Từ (thể loại văn học)

thể loại văn học

Từ (giản thể: ; phồn thể: ; bính âm: ; Wade–Giles: tz'ŭ, đôi khi cũng được viết là 辭 hay 辞) là một thể loại văn học, hình thành vào đời Đường, và phát triển mạnh vào đời TốngTrung Quốc.

Nguồn gốc

Từ vốn bắt nguồn từ dân gian. Sự phát hiện từ ở Đôn Hoàng (Cam Túc) đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, từ phát triển theo sự phồn vinh của kinh tế thành thị ở đời Đường, cùng sự phát đạt của âm nhạc (nhạc nước Yên) thời bấy giờ [1].

Ở thời kỳ đầu, từ là một loại thơ (nhưng khác với thơ ở chỗ nó có quan hệ với âm nhạc), phải đến thời Vãn Đường, từ mới thành một thể độc lập mang đầy đủ những đặc điểm của chúng [2], và phát triển mạnh ở đời Tống.

Đặc điểm

Từ có số chữ trong bài cố định, câu dài ngắn, và phối hợp chặt chẽ với âm nhạc. Song, nó khác nhạc phủ ở chỗ "cách luật nghiêm nhặt", khác Đường luật ở chỗ "câu dài ngắn", khác thơ cổ phong ở chỗ "cách luật nghiêm nhặt và số chữ cố định".

Đời Tống có khoảng 870 điệu từ với những biến thể của chúng. Tên điệu từ thoạt đầu chính là đề tài của tác phẩm, như Dương liễu chi để vịnh liễu, Lăng đạo sa để vịnh cát, Đạp ca từ để tả điệu múa...song về sau chỉ còn là tên gọi đơn thuần.

Mỗi điệu từ có một từ phổ. Điệu ngắn nhất là Trúc chi từ (14 chữ), dài nhất là Oanh đề tự (240 chữ). Những điệu tương đối dài, thường chia làm hai đoạn, công thức có thể giống nhau hoặc hoàn toàn khác nhau. Số chữ trong câu có thể dài trên mười chữ, cũng có thể chỉ là một chữ.

Luật bằng trắc của từ rất chặt chẽ, nhìn chung không có lệ "bất luận" như ở thơ Đường luật.

Một bài có thể dùng nhiều vần. Vần có trắc hoặc bằng, hoặc cả hai (xen kẽ); song chủ yếu gieo vần bằng ở trong điệu Cán khê sa, Lãng đào sa, Nhất tiễn mai...và chủ yếu gieo vần trắc ở Ức tần nga, Như mộng lệnh, Nguyễn lang quy...

Trình tự gieo vần ở từ cũng rất đa dạng, có thể là vần liền, vần gián cách, vần ôm...Thí dụ như:

  • aa bb cc dd ở trong điệu Chiêu Quân oán, Bồ tát man
  • abba ở trong điệu Tây giang nguyệt
  • ababbb ở trong điệu Sa song hận
  • aa bbb ccc ở trong điệu Điều tiếu lệnh...[3]

Đề tài của từ

Số đông người làm từ (từ nhân hay từ gia) ở Trung Quốc, từ Ôn Đình Quân (813?-870?), Vi Trang (khoảng 836-910) thuộc phái "Hoa gian" (Trong hoa); đến Chu Bang Ngạn (1056-1121), Lý Thanh Chiếu (1084-khoảng 1151) thuộc phái "Cách luật", phái "Uyển ước" đều quá chú trọng đến việc trau chuốt kỹ xảo cho từ, và chỉ dùng từ thể hiện những vấn đề cá nhân, cho nên vấn đề đời sống xã hội ở trong từ của họ rất hạn chế.

Mãi đến thời Bắc Tống, phái "Hào phóng" (tiêu biểu là Tô Thức) và những nhà yêu nước thời Nam Tống (tiêu biểu là Tân Khí Tật) mới mở rộng đề tài của từ, khiến cho từ phản ánh cuộc sống rộng, và có khả năng biểu hiện tư tưởng, tình cảm, cá tính của tác giả rõ rệt hơn [4].

Thời đại hoàng kim của từ

Đời Tống là hoàng kim thời đại của từ, vì từ vua chúa đến người dân, nhiều người rất thích thể ấy, vì nó ca được và không bị niêm luật câu thúc như thơ, lại dễ biểu tình, đạt ý hơn thơ. Xét về hình thức, có hai lối từ: "tiểu từ" (ngắn) và "mạn từ" (dài).

  • Từ thời Bắc Tống (911-1125), có thể chia làm bốn thời kỳ:
-Mới đầu, từ chịu ảnh hưởng văn phong của thời Ngũ Đại Thập Quốc, nên diễm lệ, tình tứ và ngắn ("tiểu từ"). Hai từ nhân nổi danh nhất là Án Thù và Âu Dương Tu.
-Trong thời kỳ thứ nhì, xuất hiện lối "mạn từ", nhưng vẫn là những lời diễm lệ để tả những tình thương nhớ, sầu tủi. Ở đây, có thể kể đến Liễu Vĩnh, Trương Tiên, Tần Quan, Chu Bang Nhan.
-Kế tiếp, Tô Thức, Hoàng Đình Kiên...chủ trương bỏ niêm luật, không cần theo âm nhạc, chỉ cần lời được hào hùng.
-Sau, vì thể trên phóng túng quá, khó ca quá, nên Tống Huy Tông, Lý Thanh Chiếu...lại bắt lời từ phải theo âm nhạc.
-Phái Bạch thoại chủ trương lời bình dị mà tư tưởng cao khiết. Đại biểu của phái này là Tân Khí Tật, Lục Du...
-Phái Nhạc phủ chỉ chú trọng đến âm nhạc mà bỏ phần nội dung. Từ gia trong phái ấy có Trương Viêm, Chu Mật,...

Tóm lại, từ do âm nhạc mà sinh, cực thịnh trong đời Tống; rồi cũng vì quá chú trọng đến âm nhạc mà suy lần [5].

Ảnh hưởng của từ ở Việt Nam

Bài từ sớm nhất hiện còn ở Việt Nam là bài "Vương lang quy" (Chàng Vương trở về) của thiền sư Khuông Việt (Ngô Chân Lưu), bắt nguồn từ điệu Nguyễn lang quy của Trung Quốc.

Song so với thơ Đường luật, do quy luật phát triển của thể loại văn học trong lịch sử dân tộc Việt, từ ít được sử dụng hơn rất nhiều. Chỉ có một số ít nhà thơ cổ điển Việt Nam, như Nguyễn Húc, Miên Thẩm, Đào Tấn, Phạm Thái...là có làm từ bằng chữ Hán, hoặc họ đã tiếp thu cấu trúc và âm nhạc của từ để đổi mới thơ Nôm [6]

Giới thiệu hai bài từ

Để minh họa cho bài viết

Phiên âm Hán-Việt:
Giai nhân (theo điệu Tây giang nguyệt) của Tư Mã Quang
Bảo kế tùng tùng vãn tựu,
Duyên hoa đạm đạm trang thành.
Hồng yên thuý vụ trạo khinh doanh,
Phi nhứ du ty vô định.
Tương kiến tranh như bất kiến,
Hữu tình hoàn tự vô tình.
Sinh ca tán hậu tửu vi tỉnh,
Thâm viện nguyệt minh nhân tĩnh.
Tạm dịch:
Người đẹp
Búi tóc buông lơi mới kết,
Phấn thơm man mác tân trang.
Khói hồng sương biếc nhẹ chèo loang,
Tơ liễu bay đi vô định.
Gặp gỡ thà rằng chẳng gặp,
Hữu tình rồi cũng vô tình.
Người say tỉnh rượu bặt ca sênh,
Viện thẳm bên trăng u tịch.
Phiên âm Hán-Việt:
Vương lang quy (theo điệu Nguyễn lang quy) của Khuông Việt
Tường quang, phong hảo, cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương
Thiên trùng vạn lý thiệp thương lang
Cửu thiên quy lộ trường
Nhân tình thảm thiết đối li trường
Phan luyến tinh tinh lang
Nguyện tương thâm ý vị Nam cương
Phân minh báo ngã hoàng
Tạm dịch:
Chàng Vương trở về
Trời lành gió thuận, gấm buồm dương
Thần tiên về để hương
Muôn trùng vạn dặm biển mênh mang
Trời xanh xa dặm trường
Tình ray rứt chén lên đường
Bịn rịn sứ tinh lang
Nguyện đem thâm ý vì Nam bang
Phân minh tâu Thượng hoàng

Sách tham khảo

  • Nguyễn Khắc Phi, mục từ "từ" in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc biên soạn, Lịch sử văn học Trung Quốc (Tập II), Bản dịch do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
  • Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học Trung Quốc. Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
  • Nhiều người dịch, Thơ Tống (Trương Chính giới thiệu, Nam Trân duyệt thơ). Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1991.

Chú thích