Rừng Thông

thị trấn huyện lỵ huyện Đông Sơn

Rừng Thôngthị trấn huyện lỵ của huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam.

Rừng Thông
Thị trấn
Thị trấn Rừng Thông
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngBắc Trung Bộ
TỉnhThanh Hóa
HuyệnĐông Sơn
Thành lập1992[1]
Địa lý
Tọa độ: 19°49′16″B 105°43′57″Đ / 19,82111°B 105,7325°Đ / 19.82111; 105.73250
MapBản đồ thị trấn Rừng Thông
Rừng Thông trên bản đồ Việt Nam
Rừng Thông
Rừng Thông
Vị trí thị trấn Rừng Thông trên bản đồ Việt Nam
Diện tích6,03 km²
Dân số (2014)
Tổng cộng10.878 người[2]
Mật độ1.804 người/km²
Khác
Mã hành chính16378[3]

Địa lý

Thị trấn Rừng Thông nằm ở phía đông huyện Đông Sơn, có vị trí địa lý:

Thị trấn có diện tích 6,03 km², dân số năm 2014 là 10.878 người[2], mật độ dân số đạt 1.804 người/km².

Trên địa bàn thị trấn có Quốc lộ 45Quốc lộ 47 đi qua.

Hành chính

Thị trấn Rừng Thông được chia thành 9 khu phố: Thống Nhất, Cao Sơn, Phượng Lĩnh, Nam Sơn, Xuân Lưu, Đông Xuân, Nhuệ Sâm, Toàn Tân, Hàm Hạ.[4]

Dù là thị trấn huyện lỵ của một huyện đồng bằng nhưng thị trấn Rừng Thông lại có một phần diện tích là đồi núi. Khối 1 và khối 2 tựa lưng vào núi Kết, khối 3, 4, 5 tựa lưng vào núi Rừng Thông.

Lịch sử

Đầu thế kỷ XIX, dưới thời vua Gia Long, địa bàn thị trấn Rừng Thông hiện nay thuộc tổng Lê Nguyễn, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa. Năm 1928, huyện Đông Sơn được đổi thành phủ, bao gồm 7 tổng, địa bàn thị trấn Rừng Thông thuộc hai tổng Kim Khê và Tuyên Hóa.

Năm 1946, các tổng cũ của phủ Đông Sơn được chia thành 22 xã, trong đó có xã Tuyên Hóa và xã Đại Đồng. Đến năm 1948, xã Tuyên Hóa đổi tên thành xã Đông Anh, xã Đại Đồng sáp nhập với xã Cổ Bôn thành xã Đông Tiến.

Năm 1953, xã Đông Anh chia thành ba xã Đông Anh, Đông Xuân và Đông Thịnh; xã Đông Tiến chia thành hai xã Đông Tiến và Đông Thanh. Phần lớn địa bàn thị trấn Rừng Thông lúc này thuộc hai xã Đông Xuân và Đông Tiến.

Năm 1966, xóm Nghĩa (còn gọi là xóm Phúc Long) thuộc xã Đông Anh được chuyển về xã Đông Tiến (nay thuộc khu phố Hàm Hạ).[5]

Năm 1977, các xã hữu ngạn sông Chu thuộc huyện Thiệu Hóa sáp nhập với huyện Đông Sơn thành huyện Đông Thiệu, hai xã Đông Xuân và Đông Tiến thuộc huyện Đông Thiệu[6]. Tuy nhiên vào năm 1982, huyện Đông Thiệu lại đổi tên thành huyện Đông Sơn, các xã Đông Xuân và Đông Tiến trở lại thuộc huyện Đông Sơn[7]. Huyện lỵ huyện Đông Sơn đặt tại xã Đông Xuân.

Ngày 28 tháng 1 năm 1992, Ban Tổ chức Chính phủ ban hành Quyết định số 49-TCCP. Theo đó, thành lập thị trấn Rừng Thông, thị trấn huyện lỵ Đông Sơn trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các xã Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Tiến và Đông Xuân.[1]

Ngày 15 tháng 5 năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 935/NQ-UBTVQH13[8][9]. Theo đó, sáp nhập toàn bộ 190,67 ha diện tích tự nhiên và 2.808 người của xã Đông Xuân, điều chỉnh 291,37 ha diện tích tự nhiên và 4.585 người của xã Đông Tiến (gồm toàn bộ 93,07 ha, 1.970 người của thôn Toàn Tân; 181,04 ha, 2.615 người của thôn Đại Đồng, 17,26 ha của thôn Triệu Xá 1), 31,05 ha diện tích tự nhiên và 50 người của xã Đông Anh (24,84 ha, 15 người của thôn 6 và 6,21 ha, 35 người của thôn 7) vào thị trấn Rừng Thông.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị trấn Rừng Thông có 603,16 ha diện tích tự nhiên và 10.878 người, gồm 12 khu phố: 1, 2, 3, 4, 5, 6, Cáo Thôn, Đại Đồng, Nhuệ Sâm, Phúc Hậu, Toàn Tân, Xuân Lưu.[2]

Ngày 17 tháng 8 năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3110/QĐ-UBND[10]. Theo đó:

  • Sáp nhập khu phố 1, khu phố 2 và một phần khu phố Cáo Thôn thành khu phố Thống Nhất
  • Sáp nhập khu phố 3 và một phần khu phố 4 thành khu phố Cao Sơn
  • Sáp nhập khu phố 5 và phần còn lại của khu phố 4 thành khu phố Phượng Lĩnh
  • Sáp nhập một phần khu phố Phúc Hậu và một phần khu phố Nhuệ Sâm vào khu phố Xuân Lưu
  • Sáp nhập phần còn lại của hai khu phố Phúc Hậu và Cáo Thôn thành khu phố Đông Xuân
  • Đổi tên khu phố Đại Đồng thành khu phố Hàm Hạ
  • Đổi tên khu phố 6 thành khu phố Nam Sơn.

Thị trấn Rừng Thông có 9 khu phố như hiện nay.

Di tích

  • Di chỉ Cồn Mả Gạch: Di chỉ khảo cổ học được phát hiện năm 1996, tại cồn Mả Gạch. Hiện vật nằm ở độ sâu 0,8 m so với mặt đất, gồm có tiền Ngũ Thù đựng trong một chiếc âu có niên đại Lục Triều (Trung Quốc), xung quanh có nhiều mảnh gốm Đông Sơn muộn và than tro, 1 ấm đồng 3 chân (đã thất lạc) và 1 thạp đồng gọi là thạp Đông Xuân. Di chỉ có niên đại thuộc thế kỷ V sau Công Nguyên.
  • Đình làng Xuân Lưu: thờ Thái bảo Thiệu Quận công Nguyễn Đình Thuần (thời Lê Trung Hưng.[11]
  • Đền thờ danh nhân Nguyễn Đình Thuần - trọng thần thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), từng đi sứ phương Bắc, chinh phạt phương Nam, văn võ ghi nhiều công lớn, được đặc phong Thượng tướng quân, phong tặng Thái tử thiếu phó, Hữu đô đốc Thiệu quận công. Ông được suy tôn là Phúc thần của 6 làng trong 2 tổng Tuyên Hóa và Quảng Chiếu, huyện Đông Sơn
  • Đình làng Phúc Hậu (thời Lê Trung Hưng): thờ ông Doãn Năng.[11]
  • Đình làng Nhuệ Sâm
  • Nghè làng Nhuệ Sâm
  • Núi Sơn Viện hay còn gọi là núi Phượng Lĩnh thuộc thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Núi Sơn Viện là một dãy núi đất lẫn đá, trên núi trồng thông nên còn gọi là Rừng Thông. Núi có độ cao trung bình 100 m, đỉnh cao 162 m so với mực nước biển. Khu vực rừng thông được coi là lá phổi xanh phía tây Thành phố Thanh Hóa.
  • Đài kỉ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng năm 1990, kỉ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với cán bộ chủ chốt, thân hào, thân sĩ trong tỉnh Thanh Hóa ngày 20/2/1947. Đây là di tích lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
  • Cụm di tích Hàm Hạ: đã được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, bao gồm: đình làng Hàm Hạ, nhà ông Lê Oanh Kiều (là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa)[12], nhà ông Phạm Văn Huống
  • Nghè Tòng Tân, thờ Chàng Hai, con Lê Ngọc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lê Ngọc, thời Tùy (thế kỉ thứ 7)[11]
  • Nhà thờ Công giáo ở khu phố Toàn Tân.
  • Kênh Nhà Lê: là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam từ kinh đô Hoa Lư đến Đèo Ngang và được xem là tuyến đường Hồ Chí Minh trên sông vì những đóng góp cho các cuộc chiến tranh của người Việt.

Chùa Yên Mã , Khu Phố Toàn Tân , Thị Trấn Rừng Thông

Danh nhân

  • Lê Thế Long: Bí thư tỉnh ủy đầu tiên của Thanh Hóa (làng Hàm Hạ, nay là khu phố Hàm Hạ)
  • Lê Huy Liệu: Giáo sư - Tiến sĩ y khoa, Cố giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (xóm Nghĩa hay còn gọi làng Phúc Long, nay thuộc khu phố Hàm Hạ).[13]

Kinh tế - xã hội

Thị trấn Rừng Thông có 2 trạm y tế cấp xã, có Bệnh viên Đa khoa huyện Đông Sơn, Trung tâm Y tế dự phòng.

Trên địa bàn thị trấn có 2 trường mầm non và 2 trường tiểu học, có trường THCS Nguyễn Chích, trường THPT Nguyễn Mộng Tuân, trường THPT Đông Sơn I, Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Giao thông

  • Quốc lộ 45 chạy qua 4 khối phố: 1, 3, 4, 5.
  • Quốc lộ 47 chạy qua khối 6.
  • Các tuyến xe buýt chạy qua: Sầm Sơn - Kiểu, Bờ Hồ - Mục Sơn, Bờ Hồ - Thị trấn Thọ Xuân.

Đây là địa phương có tuyến Đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 đi qua đang được xây dựng.

Xem thêm

Chú thích