nghị, Lê Quang Chung, Nguyễn Phương Chánh, La Thành Đầm... ra sức chấn hưng nền học vấn tại địa phương, đồng thời phục hưng nền văn học Chiêu Anh Các. Bởi vì trước đó có một thời, thơ văn của tao đàn này hầu như bị lãng quên sau việc con cháu Mạc Công Du phải thọ nạn vì liên can tới vụ binh biến Lê Văn Khôi (1833-1835), nên ít người dám cất giữ...[6]

Đến Cần Thơ

Năm 1902, mẹ ông qua đời, thì tuổi ông cũng đã bốn mươi lăm và đã là một điền chủ ở Hà Tiên. Trong năm này, ông Hiến quyết định đưa cả gia quyến về sống ở Cần Thơ. Và ở đây, ông có thêm nhiều bạn đồng "chí hướng" mới.

Vào một ngày tháng 1 năm Giáp Thìn (1904), Nguyễn Thần Hiến qua Sa Đéc thăm người bạn thân là Đặng Thúc Liêng (1867-1945), tình cờ gặp nhà chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) từ Thất Sơn trở về. Kể từ cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này, ông Hiến đã trở thành một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp cho phong trào Đông Du do Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính gây dựng tại Nhật năm 1905.

Ngoài việc tuyên truyền, vận động cho nhiều ngành, nhiều giới tham gia phong trào; điểm nổi bật nhất của Nguyễn Thần Hiến đó là việc ông đứng ra thành lập Khuyến Du Học Hội vào năm 1907, nhằm vận động học sinh sang học tại Nhật[7], tổ chức nhiều cơ cấu cách mạng tại miền Nam để tích cực ủng hộ phong trào. Và chính ông đã tự nguyện ủng hộ một phần lớn gia tài giúp vào quỹ du học sinh. Tổng cộng món tiền là 20.000 đồng. Vào năm 1908, số tiền ấy có giá trị bằng hàng trăm lạng vàng.[8]

Tháng 3 năm 1908, ông Hiến cho người con trai duy nhất của mình là Nguyễn Như Bích sang Nhật, vào học tại Đồng Văn Thư viện. Nhưng cuối năm ấy, Pháp - Nhật ký xong hiệp ước bang giao, và thể theo yêu cầu của Pháp, Nhật hoàng cho trục xuất tất cả du học sinh Việt Nam về nước, trong số đó có Nguyễn Như Bích.

Lúc bấy giờ, phong trào Đông DuNam Kỳ còn lâm cảnh khó khăn hơn nữa, bởi sự bất cẩn của một du học sinh tên Trần Công Huân, người Cái Bè (Mỹ Tho). Vì cả tin, Huân đã đem tài liệu mật giao cho một người giữ giùm, mà người này đang bí mật làm việc cho Pháp, cho nên sau khi bắt Huân và một số du học sinh khác vừa từ Nhật trở về, Pháp cũng ra lệnh bắt ngay những người đứng đầu tổ chức.

Ra nước ngoài

Sang Xiêm La

Năm 1908, từ Cần Thơ, nhờ người quen giúp đỡ, Nguyễn Thần Hiến theo ghe đánh cá sang Chantaboun rồi lên Bangkok (Xiêm La), giấu mình bằng cái tên Hoàng Xương và hành nghề đông y.

Cuối năm này, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (1882-1951) sang Xiêm, ông có tìm đến yết kiến và được cử làm Tổng Ủy viên sự vụ, giữ trọng trách liên lạc với các đồng chí ở Nam Việt.

Năm 1909, Phan Bội Châu cũng sang Xiêm, được ông Hiến giới thiệu với nhà sư Thiện Quảng Thiền, ở chùa Phổ Đức. Biết phong trào Đông Du ở hải ngoại đang lâm cảnh khốn đốn, nhà sư trở về Nam Kỳ và đã quyên góp được khoảng 2.000 đồng.

Năm 1910, Thiện Quảng Thiền trở về nước lần nữa, thì bị lộ. Nhà sư bị Pháp bắt giết tại vùng rừng núi Tây Ninh, khi đang tìm đường chạy sang Cao Miên. Năm đó, nhà sư mới 50 tuổi [9]. Sợ Pháp dò la được tung tích, Phan Bội Châu liền rời khỏi Xiêm, và cuối năm đó (1910), Nguyễn Thần Hiến cũng giả làm người Trung Quốc, đáp tàu từ Xiêm sang Hồng Kông tìm Cường Để và Phan Bội Châu.

Qua Trung Quốc

Sau ba tháng học tiếng Quan thoại, Nguyễn Thần Hiến lãnh nhiệm vụ liên lạc với các đồng chí người Trung Quốc và người Việt ở nhiều nơi, như Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Quảng Đông, Mãn Châu... Mỗi khi thiếu hụt, ông liền xoay trở bằng nghề làm thuốc hoặc viết báo để sinh nhai và để giúp đỡ các đồng chí khác. Đầu năm Tân Hợi (1911), bởi người Pháp kiểm duyệt thư từ đi lại và tịch thu tất cả tiền bạc từ nước Việt gửi sang, Phan Bội Châu đành phải tạm ngưng hoạt động, trở lại Xiêm ẩn náu nơi đồn điền của bạn.

Sau khi Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc thắng lợi, đa số đảng viên Duy Tân hội[10] hoạt động bí mật, theo đường lối quân chủ, chủ trương "bài Pháp, giành độc lập", muốn theo chủ nghĩa dân chủ, từ bỏ quân chủ. Vì vậy, Phan Bội Châu, một trong những người sáng lập, nhận thấy cần phải triệu tập một hội nghị.

Ngày 19 tháng 6 năm 1912 tại Quảng Châu, có đại diện của cả ba Kỳ[11] đều đồng ý thành lập Việt Nam Quang Phục Hội[12], để thay thế cho Duy Tân hội. Và trong tổ chức mới, Nguyễn Thần Hiến, đại diện cho Nam Kỳ, được cử vào Bộ Bình Nghị.

Đầu năm Quý Sửu (1913), hoạt động của Việt Nam Quang Phục Hội lại lâm cảnh đình trệ vì thiếu tài chính. Trước tình cảnh đó, Nguyễn Thần Hiến đến thuyết phục Cường Để, để cùng bí mật trở về Sài Gòn và nhiều tỉnh ở Nam Kỳ, nhằm vận động quyên góp tiền bạc cho hội.

Trong lao tù

Giữa tháng 6 năm 1913, Cường Để rời Sài Gòn, hẹn sẽ gặp lại Nguyễn Thần Hiến tại Hồng Kông. Đến cuối tháng, khi cả hai cùng vài cộng sự khác gặp nhau tại Hồng Kông, do một thành viên sơ ý làm nổ quả lựu đạn mới chế tạo, nên cả nhóm bị cảnh sát Anh truy nã gắt...

Vàì hôm sau, thấy tạm yên, một đồng chí của ông Hiến tên Huỳnh Hưng vừa lén trở nhà thì cảnh sát Anh ập tới bắt giam. Sau đó, ông Hiến cùng các cộng sự khác, như: Nguyễn Quang Diêu (1882- 1936), Đinh Hữu Thuật...đều bị bắt.

Chính quyền Hồng Kông, theo sách Nghiên cứu Hà Tiên, lúc bấy giờ "rất tráo trở, bắt, tha rồi bắt lại", cuối cùng vào ngày 16 tháng 6 năm 1913, cả nhóm bị chính quyền Pháp bắt khi vừa đặt chân lên nhượng địa Quảng Châu Loan.

Pháp giam tất cả vào ngục tối, xiềng xích tay chân, rồi chở về Việt Nam nhốt trong nhà lao Hỏa LòHà Nội.

Sau nhiều tháng bị tra tấn rất dữ, ông lâm bệnh thổ huyết. Khi Hội đồng Đề Hình của thực dân Pháp phán xử ông mười năm tù lưu đày qua xứ Cayenne (một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ), ông quyết tâm tuyệt thực và đã mất vào giờ giao thừa đêm ba mươi Tết Giáp Dần, tức ngày 26 tháng 1 năm 1914, hưởng dương 56 tuổi.

Câu nói trước khi mất

Thấy Nguyễn Thần Hiến cứ tiếp tục nhịn đói, sức khỏe ngày một suy yếu, các bạn tù đều xúm nhau an ủi, khuyên ông ăn. Ông nói:

Tác phẩm

Bút tích Nguyễn Thần Hiến trên vách Đền thờ họ Mạc.

Mặc dù bận rộn vì việc nước, Nguyễn Thần Hiến vẫn hay làm thơ, nhưng đã thất lạc nhiều. Nay còn lại một ít, nhờ đăng trên báo Nông cổ mín đàm và đề trên tường vách Mạc Công Miếu và Đình thờ thần Thành Hoàng xã Mỹ Đức, Hà Tiên (nay thuộc khu phố 1, p. Đông Hồ, thị xã Hà Tiên).

Mùa đông năm Canh Tý (1900), việc trùng tu Mạc Công Miếu hoàn thành, Nguyễn Thần Hiến làm hai bài thơ chữ Hán tán dương công đức Mạc Thiên Tứ chép trên vách đền, nay hãy còn. Trích một (dịch thơ):

Vì quý thân mình của mẹ cha,
Nước nhà đành bỏ, vượt phương xa.
Dựng vua Chân Lạp hao người ngựa,
Mở đất Hà Tiên rộng nước nhà.
Thơ rượu một thời, chơi thắng cảnh,
Xóm làng ngàn dặm, kết tài hoa.
Xót thầm có chí, không thành đạt,
Câu cá đầu sông phí tuổi già.

Đình thờ thần Thành Hoàng xã Mỹ Đức, mà ông là người có công lớn trong việc kiến tạo, cũng có 4 bài thơ chữ Hán của ông, trích một (dịch nghĩa):

Hàn than thu lạo đồ
(Cơn lũ mùa thu bên bờ lạnh)
Bên bờ dăm ba mái chòi bên xóm ấp,
Lũ mùa thu, dân nghèo sống buổi sớm chiều.
Rặng bần càng thấp, sông thêm thoáng rộng,
Cầu khe làm dấu lối đi, nước chảy phăng phăng.
Nước mở hàng lau, sông xuôi về biển,
Đưa các tôm vào tận nhà.
Chận nước phải tùy theo núi, người đã trót lời nguyền,
Bày tỏ cùng ai giữa vùng nước bạc khi đêm về? [4]

Thương tiếc

Sự kiện Nguyễn Thần Hiến bất ngờ gặp Phan Bội Châu tại Sa Đéc năm 1904, rồi cả hai trở thành đồng chí thân thiết, sau này được ông Phan kể lại trong Phan Bội Châu niên biểu (hay Tự phán) như sau:

Cuối tháng ấy, tôi từ Thất Sơn trở về đến Sa Đéc, gặp mặt được một người là ông Ký Liêm (Mộng Sơn Đặng Thúc Liêng). Ông này giới thiệu tôi với ông Hội đồng Nguyễn Thành Hiến (Nguyễn Thần Hiến). Ông Nguyễn sau cũng xuất dương, đồng sự với tôi hơn bảy năm. Sau nhân ở Hồng kông Hương Cảng vì toan mưu cuộc ám sát, thuê nhà kín, chế tạo trái phá, bị người Pháp bắt được đem về, ông tự tử ở Hà Nội. Ôi! Như ông ấy cũng là kỳ sĩ của Nam Trung đó mà... [13].

Trước đây, trong tác phẩm Chí sĩ Nguyễn Quang Diêu được xuất bản ở Sài Gòn, nhà biên khảo Nguyễn Văn Hầu viết:

Tuy thân gửi nước ngoài, cụ Nguyễn Thần Hiến vẫn luôn luôn giữ được hệ thống liên lạc trong nước. Các đảng viên cách mạng ở miền Nam, thứ nhất ở miệt Hậu Giang, thường lui tới Hồng Kông để tiếp xúc với cụ, tiếp tế tiền bạc và vận động khí giới. Trong những cuộc hội thảo quan trọng giữa các lãnh tụ tối cao, các đồng chí Nam Kỳ đều nhượng cho cụ nhiệm vụ đại diện.[14]

Chứng kiến trước cái chết bi đát của người bạn vong niên và cũng là bạn tù (Nguyễn Thần Hiến), chí sĩ Nguyễn Quang Diêu có bài thơ khóc:

Bấy lâu bay bổng cánh chim hồng,
Lạc lối giờ ra phải máy cung.
Chín suối có thiêng hồn tổ quốc,
Trăm năm còn tạc gánh tang bồng.
Đổi dời nghĩ gớm câu dâu bể,
Thố lộ cùng ai chuyện núi sông.
Thôi để làm gương cho sắp bé,
Ngàn năm trong nước dấu anh hùng.

Thông tin thêm

  • Nguyễn Thần Hiến mất, xác ông không có người nhận nên bị nhà cầm quyền Pháp đưa qua trường thuốc để sinh viên giải phẫu. Có một số sinh viên miền Nam như Nguyễn Tấn Đởm, Võ Xuân Hành...nhìn mặt biết được, nên họ đồng lòng giữ thi hài ông lại. Hơn một tháng sau, người cháu gọi ông bằng chú ruột ở trong Nam ra, đến nhà đương cuộc xin xác đem chôn vào một ngày đầu tháng 3 năm 1914 tại Nghĩa trang Nam Việt, Hà Nội. Sau năm 1954, nghĩa trang trên được lệnh di dời. Những mồ mã không người bốc mộ, đều dời tới một nghĩa trang ở Yên Kỳ (Sơn Tây). Mãi về sau này, có người trong dòng họ Nguyễn Như cố công truy tìm mộ ông, nhưng chỉ tìm thấy cái bia đề vỏn vẹn NGUYEN HIEN, chữ không có dấu, cũng không năm sinh, năm tử và quê quán nên thân nhân không dám quyết đó là mộ của ai....[4].
  • Sau năm 1975, con đường mang tên Nguyễn Thần Hiến ở Cần Thơ bị đổi tên thành đường Nguyễn Đình Chiểu, và bệnh viện ở Hà Tiên cũng không còn mang tên ông. Sau này, tên ông mới được chọn lại để đặt tên cho một con đường tại phường 18, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, một con đường tại thị xã Hà Tiên[4].
  • Trong Đền thờ Phan Bội Châu tại Huế, có thờ bức ảnh bán thân của ông.

Chú thích

Tham khảo

  • Trương Minh Đạt, Nghiên cứu Hà Tiên, Nhà xuất bản Trẻ & Tạp chí Xưa & Nay cùng ấn hành, 2008. (Phiên âm Hán - Việt những bài thơ trích ở phần tác phẩm, xem trong sách này).
  • Nhiều tác giả, Phong trào Đông Du ở Miền Nam. Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn & Tạp chí Xưa và Nay cùng ấn hành, 2007.
  • Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992, tr. 637-638.
  • Nguyễn Thần Hiến: Người sáng lập "Khuyến Du học hội" Lưu trữ 2008-09-30 tại Wayback Machine