Tòa án dị giáo Rôma

Tòa án dị giáo Rôma hay toà án dị giáo La Mã (tên chính thức là Suprema Congregatio Sanctae Romanae et Universalis Inquisitionis; tiếng Anh: Roman Inquisition) là một hệ thống tòa án do Tòa Thánh Rôma phát triển trong nửa sau của thế kỷ 16, với nhiệm vụ truy tố những người bị cáo buộc có tư tưởng giáo lý phi chính thống hoặc phạm tội liên quan tới giáo lý của Giáo hội Công giáo. Thể chế Tòa án dị giáo (pháp đình tôn giáo) ra đời vào cuối thế kỷ 12 với mục đích ban đầu là xét xử những người bị cho là dị giáo và bội giáo thuộc các phái Cathar và Vaudès.

Galileo trình diện Tòa án dị giáo La Mã, tranh của Cristiano Banti

Chức năng và hoạt động

Sở dĩ tòa án này được đặt tên là Inquisition (thẩm tra, thẩm vấn) vì những người bị truy cứu phải trải qua một quy trình thẩm vấn, trong quy trình này, quan tòa có vai trò quyết định, họ là người đích thân truy lùng những kẻ tình nghi và có quyền triệu tập toàn bộ dân cư một ngôi làng. Họ có thể áp dụng nhiều cách thức để lấy lời khai của kẻ tình nghi kể cả là dùng nhục hình. Tòa án này sau đó dần xét xử cả những người bị cáo buộc các tội danh như phù thủy, bói toán, ma thuật, vô luân và phạm thượng. Những người bị kết tội sau đó sẽ được chuyển sang cho chính quyền dân sự thi hành án. Hai hình phạt nặng nhất là tù chung thân kèm với tịch thu toàn bộ gia sản, và thường xuyên hơn là đưa lên giàn hỏa thiêu. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng các hình phạt thường mang tính kỉ luật hơn là trừng trị nhưng các bằng chứng tại Bảo tàng tra tấn ở San Marino và những sự kiện lịch sử được ghi chép lại chứng minh điều trái ngược[1]

Mô tả một buổi thi hành án, Anneken Hendriks tranh của Janluyken

Liên quan

Xuất hiện sau thời kỳ Pháp đình tôn giáo Trung cổ, Pháp đình tôn giáo Rôma là một trong ba Pháp đình tôn giáo chính cùng với Pháp đình tôn giáo Tây Ban Nha và Pháp đình tôn giáo Bồ Đào Nha. Tòa án dị giáo ở các nơi này nổi tiếng là ăn hối lộ, nhất ở là Tây Ban Nha, nơi mà quan tòa Torquenada (1485 - 1494) từng làm mưa làm gió khiến ngay cả đức Giáo hoàng Siste IV cũng phải lên tiếng phản đối[2].

Tham khảo