Tứ niệm xứ

Tứ Niệm Xứ (Pali; Skt: smṛtyupasthāna) là một thuật ngữ Phật giáo quan trọng, có nghĩa là sự thiết lập, xây dựng chánh niệm tỉnh giác hay chánh niệm hiện tiền, hoặc cũng có thể hiểu là các nền tảng của chánh niệm. Phương pháp này nhằm giúp cho hành giả đạt đến sự giác ngộ viên mãn và tâm tỉnh thức. Trong truyền thống Phật giáo, đặc biệt là trong Phật giáo Nguyên Thủy (Thevarada), việc thực hành thiền quán tập trung 4 đối tượng: Thân (sa, pi. kāya) hay còn hiểu là cơ thể, Thọ (sa, pi. vedanā) hay còn hiểu là cảm giác, Tâm (sa, pi. citta) và Pháp (sa, pi, sadhammās) tức là các nguyên tắc hay phạm trù chính trong giáo lý của Đức Phật; mà được cho là giúp loại bỏ năm triền cái và phát triển Thất Giác Chi.

Bản chuyển ngữ của
Tứ niệm xứ
Tiếng Phạnस्मृत्युपस्थान (smṛtyupasthāna)
Tiếng Paliसतिपट्ठान (satipaṭṭhāna)
Tiếng Trung Quốc念處
Tiếng Nhật念処 (nenjo)
Tiếng Khmerសតិបដ្ឋាន
(Satepadthan)
Thuật ngữ Phật Giáo

Có lẽ, kinh Tứ Niệm Xứ (Đại Niệm Xứ, Satipatthana) là văn bản về thực hành Thiền có ảnh hưởng nhất trong Phật giáo Thevarada hiện đại, và các phong trào Thiền Vipassana cũng dựa trên cơ sở lời dạy trong kinh điển này. Giáo lý về Tứ Niệm Xứ có thể tìm thấy ở trong tất cả các truyền thống Phật giáo, tuy nhiên Phật giáo Thevarada hiện đại và phong trào Thiền vipassanā được biết đến rộng rãi qua việc thúc đẩy việc thực hành Tứ Niệm Xứ để phát triển Chính niệm tỉnh giác mà thông qua đó hành giả sẽ đạt được cái nhìn sâu sắc về vô thường và chứng được Sơ quả trong Tứ Thánh Quả .

Đây là một trong những phương pháp tu tập quan trọng mà Đức Phật đã nhấn mạnh, được thể hiện rất rõ qua Kinh Trường Bộ, Kinh Trung BộKinh Tương Ưng Bộ.[1]

Phương pháp

Phương pháp quán chiếu này được nói rõ trong Kinh Đại Niệm Xứ (pi. Mahāsatipaṭṭhāna-sutta)[2][3] và Đức Phật từng nói rằng, pháp này có thể đưa đến Niết-bàn.[4]

Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn niệm xứ.Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.

— Đức Phật, từ kinh Trường Bộ: Kinh số 22: Kinh Đại Niệm Xứ[5]


Ngày nay tại phương Tây, phép quán bốn niệm xứ được phổ biến rộng, trong đó hành giả ngồi (Toạ thiền) hay áp dụng phép quán này trong các hoạt động hàng ngày.[1][6]

  • Quán Thân bao gồm sự tỉnh giác trong hơi thở, thở ra, thở vào [6](pi. ānāpānasati), cũng như tỉnh giác trong bốn dạng cơ bản của thân (đi, đứng, nằm, ngồi). Tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân thể, quán sát 32 phần thân thể, quán sát yếu tố tạo thành thân cũng như quán tử thi.
  • Quán Thọ là nhận biết rõ những cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm, biết chúng là dễ chịu (lạc thọ), khó chịu (khổ thọ) hay trung tính (bất khổ bất lạc thọ), nhận biết chúng là thế gian hay xuất thế, biết tính vô thường của chúng.
  • Quán Tâm là chú ý đến các tâm pháp (ý nghĩ) đang hiện hành, biết nó là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si (Tâm sở), biết rõ tâm đang thâu nhiếp hay tán loạn, tâm quảng đại hay không quảng đại, tâm hữu hạn hay không hữu hạn, tâm vô thượng hay không vô thượng, tâm định hay không định, tâm giải thoát hay không giải thoát.
  • Quán Pháp là biết rõ mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, đều Vô ngã, biết rõ Năm Triền Cái có hiện hành hay không, biết rõ con người chỉ là Ngũ uẩn đang hoạt động, biết rõ gốc hiện hành của các pháp và hiểu rõ Tứ diệu đế.

Trong Đại thừa, các phép niệm xứ được hiểu là quán thân, thụ, tâm, pháp; bốn thứ đều là dạng của tính Không.

Một số trích đoạn từ kinh điển hệ Pali

Dưới đây là một vài bản trích dẫn từ nhiều Kinh khác nhau trong Kinh tạng hệ Pali, điển hình là Kinh Trung Bộ và Kinh Tương Ưng Bộ.

  • Trích từ Kinh Tương Ưng Bộ, Tập V - Thiên Đại Phẩm, [47] Chương 3: Tương Ưng Niệm Xứ (a) [4]

I. Phẩm Ambapàli

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại rừng Ambapàli.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". "Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3) -- Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

4) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời... trú, quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm... trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác... trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

5) Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Con đường ấy tức là bốn niệm xứ.

6) Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn nói.

  • Trích từ Kinh Trung Bộ, Tập I- Kinh số 10 - Kinh Niệm Xứ (a) [2]

(Quán thọ)

Này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ?

Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo

khi cảm giác lạc thọ, tuệ tri: "Tôi cảm giác lạc thọ"; khi cảm giác khổ thọ, tuệ tri: "Tôi cảm giác khổ thọ"; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, tuệ tri: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ".

Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất"; hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất".

Hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất"; hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất".

Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất"; hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất, tuệ tri: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất".

Như vậy, vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội thọ, ngoại thọ. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các thọ, hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. "Có thọ đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ.

Tóm tắt về các pháp được quán trong Tứ Niệm Xứ

Dưới đây là các bảng tóm tắt về tất cả các hiện tượng và cách tuệ tri theo từng hiện tượng được ghi chép trong kinh điển Pali và được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch sang Tiếng Việt.

  • Trích từ trong Kinh Trường Bộ: Tập II- Kinh số 22 - Kinh Đại Niệm Xứ.[5]
  • Trích từ trong Maha-satipatthana Sutta: The Great Frames of Reference bởi Tỷ-Kheo Thanissaro bản Tiếng Anh.[3]
1. Quán thân
Hiện tượngTuệ tri (biết rằng)
1. Thở vô dàiBiết thở vô dài (không có tôi)
2. Thở ra dàiBiết thở ra dài (không có cái tôi)
3. Thở vô ngắnBiết thở vô ngắn (không có cái tôi)
4. Thở ra ngắnBiết thở ra ngắn (không có cái tôi)
5. "Cảm giác toàn thân, sẽ thở vô" - vị ấy tập
6. "Cảm giác toàn thân, sẽ thở ra" - vị ấy tập
7. "An tịnh thân hành, sẽ thở vô" - vị ấy tập
8. "An tịnh thân hành, sẽ thở ra" - vị ấy tập
9. ĐiBiết đi (chú ý không có cái tôi)
10. ĐứngBiết đứng (chú ý không có cái tôi)
11. NgồiBiết ngồi (chú ý không có cái tôi)
12. NằmBiết nằm (chú ý không có cái tôi)
13. Khi bước tới, bước lui, biết rõ việc mình đang làm
14. Khi ngó tới, ngó lui, biết rõ việc mình đang làm
15. Khi co tay khi duỗi tay biết rõ việc mình đang làm
16. Khi mang áo Sanghàti (Tăng-già-lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm
17. Khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm
18. Khi đi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm
19. Quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệtTrong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu
20. Quán sát thân này về vị trí các giới và sự sắp đặt các giới (giới ở đây nghĩa là các tính chất/ các yếu tố)Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại. (Địa đại: tính chất của đất; Thủy đại: tính chất của nước; Hỏa đại: tính chất của lửa; Phong đại: tính chất của gió.)
21. Như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối raThân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy
22. Như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn; hay bị các loài chó ăn; hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ănThân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy
23. Như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa;
  • với các xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cốt lại;
  • với các xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại;
  • với các xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại;
  • chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia: ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu,...
Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy
24. Như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc... chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm... chỉ còn là xương thối trở thành bộtThân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy
2. Quán thọ
Hiện tượngTuệ tri (biết rằng)
1. Khi cảm giác lạc thọ (dễ chịu)Tôi cảm giác lạc thọ
2. Khi cảm giác khổ thọ (khó chịu)Tôi cảm giác khổ thọ
3. Khi cảm giác bất khổ, bất lạc thọ (trung tính)Tôi cảm giác bất khổ - bất lạc thọ
4. Khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chấtTôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất
5. Khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chấtTôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất
6. Khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chấtTôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất
7. Khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chấtTôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất
8. Khi cảm giác bất khổ, bất lạc thọ thuộc vật chấtTôi cảm giác bất khổ, bất lạc thọ thuộc vật chất
9. Khi cảm giác bất khổ, bất lạc thọ không thuộc vật chấtTôi cảm giác bất khổ, bất lạc thọ không thuộc vật chất
3. Quán tâm
Hiện tượngTuệ tri (biết rằng)
1. Với tâm có thamTâm có tham
2. Với tâm không thamTâm không tham
3. Với tâm có sânTâm có sân
4. Với tâm không sânTâm không sân
5. Với tâm có siTâm có si
6. Với tâm không siTâm không si
7. Với tâm thâu nhiếpTâm được thâu nhiếp
8. Với tâm tán loạnTâm bị tán loạn
9. Với tâm quảng đạiTâm được quảng đại
10. Với tâm không quảng đạiTâm không được quảng đại
11. Với tâm hữu hạnTâm hữu hạn
12. Với tâm vô thượngTâm vô thượng
13. Với tâm có địnhTâm có định
14. Với tâm không địnhTâm không định
15. Với tâm giải thoátTâm có giải thoát
16. Với tâm không giải thoátTâm không giải thoát
4. Quán pháp
Quán pháp đối vớiHiện tượngTuệ tri (biết rằng)
1. Năm triền cáiTham dục (tính dục và tình yêu nam nữ)1. Nội tâm có tham dụcNội tâm tôi có tham dục
2. Nội tâm không có tham dụcNội tâm tôi không có tham dục
3. Với tham dục chưa sanh nay sanh khởi - vị ấy tuệ tri như vậy
4. Với tham dục đã sanh nay được đoạn diệt - vị ấy tuệ tri như vậy
5. Với tham dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa - vị ấy tuệ tri như vậy
Sân hận (giận dữ, hận thù)1. Nội tâm có sân hậnNội tâm tôi có sân hận
2. Nội tâm không có sân hậnNội tâm tôi không có sân hận
3. Với sân hận chưa sanh, nay sanh khởi - vị ấy tuệ tri như vậy
4. Với sân hận đã sanh, nay được đoạn diệt - vị ấy tuệ tri như vậy
5. Với sân hận đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa - vị ấy tuệ tri như vậy
Hôn trầm (bần thần, mệt mỏi)

Thụy miên (buồn ngủ, ngủ gật)

1. Nội tâm có hôn trầm, thụy miênNội tâm tôi có hôn trầm, thụy miên
2. Nội tâm không có hôn trầm, thụy miênNội tâm tôi không có hôn trầm, thụy miên
3. Với hôn trầm, thụy miên chưa sanh, nay sanh khởi - vị ấy tuệ tri như vậy
4. Với hôn trầm, thụy miên đã sanh, nay được đoạn diệt - vị ấy tuệ tri như vậy
5. Với hôn trầm, thụy miên đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa - vị ấy tuệ tri như vậy
Trạo hối - từ ghép của 2 từ:
  • Trạo cử (lăn xăn, dao động của thân)
  • Hối hận (nuối tiếc, dao động của tâm)
1. Nội tâm có trạo hốiNội tâm tôi có trạo hối
2. Nội tâm không có trạo hốiNội tâm tôi không có trạo hối
3. Với trạo hối chưa sanh, nay sanh khởi - vị ấy tuệ tri như vậy
4. Với trạo hối đã sanh, nay được đoạn diệt - vị ấy tuệ tri như vậy
5. Với trạo hối đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa - vị ấy tuệ tri như vậy
Hoài nghi (do dự, thiếu dứt khoát, chần chừ)1. Nội tâm có nghiNội tâm tôi có nghi
2. Nội tâm không có nghiNội tâm không có nghi
3. Với nghi chưa sanh, nay sanh khởi - vị ấy tuệ tri như vậy
4. Với nghi đã sanh, nay được đoạn diệt - vị ấy tuệ tri như vậy
5. Với nghi đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa - vị ấy tuệ tri như vậy
2. Năm thủ uẩn1. Đây là sắc, đây là sắc sanh, đây là sắc diệt - vị ấy tuệ tri như vậy
2. Đây là thọ, đây là thọ sanh, đây là thọ diệt - vị ấy tuệ tri như vậy
3. Đây là tưởng, đây là tưởng sanh, đây là tưởng diệt - vị ấy tuệ tri như vậy
4. Đây là hành, đây là hành sanh, đây là hành diệt - vị ấy tuệ tri như vậy
5. Đây là thức, đây là thức sanh, đây là thức diệt - vị ấy tuệ tri như vậy
3. Sáu nội ngoại xứ1. Tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi - vị ấy tuệ tri như vậy

2. Tuệ tri tai và tuệ tri các tiếng, ....

3. Tuệ tri mũi và tuệ tri các hương, ...

4. Tuệ tri lưỡi và tuệ tri các vị, ...

5. Tuệ tri thân và tuệ tri các xúc, ...

6. Tuệ tri ý và tuệ tri các pháp, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi - vị ấy tuệ tri như vậy

  • với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy;
  • và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy;
  • và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy
4. Bảy Giác chiNiệm Giác chi1. Nội tâm có Niệm Giác chiNội tâm tôi có Niệm Giác chi
2. Nội tâm không có Niệm Giác chiNội tâm tôi không có Niệm Giác chi
3. Với Niệm Giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy
4. Với Niệm Giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy
Trạch pháp Giác chi(tương tự như Niệm Giác chi)
Tinh tấn Giác chi
Hỷ Giác chi
Khinh an Giác chi
Định Giác chi
Xả Giác chi
5. Bốn sự thật1. Như thật tuệ tri: "Đây là khổ"
2. Như thật tuệ tri: "Đây là khổ tập"
3. Như thật tuệ tri: "Đây là khổ diệt"
4. Như thật tuệ tri: "Đây là con đường đưa đến khổ diệt"

Nguồn tham khảo

Đọc thêm

Liên kết ngoài

  • Kinh điển Pali bản dịch Việt [1]
  • Hướng dẫn đọc kinh điển Pali [2]
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán