Quan thoại Hạ Giang

Quan thoại Hạ Giang (giản thể: 下江官话; phồn thể: 下江官話; Hán-Việt: Hạ Giang Quan thoại; bính âm: xiàjiāng guānhuà) là một trong những cụm phương ngôn khác biệt và khó thông hiểu nhất (với người nói Quan thoại tiêu chuẩn) trong nhóm Quan thoại. Nó còn mang tên Quan thoại Giang-Hoài (giản thể: 江淮官话; phồn thể: 江淮官話; Hán-Việt: Giang Hoài Quan thoại; bính âm: jiānghuái guānhuà), theo tên Trường Giang (Dương Tử) và Hoài Hà. Một nét khác biệt giữa Quan thoại Hạ Giang với phần còn lại của nhóm Quan thoại là việc âm tắc cuối từ (*-p, *-t, *-k) trong tiếng Hán trung cổ trở thành âm tắc thanh hầu (*-ʔ) thay vì biến mất hoàn toàn.

Quan thoại Hạ Giang
Quan thoại Giang-Hoài
Khu vựcVùng sông HoàiDương Tử (An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc, Giang Tây, Hà Nam)
Tổng số người nóikhoảng 70 triệu (2011)
Phân loạiHán-Tạng
Hệ chữ viếtChữ Hán (Bạch thoại)
Mã ngôn ngữ
ISO 639-3Không
Glottologjing1262[1]
Linguasphere79-AAA-bi

Vào nhà Minh rồi đầu nhà Thanh, ngôn ngữ chung trong hành chính đương thời dựa trên một dạng Quan thoại Hạ Giang. Đến thế kỷ XIX, phương ngữ Bắc Kinh trở thành ngôn ngữ uy tín mới.

Phân bố địa lý và phân loại

Quan thoại Hạ Giang được nói ở miền trung An Huy, miền đông Hồ Bắc, hầu khắp phần nằm về phía bắc Trường Giang của tỉnh Giang Tô, cũng như vùng quanh Nam Kinh.[2] Số người nói ước tính năm 1987 là 67 triệu người.[3]

Trung Quốc Ngữ Ngôn Địa Đồ Chí chia Quan thoại Hạ Giang ra làm ba nhánh con:[4]

Hồng Sào
Đông người nói và phân bố rộng hơn cả, nói ở Giang Tô, An Huy, cùng một phần nhỏ Chiết Giang. Phương ngữ nổi tiếng bậc nhất là phương ngữ Nam Kinh. Thành phố lớn khác trong vùng này là Hợp Phì về phía tây, Dương Châu, Trấn Giang, Diêm Thành về phía đông.
Thông-Thái / Thái–Như
Nói chủ yếu ở hai địa cấp thị Thái ChâuNam Thông (gồm cả Như Cao) ở miền đông Hồ Bắc.
Hoàng–Hiếu
Nói chủ yếu ở địa cấp thị Hoàng CươngHiếu Cảm ở đông tỉnh Hồ Bắc cùng vùng quanh Cửu Giang miền bắc Giang Tây.

Ngoài ra, còn có cộng đồng nhỏ người nói Quan thoại Hạ Giang khắp Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Phúc Kiến. Nó được mang đến những nơi này khi binh lính từ An Huy, Giang Tô, Hà Nam được điều đến vào thời Minh Thái Tổ.

Tiếng Huy Châu, nói ở miền nam An Huy, mang đặc điểm của cả tiếng Ngô, tiếng Cám lẫn Quan thoại Hạ Giang, gây nên khó khăn trong phân thoại. Các học giả hoặc xếp nó vào một trong ba nhóm trên hoặc đặt nó vào nhóm riêng.[5][6] Trung Quốc Ngữ Ngôn Địa Đồ Chí chọn lựa nhọn thứ hai, song cách giải quyết này không hoàn toàn được chấp nhận.[7]

Âm đọc thông tục-văn học

Một bộ phận chữ Hán có cách đọc thông tục và cách đọc văn học trong Quan thoại Hạ Giang.

ChữCách đọc thông tụcCách đọc văn họcNghĩaPhát âm Quan thoại tiêu chuẩn
"tà"tɕiatɕiɪnghiêngɕiɛ
"trích"tiɪʔtsəʔngắt, hái, vặttʂai
"khứ"kʰɪtɕʰyđitɕʰy
"cứ"katɕycưatɕy
"hạ"xaɕiaxuốngɕia
"hoành"xoŋxənngangxəŋ
"nghiêm"æ̃iɪ̃nghiêm, kínian
"quải"kʰuɛkuatreokua
"đôn"səntənngồi xổmtuən
"hồng"kaŋxoŋcầu vồngxoŋ

Tham khảo