Nhà Trần

triều đại Việt Nam (1225–1400)

Nhà Trần (chữ Nôm: 茹陳, chữ Hán: 陳朝, Hán Việt: Trần triều) là một triều đại quân chủ cai trị nước Đại Việt từ năm 1226 đến năm 1400. Đây là triều đại được lưu danh với những chiến công hiển hách trong lịch sử Việt Nam. Triều đại này khởi đầu khi Trần Cảnh lên ngôi vào năm 1226 sau khi được vợ là Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi. Những năm đầu tiên, Trần Cảnh còn nhỏ tuổi, toàn bộ quyền hành của nhà Trần đều do một tông thất vai chú của Trần Cảnh là Trần Thủ Độ nắm quyền, chính Trần Thủ Độ đã âm thầm ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho cháu mình.

Đại Việt
Tên bản ngữ
  • 大越
1225–1400
Bản đồ thời Trần sau khi vua Chiêm Thành Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý
Bản đồ thời Trần sau khi vua Chiêm Thành Chế Mân dâng hai châu Ô
Thủ đôThăng Long
Thiên Trường[1]
Thanh Hoá (tạm thời)
Ngôn ngữ thông dụngTiếng Việt cổ
Tôn giáo chính
Phật giáo, Đạo giáo, Tín ngưỡng Việt Nam
Chính trị
Chính phủQuân chủ chuyên chế
Hoàng đế 
• 1226-1258
Trần Thái Tông (đầu tiên)
• 1258-1278
Trần Thánh Tông
• 1278-1293
Trần Nhân Tông
• 1293-1314
Trần Anh Tông
• 1314-1329
Trần Minh Tông
• 1329-1341
Trần Hiến Tông
• 1341-1369
Trần Dụ Tông
• 1370-1372
Trần Nghệ Tông
• 1372-1377
Trần Duệ Tông
• 1377-1388
Trần Giản Hoàng
• 1388-1398
Trần Thuận Tông
• 1398-1400
Trần Thiếu Đế (cuối cùng)
Lịch sử
Lịch sử 
• Trần Thái Tông được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi
1225
1258
1285
1287-1288
• Hồ Quý Ly soán ngôi Nhà Trần
1400
Kinh tế
Đơn vị tiền tệTiền xu, Tiền giấy
Tiền thân
Kế tục
Nhà Lý
Nhà Hồ
Hiện nay là một phần của Việt Nam
 Trung Quốc
 Lào
^ Phủ Thiên Trường là nơi ở của các Thái thượng hoàng nhà Trần. Mặc dù thoái vị, nhưng các Thái thượng hoàng vẫn nắm quyền hành chính nên Đại Việt thời bấy giờ được điều hành từ cả Thăng Long và Thiên Trường.
^ Nhà Trần bị gián đoạn bởi Dương Nhật Lễ vào năm 1370. Sau đó Trần Nghệ TôngTrần Duệ Tông đã mang quân đến kinh sư, giết chết Nhật Lễ, đoạt lại cơ nghiệp họ Trần.

Trong giai đoạn nắm giữ quyền lực, nhà Trần vẫn đóng đô ở Thăng Long – kinh đô triều cũ, tiếp tục mở rộng và phát triển sự hưng thịnh có từ đời nhà Lý. Về chính sách chính trị, các Hoàng đế nhà Trần cũng xây dựng bộ máy chính quyền hoàn thiện hơn so với nhà Lý, họ tạo nên một hệ thống đặc biệt, trong đó các Hoàng đế sẽ sớm nhường ngôi cho Thái tử mà lui về làm Thái thượng hoàng, tuy nhiên vẫn cùng vị Hoàng đế mới điều hành chính sự. Việc này được đánh giá là tích cực, khi ngôi Hoàng đế sớm có chủ, tránh được việc tranh giành ngôi vua như nhà Lý trước đó; và bản thân vị Hoàng đế sẽ tiếp xúc và làm quen việc cai trị cho đến khi trưởng thành. Các mặt kinh tế, xã hội, giáo dụcnghệ thuật cũng hoàn chỉnh hơn và cho thấy Nho giáo, Đạo giáo đã có ảnh hưởng rõ rệt tới triều đại, tạo ra cục diện Tam giáo đồng nguyên, sự cân bằng ảnh hưởng của Phật giáoNho giáoĐạo giáo. Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông được coi là một danh nhân văn hóa nổi tiếng, người bảo trợ Phật giáo và Đạo giáo, thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng và truyền đến đời nay. Bên cạnh đó, những danh thần Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Trần Quang Triều,... là những cái tên nổi danh về tri thức, thơ văn, góp phần to lớn tạo nên thời kỳ nhà Trần hưng thịnh văn hóa.

Dưới triều nhà Trần, lực lượng quân đội đặc biệt được chú trọng phát triển đủ sức đánh dẹp các cuộc nội loạn và đương đầu với quân đội các nước xung quanh. Lực lượng quân đội nhà Trần thiện chiến nhất là thủy binh, rồi kỵ binh, bộ binh, tượng binh... Chính sách chia thực ấp cho các thân tộc trong họ, mỗi thế lực trong dòng tộc đều có quân đội tinh nhuệ là nền tảng lớn khiến quân đội nhà Trần đánh bại được cuộc xâm phạm của quân đội Nhà Nguyên, Đế quốc Mông Cổ qua 3 lần vào năm 1258, 12851287. Nhiều tôn thất hoàng gia như Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đều là những tướng cầm quân tài ba, có vai trò quan trọng trong chiến thắng vào năm 12851287.

Lịch sử

Nguồn gốc

Tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề chài lưới, có gốc là người Mân Việt (hiện nay thuộc tỉnh Phúc Kiến) di cư đến đất Đại Việt đầu tiên ở xã Yên Sinh, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) sau dời đến Tức Mặc, Nam Định. Những hậu duệ của nhà Trần là con cháu lai giữa dòng dõi nhà Trần và dòng dõi nhà Lý trừ trường hợp của Trần Lý, Trần Thừa, và con của Trần ThừaTrần Cảnh vị vua đầu tiên của nhà Trần. Căn cứ vào gia phả họ TrầnLạc Dương do thống tôn đời 27 Trần Đình Nhân (con cháu Trần Ích Tắc) còn lưu giữ được thì gốc tích xa xưa thời chiến quốc, tổ tiên họ Trần trước sống ở đất Mân Việt (tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc ngày nay)[1]

Người họ Trần đầu tiên đến Tức Mặc, Nam Định là Trần Kinh (陳京), đến định cư tại làng Tức Mặc (nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) sống bằng nghề ngư sinh vào đầu thế kỷ XII. Cụ Trần Kinh sinh ra cụ Trần Hấp, cụ Trần Hấp sau sinh ra cụ Trần Lý. Gia đình cụ Trần Hấp có gia sản lớn, kẻ ở người làm đông đến vài trăm, anh em Trần Lý cũng bỏ hẳn nghề chài lưới để chuyển sang quản lý điền trang, tuyển mộ người ở. Gia tộc họ Trần dần có địa vị, trở thành tầng lớp trên của xã hội bấy giờ.

Sau ba đời con cháu sống ở Tức Mặc, họ Trần trở nên giàu có và hùng mạnh dưới đời cụ Trần Lý. Cụ Trần Lý đến tuổi trưởng thành lấy bà Tô Thị Hiền (bà này có người em ruột là Tô Trung Từ, giữ chức Thái úy Phụ chính, tước Thuận Lưu bá, dưới triều Lý Huệ Tông). Họ sinh được bốn người con: Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung, Trần Thị Tam Nương.

Trần Thừa lấy bà họ Lê (con gái ông Lê Điện, quan Thái phó triều Lý), sau này sinh ra 3 con trai là Trần Liễu, Trần Cảnh, Trần Nhật Hiệu và 2 con gái. Trần Cảnh là con thứ của Trần Thừa, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, tức Kiến Gia năm thứ 8 triều Lý (9/7/1218).[2] Như vậy Trần Cảnh (vua đầu tiên của nhà Trần) là cháu 4 đời của Trần Kinh (tổ họ Trần).

Các nhà lãnh đạo thuộc những thế hệ đầu tiên thường mang tên các loài cá, do nguồn gốc xuất thân chài lưới của họ Trần. Tổ họ Trần vốn tên là Chép, được dịch sang tiếng Hán là 鯉, phiên âm là "Lý", nghĩa là cá chép. Con ông là Trần Thừa vốn có tên là Dưa (cá dưa). Hai con trai Trần Thừa vốn có tên là Leo (cá leo), được phiên theo chữ Hán là Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn), người con thứ hai có tên là Lành Canh (cá lành canh), phiên sang chữ Cảnh. Trần Thị Dung cũng vốn có tên là Ngừ (cá ngừ), khi làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông mới đổi gọi là Dung. Về sau dân địa phương lập đền thờ bà vẫn gọi là "Bà chúa Ngừ".

Từ thế hệ thứ hai, nhà Trần nắm quyền cai trị nên mới đặt theo các tên đời sau thường biết tới.

Thay ngôi nhà Lý

Vốn sống bằng nghề đánh cá, họ Trần thường sinh sống làm ăn ở những vùng cửa sông ven biển, đến đời Trần Lý (ông nội của vua Trần Thái Tông) đã trở thành một cự tộc có thế lực vùng Hải Ấp.

Năm 1209, khi trong triều có biến loạn, vua Lý Cao Tông phải chạy lên Quy Hóa, Thái tử Lý Sảm (sau là vua Lý Huệ Tông) chạy về Hải Ấp đã được gia đình Trần Lý giúp đỡ. Hoàng tử Sảm đã kết duyên cùng Trần Thị Dung - con gái của Trần Lý. Họ Trần đã tập hợp hương binh giúp nhà Lý dẹp loạn, diệt trừ Quách Bốc, đưa vua Lý trở lại kinh đô. Cậu ruột Trần Thị Dung là Tô Trung Từ được làm Điện tiền chỉ huy sứ. Trung Từ lại đang tâm muốn nắm quyền riêng, lạnh nhạt với người đứng đầu chỉ huy họ Trần lúc bấy giờ là Trần Tự Khánh.

Năm 1211, Thái tử Lý Sảm lên ngôi, sử gọi là Lý Huệ Tông. Ông cho đón vợ là Trần Thị Dung về cung lập làm Nguyên phi (元妃). Lúc này, Tô Trung Từ được phong Thái úy phụ chính, còn Tự Khánh được phong Chương Thành hầu (章成侯).

Huệ Tông là người yếu đuối, lại bị Đàm thái hậu (譚太后) điều khiển chính sự, nên mọi việc đều phó thác cho Đàm Dĩ Mông (譚以蒙), người chức cao, quyền lớn nhưng không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát.

Lợi dụng tình hình đó, Đoàn Thượng (段尚) làm phản, tụ tập bè đảng ở Hồng Châu thả sức cướp bóc, khiến triều đình không chế ngự nổi. Năm 1216, trước tình thế bức bách của Đàm thái hậu, Lý Huệ Tông đã bí mật rời bỏ hoàng cung, cùng với Trần Thị Dung trốn đến nơi đóng quân của Trần Tự Khánh. Từ đó, vua Lý hoàn toàn phụ thuộc vào thế lực anh em họ Trần. Tháng 12 năm Bính Tý 1216, Lý Huệ Tông phong Trần Thị Dung làm Hoàng hậu, Trần Tự Khánh làm Thái úy Phụ chính, anh cả của Hoàng hậu là Trần Thừa làm Nội thị Phán thủ.

Hoàng hậu Trần Thị Dung sinh được hai công chúa: Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Thuận Thiên sau lấy Trần Liễu; Chiêu Thánh sau là Lý Chiêu Hoàng, lấy Trần Cảnh. Vậy là hai chị em công chúa con vua Lý Huệ Tông đều lấy hai anh em ruột con của Trần Thừa (tức là anh em họ con cô con bác lấy nhau).

Năm 1223, Trần Tự Khánh chết, mọi việc đều uỷ quyền cho Trần Thủ Độ, em họ của Trần Thừa (陳承) và Tự Khánh, khi ấy là Chỉ huy sứ, quản lĩnh cấm quân. Vua Lý Huệ Tông phong Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy, khi vào chầu miễn cần xưng tên.

Là người cơ mưu, quyết đoán, Trần Thủ Độ đã sắp xếp để ép vua Huệ Tông nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh, rồi cắt tóc đi tu ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Liền sau đó, Trần Thủ Độ lại thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng lên 7 tuổi lấy con trai thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh (陳煚) lên 8 tuổi. Một năm sau, vào tháng 12 âm lịch năm 1225, Trần Thủ Độ ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, nhà Trần bắt đầu nắm quyền cai trị.

Khi lên ngôi, Trần Cảnh còn nhỏ, mọi việc triều chính đều trong tay Thái sư Trần Thủ Độ và cha là Thái thượng hoàng Trần Thừa (Trần Thái Tổ).

Dẹp nội loạn

Từ năm 1211, trong nước Đại Việt đã hình thành ba thế lực lớn là:

Triều đình nhà Lý chỉ kiểm soát vùng xung quanh Thăng Long. Trong thời gian nắm quyền bính trong triều cho tới khi thay ngôi nhà Lý, nhà Trần tiếp tục phải đối phó với các lực lượng cát cứ từ thời Lý. Do thế lực chưa đủ mạnh để trấn áp tất cả các lực lượng nổi dậy, họ Trần phải dùng chiến thuật khi đánh khi hoà, thậm chí cả biện pháp hôn nhân; và tận dụng sự xung đột của chính các thế lực này tự làm yếu nhau.

Sau khi nhà Trần thành lập, Nguyễn Nộn đánh bại giết chết Đoàn Thượng năm 1228. Nhưng không lâu sau, cuối năm 1229, Nguyễn Nộn ốm chết, lực lượng của Nộn tự tan rã. Nhà Trần chấm dứt được cục diện chia cắt, tập trung củng cố nội chính sau nhiều năm nghiêng ngả dưới thời Lý.

Thời kỳ thống trị

Thái Tông

Cuju, môn thể thao được cho là thịnh hành của giới cung cấm quý tộc ở nhà Tống lẫn nhà Lý, Trần thời bấy giờ.

Trần Cảnh khi lên ngôi vua chỉ mới 8 tuổi. Thái sư Trần Thủ Độ và Thái thượng hoàng Trần Thừa nhiếp chính và thực sự nắm quyền hành.

Trần Thủ Độ tuy bị đánh giá là người không có lễ giáo, thất học nhưng mưu lược hơn người, trị việc trong nước đều cẩn thận và chu toàn. Về mọi mặt, thời Thái Tông củng cố các vấn đề chính nhất là:

  • Mở khoa thi Tam giáo (Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo) sau nhiều năm bị gián đoạn do loạn lạc cuối thời Lý. Định đặt luật pháp, soạn ra bộ Quốc triều hình luật gồm 20 quyển để định tội danh trong nước. Đáng tiếc bộ sách này đã bị thất truyền.
  • Lại mở rộng phía ngoài thành Đại La, bốn cửa thành giao cho quân Tứ sương thay phiên nhau canh giữ. Sửa đổi quan chức các phủ lộ. Đặt 2 viên An phủ sứ và An phủ phó sứ. Trong thành dựng cung, điện, lầu, các và nhà lang vũ ở hai bên phía đông và tây. Bên tả là cung Thánh Từ (nơi Thái thượng hoàng ở), bên hữu là cung Quan Triều (nơi Hoàng đế ở). Chép công việc của quốc triều làm bộ Quốc triều thường lễ, 10 quyển.
  • Thủy lợi cũng được coi trọng. Năm 1231, sai hoạn quan Nguyễn Bang Cốc chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào[3] từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu. Việc xong, thăng Bang Cốc làm Phụ Quốc thượng hầu.
  • Bắt đầu định luật hành chính. Chia đất nước làm 12 lộ. Đặt các chức quan cai trị. Làm đơn sổ hộ khẩu, con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão. Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả. Có 1, 2 mẫu ruộng thì nộp một quan tiền, có 3, 4 mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc.
  • Bắt đầu thông thương nơi biên giới, để có thể giao thương với nhà TốngGiang Nam. Khi Nguyên Thái Tông mất, thì cửa ải thường không thông. Nếu có sứ mệnh thì chỉ có hai viên chánh phó sứ và hai bọn người đi theo, còn sản vật tiến cống có bao nhiêu thì gói bọc đưa đến địa đầu biên giới, quan địa phương nhận giữ và chuyển nộp. Sứ thần đến kinh, chỉ dâng biểu tâu thôi, các vật tiến cống không đến nơi cả được. Đến bây giờ, sai tướng chống giữ, đánh chiếm mới thông hiếu được với nước Tống.

Mỗi khi có dịp hạn hán, triều đình thường ban hành luật miễn thuế khóa, mở lương thóc rồi đại xá. Cho nên quốc lực mau chóng khôi phục, Đại Việt lại trở nên phồn thịnh như thời nhà Lý. Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép:..Bấy giờ quốc gia vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan giữ mãi một chức, người ở quán, cách 10 năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục 15 năm mới được xuất thân, chức tể tướng thì chọn người hiền năng trong tôn thất, có đạo đức, tài nghệ, thông hiểu thi thư thì cho làm.

Năm 1252, Thái Tông đổi niên hiệu là Nguyên Phong (元豐). Sau đó ông lập tức dẫn binh đi đánh Chiêm Thành. Trước đó khi nhà Lý suy, Chiêm Thành thường hay xua binh công phá ở vùng Nghệ An, dân chết vô số, nay vua lên ngôi mà không sang thông hiếu nên rất giận, dẫn quân đi đánh và bắt được nhiều thần thiếp, cướp được nhiều của cải. Uy danh Đại Việt đối với Chiêm Thành lại được thiết lập. Giai đoạn này gọi là Nguyên Phong chi trị (元豐之治).

Năm 1258, sau khi đánh bại đại quân của Ngột Lương Hợp Thai của người Mông Cổ, Thái Tông truyền ngôi cho Hoàng thái tử Trần Hoảng (陳晃), tự xưng là Thái thượng hoàng. Từ đấy, nhà Trần theo lệ truyền ngôi sớm cho thái tử, Thượng hoàng tuy nhường ngôi nhưng vẫn quán xuyến mọi việc, giúp vị vua trẻ quen dần chính sự.

Trần Hoảng lên ngôi, sử gọi là Trần Thánh Tông.

Thánh Tông – Nhân Tông

Dưới thời của Thánh Tông hoàng đế, mọi việc chính sự vẫn đều chu toàn, nhà Trần tiếp tục thịnh trị. Ông xưng là Nhân Hoàng (仁皇), niên hiệu cải thành Thiệu Long (紹隆).

Trần Nhân Tông (陳仁宗)

Năm 1264, Thái sư Trần Thủ Độ qua đời, thọ 71 tuổi. Thái sư công chính nghiêm minh, nhà Trần có được ngôi báu và sự thịnh trị đời Thái Tông phần nhiều là công sức của ông. Đến đây, truy phong làm Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương (上父太師忠武大王).

Nhân sự cũng được thay đổi trong thời Thánh Tông. Bấy giờ Đặng Kế (鄧薊) làm Hàn lâm viện học sĩ, Đỗ Quốc Tá (杜國佐) làm Trung thư sảnh trung thư lệnh, đều là nho sĩ văn học. Theo chế độ cũ, không phải là nội nhân (hoạn quan) thì không được làm hành khiển, chưa bao giờ dùng nho sĩ văn học. Bắt đầu từ đây, nho sĩ văn học mới giữ được quyền bính, cũng là dấu hiệu của Nho giáo đang bắt đầu có ảnh hưởng mạnh trong bộ máy nhà nước.

Đối với anh em trong hoàng tộc, nhà vua luôn coi là thân thiết. Ông xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau. Còn như trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng.

Năm 1277, Thượng hoàng Thái Tông băng hà, hưởng thọ 60 tuổi, làm Thượng hoàng được 19 năm. Cùng năm đó, Thánh Tông nhường ngôi cho Hoàng thái tử Trần Khâm (陳欽), sử gọi là Trần Nhân Tông. Nhân Tông xưng làm Hiếu Hoàng (孝皇), đổi niên hiệu thành Thiệu Bảo (紹寶).

Khi Nhân Tông lên ngôi, họa giặc giã từ quân Nguyên ở phía Bắc đang kéo đến. Năm đó, quân Nguyên đánh diệt nhà Tống, Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng Tống đế nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày có đến hơn 10 vạn xác chết nổi lên mặt biển. Xác Tống đế cũng ở trong số đó.

Để chuẩn bị cho chiến tranh chống quân xâm lược, nhà Trần cho tiến hành xét duyệt sổ đinh, chuẩn bị lương thảo lực lượng. Phong cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (興道王陳國峻) làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc, sai chọn các quân hiệu có tài chỉ huy, chia đi nắm giữ các đơn vị. Cuối cùng, quân đội nhà Trần toàn thắng vào năm 1285 và năm 1288. Đến đây, nhà Trần bắt đầu bước vào thời thịnh trị lâu dài tiếp theo.

Năm 1290, Thượng hoàng Thánh Tông băng hà, hưởng dương 50 tuổi. Trị vì được 21 năm, thượng hoàng được 11 năm. Ông là người thiên tư, nhân ái, kế nghiệp Thái Tông khiến quốc gia hưng thịnh, lại giúp Nhân Tông chống giặc ngoại xâm, thực là công lao to lớn. Miếu hiệu Thánh Tông hoàng đế cũng là rất tôn xứng.

Trong nước sau thời kỳ chiến tranh, mất mùa thất bát. Ngay năm Thánh Tông băng hà, trong triều lục đục chuẩn bị tang lễ thì nhân dân ngoài kinh thành lại đói to, 3 thăng gạo giá một quan tiền, dân nhiều người bán ruộng đất, và bán con trai con gái làm nô tỳ cho người, mỗi người giá một quan tiền. Ngay lập tức, xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo và miễn thuế nhân đinh. Năm sau, tiếp tục chết đói, 2 năm này liên tiếp nạn đói hoành hành, Nhân Tông ban chiếu cho nô dịch, nô lệ có thể mua chuộc lại ruộng đất để tăng cường cải thiện tình hình lương thực. Tình hình dần dần cải thiện.

Năm 1293, Nhân Tông nhường ngôi cho Hoàng thái tử Trần Thuyên (陳烇), sử gọi là Trần Anh Tông. Anh Tông tự xưng làm Anh Hoàng (英皇).

Anh Tông – Minh Tông

Anh Tông hoàng đế là một vị Hoàng đế có tính trưởng thành cao trong các vị hoàng đế nhà Trần. Khi mới lên nối ngôi, Anh Tông hay uống rượu và đêm thường hay lén ra ngoài đi chơi, có lần bị đồ vô lại ném trúng đầu. Một hôm uống rượu say đến nỗi Thượng hoàng Nhân TôngThiên Trường về kinh đô, các quan đều ra đón rước cả, mà vua vẫn nằm ngủ. Thượng hoàng giận lắm, truyền xa giá lập tức về Thiên Trường và hạ chiếu cho bách quan phải về đấy hội nghị định truất ngôi Anh Tông.

Khi Anh Tông tỉnh rượu, biết thượng hoàng về kinh đô, sợ hãi quá, vội vàng chạy ra ngoài cung gặp một người học trò tên là Đoàn Nhữ Hài (段汝諧), mượn thảo bài biểu để dâng lên tạ tội, rồi cùng với Nhữ Hài xuống thuyền đi suốt đêm đến phủ Thiên Trường. Thượng hoàng xem biểu rồi quở mắng một lúc, và tha lỗi cho Anh Tông. Về đến kinh sư, Anh Tông cho Đoàn Nhữ Hài làm ngự sử trung tán, và từ đấy không uống rượu nữa.

Trần Anh Tông (陳英宗)

Anh Tông từ sau việc ấy siêng năng hơn, tối hôm tấu duyệt sớ của chính sự. Và từ sau vụ ấy, vua cũng đâm ra ghét người nghiện rượu và không dùng những người ấy vào việc quan. Ông cũng là người rất ghét nạn đánh bạc, đã sai đánh chết Thượng phẩm Nguyễn Hưng vì tội ấy. Dưới thời Anh Tông luật pháp rất nghiêm, vì thế trong nước có trật tự, quốc gia đi lên nhanh chóng.

Dưới thời ông, Ai Lao và các động biên giới thường xuyên quấy nhiễu, dù Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn đều đã qua đời nhưng các tướng Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tảng đều là các danh tướng nên biên giới được an lành. Đối với văn hóa, thời Anh Tông xuất hiện các danh nhân như Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn (阮忠彥), Trần Thì Kiến (陳時見), Bùi Mộc Đạc (裴木鐸).

Về lễ phục quan lại, Anh Tông quy định áo mũ, kiệu ngồi cũng rất chặt chẽ, rõ ràng. Năm 1300, quy định quan văn thì đội mũ Đinh tự màu đen, tụng quan thì đội mũ Toàn hoa màu xanh vẫn như quy chế cũ. Ống tay áo của các quan văn võ rộng 9 tấc đến một thước 2 tấc, không cho dùng từ 8 tấc trở xuống. Các quan văn võ không được mặc xiêm, tụng quan không được mặc thường (mũ toàn hoa xanh có hai vòng vàng đính vào hai bên). Nhưng đến năm sau, đổi lại thành các quan văn võ đều đội mũ Đinh tự, thêm miếng lụa bọc tóc màu tía xen màu biếc. Các kiểu mũ của vương hầu: người tóc dài đội mũ Triều thiên, người tóc ngắn đội mũ Bao.

Một sự kiện đánh dấu sự mở rộng cương vực Đại Việt là việc Anh Tông gả em gái là Huyền Trân công chúa (玄珍公主) cho Chế Mân (Jaya Sinhavarman III), để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Nhưng cuộc hôn nhân chỉ được một năm thì Chế Mân băng hà, Anh Tông lo sợ Huyền Trân ở đấy không hay nên cử Trần Khắc Chung (陳克終) cướp công chúa về, từ đấy người Chiêm Thành oán hận Đại Việt. Năm 1311, chúa Chiêm là Chế Chí (Jaya Sinhavarman IV) đánh trả nhưng bị đại bại. Năm 1318, Chế Năng tiếp tục đem quân đánh phá nhưng vẫn không kết quả.

Năm 1314, Anh Tông nhường ngôi cho Hoàng thái tử Trần Mạnh, sử gọi là Trần Minh Tông. Minh Tông tự xưng làm Ninh Hoàng (宁皇). Thượng hoàng Anh Tông vẫn giúp đỡ ông trông coi chính sự. Triều đại nhà Trần dưới thời Minh Tông tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của các đời Anh Tông đã tạo nên. Sự thịnh thế này gọi là Anh Minh thịnh thế (英明晟世), kéo dài hơn 60 năm hưng thịnh.

Dưới thời Minh Tông, trong huyết thống hoàng gia đã bắt đầu có ngoại thích xen vào. Đó là việc ông sủng ái Anh Tư phu nhân (英思夫人), con gái một quan viên họ Lê, và em phu nhân là Sung viên Lê thị (充媛黎氏). Cả hai bà đều sinh ra các Hoàng tử đều là những người sẽ kế thừa ngôi vị Hoàng đế Đại Việt tương lai. Anh Tư phu nhân sinh ra Hoàng trưởng tử Trần Vượng (陳旺), Trần Phủ (陳暊) còn Lê sung viên sinh ra hoàng tử út Trần Kính (陳曔).

Minh Tông do sủng ái Anh Tư phu nhân nên muốn lập con của phu nhân là Trần Vượng làm Thái tử, nhưng gặp phải sự phản đối từ cha của Lệ Thánh hoàng hậu (麗聖皇后) là Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn (陳國瑱), một đại thần trụ cột đương thời, con trai của Nhân Tông hoàng đế, người mà Minh Tông phải gọi bằng chú. Khi Anh Tông hấp hối, ông đã giao Quốc Chẩn chăm nom Minh Tông nên có thể nói địa vị của Quốc Chẩn rất cao. Khi Quốc Chẩn phản đối việc ông lập Trần Vượng làm Thái tử, Minh Tông bèn thôi nhưng rất bực mình. Sau đó, dưới sự xúi giục của Trần Khắc Chung (陳克終), Văn Hiến hầu (文獻侯) là con trai của Trần Nhật Duật, cùng sự ngấm ngầm của Anh Tư phu nhân, Minh Tông đã bắt giam Quốc Chẩn vào một ngôi chùa và khiến Quốc Chẩn thiệt mạng.

Minh Tông sau đó truyền ngôi cho Thái tử Trần Vượng, gọi là Trần Hiến Tông. Hiến Tông chết khi còn trẻ, Minh Tông lập con của Lệ Thánh hoàng hậu là Trần Hạo (陳暭), tức Trần Dụ Tông. Năm 1358, Thượng hoàng Minh Tông băng hà, hưởng dương 59 tuổi. Dụ Tông tự mình điều hành chính sự, thời kỳ suy vong của nhà Trần bắt đầu.

Thời kỳ suy tàn

Dụ Tông suy trị

Trần Dụ Tông tuy được đánh giá thông minh, hiểu rộng, sách vở đều thông nhưng đến khi Thượng hoàng Minh Tông băng hà, ông trở nên bỏ bê chính sự. Ông ham mê tửu sắc, ra lệnh cho xây cung điện, tạo sưu cao, thuế nặng làm cho nhân dân vô cùng khổ sở và ca thán. Trong nước, giặc giã nổi lên khắp nơi. Trong khi đó tại triều đình, các bọn gian thần kéo bè kết đảng và trở nên lộng hành vô cùng.

Chu Văn An (朱文安), một vị quan thanh liêm, trung thần tại triều đình, đã dâng Thất trảm sớ (七斬疏) đề nghị trị tội những tên tham quan ô lại. Vua Trần Dụ Tông đã không nghe theo nên Chu Văn An đã từ quan về nhà dạy học.

Dụ Tông ham chơi bời, mê đàn hát, thường sai các vương hầu và công chúa bày tiệc đóng trò hát tuồng cho vui, ai diễn hay thì được thưởng. Mặc dù phép tắc nhà Trần rất nghiêm khắc với tội đánh bạc nhưng Trần Dụ Tông lại thích trò này, chiêu tập các nhà giàu vào cung đánh bạc cùng vua. Có người đã xàm tấu với ông rằng Thái úy Cung Tĩnh Đại vương Trần Nguyên Trác (陳元卓) đã yểm bùa hại ông. Dụ Tông chút nữa là sát hại Nguyên Trác, nhưng Hiến Từ hoàng thái hậu đã can ngăn.

Ông sai phu xây cất nhiều cung điện, đào hồvườn trong hậu cung, trong hồ xây đá làm núi, trồng nhiều cây cỏ lạ và nuôi chim thú quý; sau đó ông lại sai làm hồ con, lệnh cho dân ra biển chở nước mặn đổ vào hồ và thả cá biển, đồi mồi vào nuôi.

Vua thích chơi bời, các quý tộc cũng hưởng ứng theo vua khiến triều đình rối nát. Bên ngoài xảy ra mất mùa trong nhiều năm. Trần Dụ Tông chỉ có các biện pháp khắc phục tạm thời như sai các nhà hào phú bỏ thóc lúa chu cấp cho người nghèo để chống đói và thưởng chức tước cho họ để trả công; ông không chú trọng việc đắp đê và làm thủy lợi để phát triển nông nghiệp lâu dài.

Loạn Dương Nhật Lễ

Năm 1369, Trần Dụ Tông băng hà, hưởng dương 34 tuổi, cai trị được 28 năm.

Trần Nhật Lễ, con của Cung Tĩnh vương Trần Nguyên Dục (陳元育) được chọn làm người kế thừa đại thống. Nhật Lễ không phải là con của Nguyên Dục mà mẹ Nhật Lễ vốn là cô đào, vợ của kép hát Dương Khương (楊姜). Bà múa vở Vương mẫu hiến bàn đào, thân người rất đẹp nên Nguyên Dục si mê, buộc bà phải bỏ Dương Khương mà về làm vợ mình, nhưng lúc đó bà đã mang thai Lễ. Sau khi Nhật Lễ sinh ra, Nguyên Dục tự nhận làm con mình. Đến khi Dụ Tông bệnh nặng, truyền ngôi cho Nhật Lễ để kế thừa. Thật ra, lúc đó triều thần không muốn thế mà muốn lập Cung Định vương Trần Phủ lên thay, nhưng Hiến Từ hoàng thái hậu lại nghĩ đó là cháu mình, khăng khăng lập Nhật Lễ nên quần thần đều nghe theo. Nhật Lễ lên ngôi, tôn Thái hậu làm Thái hoàng thái hậu, Trần Nguyên Trác làm Thượng tướng quốc thái tể. Sau này, Thái hoàng thái hậu biết chuyện của Nhật Lễ, hết sức thất vọng mà muốn phế truất Lễ nên Lễ ra tay trước, cho người ngầm bỏ độc giết chết Thái hậu.

Nhật Lễ ở ngôi bỏ bễ chính sự, ham tửu sắc, hằng ngày chỉ rong chơi, thích các trò hát xướng, muốn đổi lại họ là Dương, việc này làm bất bình trong giới hoàng tộc nhà Trần trong đó có Thái tể Trần Nguyên Trác. Ông ngầm lập mưu bắt Lễ trong cung, cùng con trai là Trần Nguyên Tiết với 2 cháu trai là con của Thiên Ninh công chúa (天寧公主) xâm nhập vào cung nhưng kế hoạch thất bại, Nguyên Trác cùng đồng đảng đều bị Nhật Lễ giết hết.

Mùa đông, tháng 10 năm 1370, Cung Định vương Trần Phủ vì có con gái làm hoàng hậu của Nhật Lễ, sợ vạ lây đến mình nên tránh ra trấn Đà Giang (Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên Vương Trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán (陳元旦) cùng với Thiên Ninh công chúa hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân. Lật đổ được Nhật Lễ, giáng xuống làm Hôn Đức công (昏德公).

Cùng năm ấy, Cung Định vương Trần Phủ lên ngôi, tức là Trần Nghệ Tông.

Hồ Quý Ly chiếm ngôi

Nghệ Hoàng giữ ngai vị được 2 năm, lên làm Thái thượng hoàng và nhường ngôi cho em là Trần Kính lên thay, tức là Trần Duệ Tông. Năm 1377, Duệ Tông tử trận ở Chiêm Thành, Nghệ Hoàng lập con Duệ Tông là Trần Hiện (陳晛) lên thay, sử gọi là Trần Phế Đế. Thượng hoàng Nghệ Tông nắm quyền bính trong tay quyết định mọi việc nhưng lại quá tin dùng một mình Hồ Quý Ly (黎季犛), là cháu của Minh Từ thái phi, mẹ của Nghệ Hoàng.

Hồ Quý Ly muốn nắm đại quyền, nên xúi giục Nghệ Hoàng giết hại các trung thần, các hoàng tử, các thân vương và ngay cả Phế Đế cũng bị sự gièm pha của Quý Ly mà bị Nghệ Tông phế bỏ. Con út của Nghệ Hoàng là Trần Ngung (陳顒), tức Trần Thuận Tông được lập lên ngôi nhưng cũng không có thực quyền. Con gái lớn của Quý Ly là Khâm Thánh hoàng hậu của Thuận Tông, nên mọi việc của Thuận Tông càng bị Quý Ly siết chặt hơn bởi lẽ Hồ Quý Ly rất gian xảo.

Do sự suy yếu chính quyền, các cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Cụ thể là khởi nghĩa của:

  1. Ngô Bệ.
  2. Nguyễn Thanh cùng với cậu hai là Nguyễn Kỵ và em út là Nguyễn Bổ.
  3. Nguyễn Nhữ Cái.
  4. Phạm Sư Ôn - tăng sư nổi tiếng.

Vì có mưu đồ soán đoạt ngôi vị mà lại được sự tin dùng của Nghệ Tông nên Hồ Quý Ly đã tạo được khá nhiều phe cánh và bè đảng ở triều đình và khắp mọi nơi. Rồi từ đó Quý Ly càng ngày càng lộng quyền không coi ai ra gì.

Năm 1394, Nghệ Hoàng băng hà, hưởng thọ 74 tuổi. Hồ Quý Ly nắm lấy cả quyền hành rồi sai người vào đất Thanh Hoá xây thành Tây Đô. Sau khi công việc xong xuôi, Quý Ly bắt Trần Thuận Tông dời kinh về Tây Đô rồi lập mưu ép Thuận Tông nhường ngôi cho con là Trần An, khi đó mới có 3 tuổi lên ngôi, tức Trần Thiếu Đế. Quý Ly lên làm phụ chính sai người giết Thuận Tông, tự xưng làm Quốc Tổ Chương Hoàng (國祖章皇).

Nhìn thấy âm mưu của Hồ Quý Ly, nhiều tướng lĩnh nhà Trần như Đại tướng quân Trần Khát Chân (陳渴真) cùng các tông thất lập hội với mưu đồ tiễu trừ Quý Ly, nhưng cơ mưu bị bại lộ, tất cả đều bị bắt và bị giết vào khoảng hơn 370 người. Năm 1400, Quý Ly phế truất Thiếu Đế rồi tự xưng làm vua, chiếm lấy ngôi nhà Trần, đổi sang họ Hồ (胡), lập ra triều đại nhà Hồ.

Nhà Trần chấm dứt, kéo dài 175 năm với 12 đời hoàng đế.

Nhà Hậu Trần chống quân Minh

Hồ Quý Ly làm vua được 7 năm thì mất nước vào tay quân Minh. Tôn thất nhà Trần khởi nghĩa chống quân Minh, nhà Trần được tái lập bởi Giản Định đế - Trần Ngỗi vào tháng 10 âm lịch năm 1407 tại Ninh Bình.

Bị quân Minh truy sát, Giản Định đế chạy vào Nghệ An, viên Đại tri châu châu Hóa là Đặng Tất giết quan nhà Minh, dẫn quân từ Hóa châu ra theo phò, nhà Hậu Trần làm chủ từ Nghệ An vào Thanh Hóa. Năm 1408, quân Hậu Trần tiến quân ra Bắc, đánh bại quân Minh do Chinh Di tướng quân Mộc Thạnh chỉ huy ở trận Bô Cô, bao vây các thành, cơ hội khôi phục nhà Trần, giành lại đất nước trở nên rõ ràng. Nhưng năm 1409, Giản Định đế nghe lời gièm pha, giết 2 tướng trụ cột là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, khiến cho 2 người con của họ là Đặng DungNguyễn Cảnh Dị kéo quân trở về Nghệ An lập Trần Quý Khoáng lên làm vua, hiệu là Trùng Quang đế. Trùng Quang đế bắt Giản Định đế và tôn làm Thượng hoàng, cả hai cùng nhau đánh quân Minh. Hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh sai Trương Phụ đem quân tiếp viện cho Mộc Thạnh. Giản Định đế thua trận bị xử tử. Trùng Quang đế núng thế, lui dần về phía Nam và thất bại hoàn toàn trong trận đánh đẫm máu ở Thuận Hóa năm 1414. Trùng Quang đế tự sát. Như vậy nhà Hậu Trần gồm 2 vua, kéo dài được 7 năm (1407-1414).

Do Trùng Quang đế và Giản Định đế đều là thành viên hoàng tộc nhà Trần, có công lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm nên dù thất bại trong việc khôi phục nhà Trần và nước Đại Việt, họ vẫn được người dân coi là 2 vị vua chính thống của nhà Trần và nước Đại Việt. Do vậy các đền thờ nhà Trần thường có tượng thờ và bài vị 14 vị vua (gồm 12 vua nhà Trần và 2 vua nhà Hậu Trần).

Nhận định

Về chiến thắng Mông - Nguyên

Theo đánh giá của các sử gia, việc nhà Trần lên thay nhà Lý vào đầu thế kỷ 13 là cần thiết và kịp thời cho sự phục hưng nước Đại Việt bị suy yếu nghiêm trọng cuối thời nhà Lý. Nếu không có sự xuất hiện của nhà Trần, nước Đại Việt sẽ khó tồn tại trong cảnh cát cứ (Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng) bên trong và họa Mông - Nguyên bên ngoài như các nước Đại Lý, Nam Tống láng giềng. Nguyên nhân cơ bản nhất cho những thành công của nhà Trần là chính sách đoàn kết nội bộ của những người lãnh đạo. Dù trong hoàng tộc nhà Trần có những người phản bội theo nhà Nguyên nhưng nước Đại Việt không bị mất, nhờ sự ủng hộ của đông đảo dân chúng.[4]

Còn một nguyên nhân nữa phải kể tới trong thành công của nhà Trần là đội ngũ tướng lĩnh xuất sắc, nòng cốt lại chính là các tướng trong hoàng tộc nhà Trần. Dù xuất thân quyền quý nhưng các hoàng tử, thân tộc nhà Trần, ngoài lòng yêu nước - và bảo vệ quyền lợi dòng tộc - số lớn là những người có thực tài cả văn lẫn võ. Thật hiếm dòng họ cai trị nào có nhiều nhân tài nổi bật và nhiều chiến công như nhà Trần, đặc biệt là thế hệ thứ hai: Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đều là những tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam. Đó là chưa kể tới Trần Thủ Độ, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản...[5]

Mông - Nguyên đương thời là đế quốc lớn nhất thế giới. Những nơi người Mông bại trận lúc đó như Ai Cập quá xa xôi, Nhật BảnIndonesia đều có biển cả ngăn cách và quân Mông cũng không có sở trường đánh thủy quân nên mới bị thua trận. Thế nhưng nước Đại Việt lúc đó nằm liền kề trên đại lục Trung Hoa, chung đường biên giới cả ngàn dặm với người Mông mà người Mông vẫn không đánh chiếm được. Một đế quốc đã nằm trùm cả đại lục Á-Âu mà không lấy nổi một dải đất bé nhỏ ở phía nam. Có so sánh tương quan lực lượng với kẻ địch và vị trí địa lý với những quốc gia làm được điều tương tự mới thấy được sự vĩ đại của chiến công 3 lần đánh đuổi Mông - Nguyên của nhà Trần.

Về hậu kỳ nhà Trần

Nhìn chung, triều Trần có thể chia ba thời kỳ: thời thứ nhất từ Thái Tông đến Nhân Tông là thời xây dựng và chống Mông-Nguyên, thời thứ hai từ Anh Tông đến Hiến Tông (có thượng hoàng Minh Tông) là thời kế tục, thời thứ ba từ Dụ Tông (sau khi thượng hoàng Minh Tông mất) tới khi kết thúc là thời suy tàn.

Để tránh "họa ngoại thích", nhà Trần chủ trương chính sách "hôn nhân nội tộc". Chính sự nhà Trần bắt đầu suy từ đời vua Trần Dụ Tông thích xa hoa hưởng lạc, xa lánh lương thần, tin dùng gian thần. Nhưng đó đơn giản chỉ là sự hưởng thụ như Lý Cao Tông trước đây mà thôi. Tới các đời sau, đặc biệt là Trần Nghệ TôngTrần Phế Đế (Đế Hiện), có hàng loạt biểu hiện của sự mê muội, u tối của người cầm quyền. Trần Nghệ Tông tin dùng một mình Hồ Quý Ly, nghe lời Quý Ly sát hại hàng loạt con cháu, người thân tộc họ Trần. Nhiều hành động của Nghệ Tông như thể để "dọn đường" cho Quý Ly cướp ngôi nhà Trần sau này. Thời kỳ Nghệ Tông trở về sau, vấn đề chống Chiêm Thành là lớn nhất, vậy mà một Quý Ly luôn chạy dài trước những đợt tấn công của địch, không hề lập được công bao giờ, lại vẫn được tin dùng đến như vậy. Còn Nghệ Tông đối với Đỗ Tử Bình, gian thần xảo trá gây ra cái chết của Trần Duệ Tông, không những không trừng trị đích đáng mà còn nhiều lần thăng lên làm đại thần cấp cao hơn trước, khi chết (1382) còn được truy tặng gia phong. Những hành động tối tăm, mê muội đó phải chăng là sản phẩm của sự "thoái hóa giống nòi" do "hôn nhân nội tộc" nhiều đời gây ra? Những lần tiếm quyền, thoán ngôi khác trong lịch sử Việt Nam như Dương (Tam Kha) đoạt Ngô, Tiền Lê đoạt Đinh, Trần đoạt Lý, Mạc cướp Lê, Trịnh át Lê đều là "cường thần hiếp chúa". Quan hệ giữa Quý Ly với Nghệ Tông, Tử Bình với Đế Hiện không thể như Trần Thủ Độ với Lý Huệ Tông, Mạc Đăng Dung với Lê Cung Hoàng... Việc dung túng cho cấp dưới, những kẻ trực tiếp đụng chạm tới quyền lợi của dòng tộc mình mà vẫn "không hay biết" như các vua Trần quả là hiếm có.[6]

Các vua Trần thời hậu kỳ, kể cả Minh Tông, đều không biết chiêu mộ nhân tài; lực lượng quan lại đều kém tài. Nếu thế hệ trước thắng Mông-Nguyên khổng lồ một cách oai hùng bao nhiêu thì đời con cháu lại thất bại và phải chạy trốn một Chiêm Thành nhỏ bé, từng núp bóng mình trong chiến tranh chống Nguyên Mông xưa kia. Tới lúc bị Chiêm Thành xâm lấn, không hề có một gương mặt nào của dòng họ Trần đứng ra chống được giặc mà phải dựa vào một tướng ngoài hoàng tộc (Trần Khát Chân vốn mang họ Lê). Nếu trong tông thất nhà Trần thời kỳ sau có những nhân tài như giai đoạn đầu thì dù Quý Ly có manh tâm cũng không thể tính chuyện cướp ngôi. Nhà Trần trượt dốc từ Trần Dụ Tông, sau sự kiện Dương Nhật Lễ và cái chết của Duệ Tông đã không gượng dậy được nữa. Đó chính là thời cơ cho Hồ Quý Ly làm việc chuyên quyền và chiếm lấy ngôi nhà Trần.[7]

Dù sao, nhà Trần vẫn là một trong những triều đại nổi bật nhất trong lịch sử Việt Nam. Trang sử về nhà Trần với ba lần chiến thắng giặc Mông - Nguyên trong sử sách nằm trong số những trang sáng nhất và để lại nhiều bài học cho đời sau.

Quan hệ đối ngoại

Trong triều đại nhà Trần, ngoài những cuộc chiến tranh với quân Nguyên Mông ở phía Bắc thì Đại Việt cũng có những sự liên hệ với các nước láng giềng phía tây và phía nam là Ai LaoChiêm Thành.

Chiêm Thành

Có thể nói trong các triều đại Việt Nam, Chiêm Thành không lúc nào không quấy phá và cuộc chiến tranh giữa hai nước vẫn thường xuyên xảy ra. Lúc nhà Trần lên ngôi, nước Chiêm Thành vẫn giữ lệ triều cống và giao hòa. Trong đời vua Trần Nhân Tông, sau khi chinh phạt Chiêm Thành, thì giữa Đại Việt và nước Chiêm Thành có sự qua lại tốt đẹp. Đến đời vua Trần Anh Tông, lúc bấy giờ Trần Nhân Tông đã lên làm thái thượng hoàng và trong lúc sang thăm vãn cảnh nước Chiêm và để cho tình giao hảo của hai nước trở nên bền vững hơn, nhà Trần đã gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân vào năm 1306. Chế Mân dâng châu Ôchâu Rí cho Đại Việt. Vua Trần Anh Tông đổi tên là Thuận ChâuHóa Châu rồi đặt quan cai trị cũng như cho di dân sang ở. Một năm sau, Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm Thành thì hoàng hậu phải bị hỏa thiêu chết theo. Vua Trần Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung giả tiếng vào thăm rồi tìm kế rước về.

Chế Mân chết thì Chế Chỉ lên thay và đòi lại hai châu mà Chế Mân đã dâng cho Đại Việt. Vua Trần Anh Tông sai quân sang bắt Chế Chỉ đem về trị tội và phong cho em của Chế Chỉ là Chế Đà A Bà lên thay làm vua nước Chiêm Thành. Đến đời vua Trần Dụ Tông, con và rể của vua Chiêm Thành tranh giành nhau ngôi vua, quân nhà Trần sang can thiệp nhưng bị quân Chiêm Thành đánh bại cả hai lần.

Năm 1370, các hoàng tử con vua Trần Minh Tông lật đổ Dương Nhật Lễ (xem phần "Thời kỳ suy tàn" bên dưới) lập Trần Nghệ Tông. Mẹ Nhật Lễ chạy sang Chiêm Thành xui vua Chiêm Thành đánh Đại Việt. Lúc đó thế lực nhà Trần suy yếu, Chiêm Thành có ý khởi binh đánh đòi lại hai châu đã mất. Đến đời vua Trần Duệ Tông, vua Chiêm ThànhChế Bồng Nga quấy rối biên giới, vua Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Chế Bồng Nga đem 10 mâm vàng dâng lên. Tử Bình ỉm đi, cướp làm của mình, nối dối là Chế Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân đánh. Duệ Tông giận lắm, quyết ý thân chinh. Cuối năm 1376, quân Trần xuất phát. Năm 1377, quân Trần chiếm cửa Thị Nại (Quy Nhơn ngày nay) rồi tiến đánh kinh thành là Đồ Bàn. Lúc đó Chế Bồng Nga, một ông vua có tài thao lược, dùng kế dụ quân Nhà Trần vào ổ mai phục đánh tan. Vua Trần Duệ Tông bị tử trận, Hồ Quý Ly, Đỗ Tử Bình rút quân bỏ chạy về nước. Thừa thắng xông lên, Chế Bồng Nga nhiều lần mang quân sang đánh phá Đại Việt, Hồ Quý Ly nhiều lần bị bại trận, quân Chiêm Thành ba lần chiếm được kinh thành Thăng Long, vua tôi nhà Trần phải bỏ thành chạy. Quân Chiêm Thành cướp phá kinh thành rồi rút về. Đỗ Tử Bình chỉ bị đồ làm lính một năm rồi sau đó lại được nhấc lên địa vị cao hơn.

Năm 1390, Chế Bồng Nga lại đem quân sang đánh. Tướng trẻ Trần Khát Chân được lệnh đem binh dàn trận ở sông Hải Triều (sông Luộc ở vùng Hưng Yên ngày nay). Nhờ có hàng tướng bên Chiêm sang chỉ chỗ, Khát Chân sai chĩa hỏa pháo nhằm cả vào thuyền Chế Bồng Nga mà bắn. Vua Chiêm Thành trúng đạn tử trận, quân Chiêm Thành bỏ chạy và sau đó con của Chế Bồng Nga hàng phục Đại Việt. Kể từ đó trong thời gian dài Chiêm Thành không dám đánh Đại Việt nữa.

Ai Lao

Vào đời nhà Trần, quân của Ai Lao thường sang quấy phá cướp bóc ở vùng Nghệ AnThanh Hóa. Vì thế triều đình nhà Trần đã phải sai quân lính đi đánh dẹp mãi và chính các vị vua phải thân chinh đi dẹp giặc, trong đó nhiều nhất phải kể đến vua Trần Nhân Tông. Mỗi lần bị thua thì quân Ai Lao rút về, nhưng sau đó thì lại sang quấy phá. Trong đời vua Trần Anh Tông, ông cũng nhiều lần thân chinh đi dẹp giặc nhưng ông cũng đã ra lệnh cho Phạm Ngũ Lão hơn ba, bốn phen đi dẹp giặc. Vua Trần Minh Tông cũng nhiều phen thân chinh đi dẹp giặc. Trong triều đại nhà Trần, mục đích của Đại Việt là dẹp các cuộc đánh phá và quấy nhiễu của quân Ai Lao chứ không có mục đích đánh chiếm lấy đất nước này.

Tổ chức quân đội

Hình vẽ mô tả binh sĩ thời Trần trên đồ gốm

Quân chủ lực nhà Trần gồm cấm quân và quân các lộ. Quân các lộ ở đồng bằng gọi là chính binh, ở miền núi gọi là phiên binh. Cấm quân được gọi là quân túc vệ.

Các đơn vị quân đội được gọi là quân. Đứng đầu mỗi quân là một đại tướng quân. Mỗi quân có 30 đô, chỉ huy mỗi đô có chánh phó đại đội. Mỗi đô có 5 ngũ, đứng đầu mỗi ngũ là đầu ngũ.

Cấm quân là lực lượng nòng cốt trong chiến tranh chống ngoại xâm, có thể được điều động đi các lộ để tác chiến.

Nhằm có lực lượng đông đảo cần thiết khi chống xâm lược, nhà Trần kế tục chính sách ngụ binh ư nông (giữ quân lính ở nhà nông) của nhà Lý, vừa đảm bảo số quân cần thiết phòng khi có chiến tranh xảy tới. Vua Trần một phần giữ lại ở kinh thành phòng khi có chuyện cấp bách, một phần cho về quê cày ruộng. Quân cấm vệ và các lộ có khoảng 10 vạn người[8].

Chiến tranh chống Mông Nguyên

Ở phương Bắc, người Mông Cổ dần dần xâm chiếm Trung Quốc. Sau khi tiêu diệt nhà Kim phía bắc, các vua Mông Cổ tiến xuống phía nam để diệt nước Nam Tống vốn đã suy yếu khi bị nhà Kim của người Nữ Chân xâm lấn từ đầu thế kỷ XII. Để tạo thế bao vây Nam Tống, vua Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý (Vân Nam (1254) và sau đó đánh sang Đại Việt.

Cuối năm 1257, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqadai hay 兀良合台) mang 3 vạn quân tiến vào nước Đại Việt qua đường Vân Nam. Vua Trần Thái Tông đích thân ra chiến trận. Quân Trần cố gắng chặn nhưng quân Mông Cổ vẫn tiến vào được Thăng Long. Nhân dân Thăng Long theo lệnh của triều đình đã thực hiện "vườn không nhà trống", rút về Thiên Mạc (Hà Nam). Ngột Lương Hợp Thai kéo quân vào Thăng Long chưa đầy một tháng thì bị thiếu lương thực. Nhân cơ hội đó quân Đại Việt phản công ở Đông Bộ Đầu (Từ Liêm-Hà Nội). Quân Mông Cổ thua phải rút khỏi Thăng Long, đến vùng Quy Hóa (Yên Bái) bị quân của tộc trưởng Hà Bổng đánh tan tác, quân Mông Cổ rút chạy về Vân Nam.

Năm 1279, quân Mông diệt được Nam Tống. Từ năm 1280, vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt đã lập ra nhà Nguyên. Để lấy cớ đánh Đại Việt, nhà Nguyên cho Toa Đô mượn đường đánh Chiêm Thành (Champa). Sau nhiều hoạt động ngoại giao hòa hoãn bất thành, cuối cùng chiến tranh bùng phát. Cuối năm 1284, nhà Nguyên liền phái hoàng tử Thoát Hoan và tướng Toa Đô mang quân đánh hai đường nam, bắc kẹp lại để chiếm Đại Việt. Thoát Hoan đi từ Quảng Tây còn Toa Đô đi đường biển từ cảng Quảng Châu, trước hết đánh vào Chiêm Thành rồi đánh "gọng kìm" thốc lên từ phía nam Đại Việt.

Đây là lần xâm lược Đại Việt với quy mô lớn nhất của nhà Nguyên (huy động hơn 50 vạn quân) và cũng là cuộc kháng chiến gian khổ nhất của nhà Trần chống phương Bắc, quyết định sự tồn vong của Đại Việt lúc đó.

Sau nhiều đợt rút lui để tránh thế mạnh của các đạo quân Mông, dùng chiến thuật "vườn không nhà trống" để quân địch không có lương ăn và bị bệnh dịch do không hợp thủy thổ bản địa, nhà Trần tổ chức phản công vào cuối xuân, đầu hè năm 1285. Với những chiến thắng ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, quân Trần đại thắng, bắt giết được Toa Đô. Thoát Hoan thu tàn quân chạy về bắc.

Thắng lợi năm 1285 cơ bản xác định sự tồn tại của Đại Việt và củng cố lòng tin của người Việt có thể đương đầu được với đạo quân hùng mạnh của Mông Nguyên liền kề phía bắc. Bởi vậy trong lần kháng chiến thứ 3 chống Mông Nguyên năm 1287, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói với vua Trần: "...Quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa... Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn". Nhà Trần tiếp tục chủ động áp dụng chiến thuật tránh thế mạnh, triệt lương thảo. Cuối cùng quân Trần đại phá quân Nguyên ở sông Bạch Đằng tháng 4 năm 1288, bắt sống Nguyên soái Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan một lần nữa trốn chạy về bắc.

Sau thất bại lần thứ ba ở Đại Việt, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt vẫn chưa muốn đình chiến. Sang các năm sau, vua Nguyên tiếp tục muốn điều binh sang nhưng chưa gặp thời cơ thuận tiện. Tới năm 1294 lại định điều binh lần nữa thì chính Hốt Tất Liệt băng hà. Cháu nội là Nguyên Thành Tông lên ngôi không muốn gây chiến với Đại Việt nữa. Việc chiến tranh với nhà Nguyên từ đó mới chấm dứt.

Hành chính

Đời nhà Trần, Việt Nam chia ra làm 12 lộ, Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép như sau:

Nhâm Dần, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 11 (1242): Mùa xuân, tháng 2, chia nước làm 12 lộ. Đặt chức an phủ, trấn phủ, có 2 viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại tư xã, tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên là đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là tiểu tư xã. Có người làm kiêm cả hai-4 xã, cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là xã quan.

Mỗi lộ đều có quyền dân tịch để kiểm soát dân số trong lộ. Dân chúng trong nước được chia ra làm 3 hạng: hạng tiểu hoàng nam (từ 18 tuổi đến 20 tuổi), hạng đại hoàng nam (từ 20 tuổi đến 60 tuổi) và hạng lão (trên 60 tuổi). Lúc đầu chỉ có những người trong hoàng tộc mới được giữ các chức quan nhưng từ đời vua Anh Tông, những người tài đức cũng được tuyển dụng vào giữ các chức vụ quan trọng này. Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, phần chính biên, có ghi lại 12 lộ như sau: Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng Khoái, Thanh Hoá, Hoàng giang, Diễn Châu.

Ngoài các lộ trên, nhà Trần còn đặt các phủ Lâm Bình, Thái Nguyên, Lạng Giang.

Khi quân Mông Cổ đánh bại nhà Nam Tống, một số quan lại địa phương nhà Tống đã quy phụ nhà Trần, như trường hợp Hoàng Bính đem dâng phủ Tư Minh (nay là Bằng Tường) năm 1263[9].

Năm 1306, nhà Trần gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Jaya Sinhavarman III. Vua Chiêm Thành dâng hai Châu Ô, Rý làm của hồi môn. Nhà Trần đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu (Nam Quảng TrịThừa Thiên Huế ngày nay).

Luật pháp

Vua Thái Tông cho sửa lại luật pháp rất nghiêm minh. Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại như sau:

Canh Dần, Kiến Trung năm thứ 5 (1230): Mùa xuân, tháng 3, khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành Quốc triều thống chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển.
Định bị đồ có mức độ khác nhau:
  • Loại bị đồ làm Cảo điền hoành thì thích vào mặt 6 chữ, cho ở Cảo xã (nay là xã Nhật Cảo), cày ruộng côn, mỗi người 3 mẫu, mỗi năm phải nộp 300 thăng thóc.
  • Loại bị đồ làm Lao thành binh thì thích vào cổ 4 chữ, bắt dọn cỏ ở Phượng Thành, thành Thăng Long, lệ vào quân Tứ sương.

Đặt ty bình bạc là cơ quan hành chính và tư pháp ở kinh đô Thăng Long lúc đó với chức quan kinh doãn, chuyên xét đoán việc kiện tụng ở kinh thành. Năm 1265 đổi thành Đại an phủ sứ, sau lại đổi thành Kinh sư đại doãn.

Kinh tế

Bình gốm hoa lam Chu Đậu thời Trần, thế kỷ XIV. Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan, New York

Về mặt nông nghiệp: để tránh nạn ngập lụt, vua Thái Tông sai đắp đê hai bên bờ sông và cử quan đặc trách trông coi việc đê gọi là hà đê sứ. Mỗi năm sau vụ mùa, triều đình còn ra lệnh cho quân sĩ đắp đê hay đào lạch, hào, giúp đỡ dân chúng. Đại Việt sử ký toàn thư có chép:

Tân Mão, Kiến Trung năm thứ 7, 1231: Mùa xuân, tháng giêng, sai nội minh tự Nguyễn Bang Cốc (hoạn quan) chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào (là tên hai con kênh, thuộc huyện Ngọc Sơn (nay là Tĩnh Gia), tỉnh Thanh Hóa) từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu.

Triều đình cũng cho phép các vương, hầu có quyền chiêu tập những người nghèo khó, lưu lạc đi khai khẩn đất hoang để mở mang thêm ruộng nương.

Về mặt thuế má: Có hai loại thuế là thuế thân và thuế điền. Thuế thân được đóng bằng tiền và ít nhiều tùy theo số ruộng có. Ai có dưới một mẫu ruộng thì được miễn thuế. Thuế điền thì đóng bằng thóc. Ngoài ra còn có thuế trầu cau, rau quả, tôm cá v.v. Về mặt tiền tệ, để tiện việc tiêu dùng - vàng, bạc được đúc thành phân, lượng và có hiệu của nhà vua.

Giáo dục, thi cử

Đời nhà Trần, văn học được mở mang, Nho học cũng phát triển hơn so với thời Lý.

Ngoài Quốc Tử Giám có tại kinh đô từ đời nhà Lý, nhà Trần cho lập thêm Quốc Học viện để giảng Tứ ThưNgũ Kinh. Tại các lộ cũng cho mở trường học để dạy cho dân chúng.

Trước kia dưới triều nhà Lý, có mở những khoa thi tam trường để lấy cử nhân, nhưng các khoa thi chỉ được mở ra khi nào triều đình cần người tài giỏi ra giúp nước chứ chưa có mở định kỳ. Năm 1232, vua Trần Thái Tông cho mở khoa thi thái học sinh để lấy tiến sĩ theo định kỳ cứ 7 năm thì có một kỳ thi. Năm 1247, nhà vua lại cho đặt ra khảo thi tam khôi để lấy trạng nguyên, bảng nhãnthám hoa. Lê Văn Hưu là người đầu tiên đậu bảng nhãn.

Trong 175 năm tồn tại, nhà Trần đã tổ chức 14 khoa thi (10 khoa chính thức và 4 khoa phụ), lấy 283 người đỗ.[10] Có 2 khoa thi 1256 và 1266 lấy 2 trạng nguyên là Kinh trạng nguyên và Trại trạng nguyên nên tổng số có 12 người đỗ đầu trong các kỳ thi.

Tôn giáo

Về Phật giáo, vào đầu đời nhà Trần thì Phật giáo còn thịnh. Các nhà vua đều sùng đạo cho xây chùa, đúc chuông, tạc tượng để phụng thờ khắp nơi. ĐVSKTT chép lại: "Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải đắp tượng phật để thờ".

Vua Nhân Tông còn sai sứ sang Trung Hoa để thỉnh kinh về truyền bá đạo Phật, và ông chính là ông tổ đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm. Nhưng cuối đời Trần, Phật giáo bị pha thêm các hình thức mê tín bùa chú cho nên ngày càng suy vi. Về Lão giáo thì cũng được nhân dân ngưỡng mộ. Do đó, nhà Trần cũng cho mở những khoa thi tam giáo như đời nhà Lý.

Văn hóa nghệ thuật

gốm men ngọc thời Trần thế kỷ XIV
Tháp Bình Sơn thời Trần ở chùa Vĩnh Khánh, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

Đời nhà Trần đã đào tạo được khá nhiều học giả nổi tiếng như Lê Văn Hưu soạn bộ Đại Việt Sử ký và đây là bộ sử đầu tiên của Việt Nam (nay đã thất truyền). Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng là một ông trạng rất mực thanh liêm, đức độ và có tài ứng đối đã làm cho vua quan nhà Nguyên phải kính phục. Chu Văn An là một bậc cao hiền nêu gương thanh khiết, cương trực. Các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông đều là những người giỏi văn chương và có soạn Ngự tập và danh tướng Trần Quốc Tuấn có làm những tác phẩm giá trị như Hịch tướng sĩ.

Hàn Thuyên tức Nguyễn Thuyên có công làm thơ bằng chữ Nôm và đặt ra luật thơ Nôm. Vì thế đã có nhiều học giả, văn nhân đã theo gương của Hàn Thuyên mà làm những bài thơ Nôm rất giá trị. ĐVSKTT chép:

Bấy giờ (năm 1282) có cá sấu đến sông Lô. Vua sai Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Vua cho việc này giống như việc của Hàn Dũ, bèn ban gọi là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy.

Nghệ thuật điêu khắc thời Trần được đánh giá là có bước tiến bộ, tinh xảo hơn so với thời Lý, trong đó có một số phù điêu khắc hình nhạc công biểu diễn mang phong cách Chiêm Thành. Cách trang trí hoa dựa trên nghệ thuật dân dụng.[11]

Về kiến trúc, dựa trên các tháp gốm, tháp đá, mô hình nhà bằng đất nung, mảnh ngói vỡ khai quật được, triều Trần tiếp tục kế thừa truyền thống nhà Lý với điểm nổi bật là chùa tháp, bộ đấu củng chống đỡ mái cầu kỳ và các họa tiết trang trí đậm màu sắc Phật giáo.

Âm nhạc Đại Việt thời Trần chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, Chiêm ThànhTrung Quốc.[12] Một số nhạc công bị bắt từ Chiêm Thành và Trung Quốc trong các cuộc chiến đã truyền nghề ca hát cho dân Đại Việt, càng ngày càng phổ biến.

Chính sách hôn nhân

Nhà Trần lấy ngôi nhà Lý bằng biện pháp hôn nhân. Nhà Trần từ vai trò là ngoại thích của nhà Lý đã giành ngôi. Do đó, để tránh họa ngoại thích, nhà Trần chủ trương chỉ kết hôn với người trong họ.

Tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh[13] đã dẫn ra các trường hợp hôn nhân nội tộc tiêu biểu của nhà Trần:

  1. An Sinh vương Trần Liễu, anh trưởng của Trần Thái Tông Trần Cảnh, con Thượng hoàng Trần Thừa, lấy Thuận Thiên công chúa, con Lý Huệ TôngLinh Từ quốc mẫu. Linh Từ là em ruột Trần Thừa, như vậy Trần Liễu và Thuận Thiên là con cô con cậu, vừa là anh chị em họ lấy nhau.
  2. Năm 1225, Trần Thái Tông Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng, em Thuận Thiên công chúa, trường hợp này cũng là con cô lấy con cậu và anh chị em họ lấy nhau.
  3. Sau khi Lý Huệ Tông qua đời, giáng Huệ hậu (tức Linh Từ quốc mẫu) làm Thiên Cực công chúa, gả cho Thái sư Trần Thủ Độ, tức là chị em họ lấy nhau.
  4. Năm 1237, vì Lý Chiêu Hoàng không có con, Thủ Độ ép Trần Thái Tông lấy Thuận Thiên, lúc ấy đã có mang ba tháng với Trần Liễu. Trường hợp này vừa là con cô con cậu lấy nhau, vừa là em chồng lấy chị dâu và anh chị em họ lấy nhau.
  5. Trần Thái Tông hứa gả con gái là Thiên Thành công chúa cho Trung Thành vương và đã cho Thiên Thành tới ở nhà Nhân Đạo vương, là cha đẻ ra Trung Thành vương, để chờ ngày cưới. Năm 1251, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn muốn lấy Thiên Thành công chúa, đang đêm lẻn vào phòng Thiên Thành thông dâm. Thụy Bà công chúa, chị Thái Tông, lại là mẹ nuôi Hưng Đạo vương, đang đêm gõ cửa cung nói dối là Hưng Đạo vương đã bị Nhân Đạo vương bắt giam, xin Đế cứu giúp. Sự thật, khi Đế sai người tới thì Hưng Đạo vương còn trong phòng Thiên Thành và lúc ấy Nhân Đạo vương mới biết. Hôm sau, Thụy Bà công chúa phải dâng mười mâm vàng sống xin cưới Thiên Thành cho Hưng Đạo. Đế bất đắc dĩ phải gả và bồi thường cho Trung Thành vương. Do không rõ Thiên Thành công chúa là con của Thái Tông, hay là em Thái Tông (tức là con của Thượng hoàng Trần Thừa), nên không thể xác định. Nếu là em Thái Tông thì là cô lấy cháu, nếu là con Thái Tông thì là em họ lấy anh họ (anh em chú bác).
  6. Năm 1258, Trần Thánh Tông lấy Thiên Cảm hoàng hậu Trần Thiều, là con gái thứ năm của An Sinh vương Trần Liễu, tức là con chú con bác lấy nhau.
  7. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải lấy Phụng Dương công chúa, là con gái của Tướng quốc Thái sư Trần Nhật Hiệu. Thái sư Trần Nhật Hiệu là em ruột của vua Trần Thái Tông, mà Quang Khải là con trai của vua, tức anh em con chú con bác lấy nhau ( *nhiều nguồn ghi rằng cha của Phụng Dương là Thái sư Trần Thủ Độ. Nhưng khi tra xét lại, Trần Thủ Độ có tước hiệu là "Thượng phụ Thái sư". Xét trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, các kỷ thời đại Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông có đề cập đến Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu, em út cùng mẹ của Trần Thái Tông, sinh thời là Thái úy, sau khi chết (năm 1269) thì được truy tặng là "Tướng quốc Thái sư", hoàn toàn khớp với chức danh của văn bia. Như vậy cha Phụng Dương Công chúa theo lý mà nói nên thì là Trần Nhật Hiệu hơn là Trần Thủ Độ. )
  8. Thụy Bảo công chúa, con Trần Thái Tông, lấy Uy Văn vương Toại.
  9. Thiều Dương công chúa, con Trần Thái Tông, lấy Thượng vị Văn Hưng hầu.
  10. Thiên Thụy công chúa, con Trần Thánh Tông, tức cháu nội Thái Tông và cháu ngoại Trần Liễu, lấy Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn, con Trần Hưng Đạo, cháu nội Trần Liễu. Trường hợp này vừa là con cô con cậu (Trần Hưng Đạo và Thiên Cảm là con Trần Liễu), vừa là cháu chú cháu bác lấy nhau.
  11. Năm 1274, Trần Nhân Tông lấy Bảo Thánh hoàng hậu, rồi Tuyên Từ hoàng hậu, đều là con Hưng Đạo vương. Trường hợp này giống Thiên Thụy lấy Quốc Nghiễn.
  12. Trần Anh Tông, con Nhân Tông, cháu Thánh Tông, chắt Thái Tông, lấy Văn Đức phu nhân năm 1292, là con Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, tức phu nhân là cháu nội Hưng Đạo vương. Trường hợp này là cháu cô cháu cậu (Hưng Đạo vương và Thiên Cảm là con Trần Liễu) hay chắt chú chắt bác lấy nhau. Sau Anh Tông lại bỏ Văn Đức phu nhân mà lấy em ruột phu nhân là Thánh Tư phu nhân, tức Thuận Thánh hoàng hậu.
  13. Trần Anh Tông lấy Huy Tư Hoàng phi là con Thụy Bảo công chúaTrần Bình Trọng. Thụy Bảo công chúa là em Thánh Tông, Anh Tông là cháu nội Thánh Tông, tức cháu lấy cô. (tuy nhiên có những nguồn sử ghi rằng Huy Tư Hoàng phi thực ra chỉ là con nuôi của Thụy Bảo công chúa[14], như vậy bà và Trần Anh Tông vốn không phải họ hàng cùng huyết thống).
  14. Năm 1301, Thiên Trân công chúa, con Anh Tông, lấy Uy Túc công Trần Văn Bích, cháu nội Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Quang Khải và Thánh Tông là anh em, tức cháu chú cháu bác lấy nhau. Thiên Trân công chúa chết, Uy Túc lại lấy Huy Thánh công chúa, con gái Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, em ruột Anh Tông.
  15. Thượng Trân công chúa, em Anh Tông, chắt Thái Tông lấy Văn Huệ công Trần Quang Triều, con Trần Quốc Tảng, cháu Hưng Đạo vương, chắt Trần Liễu, tức chắt chú chắt bác lấy nhau.
  16. Trần Minh Tông, con Anh Tông, cháu Nhân Tông, lấy Huy Thánh công chúa, con gái lớn Huệ Vũ vương Quốc Chẩn. Chẩn là em Anh Tông, tức là con chú con bác lấy nhau.
  17. Năm 1337, Trần Hiến Tông, con Minh Tông, lấy Hiển Trinh công chúa, con gái lớn Huệ Túc vương Trần Đại Niên.
  18. Năm 1342, Thiên Ninh công chúa, con Minh Tông, lấy Chính Túc vương Kham.
  19. Năm 1349, Trần Dụ Tông, con Minh Tông, lấy con gái thứ tư của Huệ Túc vương là Nghi Thánh hoàng hậu.
  20. Huy Ninh công chúa, con Minh Tông, lấy tông thất Trần Nhân Vinh. Sau Nhân Vinh bị Dương Nhật Lễ giết, Trần Nghệ Tông là anh, lại gả Huy Ninh cho em họ mẹ, cháu của mẹ ruột là Hồ Quý Ly.
  21. Trần Duệ Tông, con Minh Tông và Đôn Từ Thái phi, cô của Quý Ly, lấy Gia Từ hoàng hậu là em họ Quý Ly, tức anh em họ lấy nhau.
  22. Năm 1375, Trần Duệ Tông gả con là Trang Huy công chúa cho Trần Nguyên Dẫn, con Cung Chính vương. Cung Chính vương và Duệ Tông đều là con Minh Tông, tức con chú con bác lấy nhau.
  23. Thiên Huy công chúa Trần Thục Mỹ, con Trần Nghệ Tông, lấy Trần Giản Hoàng là con Duệ Tông. Nghệ Tông và Duệ Tông cùng là con Minh Tông, mẹ Nghệ Tông là Minh Từ Thái phi, mẹ Duệ Tông là Đôn Từ Thái phi, là hai chị em ruột, cô của Quý Ly. Như vậy, cả hai vừa là con chú con bác, vừa là cháu dì cháu già lấy nhau.
  24. Sau khi Giản Hoàng chết, vợ là Trần Thục Mỹ tư thông với Trần Nguyên Uyên, con Cung Tín vương Trần Thiên Trạch, em khác mẹ với cha bà là Nghệ Tông, như vậy con chú con bác tư thông với nhau. Sau Thượng hoàng đem công chúa gả cho anh Nguyên Uyên là Nguyên Hãng.
  25. Tuyên Huy công chúa, con Duệ Tông, lấy Quan Phục Đại vương Húc, con Nghệ Tông, giống trường hợp Trần Thục Mỹ lấy Trần Giản Hoàng.
  26. Trang Huy công chúa, con Tông thất Trần Nhân Vinh với vợ là Huy Ninh công chúa cho Trần Mộng Dữ, con Trần Nguyên Đán, cháu bốn đời của Quang Khải.
  27. Trần Thuận Tông, con út Nghệ Tông, lấy Hồ Thánh Ngâu là con gái lớn của Hồ Quý Ly và Huy Ninh công chúa. Huy Ninh công chúa là em Nghệ Tông, tức là con cô con cậu lấy nhau. Thuận Tông lại là cháu nội của Đôn Từ Thái phi, cô của Quý Ly, lấy con gái Quý Ly, tức anh em họ lấy nhau.

Tuy cẩn thận đề phòng nạn ngoại thích bằng việc kết hôn nội tộc, nhưng về sau thì việc kết hôn nội tộc trong họ Trần cũng thưa dần. Những trường hợp có kết hôn nội tộc thì cũng ngày càng xa hơn về họ hàng (ban đầu là con chú con bác lấy nhau, về sau thì là họ hàng 3 đời, rồi 4 đời mới lấy nhau). Từ khi Trần Nghệ Tông trọng dụng Hồ Quý Ly là một ngoại thích, lập tức nhà Trần cũng gặp "họa ngoại thích" và cuối cùng cũng mất về tay ngoại thích, giống như nhà Lý trước đó.

Những nhân vật có ảnh hưởng nhất triều Trần

Những nhân vật có ảnh hưởng nhất triều Trần, được đánh giá dựa trên sự đóng góp, công trạng của họ cho triều đại, giúp triều đại này tồn tại và phát triển.

STTTênSinh mấtGhi chú
1Trần Tự Khánh (Kiến Quốc đại vương)1175–1223
2Tô Trung Từ (Đại tướng quân)?–1211
3Trần Thị Dung (Linh Từ Quốc Mẫu)1193–1259
4Trần Thủ Độ (Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương)1194–1264
5Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Đại Vương)1228

–1300

6Trần Quang Khải (Chiêu Minh vương)1241–1294
7Trần Nhật Duật (Chiêu Văn vương)1255–1330
8Trần Bình Trọng (Bảo Nghĩa vương)1259–1285
9Phạm Ngũ Lão (Điện súy Thượng tướng quân Quan nội hầu)1255–1320
10Trần Quốc Toản (Hoài Văn hầu)1267–1285
11Trần Khánh Dư (Nhân Huệ vương)1240-1340
12Chu Văn An (Văn Trinh Công)1292–1370
13Mạc Đĩnh Chi (Tả bộc xạ Hầu tước)1280–1346
14Đoàn Nhữ Hài (Tri khu mật viện sự)1280–1335
15Trương Hán Siêu (Thái phó)?–1354
16Trần Khát Chân (Vũ tiết quan nội hầu, mưu trừ Hồ Quý Ly mà thất bại)1370–1399

Các Hoàng đế nhà Trần

Triều đại nhà Trần(12251400
Miếu hiệuThụy hiệuHọ tênThời gian trị vìXưng hiệuNiên hiệuLăng mộ
Danh sách Hoàng đế nhà Trần
Thái Tông
(太宗)
Thống Thiên Ngự Cực Thánh Vũ Nguyên Hiếu Hoàng Đế
統天御極聖武元孝皇帝
Trần Cảnh
(陳煚)
12251258Thiện Hoàng
(善皇)
Kiến Trung (建中; 12251237)
Thiên Ứng Chính Bình (天應政平; 12381250)
Nguyên Phong (元豐; 12511258)
Chiêu Lăng (昭陵)
Thánh Tông
(聖宗)
Hiến Thiên Thể Đạo Văn Vũ Tuyên Hiếu Hoàng Đế
憲天體道文武宣孝皇帝
Trần Hoảng
(陳晃)
12581278Nhân Hoàng
(仁皇)
Thiệu Long (紹隆; 12581272)
Bảo Phù (寶符; 12731278)
Dụ Lăng (裕陵)
Nhân Tông
(仁宗)
Pháp Thiên Sùng Đạo Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế
法天崇道元明睿孝皇帝
Trần Khâm
(陳昑)
12791293Hiếu Hoàng
(孝皇)
Thiệu Bảo (紹寶; 12781285)
Trùng Hưng (重興; 12851293)
Đức Lăng (德陵)
Anh Tông
(英宗)
Ứng Thiên Quảng Vận Khâm Minh Nhân Hiếu Hoàng Đế
應天廣運欽明仁孝皇帝
Trần Thuyên
(陳烇)
12931314Anh Hoàng
(英皇)
Hưng Long (興隆)Thái Lăng (泰陵)
Minh Tông
(明宗)
Thể Thiên Sùng Hóa Khâm Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế
體天崇化欽明睿孝皇帝
Trần Mạnh
(陳奣)
13141329Ninh Hoàng
(宁皇)
Đại Khánh (大慶; 1314 - 1323)
Khai Thái (開泰; 1324 - 1329)
Mục Lăng (穆陵)
Hiến Tông
(憲宗)
Thể Nguyên Ngự Cực Duệ Thánh Chí Hiếu Hoàng Đế
體元御極睿聖至孝皇帝
Trần Vượng
(陳旺)
13301341Triết Hoàng
(哲皇)
Khai Hựu (開佑)An Lăng (安陵)
Dụ Tông
(裕宗)
Thống Thiên Thể Đạo Nhân Minh Quang Hiếu Hoàng Đế
統天體道仁明光孝皇帝
Trần Hạo
(陳暭)
13421369Dụ Hoàng
(裕皇)
Thiệu Phong (紹豐; 1341 - 1357)
Đại Trị (大治; 1358 - 1369)
Phụ Lăng (阜陵)
Không cóHôn Đức công (昏德公)Dương Nhật Lễ
(楊日禮)
18 tháng 7, 13691 tháng 12, 1370Không cóĐại Định (大定)núi Đại Mông
Nghệ Tông
(藝宗)
Thể Thiên Kiến Cực Thuần Hiếu Hoàng Đế
體天建極純孝皇帝
Trần Phủ
(陳暊)
13711372Nghĩa Hoàng
(義皇)
Thiệu Khánh (紹慶)Nguyên Lăng (沅陵)
Duệ Tông
(睿宗)
Kế Thiên Ứng Vận Nhân Minh Khâm Hiếu Hoàng Đế
繼天應運仁明欽孝皇帝
Trần Kính
(陳曔)
13721377Khâm Hoàng
(欽皇)
Long Khánh (隆慶)Hy Lăng (熙陵)
Không cóLinh Đức đại vương
靈德大王
Trần Hiện
(陳晛)
13771388Giản Hoàng
(簡皇)
Xương Phù (昌符)núi An Bài
Thuận Tông
(順宗)
Thái Thượng Nguyên Quân Hoàng Đế
太上元君皇帝
Trần Ngung
(陳顒)
13881398Nguyên Hoàng
(元皇)
Quang Thái (光泰)Yên Sinh Lăng (安生陵)
Không cóBảo Ninh đại vương
保寧大王
Trần An
(陳安)
Tháng 3, 139828 tháng 2, 1400Không cóKiến Tân (建新)Không rõ tung tích

Thế phả nhà Trần

Tập tin:TocphathoiTran.jpg
Bản đồ mô tả các thế hệ vua và quý tộc nhà Trần
Trần Thiếu ĐếTrần Thuận TôngTrần Phế ĐếTrần Duệ TôngTrần Nghệ TôngHôn Đức CôngTrần Dụ TôngTrần Hiến TôngTrần Minh TôngTrần Anh TôngTrần Nhân TôngTrần Thánh TôngTrần Thái Tông
 
 
 
 
 
 
 
 
Thái Tổ
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thái Tông
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thánh Tông
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nhân Tông
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Anh Tông
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Minh Tông
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nghệ Tông
 
 
Hiến Tông
 
 
 
Dụ Tông
 
 
Duệ Tông
 
 
Cung Túc
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thuận Tông
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phế Đế
 
 
Nhật Lễ
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thiếu Đế
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Đền thờ, lăng mộ

Một công trình trong quần thể đền Trần, Nam Định, Việt Nam
Khu di tích đền Trần (Thái Bình)

Đền Trần Thương (Hà Nam)

Xem thêm

Chú thích

Tham khảo

  • Trần Xuân Sinh (2006), Thuyết Trần, Nhà xuất bản Hải Phòng.
  • Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm (1975), Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  • Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục.
  • Mai Hồng (1989), Các trạng nguyên nước ta, Nhà xuất bản Giáo dục.

Liên kết ngoài