Luật quốc tế

(Đổi hướng từ Pháp luật quốc tế)

Pháp luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực vủa đời sống quốc tế. Đó là các nguyên tắc và quy phạm áp dụng chung mà không có sự phân biệt về tính chất, hình thức hay vị thế của từng quốc gia khi thiết lập quan hệ quốc tế giữa những chủ thể này với nhau.

Pháp luật quốc tế được coi là hệ thống pháp luật, gồm nhiều ngành luật cấu thành Luật Nhân đạo quốc tế; Luật Hàng không dân dụng quốc tế; Luật Ngoại giao và lãnh sự; Luật Tổ chức quốc tế; Luật quốc tế về môi trường…

Lịch sử

Cùng với sự ra đời của các quốc gia độc lập như Hy Lạp, La Mã cổ đại ở phương Tây; Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ ở phương Đông mối liên hệ giữa các quốc gia cũng dần được hình thành trong quá trình thiết lập biên giới, những thỏa thuận liên kết để chống ngoại xâm cũng như giải quyết hậu quả chiến tranh… Các quan hệ khi hình thành đòi hỏi phải được điều chỉnh về mặt pháp lý quốc tế. Do đó, ngay từ thời chiếm hữu nô lệ đã xuất hiện những nguyên tắc, quy phạm điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia.

Thời Cổ đại, Luật Vạn dân của Nhà nước La Mã cổ đại đã có quy định điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước La Mã với các quốc gia khác; giữa người dân La Mã với người nước ngoài và giữa người nước ngoài với nhau sinh sống tại La Mã. Do đó Luật Vạn dân đánh dấu sự ra đời của Luật Quốc tế.

Đến Thế kỷ thứ XVI, nhà luật học F.Vitoria (Tây Ban Nha) dùng thuật ngữ “Luật giữa các dân tộc” và đến Thế kỷ XVII thuật ngữ này được sử dụng trong đời sống quốc tế.

Năm 1780, nhà Triết học Jeremy Bentham (Anh) viết tác phẩm nổi tiếng “Giới thiệu về các nguyên tắc về đạo đức và pháp luật”, thuật ngữ “Pháp luật quốc tế” được ra đời và trở thành tên gọi của một ngành khoa học pháp lý phát triển ở nhiều quốc gia.

Đối tượng điều chỉnh

Với tư cách là một ngành luật, Luật Quốc tế có đối tượng và phương pháp điều chỉnh riêng. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan niệm khác nhau về đối tượng điều chỉnh của luật quốc tế, như:

  • Luật Quốc tế hàm chứa cả Tư pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế là Luật Quốc tế theo nghĩa rộng, giữa tư pháp quốc tế và Luật Quốc tế có cùng mục đích là thúc đẩy sự hợp tác, hòa bình giữa các quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
  • Có sự khác biệt về đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế và Luật Quốc tế.

Đối tượng điều chỉnh của Luật quốc tế là: những quan hệ pháp lý quốc tế phát sinh giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau; những quan hệ này có nhiều mặt nhưng chủ yếu là những quan hệ mang tính chính trị và được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế.

Phương pháp điều chỉnh

Là cách thức và biện pháp mà các chủ thể áp dụng trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật quốc tế. Các chủ thể của luật quốc tế sử dụng nhiều cách thức và biện pháp khác nhau, trong đó, có hai phương pháp được sử dụng phổ biến là:

  • Phương pháp bình đẳng, thỏa thuận, tự nguyện và hợp tác giữa các chủ thể.
  • Trong những trường hợp cần thiết, các chủ thể của luật quốc tế có thể dùng phương pháp cưỡng chế, can thiệp riêng lẻ hay tập thể phù hợp các quy định của luật quốc tế. Can thiệp riêng lẻ là biện pháp cưỡng chế do 1 chủ thể thực hiện nhằm trừng trị chủ thể có hành vi vi phạm (như đáp trả quân sự của quốc gia bị xâm lược). Cưỡng chế tập thể là biện pháp cưỡng chế do nhiều chủ thể thực hiện (thường do một nhóm quốc gia hoặc một tổ chức quốc tế đoàn kết với quốc gia để áp dụng các biện pháp trừng trị đối với quốc gia có hành vi vi phạm.

Luật Quốc tế quy định một số biện pháp cưỡng chế:

  • Điều 41 Hiến chương Liên hiệp quốc quy định các biện pháp phi vũ trang: Trừng phạt kinh tế; cắt đứt quan hệ ngoại giao; Phong tỏa cảng biển, đường biển, đường không, bưu chính…
  • Điều 42 Hiến chương Liên hiệp quốc quy định các biện pháp vũ trang: Biểu dương lực lượng, phong tỏa và những cuộc hành quân khác do Hải, Lục, Không quân của các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc thực hiện.

Đặc điểm

  • Pháp luật quốc tế được hình thành, xây dựng trên cơ sở đấu tranh thương lượng, thỏa thuận bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các chủ thể của Luật Quốc tế.
  • Đối tượng điều chỉnh của Luật quốc tế gồm các quan hệ pháp lý vượt ngoài phạm vi một quốc gia; chủ yếu là quan hệ mang tính chất chính trị.
  • Chủ thể Pháp luật quốc tế là các quốc gia có chủ quyền; các tổ chức quốc tế thành lập có Điều lệ phù hợp với những nguyên tắc của pháp luật quốc tế hiện đại; các dân tộc đấu tranh nhằm thực hiện quyền dân tộc tự quyết để lập nhà nước của mình.
  • Các chủ thể quốc tế có bản chất giai cấp và xã hội khác nhau.
  • Biện pháp cưỡng chế được sử dụng trong pháp luật quốc tế là đa dạng: Có thể bằng hình thức riêng lẻ hoặc tập thể để gây thiệt hại về lợi ích đối với chủ thể vi phạm pháp luật quốc tế.

Nguồn của luật quốc tế

Khái niệm

Nguồn của luật quốc tế là những hình thức có chứa đựng những nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế được thể hiện dưới hình thức văn bản do các chủ thể quan hệ pháp lý quốc tế thỏa thuận xây dựng nên hoặc các tập quán quốc tế, được hình thành từ thực tiễn đời sống quốc tế, được các chủ thể thừa nhận một cách rộng rãi.

Phân loại

Căn cứ vào tính chất pháp lý chung và sự thỏa thuận của các chủ thể, có thể chia nguồn của luật quốc tế thành hai loại: nguồn cơ bản và nguồn hỗ trợ.

Nguồn cơ bản của pháp luật quốc tế: Là nguồn chứa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế có giá trị ràng buộc đối với các chủ thể của quan hệ pháp luật quốc tế, bao gồm: điều ước quốc tếtập quán quốc tế.

Nguồn hỗ/bổ trợ của luật quốc tế: Về nguyên tắc, nguồn hỗ trợ không phải là hình thức biểu hiện trực tiếp các quy phạm và nguyên tắc của pháp luật quốc tế mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình hình thành các quy phạm của pháp luật quốc tế. Nguồn hỗ trợ gồm có:

  • Phán quyết của tòa án, trọng tài quốc tế.
  • Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên Chính phủ.
  • Những nguyên tắc pháp luật chung được thừa nhật.
  • Các học thuyết và tác phẩm khoa học pháp lý của các luật gia nổi tiếng; pháp luật quốc gia.

Chủ thể

Khái niệm

Là những thực thể độc lập, không phụ thuộc vào phạm vi, không bị lệ thuộc trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và bất kỳ quyền lực chính trị nào và phải có năng lực pháp lý thực hiện độc lập quyền và nghĩa vụ của mình trên cơ sở các quy phạm pháp luật quốc tế.

Điều kiện trở thành chủ thể

  • Một là, có ý chí độc lập, không phụ thuộc vào các chủ thể khác trong sinh hoạt quốc tế.
  • Hai là, phải có sự tham gia vào các quan hệ pháp lý quốc tế do pháp luật quốc tế điều chỉnh.
  • Ba là, phải có năng lực pháp lý thực hiện một cách độc lập các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quốc tế điều chỉnh.
  • Bốn là, phải độc lập chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế do hành vi của mình gây ra.

Các chủ thể

Các loại chủ thể của pháp luật quốc tế gồm có:

  • Quốc gia có chủ quyền độc lập: Chủ thể chủ yếu cơ bản.
  • Các tổ chức quốc tế: Liên hiệp quốc và các cơ quan chuyên môn của Liên hiệp quốc (là chủ thể hạn chế của pháp luật quốc tế hiện đại).
  • Các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập nhằm thực hiện quyền dân tộc tự quyết, Tòa thánh Vaticăn

Mối quan hệ với pháp luật quốc gia

Độc lập tương đối

Hiện nay, quan điểm được thừa nhận rộng rãi về mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế là Thuyết Đối đẳng:

  • Hai hệ thống pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế hoàn toàn không vận hành trong cùng một lĩnh vực, là các hệ thống pháp luật khác nhau.
  • Giữa chúng không phát sinh xung đột và không tồn tại vấn đề cao thấp hoặc cái nào ưu tiên hơn cái nào; mỗi hệ thống pháp luật đều có tính tối cao trong lĩnh vực mà nó vận hành.
  • Nhà nước hành động theo pháp luật quốc tế tại nơi có quan hệ quốc tế; ở nước mình thì hành xử theo pháp luật trong nước.
  • Nếu trong phạm vi pháp luật quốc gia, một Chính phủ không căn cứ vào yêu cầu của pháp luật quốc tế để thực hiện cam kết quốc tế thì không có nghĩa là họ đã làm cho pháp luật quốc tế bị vô hiệu mà là quốc gia này cần phải chịu trách nhiệm do vi phạm pháp luật quốc tế.

Cách thức quốc gia xử lý mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế phụ thuộc vào: (1) nhu cầu lợi ích tự thân của quốc gia; (2) việc pháp luật quốc gia và các quy tắc liên quan của pháp luật quốc tế quy định về một vấn đề cụ thể như thế nào; (3) không phụ thuộc vào quan niệm pháp luật quốc gia cao hơn hay thấp hơn pháp luật quốc tế.

Tác động qua lại

Pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế có mối quan hệ phụ thuộc, ảnh hưởng, bổ sung cho nhau: Nhà nước ban hành pháp luật quốc gia, đồng thời Nhà nước cùng với các quốc gia khác tham gia vào quá trình ban hành pháp luật quốc tế. Khi ban hành pháp luật quốc gia, Nhà nước phải xem xét đầy đủ tới các quy định của pháp luật quốc tế, không thể bỏ qua những quy tắc, quy định được cộng đồng quốc tế thừa nhận, phải thể hiện nghĩa vụ quốc tế trong pháp luật quốc gia, đồng thời để pháp luật trong nước không xung đột với pháp luật quốc tế. Quốc gia khi tham gia xây dựng, thông qua pháp luật quốc tế không thể bỏ qua vấn đề chủ quyền quốc gia và các quy định của pháp luật trong nước, cần phải tính đến khả năng thực thi pháp luật trong nước. Pháp luật quốc gia là công cụ, phương tiện để hoàn thiện, phát triển và thực hiện pháp luật quốc tế (định hướng, cơ sở quan trọng cho hoàn thiện, phát triển nội dung, tính chất pháp luật quốc tế; là đảm bảo pháp lý để các nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế được thực hiện trong phạm vi quốc gia thông qua nội luật hóa).

Trong những điều kiện nhất định, pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế có thể chuyển hóa cho nhau, trở thành nguồn của nhau: pháp luật quốc gia phải chuyển hóa các quy định mang tính nguyên tắc của pháp luật quốc tế vào nội dung các quy định của pháp luật quốc gia; những quốc gia áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước quốc tế thì pháp luật quốc tế sẽ trở thành nguồn của pháp luật quốc gia. Ngược lại, một số nguyên tắc, quy tắc trong pháp luật quốc gia được đa số các quốc gia thừa nhận, sử dụng nhiều lần dần trở thành tập quán quốc tế và đưa vào Điều ước quốc tế, trở thành nguồn của pháp luật quốc tế: Nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền; không can thiệp vào công việc nội bộ; quyền dân tộc tự quyết trong Hiến chương Liên hiệp quốc là từ Sắc lệnh về hòa bình của Nhà nước Xô Viết…

Tác động tương hỗ

Không quốc gia nào được phép lấy lý do viện dẫn quy định của pháp luật trong nước để từ chối thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật quốc tế; không quốc gia nào được lấy cớ dựa vào quy định của pháp luật quốc tế để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với quốc gia khác trừ trường hợp được phép theo quy định của Hiến chương Liên hiệp quốc.

Tham khảo

  • I Brownlie, Principles of Public International Law (OUP 2008)

Xem thêm

Liên kết ngoài